Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, để phát triển nhà ở xã hội cần có quy định riêng; còn về cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ phải nghiên cứu quy trình kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt nhằm giúp kích hoạt hiệu quả việc tiếp cận các gói kích cầu, đề nghị xem xét mối liên hệ quản lý liên quan đến hạ lãi suất và tăng cường gói kích cầu, cũng như tiếp cận nguồn vốn…
(Ảnh minh họa)
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thành phố đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc; nhiều dự án bất động sản tiếp tục triển khai trở lại, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên do sức mua thấp nên thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, TP. Hà Nội nói riêng lượng giao dịch chưa nhiều, chủ yếu là người có nhu cầu ở thực, ít sự tham gia của nhà đầu tư ngắn hạn, thậm chí thị trường thứ cấp còn ghi nhận tình trạng “cắt lỗ”. Phân khúc nhà ở giao dịch chủ yếu là chung cư, giá bán cũng tăng khoảng 5-10% so với quý 3, 4/2022.
Để khắc phục, TP. Hà Nội có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, trước đây, Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ có cơ chế: Khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất làm nhà ở thương mại, nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội, hạ giá thành. Nhưng tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ lại điều chỉnh Nghị định 49/2021/NĐ-CP không có quỹ này, mà chỉ tập trung vào một số ưu đãi, ví dụ phát triển không gian thương mại, dịch vụ là không đủ điều kiện hấp dẫn nên mới chững lại. Chủ yếu những dự án nhà ở xã hội hình thành trước đây thì tiếp tục triển khai. Vì vậy Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cần xem xét kỹ vấn đề này.
“Về kinh nghiệm chúng tôi thấy nội dung chưa cơ bản, đề nghị nghiên cứu cơ chế đầu tư rõ nét. Việc phát triển nhà ở thương mại được kèm theo nhà ở xã hội là bình thường để có cơ cấu các giá trị, giá thành phù hợp”, đại diện Hà Nội lưu ý, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng nhà ở xã hội rất cần quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu, vì hiện nay quy trình đấu thầu quá tốn thời gian.
Ngoài ra, về cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã tham mưu ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP khá cụ thể. Việc cải tạo nhà chung cư cũ ở Hà Nội thành công thì chính là Nghị định 69/2021/NĐ-CP thành công, bởi vì quy mô khu vực này ở thành phố tương đối lớn, gồm 76 khu với khoảng 1.800 chung cư cũ. Tuy nhiên, khác với quy trình chi tiết, để xác định tổ chức kiểm định chất lượng, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, kể cả xác định hệ số k liên quan đến dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… cũng cần được nghiên cứu quy trình kỹ lưỡng hơn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất cùng Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà trên địa phương. Trong trường hợp chưa ban hành nghị định thì đề nghị có văn bản hướng dẫn cho thành phố, vì hiện nay thành phố quản lý quỹ nhà chuyên dùng vô cùng lớn, nhưng lịch sử lại giao cho các công ty quản lý phát triển nhà, song hệ quy chiếu của quản lý nhà nước về tài sản công này lại không rõ.
Mặt khác “Chúng tôi thấy xu hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạ lãi suất là cần thiết, giúp kích hoạt hiệu quả tiếp cận các gói kích cầu, nhưng thời gian tiếp cận gói kích cầu lâu. Bởi vậy, đề nghị phải có mối liên hệ quản lý liên quan đến hạ lãi suất và tăng cường gói kích cầu cũng như tiếp cận nguồn vốn”, vị Phó Chủ tịch đề nghị.
Thanh Xuân
(VnEconomy)
- Nhu cầu về địa điểm đầu tư đang thay đổi
- Khu công nghiệp sinh thái góp phần vào mô hình kinh tế tuần hoàn
- Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động
- Net Zero đang là ưu tiên số 1 của ngành kinh doanh bất động sản trên thế giới
- Tiềm năng bứt tốc của thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Tìm đâu nhà ở vừa túi tiền cho người có nhu cầu thực?
- Cơ hội nghề nghiệp và các xu hướng phát triển mới trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng (Phần cuối)
- Làm việc từ xa có thể gây tổn thất giá trị cao ốc văn phòng lên đến 800 tỉ đô la
- Cơ hội nghề nghiệp và các xu hướng phát triển mới trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng (Phần 2)
- Cơ hội nghề nghiệp và các xu hướng phát triển mới trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng (Phần 1)