Các chuyên gia đều đồng tình về việc cần thiết tìm kiếm một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và là điểm nhấn thật nổi bật cho TP.HCM.
TP.HCM đang xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Trong đó, TP có ra “đề bài” về tìm kiếm công trình điểm nhấn kiến trúc cho TP - điều mà lâu nay TP mong mỏi.
Các chuyên gia đô thị, kiến trúc sư cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cùng bàn bạc và tìm ra công trình kiến trúc trong tương lai mà khi nhắc đến, thế giới sẽ nghĩ ngay đến TP.HCM.
Tháp tài chính Bitexco Financial Tower ở quận 1, TPHCM với chiều cao 262m, 68 tầng. (Ảnh: Ashui.com)
Chưa có công trình đạt tầm cỡ cho TP.HCM
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đang được xây dựng, Sở QH-KT TP cho biết: Về định hướng, TP sẽ nghiên cứu, đề xuất các khu vực tạo điểm nhấn kiến trúc. Điểm nhấn kiến trúc này sẽ lưu ý về chiều cao, về đường chân trời… để tạo bản sắc riêng cho TP trong tương lai.
Ngày 29/4, trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cho biết việc tìm kiếm ý tưởng và xây dựng công trình kiến trúc điểm nhấn có tính tiêu biểu là một “bài toán” khó dù TP rất mong muốn có một công trình như vậy.
“Không phải bây giờ mà lâu nay, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế cầu, đường, công trình kiến trúc… để tìm điểm nhấn tiêu biểu như vậy nhưng chưa có công trình nào đạt tầm cỡ cho TP.HCM. Thật sự ở thế giới cũng vậy, không phải thi là sẽ đạt được kết quả như mình mong muốn” - ông Mười thông tin.
Theo ông Mười, công trình điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu thì phải mang tính biểu tượng cho địa phương đó. Ví dụ: Nhà hát Opera Sydney (Nhà hát Con sò) tại TP Sydney - Úc, Hà Lan thì có công trình cối xay gió… mang ý nghĩa giá trị đặc biệt cho riêng địa phương đó, nhắc tới là nhớ đến TP đó ngay lập tức.
“Hiện nay chúng ta đang rất cần công trình điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu, có nghĩa là nói đến công trình đó là biết đến TP.HCM” - ông Mười nói.
Đây không phải là lần đầu tiên việc tìm kiếm công trình điểm nhấn kiến trúc được đề cập. Vào năm 2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nêu ý tưởng về việc làm cầu vượt biển nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Chia sẻ về giấc mơ này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiệp hội là đơn vị đưa ra ý tưởng về một cây cầu vượt biển đầu tiên trong hội nghị Quy hoạch phát triển Cần Giờ năm 2017 tại Sở QH-KT TP.
Đây được xem là một công trình mang tính biểu tượng như cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge ở San Francisco (Mỹ). Công trình vừa giải quyết nhu cầu giao thông, vừa tạo cảnh quan cho khu vực.
Đã đến lúc tìm kiếm một công trình điểm nhấn
Trao đổi với phóng viên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu như nhìn dài hạn đến năm 2060, TP.HCM nên có công trình điểm nhấn mang tính kỹ thuật cao và dùng “ngôn ngữ” của thế kỷ 21 để thể hiện.
“Chúng ta đang có dự án phát triển TP Thủ Đức và trong đó có khu trung tâm Thủ Thiêm thuộc TP Thủ Đức, là trung tâm kinh tế tài chính. Theo tôi, công trình điểm nhấn nên đặt ở Thủ Thiêm và ít nhất cũng cao nhất Đông Nam Á hoặc châu Á” - ông Sơn đề xuất.
Chuyên gia đề xuất làm công trình điểm nhấn của TP.HCM tại khu đô thị Thủ Thiêm. (Ảnh: Hoàng Giang)
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tham khảo kinh nghiệm lúc ông tham gia trong nhóm thiết kế quy hoạch TP Đông Thượng Hải thì khi đó Thượng Hải cũng đặt vấn đề là nên có một công trình điểm nhấn.
Còn về cầu vượt biển, ông Sơn cho rằng khó có thể là công trình tiêu biểu. Vì như cầu Cổng Vàng (Mỹ), nó đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, đóng góp rất lớn cho việc phát triển vùng vịnh San Francisco. Còn cầu vượt biển Cần Giờ không đạt được quy mô và ý nghĩa như vậy.
Nêu quan điểm, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng chúng ta phải có nghiên cứu văn hóa kiến trúc TP.HCM là như thế nào, đặc thù đô thị của TP.HCM ra sao. Rồi khi đó mới có ý tưởng xây dựng một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng.
“Các hội như Văn hóa nghệ thuật, KTS… và các chuyên gia, cơ quan chức năng nên cùng ngồi bàn bạc để ra một công trình là điểm nhấn mang tính biểu tượng cho TP. Chúng ta có thể bàn từ bây giờ để 20-30 năm sau có một công trình tầm cỡ như vậy” - ông Hùng nhận định.
Theo ông Hùng, đã đến lúc TP.HCM tìm kiếm một công trình điểm nhấn kiến trúc trong tương lai vì hiện chúng ta cũng chưa có một công trình điểm nhấn thuyết phục nào như vậy.
Một số công trình kiến trúc điểm nhấn tiêu biểu trên thế giớiTháp Burj Khalifa (tháp Dubai), tòa nhà chọc trời này là công trình kiến trúc nhân tạo cao nhất thế giới tại thời điểm hoàn thành (năm 2009), cao 829,8 m. Nhà hát Opera Sydney, nằm ở cảng Sydney - Úc, một trong các tòa nhà đặc biệt nhất của thế kỷ 20 và là một trong những trung tâm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới. Tháp Eiffel - Pháp, được xây dựng vào năm 1889 ở Paris, cao 324 m, nặng 10.100 tấn. Đây là địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất thế giới với hơn 7 triệu người đến tham quan mỗi năm. Tòa nhà Empire State - Mỹ, tòa nhà chọc trời có tổng chiều cao 443 m, là điểm nhấn đặc biệt cho đường chân trời Manhattan. Tòa nhà nổi tiếng với thiết kế độc đáo theo phong cách Art Deco và được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của TP New York. |
Kiên Cường
(Pháp luật TPHCM)
- Văn phòng Second Home Hollywood biến đổi từ một bãi đậu xe cũ
- Công viên Sân bay Hongdu – Kiến trúc hồi sinh từ ký ức
- Biến đổi hai nhà ga đường sắt thành "bộ lọc sinh thái" ở Milan
- Từ Sài Gòn nhiệt đới đến kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn
- Kiến trúc nông nghiệp là gì?
- Tòa chung cư 2177 Third Street / Woods Bagot
- Endesa Pavilion / Viện Kiến trúc Tiên tiến Catalonia (IAAC)
- Ngôi nhà gỗ trong rừng ở Hokkaido / thiết kế: Florian Busch Architects
- Những chủ nhân “Nobel kiến trúc 2021” là phù thủy hồi sinh các tòa nhà ở xã hội
- Nhà rường Huế