Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Chuyên mục Bất động sản Chuyên gia: Cần thận trọng khi áp dụng thuế nhà, đất

Chuyên gia: Cần thận trọng khi áp dụng thuế nhà, đất

Viết email In

Cho rằng chính sách thuế tài sản hiện chưa phù hợp, Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất Luật thuế tài sản, trong đó nhắm tới những loại tài sản lớn như nhà, đất. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng khi áp dụng sắc thuế này.  


Bộ Tài chính cho rằng áp dụng thuế nhà, đất sẽ giúp hạn chế đầu cơ.
(Ảnh: Cao Ban) 

Bộ Tài chính: Luật Thuế tài sản là cần thiết

Theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước vì số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách. 

Trong khi đó, ở nhiều nước thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tại Canada tỷ lệ này là 4% và tại Mỹ là 1-3%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.

Tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia,... thời gian gần đây có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản. Thuế tài sản được các nước đánh giá là loại thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 đô la Mỹ (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 đô la Mỹ (khoảng 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 đô la Mỹ (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên.

Do đó, Bộ Tài chính đánh giá thời điểm hiện nay, việc nghiên cứu, ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, giúp xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí. 

Nên đánh thuế như thế nào?

Báo cáo của Bộ Tài chính không trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể. Trước đây, bộ này từng đưa ra ba phương án tính thuế nhà ở.

Phương án 1, những người sở hữu nhà ở trên 200 m2 sàn xây dựng phải chịu thuế 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà. Phương án 2, thu thuế theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng phải chịu thuế 0,03%. Phương án 3, chỉ thu thuế nhà ở (đối với người sở hữu) căn nhà thứ hai trở đi theo thuế tuyệt đối 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà, nhưng không thu thuế đối với nhà dưới hai tầng.

Hồi cuối năm 2016, bộ này cho biết đang nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng áp thuế với bất động sản thứ hai trở lên của người dân.

Giới chuyên môn cho rằng việc này sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

“Sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói.

Tuy nhiên, HoREA nhấn mạnh, cần thận trọng, tính toán lại nhiều yếu tố khi áp dụng sắc thuế này. Theo ông Châu, hiện Việt Nam chỉ mới đánh thuế sử dụng đất ở (0,03% bảng giá nhà nước, lũy tiến cao nhất là 0,15%), chưa đánh thuế tài sản nhà ở. Khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 30-40% giá thị trường, giá trên hợp đồng chuyển nhượng cũng thường thấp hơn giá trị thực, khiến nhà nước thất thu ngân sách lớn.

Ông Châu lưu ý đánh thuế nhắm vào diện tích căn nhà và điều chỉnh tuỳ đối tượng cụ thể để đảm bảo công bằng. Không nên đánh thuế đối với một số đối tượng như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng, nhà cấp 4 trở xuống, các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TPHCM dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200 m2.

Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản.

Ông Stephen Wyatt, Giám đốc Jones Lang Lasalle Việt Nam, băn khoăn làm thế nào xác định được ngôi nhà thứ hai để đánh thuế tại Việt Nam bởi người dân có thể lách luật bằng cách để các thành viên trong gia đình đứng tên.

Việt Nam có thể tham khảo theo mô hình của Singapore với thuế tài sản phụ trội trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; còn bất động sản thứ 3 là 10%. Hoặc như tại Anh, đối với những bất động sản dưới 250.000 đô la Mỹ không cần phải đóng thuế, trên 250.000 đô la Mỹ thì áp dụng mức thuế khác nhau.

Tuy nhiên, ông Wyatt cho rằng, ít nhất tới năm 2020, Việt Nam mới có thể áp dụng sắc thuế này do còn hạn chế về dữ liệu thống kê, thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

“Các thủ tục mua bán bất động sản được thực hiện bằng văn bản giấy, khó rà soát và quản lý. Nếu người dân mua bất động sản thứ hai tại nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan quản lý sẽ nhận biết và giám sát việc này như thế nào?”, ông Wyatt đặt câu hỏi. 

Cao Ban 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo