Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tương tác Đối thoại Tiến sĩ Khương Quang Đồng: Bài toán năng lượng thế kỷ XXI

Tiến sĩ Khương Quang Đồng: Bài toán năng lượng thế kỷ XXI

Viết email In

Tiến sĩ Việt kiều Pháp Khương Quang Đồng có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ôtô, nghiên cứu xe sạch và năng lượng mới tại Pháp và Nhật. Ông cho rằng, thế kỷ XXI sẽ có nhiều vấn đề trầm trọng, trái đất ấm dần đang làm giảm đất sống, trong khi dân số tăng từ 6 lên 9 tỉ người và cần nguồn năng lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sống. Nguồn dầu mỏ sẽ cạn trong vài chục năm nữa, theo ông Đồng, là một mối đe dọa lớn, vì dầu mỏ và khí thiên nhiên đang cung cấp 55% nhu cầu năng lượng cho toàn thế giới, nhiều nhất là ở các nước Âu - Mỹ.

“Cùng với ô nhiễm môi trường, khủng hoảng lương thực... đó là mối đe dọa có thể đảo lộn kinh tế thế giới trong tương lai”, ông nhận định.

Cơ sở nào để ông đưa ra bài toán năng lượng cho thế kỷ là gió và mặt trời?

Tiến sĩ Khương Quang Đồng

• Tốt nghiệp ngành kỹ sư từ trường Mỏ Paris và Tiến sĩ Khoa học Vật lý tại Pháp.

• Hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ôtô.

• Từng làm giám đốc thiết kế nội thất xe, nghiên cứu các loại xe sạch và năng lượng mới trong khuôn khổ liên minh Renault - Nissan và European Council for Automotive R&D - EUCAR (Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Ôtô châu Âu). 

Ba nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ trong tương lai là gió, nắng và hạt nhân. Hạt nhân thì đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và đặt biệt là thiếu an toàn. Bất cứ tai nạn nào xảy ra đối với nhà máy điện hạt nhân đều để lại hậu quả khủng khiếp. Ảnh hưởng của nó có thể lan ra cả một đất nước, nghiêm trọng hơn là kéo dài đến nhiều thế hệ. Thủy điện tương đối ít ảnh hưởng đến môi sinh, song tiềm năng phát triển không nhiều vì bị giới hạn bởi một số địa hình. Chỉ còn gió và nắng, nguồn năng lượng có ở khắp nơi nhưng mật độ thấp và không liên tục. Với trình độ công nghệ hiện nay, giá sản xuất từ 2 loại năng lượng này còn đắt, khả năng dự trữ thấp.

Dự báo là như vậy, song giá sản xuất cao khiến cho nhà đầu tư không mặn mà. Vậy giải pháp là gì?

Phát triển điện gió và điện mặt trời đang trong vòng luẩn quẩn bởi giá sản xuất cao, các nhà tư bản không đầu tư. Không có vốn thì không phát triển nghiên cứu để tăng hiệu suất. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn, cần có sự đầu tư của nhà nước. Các nước châu Âu, tiên phong là Đức, đã đầu tư rất nhiều để xây các bãi quạt gió ngoài khơi và hỗ trợ tư nhân đầu tư.

Trong chiều hướng này Hội nghị Grenelle về môi sinh năm 2008 đã đề nghị Chính phủ Pháp đầu tư 55 tỉ euro trong 10 năm để phát triển công nghiệp điện gió và điện mặt trời. Hai biện pháp cơ bản khuyến khích tư nhân đầu tư là giảm thuế và tạo điều kiện cho họ mua bán điện. Tôi được biết, chính sách này đã thành công vượt dự tính nên Chính phủ Pháp đang xét lại giá bán để giảm lợi nhuận của tư nhân.

Pháp phát triển điện gió và mặt trời để từ từ đóng cửa nhà máy điện nhiệt và điện hạt nhân hiện đang cung cấp 75% nhu cầu điện cho họ. Khác với Pháp, Đức phát triển năng lượng gió và mặt trời để thay thế hoàn toàn điện hạt nhân.

Vậy Việt Nam nên chọn giải pháp nào cho nguồn năng lượng thay thế?

Việt Nam đang có nhu cầu tăng 15% điện năng mỗi năm. Nhu cầu điện phải được giải quyết để phát triển kinh tế.

Lĩnh vực điện ưu tiên là hạt nhân, được dự báo đáp ứng 9% nhu cầu năm 2020. Thử làm phép tính thế này, 4 lò điện hạt nhân đang đầu tư ở Ninh Thuận dự báo tốn 200.000 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ USD, theo Sở Tài nguyên Ninh Thuận), sẽ sản xuất được 4GW. Trong khi 1 nhà máy điện gió cần 1,65 tỉ USD (33.000 tỉ đồng) để sản xuất ra 1GW, theo số liệu từ công ty điện của Pháp EDF. Nghĩa là với 10 tỉ USD, ta có thể xây được 5 nhà máy điện gió, tổng công suất 5 GW. Điện gió lại an toàn hơn nhiều.

Theo tôi, song song với chính sách phát triển điện hạt nhân, Chính phủ nên đề ra chương trình phát triển điện gió và mặt trời. Chính phủ cũng cần khuyến khích tư nhân làm lĩnh vực này bằng cách hỗ trợ đầu tư, mua lại điện với giá cao để họ lấy lại vốn trong thời gian ngắn.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nuôi giấc mơ xây dựng ngành công nghiệp ôtô bằng cách thu hút nước ngoài đầu tư trực tiếp. Có ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp này đã phá sản. Với 30 năm kinh nghiệm làm việc cho ngành ôtô Pháp và Nhật, ông có nhận xét gì không?

Việt Nam chưa có công nghiệp ôtô nên đâu thể nói là phá sản. Công nghiệp ôtô là phải chế tạo được vật liệu, sản xuất linh kiện, trong khi chúng ta mua về lắp ráp, đó là công nghệ lắp ráp.

Tại sao kế hoạch thất bại? Thị trường Việt Nam có nhu cầu khoảng 100.000 xe đối với tất cả các loại mỗi năm. Nếu chia cho gần 50 doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, trung bình mỗi doanh nghiệp sản xuất 2.000 xe. Con số này quá nhỏ so với các tập đoàn có doanh số gần chục triệu xe mỗi năm như Toyota, GM, Ford.

Như vậy, mở cửa ồ ạt để nước ngoài vào đầu tư, chuyển giao công nghệ giúp ta phát triển công nghiệp ôtô là điều không tưởng. Để có mặt trên thị trường với vốn đầu tư tối thiểu và giảm tối đa rủi ro, họ áp dụng nguyên tắc “ăn xổi ở thì”, nghĩa là tới nhanh để xây nhà máy, rút lẹ vốn và người khi có biến động. Trên thực tế, họ đầu tư vào Việt Nam để bán xe đúng hơn là để sản xuất.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã mở cửa thị trường ôtô cho nước ngoài vào cách đây 30 năm và hiện tại họ có một nền công nghiệp ôtô phát triển nhanh so với các nước khác?

Khi muốn khai triển công nghiệp ôtô, khoảng thập niên 1980, Trung Quốc chỉ cộng tác với vài công ty, đặc biệt là Volkswagen, một hãng xe lớn của Đức. Có được hợp đồng, Volkswagen đã đầu tư nhiều vốn và thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ. Khi công nghiệp ôtô bắt đầu vững và thị trường bắt đầu phát triển nhanh, Trung Quốc mới mở rộng cửa đón các công ty khác, vừa tạo sự năng động và cạnh tranh cho thị trường, vừa giảm vai trò độc quyền của Volkswagen. Kết quả là thị phần của Volkswagen rơi từ 40% năm 2002 xuống còn 15% năm 2006.

Thị trường Việt Nam quá nhỏ, lại mở cửa ồ ạt ngay từ đầu nên không được đầu tư nhiều và chuyển giao công nghệ. Bây giờ thì rất khó trở lui để ưu tiên hợp tác với một công ty nào đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể chuẩn bị cho tương lai bằng cách hợp tác nghiên cứu, phát triển ôtô điện, vừa ít vốn vừa không đòi hỏi kỹ thuật cao so với ôtô chạy xăng. Để thực hiện điều này, cần có chính sách phát triển ôtô điện, vì một ngành công nghiệp muốn phát triển phải có sức kéo từ thị trường nội địa. 

Hằng Nga (thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1843 khách Trực tuyến

Quảng cáo