Nằm trong thung lũng sông Kerava của Phần Lan, nơi sở hữu lợi thế lớn về giá trị cảnh quan, tòa nhà đa năng Keravanjoki được xây dựng đáp ứng nhu cầu “hai trong một”: trường học quy mô hơn 1.000 học sinh và không gian sinh hoạt cộng đồng cho cư dân thành phố.
Keravanjoki được khung cảnh thiên nhiên xanh mát bao bọc với sắc nâu vàng chủ đạo
Địa điểm: Thành phố Kerava, Phần Lan Đơn vị thiết kế: Lukkaroinen Architects Diện tích: 11.100m2 |
Bố cục linh hoạt, tích hợp nhiều chức năng
Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà Keravanjoki nổi bật với sắc nâu vàng chủ đạo. Gỗ, gạch và các tấm ốp sáng màu kết hợp ăn ý tạo nên tổng thể hiện đại, tươi mới; đồng thời tăng khả năng cách âm tự nhiên, đảm bảo môi trường học tập yên tĩnh, tập trung cho học sinh.
Đi sâu vào giải pháp thiết kế, các kiến trúc sư của Lukkaroinen Architects đã bám sát ý tưởng cốt lõi về một tòa nhà đa chức năng có thể thay đổi linh hoạt tùy theo mục đích sử dụng. Cụ thể:
1. Sảnh chính dễ dàng chuyển đổi từ nhà ăn dành cho học sinh thành địa điểm tổ chức sự kiện, họp hành và tiệc tùng. Sảnh chính còn kết nối với hội trường đa năng “Höntsäsali”, bao gồm một khán phòng có thể xếp chồng lên nhau và một phòng thể thao lớn, giúp tối ưu diện tích sử dụng và tăng khả năng phục vụ số lượng người lớn.
2. Sảnh chính chia tòa nhà hình vuông thành bốn khu vực học tập. Mỗi khu vực học tập lại tiếp tục được phân chia thành các không gian nhỏ hơn phục vụ mục đích giảng dạy, trao đổi, học nhóm, tự học… bao quanh sảnh đa năng đảm nhận vị trí “nhân vật trung tâm”.
3. Các lớp học chuyên biệt đầy đủ tiện nghi dễ dàng kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, giúp học sinh thuận lợi trong học tập và nghiên cứu. Ví dụ như học sinh khi nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên có thể sử dụng các cơ sở thử nghiệm được xây dựng tại “Không gian sáng tạo” ở tầng trệt, hoặc phân tích trong phòng thí nghiệm ở khu vực “Học tập khoa học”.
4. Bố cục kiểu mở, linh hoạt, dễ sử dụng với diện tích sân trường rộng của tòa nhà còn phục vụ nhu cầu của cư dân thành phố. Vậy nên sẽ không có gì lạ khi sau giờ học, không gian vẫn tràn ngập những người đam mê thủ công, sinh viên nghệ thuật, vận động viên, ca sĩ hợp xướng, người tập thể dục, vũ công… hay diễn ra tiệc tùng, sự kiện.
Đáp ứng các yếu tố về tính bền vững
Tại tòa nhà Keravanjoki, nguồn năng lượng từ thiên nhiên được tận dụng triệt để với hệ thống cửa kính lớn và các lỗ mở phân bổ dọc theo mặt tiền. Nhờ đó, ánh sáng ghé thăm mọi ngóc ngách, gió tự nhiên dễ dàng len lỏi vào-ra, không gian tòa nhà luôn thoáng sáng và mát mẻ.
Ngoài ra, kiến trúc sư đã sử dụng hệ thống xây dựng kỹ thuật sáng tạo và tính toán các giải pháp năng lượng để hạn chế lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường. Trong đó, năng lượng sưởi ấm cho tòa nhà đến từ 22 giếng địa nhiệt sâu hơn 300 mét được khoan ở đồng cỏ gần đó, năng lượng điện cho máy bơm hệ thống được lấy từ năng lượng mặt trời.
Bố cục kiểu mở, linh hoạt, dễ sử dụng với diện tích rộng của tòa nhà còn phục vụ nhu cầu cư dân của thành phố
Mai Anh Bùi
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 209)
- Nhà ống phố Cổ - Định dạng và bảo tồn bền vững
- Flowing Cloud Pavilion: Biểu tượng Kiến trúc - Văn hóa ở Chiết Giang
- Bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh
- ICISE - Câu chuyện về kiến trúc bản địa, nghệ thuật và phát triển bền vững
- Audrey Irmas Pavilion: Viên ngọc quý ở Los Angeles
- Hình tượng rồng trong kiến trúc di tích cố đô Huế
- Lịch sử ga Hàng Cỏ (ga trung tâm Hà Nội)
- Kiến trúc phong cách Đông Dương: Sự kết hợp hài hòa của hai nền văn hóa
- Những công trình kiến trúc độc đáo được chờ đợi nhất năm 2024
- Di sản kiến trúc Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng