Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Đối thoại Trao đổi với PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn về kiến trúc nhiệt đới

Trao đổi với PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn về kiến trúc nhiệt đới

Viết email In

Đã có ai làm công việc thống kê xem trong quỹ kiến trúc Việt Nam có những loại kiến trúc gì? Kiến trúc gì là đặc trưng nhất, ích lợi nhất, phù hợp nhất? Đã có ai thống kê xem Hà Nội có bao nhiêu công trình kiến trúc gắn với khí hậu? Và đã ai nghĩ đến việc dung dưỡng chúng, giải thoát cho chúng khỏi những ấp ôm đến nghẹt thở bởi các khối bê tông, mảng kính, chất chồng lên nhau tưởng như vô tận?...  

PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn trăn trở (ảnh): "Kiến trúc đô thị của ta dường như lâm vào một cuộc mê sảng tập thể".

"Đã đến lúc phải tổng kết nghiêm túc để phát triển một nền kiến trúc có bản sắc. Đó là trách nhiệm của những người đương nhiệm, các nhà khoa học, các kiến trúc sư  đang hành nghề, những người đã góp phần tạo nên những thành quả và các hậu quả đó, để biến đô thị thành sự bổ sung tự nhiên cho thiên nhiên, không đối chọi với thiên nhiên, không để lại cho mai sau những di chứng, những cánh đồng - bãi rác. Chớ để cho những đô thị - tổ ấm của các kiếp người phải bập bẹ nói từ đầu. Với con người, đô thị phải được quy hoạch và xây dựng trên hết vì con người. Con người phải làm chủ được không gian, khoảng cách và quan trọng hơn cả là làm chủ chứ không lạc lõng trong mê cung của những gì mình tạo ra. Mong sao những ai được giao phận sự quản lí đô thị hãy là những nhà quản trị có tư tưởng. Hãy ngoái lại dĩ vãng".

PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Chủ nhiệm bộ môn Kiến trúc Nhiệt đới trên đại học, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)  

Bảo tắt đèn thì tôi... thua

Gần đây, có rất nhiều hành động hướng tới tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Là nhà khoa học chắc hẳn ông rất vui mừng!?

Biết nói thế nào nhỉ? (Cười). Tất nhiên là mừng. Nhưng khó khăn vất vả  đấy, chứ không chỉ đơn giản là khuyên dân chúng tắt bớt một ngọn đèn. Bởi vì khi thiết kế chiếu sáng cho công trình, ánh sáng đã được tính toán phù hợp với chức năng sử dụng và đặc biệt phải đúng tiêu chuẩn chiếu sáng, lại bảo tôi tắt đèn đi thì tôi... thua rồi.

Thế theo ông thì phải làm thế nào?

Bản chất của tiết kiệm năng lượng phải từ nghiên cứu quy hoạch kiến trúc  đô thị và các khu công nghiệp. Nếu bây giờ anh thiết kế quy hoạch đô thị mà thông gió tốt, hướng tốt, diện tích cây xanh và mặt nước hợp lí, thì cái nhiệt độ trong thành phố với ngoại ô không chênh lệch nhau nhiều. Ví dụ: thông gió đô thị tốt, đối với một công trình kiến trúc, bức tường hướng tây mà anh dùng vật liệu cách nhiệt tốt, thì đâu cần anh phải dùng năng lượng nhiều để điều hòa nhiệt độ.

Đừng nghĩ oan cho kính

Tôi thấy chúng ta lạm dụng kính xây dựng thái quá. Đâu đâu cũng thấy những tòa nhà  kính. Mà những tòa nhà kính này ở đâu ra? Từ kiến trúc sư các ông thiết kế ra cả. Thế thì nói gì đến việc giảm thiểu sự nóng lên của môi trường?

Kính là một trong những phương tiện quan trọng. Nó là chất liệu cho kiến trúc sư hành nghề sáng tác. Thử hình dung xem không có kính thì bộ mặt kiến trúc sẽ như thế nào? Phải khẳng định, không có kính thì không có công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật. Kính không có tội gì, đừng nghĩ oan cho kính. Kính cực kỳ nhiệt đới bởi không rêu mốc, không thấm dột, độ bền cao...

