Ashui.com

Saturday
Sep 07th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Khối tư nhân là hy vọng về giải pháp giải quyết ô nhiễm khí hậu

Khối tư nhân là hy vọng về giải pháp giải quyết ô nhiễm khí hậu

Viết email In

Để giải quyết thực trạng ô nhiễm khí hậu, cụ thể là ô nhiễm không khí tại Hà Nội hay TPHCM như hiện nay, nỗ lực của Chính phủ là chưa đủ mà cần có sự chung tay của khối doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng. Trong đó, Chính phủ phải khuyến khích tư nhấn có các sáng kiến và đổi mới công nghệ bảo vệ môi trường, bởi đây là khu vực có nhiều tiềm năng tri thức và sáng tạo chưa được khai phá hết.


Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội với lớp bụi mịn hình thành dày đặc như sương mù. (Ảnh: VTV)

Công, tư cùng tìm giải pháp

Là một cố vấn cao cấp về Biến đổi khí hậu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại trụ sở chính ở Tokyo, tiến sĩ Kawanishi Masato đã có nhiều cơ hội đến các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Qua những lần đến và đi như vậy, ông đã quan sát thấy các thay đổi lớn và nhỏ, có tác động tích cực và tiêu cực xảy ra cho thành phố này. Và biến đổi khí hậu hay suy thoái môi trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà Hà Nội nói riêng, và nhiều thành phố khác trên thế giới nói chung, đang phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế.

Trong nhiều tháng qua, Hà Nội và TPHCM, không mấy vinh dự khi lọt vào nhóm (Top) các thành phố có chất lượng không khí ở mức nguy hiểm nhất thế giới, theo ứng dụng đo lường chất lượng không khí AirVisual. Tại nhiều thời điểm quan trắc, chỉ số đo lường chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội vượt ngưỡng 200 – tương đương ô nhiễm không khí ở mức độ nguy hiểm, với khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 gây ô nhiễm bầu không khí đã đi theo quỹ đạo từ các nhà máy tại các khu công nghiệp ở các tỉnh thành phố gần thủ đô, bao gồm Quảng Ninh và Hải Phòng với các nhà máy nhiệt điện than và xi măng. Nhiệt điện than được cho là nguồn ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, còn có khí thải từ khối lượng phương tiện giao thông dày đặc lưu thông trên đường phố cùng với khói bụi từ các công trường xây dựng trong lòng thành phố cũng là những yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội.

Theo ông Kawanishi, để khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí nói riêng và suy thoái môi trường nói chung, lấy kinh nghiệm từ thực tế Nhật Bản đã trải qua trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ cần nhiều hơn các nỗ lực từ chính phủ, với các nghị định và pháp lệnh đặt mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Với mỗi quốc gia, việc tạo thế cân bằng cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường rất quan trọng. Quan trọng hơn là mỗi quốc gia có sự sáng tạo hay đổi mới trong việc tìm ra các giải pháp bảo vệ môi trường. Và nguồn gốc của sự sáng tạo hay đổi mới đó thường đến từ khối tư nhân”, ông Kawanishi chia sẻ với TBKTSG Online bên lề buổi hội thảo tổng kết 5 năm JICA hỗ trợ Việt Nam lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với diều kiện quốc gia (dự án SPI-NAMA) được tổ chức tại Hà Nội ngày 9-1.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ tương tác nhiều hơn với khối tư nhân để khuyến khich việc tìm ra các giải pháp sáng tạo tối ưu nhất trong việc bảo vệ môi trường tại quốc gia của các bạn.”

Trên thực tế, bản thân Nhật Bản cũng là một quốc gia dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu khi hứng chịu nhiều thảm họa tự nhiên như sóng thần, động đất và nền nhiệt trong các năm qua. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Kawanishi, Nhật Bản đã khá thành công trong việc tìm kiếm sự tư vấn từ khối tư nhân trong các giải pháp bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Khối tư nhân là một phần của các chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Nhật Bản. Đúng là chúng tôi có các chính sách và các công cụ pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng bản thân các công cụ pháp luật cũng khuyến khích chính phủ tương tác với khối tư nhân nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nhất.”

