Ashui.com

Saturday
Sep 07th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhìn lại chung cư Hà Nội sau năm 1975

Nhìn lại chung cư Hà Nội sau năm 1975

Viết email In

Trong lịch sử phát triển xây dựng miền Bắc nói chung và Hà nội nói riêng từ sau năm 1956, khu tập thể (KTT) là một khái niệm hoàn toàn mới trong thiết kế nhà ở.

Các KTT xây dựng thử nghiệm đầu tiên tại Hà nội được thiết kế bởi đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài như Kim Liên, Nguyễn công Trứ…và sau này phát triển thêm nhiều khu khác như Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân... Ý tưởng xây dựng các khu ở theo kiểu khu tập thể với phương pháp xây dựng lắp ghép từ các panel bê tông cốt thép đúc sẵn là xuất phát từ việc nghiên cứu áp dụng theo giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc của các nước xã hội chủ nghĩa, đăc biệt là nền kiến trúc rất lớn mạnh của Nhà nước liên bang Xô viết lúc bấy giờ…

  • Ảnh bên : Khu ký túc xá ĐH Bách Khoa 

Từ năm 1954 đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền, Miền Bắc độc lập xây dựng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong khi miền Nam diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ ngụy, cho đến thắng lợi cuối cùng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất. Trong giai đoạn lịch sử này, mặc dù kinh tế miền Bắc gặp nhiều khó khăn do vừa phải phát triển kinh tế, vừa phải chi viện cho chiến trường lớn miền Nam, một số thành phố lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Việt Trì… vẫn được quy hoạch, xây dựng và phát triển. Đây là giai đoạn phát triển nhà ở với những tiêu chí không gian của đời sống tập thể, áp dụng lý thuyết quy hoạch của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa khác. Các mô hình KTT này ra đời trên cơ sở đó có điều chỉnh phù hợp với các điều kiện đặc thù về khí hậu, kinh tế, tập quán và lối sống Việt nam, nên được coi là tương đối hoàn chỉnh.  Các KTT này có vai trò rất lớn trong việc cung cấp chỗ ở cho người dân ở các đô thị Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng lúc bấy giờ, đây là giải pháp phù hợp với giai đoạn kinh tế-xã hội thời kỳ bao cấp, giải quyết nhanh nhu cầu nhà ở của đông đảo thành phần cán bộ công nhân viên chức Thủ đô. Tính đến năm 1990, trên địa bàn Hà nội đã xây dựng khoảng 40 KTT với gần 5 triệu m2, chiếm 7,5% quỹ nhà ở toàn quốc và cho đến hiện nay, còn chiếm gần 50% quỹ nhà ở của thành phố.

Các KTT ban đầu được nghiên cứu và xây dựng tại Hà Nội với quy mô nhỏ từ 3-15 ha, với các dãy nhà thấp tầng từ 1-3 tầng, phân bố chủ yếu tại vành đai 1 và 2 của Thành phố như các khu: Nguyễn Công Trứ, Kim Liên. Cấu trúc các khu ở này chưa hình thành các cặp, cụm, nhóm nhà ở rõ nét, trung tâm khu tập trung không định hình.

Từ năm 1970, các KTT được xây dựng với quy mô trung bình từ 3-25 ha với các dãy nhà từ 4-6 tầng, phân bố chủ yếu tại vành đai 2 và 3 của Thành phố như các khu: Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Bách Khoa, Ngọc Khánh, Khương Thượng. Mô hình quy hoạch KTT thời kỳ này đã hoàn chỉnh hơn, tạo nên các đơn vị ở khép kín với đầy đủ các dịch vụ công cộng như nhà trẻ, trường học, công trình văn hoá, cửa hàng dịch vụ thương nghiệp. Cấu trúc đã phân rõ nhóm ở rõ ràng, trung tâm tập trung đặt tại giữa tiểu khu có bán kính phù hợp, có tính chất hướng nội, đóng kín và hạn chế giao tiếp không gian với khu vực lân cận. Mô hình này đẫ đạt được rất tốt các tiêu chí về không gian cây xanh, sinh hoạt công cộng, dịch vụ xã hội cũng như khả năng giao tiếp cộng đồng trong không gian đô thị cho một cụm dân cư với số dân trung bình từ 7.500-10.000 người.

  • Ảnh bên : Khu tập thể Thành Công

Sau năm 1980 mô hình xây dựng KTT hoàn chỉnh này tiếp tục được áp dụng với quy mô đất lớn hơn từ 25-50 ha, trong đó bao gồm phát triển tiếp các KTT đã được xây dựng từ cuối thập kỷ 70 và đồng thời phát triển thêm một số khu mới như Thanh Xuân, Nghĩa Đô, Kim Giang… Các KTT thời kỳ này thường có mật độ xây dựng trung bình thấp (25%), các dãy nhà thấp tầng( 4-6 tầng) thông thường được thiết kế theo kiểu hành lang bên và bố trí song song theo hướng đông tây để tránh nắng với khoảng cách giữa các dãy nhà tương đối lớn (2H), thuận lợi cho việc thông gió và chiếu sáng cho các căn hộ... Mạng lưới giao thông nội bộ KTT được thiết kế rộng rãi và kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông chung của Thành phố.

Hình thức kiến trúc của các KTT tương đối giản dị, hình khối và các chi tiết bên ngoài (cửa sổ, nhà vệ sinh, cầu thang…) phản ánh trung thực nội dung chức năng sử dụng bên trong, phù hợp với quan điểm của kiến trúc công năng, một xu hướng kiến trúc đang được suy tôn trên thế giới cũng như tại các nước XHCN. Tuy các mẫu nhà điển hình hơi đơn điệu (chỉ gồm khoảng 20 mẫu điển hình trên tổng thể gần 40 KTT), nhưng với dáng vẻ công nghiệp và hiện đại, các KTT thời kỳ bấy giờ cũng góp phần làm đẹp thêm những khu vực mới mở rộng của Hà nội.

Công nghệ xây dựng các KTT cũng là một thử nghiệm mới mẻ lúc bấy giờ, lần đầu tiên chúng ta áp dụng phương pháp modul hóa và điển hình hóa trong xây dựng từ tổng thể tới chi tiết, tham khảo theo tiêu chuẩn xây dựng của các nước XHCN. Với biện pháp thi công lắp ghép tại chỗ, thời gian xây dựng một dãy nhà ( trung bình 5 tầng) rút ngắn chỉ còn khoảng 2 tháng.

Hiện nay, theo nghiên cứu khảo sát 40 KTT cũ đã xây dựng tại Thủ đô Hà Nội từ năm 1956-1990 cho thấy các tiêu chí quy hoạch và không gian kiến trúc ban đầu đã bị biến dạng và phá huỷ, nguyên nhân xuất phát từ áp lực dân số, chuyển biến về kinh tế, xã hội, đời sống, và xu thế phát triển mở rộng chung của thành phố trong giai đoạn mới.

Các KTT cũ hiện nay đều có thực trạng chung dưới đây:

- Hệ thống giao thông nội bộ trong các KTT đã bị quá tải và chức năng quy hoạch ban đầu đã bị thay đổi. Trước đây theo quy hoạch chung, các KTT thường được bố trí ở ngoại vi thành phố ( vành đai 1,2,3), là nơi có diện tích đất trống lớn và mật độ giao thông vừa phải. Ngày nay do sự phát triển của thành phố, vị trí của các KTT này đã trở thành trung tâm trong quy hoạch mở rộng. Tuyến giao thông nội bộ của các KTT đã trở thành tuyến giao thông chung (Thậm chí tuyến giao thông chính) của hệ thống giao thông đô thị mới. Thực trạng này làm mật độ giao thông tại các tuyến đường trên tăng nhanh đến mức quá tải và làm biến đổi chức năng của các dãy nhà trên trục đường này từ nhà ở sang nhà ở kết hợp kinh doanh.

- Không gian quy hoạch chung đã bị phá vỡ do mặt độ dân cư quá lớn so với thiết kế ban đầu. Theo điều tra của địa phương một số KTT: Bách Khoa có hộ gần lên tới 8 người/24m2 căn hộ, Thành Công có hộ 10 người/28m2 căn hộ, chỉ tiêu diện tích thậm chí còn 1,5 m2/người (thấp nhất)… Nguyễn Công Trứ là khu tập thể điển hình thời bao cấp, ban đầu được xây dựng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 4.000 nhân khẩu. Nhiều năm trôi qua, tập thể này đã mất đi dáng vẻ ban đầu mà trở thành khu “ở và kinh doanh” hỗn độn với số dân khoảng 9.300 người . Do mật độ dân cư quá lớn, các hộ dân đã tự ý lấn chiếm các phần đất lưu không dành cho cây xanh xung quanh khu nhà xây dựng thành diện tích ở kiên cố làm phá vỡ không gian quy hoạch chung.

- Hình thức kiến trúc thay đổi do tình trạng xây dựng cơi nới phát triển tự do. Tình trạng các căn hộ bên trên cơi nới tùy tiện để tăng diện tích ở , tạo nên các “chuồng chim, chuồng cọp”, đã làm biến đổi hoàn toàn hình thức kiến trúc ban đầu.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đã bị quá tải và xuống cấp trầm trọng gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường. Hệ thống HTKT đã quá cũ và yếu không đáp ứng với nhu cầu hiện nay gây tình trạng thiếu nước sạch, thiếu điện, ngập úng khi mưa lớn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường và Nhà Đất hà Nội, hiện nay có 23 khu tập thể cũ đã xuống cấp nghiêm trọng và nguy hiểm cho người sử dụng với gần 450 nhà cao 4-5 tầng, 200 nhà lắp ghép tấm lớn với tổng diện tích gần 1,5 triệu m2. Đây đang là chỗ ở của 27.000 hộ dân với trên 130.000 người.   

- Công tác quản lý khai thác chưa hợp lý, duy tu, sửa chữa, bảo trì không thường xuyên. Do chế độ bao cấp về nhà ở, các KTT cũ được phân bổ ngân sách hạn chế  để duy tu, bảo trì, sửa chữa tối thiểu trong khi đó lại không có chính sách khai thác dịch vụ sinh lời phù hợp để tăng nguồn vốn phục vụ các công tác này.

Từ những năm 1990, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của các KTT, Thành phố đã chỉ đạo sửa chữa, cải tạo các khu tập thể quá cũ để cải thiện môi trường sống cho người dân, thành phố đã tiến hành chống lún các nhà lún, nứt nguy hiểm ở các khu Thành Công, Giảng Võ, Văn Chương… Từ đầu những năm 2000, Thành phố Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm cải thiện các KTT cũ thành các KTT cao tầng hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay qua đầu tư xây dựng nhà cao tầng mới, mở rộng căn hộ bằng nguồn vốn ngân sách. Sau nhiều năm bàn bạc với 17 bản dự thảo, cuối cùng thì quy chế cải tạo xây dựng lại các KTT cũ trên địa bàn Hà nội cũng đã được ban hành. Nhiều nhà đầu tư thở phào vì có khung chuẩn để thực hiện. Mô hình quy hoạch và xây mới nhà A6 Giảng Võ - 5 tầng - 80 căn hộ, xây dựng mới thành nhà 9 tầng - 180 căn hộ bước đầu đã thu được những tín hiệu rất khả quan, thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tăng quỹ nhà ở cho thành phố, nâng cao diện tích và chất lượng căn hộ cho các hộ sinh sống cũ cư, chính vì vậy đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.  Đúc kết kinh nghiệm từ quá trình cải tạo và xây mới các KTT cũ, thành phố đang tiếp tục triển khai các dự án phá dỡ để xây dựng mới các nhà I1, I2, I3 Thành Công; Nhà A, B  Ngọc Khánh; Nhà E6, E7 Quỳnh Mai, khu Giảng Võ… Tuy vậy, việc cải tạo các KTT cũ cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là giải phóng mặt bằng, giải quyết các trường hợp cơi nới lấn chiếm, làm đội chi phí và chậm tiến độ, ảnh hưởng đến số đông các hộ chấp nhận di dời.

  • Ảnh bên : Khu tập thể Giảng Võ 

Các KTT cũ ở Hà Nội đã và sẽ dần dần bị dỡ bỏ để thay thế bằng những tòa nhà chung cư cao tầng hiện đại hơn, tuy vậy các KTT cũ đã để lại những dấu ấn sâu đậm lên đời sống của người dân thủ đô, nó có những giá trị nhất định trên phương diện ý nghĩa xã hội cũng như ý nghĩa về quy hoạch kiến trúc của Hà Nội trong một giai đoạn phát triển của lịch sử.

- Các KTT cũ là những chứng tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển của kiến trúc của Hà Nội nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung, là một minh chứng cho thấy những cố gắng của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một chế độ XHCN tốt đẹp mà mọi người dân đều được chăm lo một cách đầy đủ và bình đẳng.

- Kiến trúc KTT cũ là một mô hình điển hình trên phương diện quy hoạch và thiết kế khu ở với sự thống nhất cao những tiêu chí về môi trường sống, không gian cây xanh, dịch vụ xã hội…

- Việc quy hoạch và xây dựng các KTT đã nâng cao cảnh quan đô thị Hà Nội, cải tạo môi trường sống tại các khu đất ngoại vi lúc bấy giờ.

- Các KTT cũ cũng chiếm vị trí quan trọng tại trung tâm thành phố trong các phương án quy hoạch mở rộng Hà nội hiện nay và trong tương lai.

Chủ trương cải tạo các KTT cũ, phá bỏ các dãy nhà TT xuống cấp nguy hiểm, quy hoạch và xây mới lại là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên với những giá trị nhất định mà những KTT cũ để lại, cần có những nghiên cứu một cách đồng bộ. Tham khảo các kinh nghiệm về cải tạo và bảo tồn các KTT cũ ở các nước (ví dụ như ở Thụy Điển, các KTT cũ được cải tạo giữ nguyên hình thức bên ngoài nhưng chức năng bên trong được biến đổi phù hợp với xu thế mới như cho thuê nhà ở du lịch, căn hộ cho người độc thân hay khu điều dưỡng người cao tuổi…)  để từ đó đưa ra những chủ trương chính sách phù hợp. Vì vậy, để việc cải tạo các KTT cũ tiến hành thuận lợi và đạt kết quả theo xu hướng phát triển bền vững của thành phố, tôi xin kiến nghị về một số việc nên làm sau:

- Cần kiểm tra, đánh giá lại giá trị, chất lượng và phân loại các dãy nhà tại các KTT cũ.

- Đề xuất mức độ cải tạo (bảo tồn giữ nguyên hình thức nhưng chuyển đổi mục đích sử dụng; sửa chữa  cải tạo vừa và lớn; phá bỏ xây mới…) dựa trên những đánh giá phân loại đã có trên phương diện đồng bộ từng cụm nhà, tránh việc cải tạo đơn lẻ và tùy tiện.

- Thành phố cần đưa ra các kế hoạch dài hạn và chia thành các giai đoạn để thuận lợi cho việc lập các dự án đầu tư đồng cũng như thời gian chuẩn bị về tinh thần và chỗ ở tạm thời cho những cư dân tại các KTT này.

Cùng với việc phát triển và xây dựng các khu chung cư mới hiện đại, hy vọng rằng các KTT cũ của Hà nội sẽ có được chính sách cải tạo và giữ gìn phù hợp, để có thể vừa lưu giữ hình ảnh một thời của Hà Nội, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân đang sinh sống tại đây.

Đặng Hoàng Vũ

>> Lo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo