Ashui.com

Thursday
Oct 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Sức nóng của "quả bom khí hậu"

Sức nóng của "quả bom khí hậu"

Viết email In

Thế giới trải qua một tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm; châu Âu đang vật lộn với mùa Hè nóng nhất trong lịch sử; Gần 200 triệu người Mỹ đối mặt với đợt nắng “thiêu đốt”..., đó không còn là những lời cảnh báo mà đang thực sự diễn ra trên Trái Đất năm 2019.

Suốt 1 tháng nay, nắng nóng đỉnh điểm với những mốc nhiệt liên tục phá kỷ lục đã trở thành câu chuyện toàn cầu, không phân biệt đó là khu vực nhiệt đới hay hàn đới, nước giàu hay nước nghèo... Sức nóng của “quả bom” biến đổi khí hậu đã lan tới mọi ngóc ngách, gây hậu quả tàn khốc đối với nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thế giới.


Người dân giải nhiệt tránh nóng tại một đài phun nước ở Berlin, Đức ngày 25/7/2019. (Ảnh: THX)         

Mùa Hè ở châu Âu giờ đây không chỉ là ngày nhiệt độ cao hơn mức trung bình, mà người dân phải gồng mình chống chọi với những đợt nắng nóng gay gắt liên tiếp và kéo dài. Trong vòng chưa đầy 1 tháng nay, toàn châu Âu phải hứng chịu 2 đợt nắng nóng cực điểm, và các chuyên gia nói rằng đây chưa phải đợt cuối cùng của mùa Hè này.

Các chuyên gia khí tượng học cũng cảnh báo rằng những đợt nắng nóng tàn khốc có thể là xu hướng cho mùa Hè châu Âu năm nay. Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường tại Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London cho rằng đã đến lúc châu Âu phải đặt tên cho các đợt nóng, giống như đặt tên cho các cơn bão, để cảnh báo người dân về mối nguy hiểm.

Báo động đỏ ở Bỉ, báo động cam ở Pháp (riêng vùng miền Bắc, bao gồm thủ đô Paris là báo động đỏ), tình trạng khẩn cấp ở một số nơi. Thủ đô Paris của Pháp đang trải qua thời kỳ nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ ngày 25.7 lên tới hơn 42,6 độ C, "xô đổ" kỷ lục 7 thập niên trước. Nhiệt độ tại Bỉ vượt 40,2 độ C, là mức cao nhất từ năm 1833.

Cá biệt, chỉ trong ngày 25.7, tại thị trấn Lingen thuộc bang Niedersachsen, Tây Bắc nước Đức, nhiệt độ đã lập kỷ lục tới 3 lần, từ 42, lên 42,5 và 42,6 độ C. Nhiệt độ tại châu Âu được dự báo thậm chí sẽ cao hơn trong vài ngày tới. Trong đợt nóng cuối tháng 6 vừa qua, ít nhất 7 quốc gia châu Âu ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 45 độ C, gồm Pháp, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bắc Macedonia.  

Không chỉ châu Âu, mà châu Phi, khu vực Hawaii, Mỹ và Nam Mỹ, Đông Á và Tây Canada cũng ghi nhận mức nhiệt độ trong tháng 6 cao nhất trong lịch sử. Gần 1 tuần trước, khoảng  200 triệu người dân Mỹ “quay cuồng” trong đợt nắng nóng kỷ lục. Thành phố New York đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nhiệt độ cao khoảng 40 độ C, có nơi lên tới 46 độ C, thiêu đốt các thành phố lớn từ Bờ Đông đến bờ Tây và Trung Tây.

Đặc biệt, Anchorage thành phố lớn nhất tại bang Alaska của Mỹ, nơi vốn được coi là "hộp băng" với thời gian dài lạnh giá, đã trải qua những ngày tháng Bảy nóng chưa từng có với nhiệt độ cao hơn khoảng 15 độ C so với trung bình, lên tới 32,2 độ C.          


Nắng nóng tại Amritsar, Ấn Độ, ngày 28/5.
(Ảnh: AFP)

Ngay Ấn Độ, quốc gia đã quen với thời tiết khắc nghiệt, cũng đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt  kéo dài nhất trong lịch sử tại nước này, tới nay đã hơn 30 ngày liên tục, với nhiệt độ tại miền Bắc và miền Trung vượt 50 độ C.

Nhiệt độ tại nhiều nước tăng cao, phá kỷ lục mọi thời đại, ngoài việc khiến nhiều người thiệt mạng và suy giảm sức khỏe, thì những tổn thất kinh tế và xã hội đang để lại hệ lụy lâu dài. Tại châu Âu, hàng nghìn ha rừng đã bị thiêu rụi khi cháy rừng bùng phát. Riêng tại vùng Catalonia, Tây Ban Nha, vụ cháy rừng khủng khiếp nhất trong 20 năm qua đang tàn phá diện tích lên tới khoảng 20.000ha.

Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế (WWF) cảnh báo rằng các vụ “siêu” hoả hoạn lan truyền nhanh khắp châu Âu khi sóng nhiệt và hạn hán diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu. Thiệt hại do cháy rừng gây ra không chỉ nằm ở vấn đề kinh tế, mà góc độ môi trường cũng hết sức đáng ngại, khi nguy cơ ô nhiễm khói bụi lan đến các thành phố, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Nắng nóng đi kèm với hạn hán cũng đang trở thành “kẻ thù” của ngành nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp châu Âu  năm 2019 được dự báo sẽ sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế châu Âu cũng bị tác động, không chỉ vì ngành nông nghiệp, mà các dòng sông cạn nước cũng tác động đến khả năng chuyên chở nguyên vật liệu cũng như hàng hóa bằng đường thủy, phương tiện được cho là có công suất lớn nhất và chi phí rẻ nhất.        

Chất lượng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sá cũng đang chịu tác động lớn từ nhiệt độ cao. Với cái nóng thiêu đốt, mặt đường trải thảm nhựa trở nên mềm hơn, và nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe di chuyển với tốc độ cao là rất lớn.        

Các nước cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt và khắc phục hậu quả do nắng nóng gây ra. Chính quyền nhiều nước triển khai kế hoạch bảo đảm sức khỏe cho người dân, ban hành các hướng dẫn nhằm trang bị kiến thức nâng cao ý thức, giúp người dân tự bảo vệ mình trong những ngày nắng nóng. Các bệnh viện được đặt trong tình trạng sẵn sàng điều trị các trường hợp như mất nước, say nắng, sốc nhiệt và các triệu chứng khác do nắng nóng gây ra.      

Ở Pháp, nhiều vòi nước công cộng đã được lắp đặt, các hồ bơi được mở cửa muộn hơn, quầy cung cấp nước uống tại các nhà ga và những phòng làm mát được mở trong các tòa nhà công cộng. Trong đợt nắng nóng tháng 6, khoảng 4.000 trường học đã đóng cửa để đề phòng rủi ro cho học sinh, kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở cũng được hoãn cho tới khi nắng nóng dịu bớt. Các hoạt động giao thông cũng được hạn chế để đề phòng gia tăng ô nhiễm không khí trong những ngày nắng nóng.         


Cảnh khô hạn trong thời tiết nắng nóng tại lòng sông Rhine ở Duesseldorf, miền tây Đức, ngày 8/8/2018.
(Ảnh: AFP)

Tại Đức, Thủ tướng Angela Markel tuyên bố chính phủ sẽ áp dụng chương trình để các thành phố, thị trấn xanh hơn, giúp nông dân vượt qua các đợt hạn hán. Đặc biệt, dự án “Thành phố Bọt biển” với mục tiêu làm mát đô thị vào mùa Hè và làm giảm tình trạng ngập lụt trong nội đô khi có mưa, bão nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, đã bắt đầu được triển khai. Trồng thêm nhiều cây xanh để cung cấp bóng mát cho các vỉa hè; phủ xanh tất cả các mái nhà bằng cỏ và rêu, sơn các tòa nhà bằng màu sơn sáng màu để chúng phản chiếu thay vì hấp thụ ánh sáng; trải lên bề mặt các tuyến phố những lớp phủ ngăn nhiệt để nhựa đường không bị chảy ra vào những ngày nắng nóng... là những điểm nổi bật của dự án này.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25.7 đã công bố chính sách hỗ trợ bổ sung cho nông dân đang đối mặt với nạn hạn hán do nắng nóng hoành hành. EC cũng đã thành lập phi đội chữa cháy đầu tiên thuộc hệ thống rescEU, với khoảng 20 máy bay trực thăng và máy bay chữa cháy để hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với cháy rừng do nắng nóng.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2019 được dự đoán là một trong những năm nóng nhất. Tổ chức này cũng cho biết đợt nắng nóng ở châu Âu là một diễn biến hoàn toàn phù hợp với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các chuyên gia đều nhận định rằng việc thải ra bầu khí quyền lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng biến đổi khí hậu.

Trên thực tế thì vấn đề biến đổi khí hậu đã được nói tới từ nhiều năm nay, với nhiều nỗ lực chống tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, có vẻ mục tiêu giảm khí thải CO2 làm Trái Đất nóng lên đang có nguy cơ là “bất khả thi” khi khí thải của các loại phương tiện giao thông, khói thuốc lá, các hóa chất độc hại, tình trạng đốt phá rừng... vẫn đang tỏa nhiệt "thiêu đốt" hành tinh.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, hay EU tháng 6 vừa qua đã thất bại trong việc thống nhất mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050, cho thấy vẫn còn quá nhiều rào cản khiến cộng đồng quốc tế chưa thể chung tay hạn chế sức tàn phá khủng khiếp của “quả bom khí hậu”.

Phương Hoa

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo