Ashui.com

Tuesday
Oct 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Biến đổi khí hậu đã cận kề

Biến đổi khí hậu đã cận kề

Viết email In

Lâu nay mỗi khi nói đến hiện tượng biến đổi khí hậu chúng ta thường nghĩ đến chuyện lâu dài dăm ba chục năm khi băng tan làm nước biển dâng, gây ngập úng ở những vùng ven biển. Ở Việt Nam, chúng ta thường nghĩ đến khả năng nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trong nước biển.

Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, thế giới chứng kiến những thảm họa rất hiện hữu trên diện rộng, có thể là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Mùa đông vừa qua, châu Âu và Bắc Mỹ có nhiều thời điểm chìm trong băng giá, nhiệt độ giảm thấp hơn nhiều so với nhiệt độ bình quân của những năm trước. Mùa hè năm nay, nhiều vùng trên thế giới gánh chịu nhiều đợt sóng nhiệt gây ra hàng ngàn cái chết khắp nơi. Không nói đâu xa, chưa bao giờ thời tiết ở nước ta trở nên khắc nghiệt như thời gian vừa qua. Nóng gay gắt kéo dài, hạn hán chưa qua, mưa lũ lại gây ngập lụt, sạt lở khắp cả nước.


Tỉnh Kiên Giang từng tiến hành đắp đập tạm bằng cừ thép Larsen IV tại đầu đê bao Đồng Hòa (Kênh 6) kênh Rạch Giá – Hà Tiên để ngăn mặn, giữ ngọt mùa khô năm 2018.

Trước sự biến chuyển đột ngột này, nhiều thành phố (tính đến cuối tháng 7-2019 đã có hơn 822 nơi) tuyên bố tình trạng khẩn cấp để tạo điều kiện áp dụng các chính sách mới nhằm giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Điểm mới ở đây là không đợi ở quy mô quốc gia do còn nhiều khác biệt, các thành phố đã chủ động tự mình giải quyết ở mức độ địa phương. Trước mắt nhờ đó, các thành phố đã đặt ra những quy chuẩn mới trong phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng, thoát nước... Tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng giúp nâng cao ý thức của người dân và tạo áp lực thúc đẩy các nước ngồi lại với nhau để bàn biện pháp cứu trái đất trước khi quá muộn.

Thiết nghĩ đến lúc chúng ta phải xem lại các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu biên soạn cách đây nhiều năm, nay xem ra đã lạc hậu so với tình hình. Bên cạnh đó, cần rà soát mọi chính sách, mọi kế hoạch phát triển dưới góc nhìn chịu tác động của biến đổi khí hậu. Lấy ví dụ, chuyện quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu hay khu kinh tế đâu cấp bách bằng việc điều chỉnh quy hoạch hạ tầng, lấy tình trạng ngập nặng vừa qua làm bài học kinh nghiệm để nhanh chóng bổ sung các dự án thoát nước cho Phú Quốc. Cho dù tình trạng ngập lụt Phú Quốc chủ yếu do con người gây ra đi nữa, mưa lớn kỷ lục sẽ làm mọi chuyện tồi tệ hơn nếu không có biện pháp đối phó kịp thời.

Bên cạnh thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng mạnh lên nông nghiệp toàn cầu. Liên hiệp quốc vừa có một báo cáo, cảnh báo tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, thực phẩm sẽ đắt đỏ hơn, ít dinh dưỡng hơn, làm người nghèo càng dễ bị tổn thương hơn. Thế mạnh của nước ta là nông nghiệp nhưng biến đổi khí hậu đang tạo ra những thay đổi to lớn trong tập quán canh tác nuôi trồng. Ở đây, nguồn lực của Nhà nước với đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp rất cần thiết để hỗ trợ nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu, biến các thách thức thành cơ hội mới cho nông dân thoát nghèo.

Các chiến dịch như không dùng đồ nhựa sử dụng một lần là cần thiết nhưng chưa đủ. Biến đổi khí hậu đòi hỏi một tầm nhìn bao quát để điều chỉnh chính sách, chủ trương nhằm tìm cách tổ chức cuộc sống thích ứng với sự khắc nghiệt chắc chắn còn kéo dài của thiên nhiên. Chúng ta thường nói, đừng để nước đến chân mới nhảy nhưng giờ nước đã thật sự đến chân mọi người.

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo