Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Đối thoại Di dời đại học, cao đẳng ra ngoại thành: Không để đất 'vàng' thành cao ốc

Di dời đại học, cao đẳng ra ngoại thành: Không để đất 'vàng' thành cao ốc

Viết email In

Trao đổi với PV, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên &Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phải sử dụng hợp lý những khu đất vàng mà các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) để lại sau khi di dời ra ngoại thành, theo nguyên tắc giảm tải ở khu vực nội thành.

Việc di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành nên được thực hiện theo lộ trình như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi (ảnh bên): Đây là một chủ trương đúng, có quy mô và vai trò quan trọng trong việc quản lý đô thị. Do vậy, phải có bước đi, giải pháp cần thiết để thực hiện. Hiện nay điều kiện khá thuận lợi khi Chính phủ đang xem xét quy hoạch chung Thủ đô, trong đó có việc di dời các cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp... ra ngoại thành.

Tuy nhiên, việc di dời này không thể vội được, vì các trường đại học phải hoạt động liên tục nên kế hoạch di dời không được làm ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng đào tạo. Ngoài ra, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục cần ngân sách lớn, nên phải có lộ trình phù hợp.

Không vì giải quyết cơ sở cũ mà vội vàng di chuyển trong khi nơi mới chưa đáp ứng đủ điều kiện. Việc giải quyết cơ sở cũ phải góp phần tạo ra nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở mới. Chênh lệnh đất đai ở nội và ngoại đô sẽ tạo ra nguồn thu lớn để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.

Việc di dời ĐH Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc triển khai gần 10 năm qua nhưng vẫn chưa xong, kế hoạch mới này cần tránh vấn đề gì?

Đó là bài học liên quan công tác giải phóng mặt bằng. Vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách trong khi đang có rất nhiều dự án trọng điểm. Do vậy, cần xem khả năng ngân sách đến đâu. Nếu đầu tư nhỏ giọt, mỗi dự án một tý thì sẽ kém hiệu quả, lãng phí. Do vậy, phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư. Lựa chọn đầu tư dứt điểm từng cơ sở, không thể tiếp tục dàn trải.

Vấn đề quan trọng nữa là, đầu tư đô thị ĐH phải đồng bộ với cả khu vực đó. Ví như, xác định làng ĐH nằm trong đô thị ĐH ở Hòa Lạc thì Hà Nội phải đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của một đô thị. Nếu xây dựng ĐH Quốc gia tại Hòa Lạc nhưng điện, nước không chủ động được, các nhu cầu phục vụ khác như bệnh viện, trường học cho con em giáo viên không có thì làm sao di dời lên đó được.

Chưa có kế hoạch chính thức nào

Vậy đến nay đã có lộ trình di dời cụ thể chưa? 

Theo Bộ GD&ĐT, chưa có kế hoạch chính thức nào. Hầu hết thông tin vừa qua chưa chính thức, mà mới là ý kiến của một số cán bộ, hoặc tin đồn. Bản thân các trường đã trình kế hoạch di dời đâu mà đưa ra thời hạn cụ thể. Các trường sẽ kiến nghị thời hạn phù hợp với khả năng, điều kiện hoạt động của mình.

Nhưng vừa qua thông tin về di dời các trường ĐH, CĐ đã gây cơn sốt đất, người dân vẫn chạy theo tin đồn quy hoạch?

Quy hoạch chung phát triển Thủ đô là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lập phương án di dời các trường ĐH, CĐ. Không phải di dời ngay một hai trường đến khu đất trống nào đó, mà phải đầu tư đồng bộ để có các đô thị ĐH, các dịch vụ thiết yếu cho một đô thị. Thông tin di dời về đâu thì tôi không rõ, nhưng điều quan trọng nhất là phải nằm trong quy hoạch phát triển đô thị ĐH, chứ không phải một hai cơ sở riêng lẻ.

Dư luận cũng băn khoăn, những khu đất vàng các trường sau khi di dời để lại sẽ được sử dụng thế nào, liệu có biến thành những cao ốc, trung tâm thương mại?

Tôi cho rằng, việc này phải được tuân thủ theo đúng quy hoạch chung Thủ đô sắp được thông qua. Trong đó, sẽ có quy hoạch phân khu, chi tiết về kiến trúc, cơ sở hạ tầng. Vấn đề là phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, số tầng đến bao nhiêu để đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhưng kiên quyết không chất tải thêm dân cư vào nội thành, sử dụng quỹ đất các trường để lại phải hợp lý.

Hà Nhân (thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1971 khách Trực tuyến

Quảng cáo