Các chuyên gia, doanh nghiệp đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc đánh thuế nhà ở thứ hai (trong Luật thuế tài sản) đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng nhằm hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Các ý kiến này đã được thể hiện tại tọa đàm với chủ đề “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 7/9/2017 tại Hà Nội.
Đánh thuế nhà thứ hai là không hợp lý
Nói về lý do Bộ Tài chính đề xuất việc đánh thuế sở hữu nhà thứ hai trở lên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính cho biết cần phải làm việc này vì trong nhiều năm qua chưa có đạo luật chi tiết về đánh thuế tài sản bất động sản.
Tại tọa đàm, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng bày tỏ sự đồng tình với loại thuế này để chống đầu cơ. Bởi, hiện bất động sản là nhà đất của hộ gia đình cá nhân và Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà. Thêm nữa, hiện mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 0,03% chưa giúp việc sử dụng đất một cách hiệu quả và chưa chống được đầu cơ.
Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỉ trọng rất cao và nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm.
"Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước về bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua,” ông Võ nhấn mạnh tại buổi tọa đàm.
Ông Võ cho rằng nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu của những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả cung lẫn cầu, trước tiên là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê và sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê. Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất.
Đại diện công ty bất động sản hoạt động tại nhiều quốc gia, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần thận trọng khi đánh thuế với bất động sản thứ hai.
“Nghiên cứu của Savills cho thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai thì thị trường sẽ giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư ,” ông Powell nói.
Giám đốc Savills Hà Nội nói Singapore đánh thuế nhà ở thứ hai trong bối cảnh nước này có quá nhiều người nhập cư, khiến cầu vượt cung và do đó chính phủ nước này đưa ra chính sách thuế để cần bằng thị trường. Còn với Việt Nam hoàn toàn khác, cầu còn chưa ổn nên khó có thể áp dụng cách của các nước khác vào Việt Nam.
Thêm nữa nhu cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư ngoại với bất động sản Việt Nam. Khi nào nguồn cung và cầu trên thị trường không cân bằng... thì mới cần cân nhắc tới các chính sách siết chặt, ông Powell nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói, thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi được mấy năm sau một thời gian dài khủng hoảng nên việc đánh thuế phải rất thận trọng.Nếu đánh thuế nhà ở thứ hai thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70% nhưng ở Việt Nam chỉ có 10%.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng cho rằng việc đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê. Nếu nhà thứ hai bị đánh thuế thì người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá, như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà vốn là những người có thu nhập thấp.
Ông Hải lưu ý, người có một ngôi nhà có diện tích 1.000 mét vuông không bị đánh thuế trong khi người có hai nhà, mỗi nhà 50 mét vuông lại phải chịu thuế là vô lý.
Ông Hải nói việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ hai trở lên đã áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhưng đây là những nước có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý dữ liệu chặt chẽ. Trong khi đó, tại Việt Nam hệ thống dữ liệu thông tin liên thông chưa được kết nối hoàn chỉnh giữa các địa phương và trên toàn quốc. Vậy làm thế nào để có thể xác định ai sở hữu nhà ở thứ hai trở lên để mà đánh thuế?.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ nói nếu đánh thuế nhà thứ nhất hay thứ hai thì phải có đơn vị nhà giống nhau. Bởi sẽ là bất hợp lý nếu một cái biệt thự là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 là nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế. Do đó, nếu đánh thuế thì phải có đơn vị diện tích đánh thuế cụ thể.
Cần cải cách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng cần cải cách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và việc sửa đổi sắc thuế này là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, để thị trường bất động sản phát triển thì quản trị công phải vững, công khai minh bạch các thông tin tới xã hội.
Theo ông Võ thị trường sơ cấp đang thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý, do đó phải đảm bảo hệ thống quản trị công tốt. “Cần đưa ra quy trình điều chỉnh quy hoạch chặt chẽ, minh bạch… Đây là một số việc cần làm sớm để tạo ra quá trình vốn hoá đất đai, để khai thác được quỹ đất tốt hơn. Việc này Đà Nẵng đã làm được và làm rất tốt,” ông Võ nói.
Còn ông Hải từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng nếu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được điều chỉnh hợp lý thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh, theo đó Nhà nước cũng có nguồn thu tốt hơn. Đây cũng là chính sách thuế có tác động tích cực cho thị trường bất động sản.
Ông nhấn mạnh việc cần có chính sách sớm, có lộ trình rõ ràng cho thị trường bất động sản để doanh nghiệp chuẩn bị và có thời gian tiếp nhận thực hiện chính sách đó cho phù hợp. Chính sách hợp lý, công bằng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản và một lộ trình phù hợp sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực với thị trường.
Ông Hà từ Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam góp ý, việc đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không nên đánh thuế trên giá trị của đất. Kinh nghiệm của các nước Úc, Singapore, Anh là đánh thuế trên cơ sở sinh lợi từ đất đó, cụ thể dựa trên tiền cho thuê hằng năm, hoa mầu sản xuất được bao nhiêu. Còn nếu đất để không thì thậm chí phải chịu mức thuế cao hơn vì như thế mới khuyến khích người dân sử dụng đất hiệu quả. Việc đánh thuế đất phi nông nghiệp phải thay đổi toàn diện, phải làm thế nào để nuôi dưỡng được nguồn thu.
Ông Hà đề xuất, để chống đầu cơ cần sửa đổi thuế thu nhập cá nhân kiếm được từ bất động sản. "Thu 2% lợi nhuận thì thu được chứ 25% như hiện tại thì không bao giờ thu được. Mặt khác phải quy định nhà vừa mua xong bán ngay thì tiền thuế phải khác với nhà mua 5 năm mới bán. Còn những nhà đất cho thuê thì bản thân người cho thuê nhà đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi cho thuê rồi nên việc đánh thuế nhà ở cần phải được giảm hơn,” ông Hà góp ý.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của giới chuyên gia, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho hay, Bộ Tài chính hiện mới nghiên cứu việc đánh thuế nhà ở thứ hai và phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu mới có thể ban hành.
Vân Ly
(TBKTSG)
- Savills: Giá nhà ở Việt Nam cao gấp 25 lần thu nhập trung bình người dân
- Thiết kế cảnh quan - Chiến lược phát triển lâu dài cho các chủ đầu tư bất động sản
- Chuyên gia: TPHCM nên cho xây căn hộ diện tích nhỏ ở ngoại thành
- FDI thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước
- Nhà phát triển condotel mòn mỏi chờ chính danh
- Tập đoàn Nam Cường và dấu ấn đầu tư cho giáo dục
- Phú Quốc “dậy sóng” bất động sản nghỉ dưỡng
- TP.HCM sẽ có khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội
- Phía Tây Hà Nội trước cơ hội thành trung tâm kinh tế mới
- Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khi tạo lập dự án