Phát triển kinh tế không cần hy sinh về môi trường

Theo một báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020 của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế trong năm 2019 và vấn đề này sẽ tiếp tục kéo sang năm 2020.

VISecurities nhận định do nhu cầu phát triển kinh tế lớn, nguồn điện thiếu hụt dẫn đến nhiều nhà máy điện than được đầu tư thiếu quy hoạch, và điều này góp phần gia tăng ô nhiễm. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều rủi ro rơi vào bẫy nhập khẩu công nghệ lạc hậu, dẫn đến hậu quả làm gia tăng thêm thực trạng ô nhiễm môi trường. Như vậy, phát triển kinh tế trong những năm tới tại Việt Nam sẽ hướng nhiều hơn tới vấn đề môi trường.

Chứng kiến những tổn thương do phát triển kinh tế thần tốc mang lại cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác, đánh đổi bởi các vấn nạn về ô nhiễm môi trường, ông Kawanishi cho rằng hiện Việt Nam đã bắt tay vào khắc phục vấn đề này, đặt mục tiêu tìm ra các giải pháp toàn diện nhất để phát triển xanh và bền vững trong tương lai. Việt Nam, bên cạnh đó, cũng cam kết mạnh mẽ góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu dưới 2 độ C.

Trong khuôn khổ của dự án SPI NAMA, Việt Nam được hỗ trợ để hướng tới đạt mục tiêu giảm phát thải nhà kính vào năm 2030 (giảm 8% với nỗ lực quốc gia và 25% khi có hỗ trợ quốc tế).

Ông Jun Ichihara, Cố vấn trưởng của dự án SPI NAMA, cho biết, dự án đã giúp nâng cao năng lực của chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan trong quản lý, điều phối việc lập kế hoach và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Cùng với đó dự án cũng cung cấp các kinh nghiệm và bài học giúp chính phủ Việt Nam củng cố khung pháp lý đảm bảo sự chuyển hướng mô hình trong tương lai hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.

Cụ thể, trong quá trình hợp tác, dự án đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định quy định về Lộ trình và Phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), cũng như thực hiện Đánh giá công nghệ các-bon thấp cho các phương thức giảm nhẹ của hành động đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), được chính phủ Việt Nam cam kết theo Thỏa thuận Paris.

Ở cấp địa phương, TPHCM và JICA đã nỗ lực chuẩn bị để cập nhật Kế hoạch Hành động Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (CCAP) của thành phố cho giai đoạn sau năm 2020.

Các chuyên gia Nhật Bản đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Sở Tài nguyên và Mội trường TPHCM về phương pháp sử dụng Mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM), để cụ thể hóa xu hướng phát thải trong tương lai tại thành phố này và xác định các chỉ tiêu giảm thiểu vào năm 2030. Dựa trên kết quả mô phỏng của mô hình, TPHCM có thể thiết lập ưu tiên các hành động giảm thiểu dự kiến trong kế hoạch hành động mới.

Kết quả mô phỏng theo mô hình AIM cho thấy lượng phát thải KNK tại TPHCM vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016 nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiêu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải này vào năm 2030.

Trong khuôn khổ hoạt động thí điểm, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà ở TPHCM và đề xuất một hệ thống báo cáo các-bon giống như hệ thống đã được chính quyền thành phố Tokyo áp dụng.

Hệ thống này đã giúp Tokyo giảm 16% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012. Hệ thống cung cấp thông tin về hiệu quả tiết kiệm điện năng nhờ áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tại các tòa nhà; bên cạnh đó, việc xếp hạng hiệu quả sử dụng năng lượng của Chính quyền Tokyo cũng là động lực thúc đẩy chủ các tòa nhà đầu tư vào các biện pháp tăng cường hiệu quả năng lượng.

“Việt Nam, với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris. Những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam và Tp.HCM chắc chắn sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy cả chính quyền trung ương và địa phương đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội các-bon thấp và tiến tới xã hội không phát thải các-bon, góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững”, ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA, cho biết.

Trang Nguyễn

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo