Nằm trong hành lang văn hóa của đại học Ciudad, Mexico, nhà trưng bày đa dạng sinh học quốc gia National Biodiversity Pavilion được thiết kế để gìn giữ, phát triển các loài sinh vật học trên trái đất và mở rộng kho lưu trữ của Viện Sinh học; đồng thời cung cấp các phòng thí nghiệm chuyên biệt, đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học liên quan tới các loài đã tuyệt chủng lớn nhất Mỹ Latinh.
Cây sự sống là ý tưởng thiết kế chủ đạo
Với tổng diện tích hơn 11.000m2 và kết cấu ba tầng xây theo bố cục hình tròn đồng tâm, nhà trưng bày không chỉ gây ấn tượng về kiến trúc mà còn đảm bảo yêu cầu về công năng bao gồm: phòng triển lãm, các phòng đa phương tiện, thư viện kỹ thuật số, văn phòng, khu lưu trữ và các phòng thí nghiệm.
Fernanda Ahumada + FREE, nhóm phụ trách thiết kế dự án này chia sẻ: Ý tưởng thiết kế nhà trưng bày đa dạng sinh học quốc gia National Biodiversity Pavilion lấy cảm hứng chính từ “Cây sự sống - Tree of life”. Nhóm thiết kế muốn dùng hình ảnh ẩn dụ “Cây sự sống” để nhấn mạnh sự liên kết chặt chẽ của các loài sinh vật. Bên cạnh đó, một cầu thang xoắn ốc lớn như chuỗi xoắn kép DNA đóng vai trò trung tâm kết nối các khu vực chức năng, các tầng với nhau.
Các khu vực chức năng bố trí khoa học, thuận tiện cho người trải nghiệm, làm việc tại nhà trưng bày
Kết cấu ba vòng tròn được tính toán khéo léo
Ở mỗi tầng, kiến trúc sư chia không gian thành ba vòng tròn xoay quanh cầu thang. Vòng đầu tiên dành cho không gian công cộng, chủ yếu tổ chức các triển lãm định kỳ. Vòng thứ hai là nơi lưu trữ và bảo tồn sinh vật. Vòng thứ ba nằm ở rìa mặt tiền là không gian tư vấn chuyên ngành, phòng thí nghiệm và văn phòng giám tuyển.
Chưa hết, khu vực công và khu vực tư còn được kiến trúc sư phân bổ khéo léo theo chiều dọc công trình. Tầng trệt là nơi trưng bày đa dạng sinh học đặc hữu, tích hợp tầm nhìn ra môi trường tự nhiên xung quanh. Các tầng trên là nơi lưu trữ, bảo tồn các bộ sưu tập sinh vật chính, nơi có mặt tiền kép bằng kính và nhôm nhiều lỗ cho phép kiểm soát tầm nhìn, điều chỉnh lượng ánh sáng.
Có thể nói sơ đồ mặt bằng hình tròn đã đạt được hai mục tiêu quan trọng. Một là hợp nhất tất cả các không gian thông qua lõi dọc duy nhất - cầu thang trung tâm, đảm bảo tính kết nối nội bộ tầng và giữa các tầng với nhau. Hai là hướng tầm nhìn toàn cảnh 360 độ ra cảnh quan thiên nhiên thông qua mặt tiền đóng mở dạng sóng, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng không gian, từng người sử dụng.
Cầu thang xoắn ốc lớn ở trung tâm mô phỏng chuỗi xoắn kép DNA
Mặt tiền được hình thành bởi hàng nghìn mô-đun nhôm 30x20cm di chuyển sống động
Hàng nghìn mô-đun nhôm kích thước 30x20cm có thể di chuyển, lắc lư trong gió tạo nên vẻ đẹp có một không hai cho mặt tiền trung tâm trưng bày. Sự chuyển động này tượng trưng cho vai trò của điều kiện khí hậu đối với sự tiến hoá và tính bền vững của đa dạng sinh học, đồng thời phản chiếu ánh sáng mặt trời tạo khung cảnh “dịch chuyển theo thời gian”, gây ấn tượng mạnh mẽ.
Mặt tiền ấn tượng bất kể đêm ngày nhờ sự kết hợp khéo léo của vật liệu mặt tiền
Nhà trưng bày đa dạng sinh học quốc gia National Biodiversity Pavilion là sự kết hợp giữa không gian công cộng và riêng tư, giữa con người - thiên nhiên - kiến trúc đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các loài sinh vật. Chưa hết, những hoạt động ý nghĩa và thú vị ở nơi này còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, duy trì tính đa dạng, bền vững của sinh vật trên toàn thế giới.
Nhà trưng bày đa dạng sinh học quốc gia National Biodiversity Pavilion nằm trong hành lang văn hóa của đại học Ciudad, Mexico
Địa điểm: Mexico
Đơn vị thiết kế: Fernanda Ahumada + FREE
Diện tích: 11.780m2
Bản vẽ thiết kế nhà trưng bày
Mỹ Linh
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 208)
- Những công trình kiến trúc độc đáo được chờ đợi nhất năm 2024
- Di sản kiến trúc Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- 10 phương án thiết kế Biểu tượng và Sàn diễn cho ELLE Fashion Show 2023
- Khám phá kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình Chu Quyến ở xứ Đoài
- Trụ sở Liên hợp quốc ở gần thủ đô Dakar, Senegal
- Nhà ống và những nốt thăng trầm của đô thị
- Những công trình cao tầng với vẻ ngoài ấn tượng của BIG
- Olive House (Singapore) / thiết kế: Guz Architects
- Định hướng phát triển kiến trúc bền vững
- Sky Vessel House (Nhật Bản) / thiết kế: NKS2 Architects