Vấn đề là ở chỗ kiến trúc sư chưa thấu hiểu về kính, nhà sản xuất lại không hiểu nguyện vọng của kiến trúc sư. Vậy hai "ông" này ngồi với nhau đi, thì sẽ giải quyết được. Vấn đề là kính đã an toàn môi trường chưa hay chỉ là kính an toàn cơ học? Anh lựa chọn kính, đặt đúng vị trí, anh làm đúng cấu tạo thì kính sẽ góp phần sinh thái hóa kiến trúc chứ không phi nhiệt đới. Chỉ một động tác cấu tạo thôi là giải quyết được vấn đề.


Toà nhà của Viện hàn lâm Mont-Cenis tại CHLB Đức (ảnh minh họa: Ashui.com)

Hãy ngoái lại dĩ vãng

Nếu như vậy thì Hà Nội có bao nhiêu công trình đã thỏa mãn được một phần yêu cầu của kiến trúc nhiệt đới?

Tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng được biết có hai công trình mà tác giả đã cấu tạo tường hai lớp để cách nhiệt và có khoảng lưu không để thông gió giữa hai lớp tường.
 
Cả thành phố chỉ  có hai công trình thôi sao? Tại sao họ lại không làm trong khi vấn đề nóng lên của khí hậu, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả đang được quan tâm thế này?

Kiến trúc nhiệt đới là kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Người làm kiến trúc nhiệt đới là đi tìm kiếm một mô hình kiến trúc tự điều tiết. Đây là con đường ngắn nhất để sinh thái hóa kiến trúc bởi nó thỏa mãn được điều kiện tiện nghi cho môi trường sống của con người, bao hàm sử dụng năng lượng tiết kiệm và an toàn môi trường. Chiến lược xây dựng và phát triển kiến trúc nhiệt đới có thể chia làm hai giai đoạn. Thứ nhất là làm giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng bất lợi của điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều vào công trình kiến trúc. Thứ hai là biến chính những bất lợi ấy thành lợi ích phục vụ con người. 

Nếu làm, có thể suất  đầu tư sẽ cao hơn, trong khi dự án vừa  được phê duyệt đã bán hết nhà rồi thì  chủ đầu tư còn quan tâm đến cái này để làm gì nữa. Vấn đề là ở nhận thức xã hội. 

Ôi, cứ xây, cứ bán, mặc kệ khí hậu, mặc kệ môi trường, mặc kệ nóng, mặc kệ bí, mặc kệ các thứ bệnh nhiệt đới... thế thì... "thua" thật rồi. Các cụ ngày xưa có vẻ lại quan tâm đến kiến trúc nhiệt đới nhiều hơn chúng ta bây giờ chăng? Bằng chứng là các cụ làm nhà kiểu gì mà hè mát, đông ấm. Còn nhà của chúng ta bây giờ thì xây kiểu gì mà toàn hứng nắng, rêu mốc thì mọc đầy, đến khiếp!

Ngày xưa ông cha ta đi guốc mộc, đội nón lá mà làm nên bao nhiêu chuyện. Vậy mà thế hệ chúng ta đi xe hơi, đội trên đầu chiếc nón "hàng hiệu", có hệ thống nối mạng toàn cầu thì những chuyện vốn đã thuộc về truyền thống, dường như chúng ta lại quên đi không khai thác, để bây giờ phải chịu hậu quả.

Hôm nay xây chớ để hôm sau phá
 
Qua cuộc trao đổi, có thể  thấy hướng đi của nghiên cứu đã có. Vậy tại sao vẫn còn bế tắc? Tất cả chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề sinh thái kiến trúc, thưa ông?

Nguyên nhân thì nhiều, song ở đây tôi chỉ muốn trao đổi một số ý chính như sau. Thứ nhất, là phải đưa kiến trúc nhiệt đới vào hệ thống, chương trình đào tạo kiến trúc sư. Thứ hai là phải luật hóa, quy chuẩn hóa. Thứ ba, tất nhiên không thể thiếu, chính là truyền thông. Đô thị phải được quy hoạch xây dựng trên cơ sở tính toán với tầm nhìn và tầm cao trí tuệ. Cái gì thế hệ hôm nay xây dựng, chớ để thế hệ tiếp sau phá bỏ!

Xin trân trọng cảm ơn  ông. Và mong sao chúng ta sớm được sống trong những lợi ích kiến trúc nhiệt đới mang lại cho môi trường. Kính chúc ông sức khoẻ! 

Việt Nga (thực hiện)

[ Chuyên đề : Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2429 khách Trực tuyến

Quảng cáo