Nhiều người lần đầu đến Singapore giật mình vì nhận ra những điều không giống những gì mình “tưởng” mình “nghĩ” trước nay.
Khoảng 10 năm trước tôi đến Singapore lần đầu tiên, vì công việc nên chỉ kịp tham quan một số bảo tàng và khu trung tâm. Khi ấy sang đảo Sentosa còn đi phà hoặc cáp treo, ngoài khu nhạc nước Sentosa chưa xây dựng gì nhiều. Lần này đến Sing lại có thời gian ngó nghiêng nhiều nơi nhiều chốn hơn và… nhìn đâu cũng thấy có thể học được nhiều điều có ích cho công việc của mình.
Đông đúc nhưng hài hòa
Bắt đầu từ sân bay. Bên cạnh sân bay Changi hiện đại, rộng lớn, tiện nghi cao cấp chuyên phục vụ các hãng hàng không lớn, Singapore còn xây dựng một số nhà ga nhỏ cho những hãng bay giá rẻ. Tất nhiên tiện nghi ở đây đơn giản hơn: xuống máy bay kéo va li đi bộ cả trăm mét, nơi nhập cảnh có ít cửa làm thủ tục nên vòng vèo gần cả giờ, qua 20 đường xếp hàng mới đến lượt mình. Mọi người kiên nhẫn chờ đến lượt, quanh đi quanh lại chào người quen đến cả chục lần vẫn chưa qua. Băng chuyền nhận hành lý vẫn ghi số hiệu chuyến bay… đến trước, báo hại anh bạn nháo nhác đi tìm va li của mình. Cũng phải thôi, giá rẻ đương nhiên dịch vụ cũng vừa phải và bay giá rẻ thì yêu cầu cũng không thể cao hơn.
Con đường vào thành phố rộng sáu làn xe, hai bên đường thỉnh thoảng có những ngọn đồi thấp xanh cỏ, hàng cây xanh tán rộng, lá nhỏ nên khi mưa nhanh chóng trút hết nước mưa xuống đất. Dải phân cách và trên cầu vượt trồng hoa giấy - loại cây ít phải tưới nước, hoa nở nhiều sắc màu tươi tắn, có thể tạo nhiều kiểu dáng… Trên xa lộ hai bên đường không bị bê tông hóa mà để khoảng xanh cho “đất thở” và triệt để thu lại lượng nước mưa. Nhiều đoạn vỉa hè thành phố cũng lát gạch ô vuông như lưới để thấm nước mưa. Không có nguồn nước ngọt từ sông, hồ mà lượng nước ngọt của Singapore có đến 50% là từ nước mưa, vì vậy việc tận thu nguồn nước mưa trở thành một quy trình công nghệ trong quy hoạch thiết kế đô thị.
Đường thành phố xe hơi nối đuôi nhau, vào giờ cao điểm vẫn phải chờ khá lâu ở giao lộ. Xe hơi được lau rửa sạch sẽ mặc dù nhiều xe đời cũ, nhất là taxi, vì vậy ta không có cảm giác ngột ngạt vì khói xăng, vì không khí ô nhiễm… Hệ thống giao thông công cộng (bus, metro) giúp cho thành phố không bị tình trạng quá tải chen chúc lộn xộn dù khu trung tâm luôn đông đúc tấp nập. Các loại taxi có giá khởi đầu giống nhau, giờ cao điểm, ban đêm tính tiền phụ trội (nhằm giảm kẹt xe giờ cao điểm và tăng tiền ngoài giờ), xe đời mới có bản đồ vệ tinh thì giá cước cao hơn một chút. Nếu khách gọi tổng đài sẽ được báo thời gian và số xe đến đón, xe chỉ đón đúng người gọi căn cứ vào số điện thoại gọi xe. Vì vậy vào ngày cuối tuần hay giờ đóng cửa siêu thị, nhà hàng… đón được xe taxi cũng khá lâu. Nhưng bất cứ giờ nào, dù không biết tiếng Anh, chỉ cần có một dòng địa chỉ thì bạn hoàn toàn yên tâm đón taxi mà không sợ bị lừa chặt chém.
Ngoài khu vực bến xe bus trung tâm hay các ga metro, khách bộ hành không nhiều, vậy nhưng vỉa hè luôn rộng rãi, cầu vượt được xây khắp nơi. Điều kiện để bảo đảm an toàn đồng thời để người dân có thể chấp hành tốt luật lệ giao thông. Cầu vượt gần bệnh viện, trường học, khu thương mại còn có mái che. Cũng là những khối bê tông giăng ngang đường phố nhưng nhờ kiểu dáng thanh thoát, trên cầu vượt cũng trồng nhiều cây xanh, hoa giấy nên không gây cảm giác bức bối tầm mắt.
- Ảnh bên: Lịch sử trên đường phố
Ai cũng được dự phần
Đất nước Singapore có thể coi là một thành phố, mặc dù vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía bắc bao quanh sông Singapore, hiện nay là khu trung tâm thương mại lớn nhất. Những vùng còn lại rừng nhiệt đới ẩm và đất cho nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa. Ủy ban Quy hoạch đô thị là một ban của chính phủ chuyên về các hoạt động quy hoạch đô thị với nhiệm vụ là sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông. Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, xây dựng thành phố trên biển và nối liền các hòn đảo. Nhờ đó, diện tích của Singapore đã tăng từ 581,5km² ở thập niên 1960 lên 697,25km² ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100km² nữa đến năm 2030. Quá trình đô thị hóa đã làm biến mất nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới, hiện nay chỉ còn lại một số như khu bảo tồn thiên nhiên Bukit Timah. Tuy nhiên, nhiều công viên đã được gìn giữ với sự can thiệp của con người, ví dụ như vườn thực vật quốc gia.
Singapore là thành phố của nhà cao tầng với kính màu và bê tông nhưng hầu như không kiến trúc nào giống nhau, rất đa dạng và đẹp mắt. Có thể nhận ra những khu nhà hồi thập niên 70, 80 của thế kỷ XX bởi nhiều dãy nhà kế nhau cao năm, sáu lầu, ít có không gian công cộng, hệ thống máy lạnh vẫn gắn tường ngoài xả hơi nóng ra đường phố. Những khu nhà này vẫn được sửa chữa quét sơn vôi mới, không để tình trạng nhếch nhác, tạo tâm lý an cư cho người dân sống ở đây. Những khu nhà hiện đại mới xây gần đây và đang được xây dựng đều cao hai, ba mươi tầng, có chung đặc điểm: tầng trệt khá cao và để trống làm gare xe cho cả khu nhà, lầu một hoặc hai là không gian công cộng: có bể bơi, vườn cây nhỏ, khu cho trẻ em vui chơi… Bạn giải thích: cấu trúc như vậy rất tiết kiệm đất, đồng thời chuẩn bị thích nghi với sự biến đổi khí hậu: nước biển dâng hay có sóng thần cũng giảm thiểu tác hại. Sự ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đến từng dự án xây dựng một cách cụ thể như vậy, qua đó người dân cũng dần có sự hiểu biết và ý thức với tình trạng này. Nhìn những tòa nhà xây dựng vững chãi trên những dãy cột cao tôi bỗng thấy kiến trúc này đã tận dụng đặc tính nhà sàn truyền thống của Đông Nam Á là thích nghi và đương đầu với sự thách thức của thiên nhiên. Lại tự hỏi sao nước mình không sống chung với lũ bắt đầu từ ý tưởng này mà chỉ lo “chạy” lên vùng cao?!
Xen giữa và bên cạnh những tòa nhà hiện đại về kiểu dáng vẫn còn dãy nhà cổ ven sông, khu phố cổ được giữ lại, bảo lưu trong đời sống hàng ngày: quán bar, cà phê, quán ăn, cửa hàng đồ lưu niệm, hàng dệt quần áo, tơ lụa… Nhà cổ một trệt một lầu sơn màu tươi tắn, đồng nhất mặt tiền từ cửa chính đến cửa sổ, tầng trệt có ô kính che ngoài mang lại vẻ trang trí hiện đại cho cửa hàng, vừa bảo vệ mặt tiền bằng gỗ của nhà cổ. Trên đường phố trung tâm ta vẫn gặp những nhóm tượng, phù điêu kể lại lịch sử thành phố từ một làng chài đến một thương cảng sầm uất, từ cộng đồng người Hoa buôn bán đến những người Mã, người Ấn lao động nơi công trường… Thấy rõ ràng di sản văn hóa không những được bảo tồn mà còn được duy trì một sức sống mạnh mẽ. Chính sự sống hàng ngày này sẽ làm cho di sản lịch sử - văn hóa được bảo tồn tốt nhất.
Các cửa hàng đại hạ giá thu hút rất đông khách du lịch từ các nước châu Á đổ sang mua sắm. Khắp thành phố là những khoảng xanh và không gian công cộng. Bất cứ trên đường phố nào, khu vực nào du khách cũng tìm thấy nơi nghỉ chân dưới bóng mát. Thùng rác, nhà vệ sinh có khắp nơi, sạch đến từng centimet trên đường phố, vỉa hè, khu mua sắm cao cấp đến khu ăn uống bình dân… Mà thành phố này có rất nhiều người vãng lai và khách du lịch từ những nước mà ở đó, xả rác nơi công cộng là một thói quen phổ biến!
Quy hoạch đô thị theo xu hướng thích nghi và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, kiến trúc xây dựng hiện đại đồng thời với bảo tồn di sản văn hóa một cách hài hòa. Có lẽ nhờ vậy mà đến Singapore tôi không hề có cảm giác đảo quốc này nhỏ bé dù diện tích chỉ xấp xỉ huyện Cần Giờ, TPHCM và dân số - cả người nhập cư và khách vãng lai khoảng hơn 6 triệu người. Một quốc gia mà niên đại lịch sử chỉ mới hơn trăm năm, lại không có tộc người nào được coi là bản địa với truyền thống văn hóa lâu đời, không có một quá khứ ám ảnh đầy máu và nước mắt, phải chăng cũng là một yếu tố để con rồng nhỏ này đã sớm bay lên?
TS Nguyễn Thị Hậu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
- Các dự án tái sử dụng thích ứng trong thế kỷ XXI - Bối cảnh Hồng Kông
- Bangkok sẽ chìm xuống biển vào năm 2030?
- Đô thị ở Bangladesh - ý thức, bản chất và tính nhạy cảm để "Xanh"
- Những thành phố có chất lượng sống tốt nhất thế giới 2011
- Pierre Cardin làm "loạn" làng cổ Lacoste
- Nhà ở xã hội tại Pháp: Thế hệ chung cư mới
- Trung Quốc: Giảm giá nhà đất đe dọa tăng trưởng
- Những công trình tu bổ tốn kém và tai tiếng nhất thế giới
- Kinh nghiệm quốc tế trong cải tạo đô thị cũ
- Thư Bangkok: "Quy hoạch phòng chống thiên tai bằng sức mạnh cộng đồng"