Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Mô hình nào cho khu đô thị mới ở Việt Nam

Mô hình nào cho khu đô thị mới ở Việt Nam

Viết email In

Nếu tư tưởng hiện đại - bản địa vốn là gốc của phát triển bền vững không được đưa vào các khu đô thị mới thì chắc chắn khó bảo đảm sự bền vững.

Nếu 10 năm trước không có quyết sách xây dựng khu đô thị mới (KĐTM) mà cứ quẩn quanh cải tạo khu trung tâm, thì nay nước ta đâu có các đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm, Phú Mỹ Hưng (do Hội Kiến trúc sư VN bình chọn là 2/20 tác phẩm đô thị, kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ đổi mới).

Bốn loại hình khu đô thị mới

Từ khi cụm từ “đô thị hóa” xuất hiện ở VN (khoảng 1992 đến 1996), khái niệm về TP mới, KĐTM mới dần dần được xác định rõ. Việc phát triển các KĐTM theo quy hoạch được xem là một phần quan trọng trong chiến lược đô thị ở quy mô vùng, quốc gia hiện nay, là quy luật không thể khác của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra ở nước ta.

Các KĐTM đều nằm trong 4 loại hình cơ bản sau:

1. Phụ thuộc vào thành phố mẹvới những mức độ khác nhau.

Sự phụ thuộc cơ bản nhất là việc làm, rồi đến hạ tầng công cộng, xã hội, thông tin..

2. Độc lập, ít nhất là “tự lo” về việc làm cho cư dân tại chỗ.

Khởi thủy mô hình này có thể từ mong muốn lập các thành phố vệ tinh hoặc phát triển ra ngoại ô. Dần dần chúng có thể trở thành các đô thị chức năng (vui chơi - giải trí, công nghệ cao, công nghiệp, thương mại, dịch vụ) hoặc đô thị tương đối hoàn chỉnh về quy mô, phân bổ chức năng, kể cả lập khu trung tâm mới.

Các đô thị kiểu này thường được bố trí trong vùng ảnh hưởng của các TP lớn, nhưng mối liên hệ về giao thông và thông tin với TP mẹ không chặt chẽ lắm. Đôi khi chúng lại có lợi thế hơn TP mẹ do nằm gần các tuyến giao thông lớn. KĐTM Phú Mỹ Hưng có thể được xếp vào loại này.

3. Là các đô thị mở rộng bắt nguồn từ một hạt nhân đô thị sẵn có.

Chúng có thể là đô thị độc lập tùy thuộc vào sự khai thác hợp lý hạ tầng của TP mẹ, hoặc tận dụng cơ hội đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế một vùng đô thị. Sự khác nhau cơ bản để phân biệt chúng với loại 1 và 2 là các đô thị loại 3 này mang tính hướng ngoại trong phát triển.

Dạng khu đô thị này rất cần được nghiên cứu cho mô hình “vùng đô thị” của Hà Nội, nếu muốn có các đô thị liên kết hữu cơ khả thi trong tương lai.

4. Là những khu đô thị xây dựng cho các chức năng đặc biệt nào đó.

Chúng thường là những đô thị độc lập theo kiểu TP công nghiệp hay hậu công nghiệp tập trung xung quanh các tổ hợp nghiên cứu - công nghệ, các công trình giao thông và trung tâm thương mại đầu mối lớn. Chúng cũng có thể là các khu đô thị nhánh. Có lẽ các khu đô thị Láng - Hòa Lạc, Dung Quất, Thủ Dầu Một, Biên Hòa có thể phát triển dạng KĐTM loại này.

Bài học từ hai KĐTM điển hình

Việc phát triển các KĐTM ở VN theo mô hình nào là không dễ, chúng ta thiếu lực lượng nghiên cứu chuyên nghiệp (các viện nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch thực chất ít năng lực nghiên cứu do phải bươn chải thiết kế kiếm sống). Nhiều nghiên cứu ở một số nước châu Á cho rằng, giải pháp đô thị mà VN cần chính là mô hình đô thị mật độ cao được tổ chức hài hòa các không gian mở, đi bộ xen kẽ dải cây xanh (Singapore và Hồng Kông là ví dụ tốt cho xu hướng đô thị tiết kiệm đất theo dạng này).

Tuy nhiện ở VN, nếu tư tưởng hiện đại - bản địa vốn là gốc của phát triển bền vững không được đưa vào các KĐTM thì chắc chắn khó bảo đảm sự bền vững. KĐTM Linh Đàm hơn 260 ha và Phú Mỹ Hưng hơn 500 ha có các ưu điểm nổi trội là thiết kế hiện đại trong không gian nhiệt đới VN.

Linh Đàm với trung tâm là bán đảo Linh Đàm (tác giả thiết kế kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục) là KĐTM thích ứng với đại bộ phận dân cư, thích ứng khí hậu, tôn trọng cảnh quan sinh thái; công cụ tổng hợp của “thiết kế kiến trúc”, “thiết kế đô thị” và “thiết kế cảnh quan” thông qua không gian cảnh quan hài hòa toàn khu vực được biểu hiện rất rõ.


Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội)

Những tuyến chính tạo thành các trục Đông – Tây, dọc theo chiều dài của hồ Linh Đàm hình vành khăn, được nhấn bởi những khối nhà chạy dài, quay mặt đứng theo hướng Bắc – Nam. Trung tâm là trục đường Nguyễn Duy Trinh tạo không gian dạng tuyến với điểm khởi đầu và kết thúc là các công viên lớn. Cấu trúc trung tâm - tuyến với sự hỗ trợ của các tuyến thành phần chạy song song đã tạo tính chiều hướng rõ rệt làm nên sắc thái của đô thị nhiệt đới. Các tuyến này còn được tổ chức thành tuyến thương mại - dịch vụ nhỏ kiểu cửa hàng - phố, phù hợp tập quán sinh sống của dân cư phố thị truyền thống.

Đặc biệt hơn, cứ ba khối nhà có một sân cộng đồng đầm ấm, khép kín sinh hoạt láng giềng trong cụm. Sự san sẻ hài hòa giữa thiên nhiên và con người, chứ không phải kiến trúc (có suất đầu tư trung bình) làm nên nét đặc sắc đô thị chính là kinh nghiệm đáng xem xét để có thể xây dựng tính đặc trưng đô thị .

KĐTM Phú Mỹ Hưng có vẻ toàn diện hơn bởi quy mô lớn, sự đồng bộ trong tổ chức chức năng và không gian. Mặc dù có nhiều thắc mắc về sự lựa chọn vị trí xây dựng (mà lỗi là ở sự thiếu tầm nhìn khi phát triển đô thị từ phía quản lý nhà nước), nhưng điều đáng nói nhất là sau các thành công tầm mức quốc tế của “phong cách hiện đại - nhiệt đới” ở miền Nam thập niên 1960 (kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Hữu Thiện...), kiến trúc của Phú Mỹ Hưng đã góp phần kế thừa và phát triển ngôn ngữ kiến trúc nhiệt đới đặc sắc ở VN khi xây dựng đô thị hiện đại.

Nhìn tổng thể, khu Phú Mỹ Hưng có cấu trúc tốt do tạo được các tuyến trung tâm, quảng trường chuyển tiếp hài hòa với các khu ở. Sự lựa chọn chung cư cao tầng xen kẽ khu nhà thấp tầng cũng làm nên đặc tính riêng về hình thái đô thị này. Nó gợi lại nhà vườn truyền thống, nhà phố cũ của người Việt trong đô thị mới. Suất đầu tư chung cư ở đây tương đối cao nên đã tạo được không gian cộng đồng (bể bơi, vườn dạo ở mái hiên tầng 3).


Garden Court I - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP HCM).

Không gian mở được sử dụng như yếu tố chủ đạo tạo cảnh quan giữa nhà và đường phố. Đi sâu vào ngôn ngữ kiến trúc của từng loại hình đều có thể nhận biết các thủ pháp tạo nên sắc thái nhiệt đới châu Á: màu sắc thanh nhã điểm xuyết các gam màu tươi tắn (rất ít), các phân vị kiến trúc nhỏ được sử dụng nhiều ở mặt đứng, gần đường phố để lại ấn tượng thân quen của đường phố châu Á (ngược lại với sự kỳ vĩ của kiến trúc châu Âu).

Mỗi căn nhà thấp tầng đều có vườn riêng hoặc vườn chung ấm cúng liên kết với cây xanh, phố, tạo cảm giác con người được bao bọc trong màu xanh nhiệt đới.

Nếu KĐTM Linh Đàm là thành công của sự cộng sinh giữa thiên nhiên, kiến trúc và cộng đồng cư dân để tạo cảnh quan riêng, thì KĐTM Phú Mỹ Hưng là bài học về sự khéo léo trong xử lý không gian... 

>> Mô hình hợp lý cho các khu đô thị mới ở Hà Nội
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo