Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tin tức Việt Nam Hợp tác quốc tế về nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng

Hợp tác quốc tế về nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng

Viết email In

Mạng lưới nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng (RNDBI) tập trung nghiên cứu ứng dụng năng lượng tái tạo trong trình xây dựng. Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) cũng là một trong những thành viên của mạng lưới nghiên cứu này...

Triển khai kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã tích cực tham gia hợp tác nghiên cứu nhằm trao đổi, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên gia của IBST trong lĩnh vực nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng.


Công trình sử dụng kết cấu gỗ thân thiện với môi trường trong khuôn viên IBST tại Hà Nội.

TS Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng IBST cho biết: “Tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế về giảm carbon cho công trình xây dựng (RNDBI) thể hiện quyết tâm của cán bộ, chuyên gia IBST trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về giảm carbon trong công trình xây dựng, đóng góp cho ngành Xây dựng trong việc thực hiện cam kết về giảm khí thải của Việt Nam, hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050”.

Với việc tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế giảm carbon cho công trình xây dựng, IBST hy vọng có thể sớm tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, từ đó có thể phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong nước thúc đẩy nghiên cứu, cũng như áp dụng vào trong thực tế, đồng thời IBST cũng sẽ là đơn vị đóng góp ý kiến giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn về giảm carbon trong ngành Xây dựng.

Theo chương trình nghiên cứu, IBST sẽ triển khai các hội thảo, đào tạo với các chuyên gia, diễn giả đến từ RNDBI nhằm chia sẻ kiến thức liên quan đến giảm carbon trong ngành Xây dựng với mục tiêu tăng cường kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực.

Các thành viên sáng lập của RNDBI bao gồm: Đại học New South Wales, Đại học Griffith, Đại học Western Sydney, Đại học Flinders, Đại học James Cook, Đại học College London, Đại học Texas State, Đại học Hong Kong, Đại học Monash Malaysia, Đại học Texas State, Viện Công nghệ Karlsruhe, Phòng Nông nghiệp và Thủy sản bang Queensland, Công ty Aurecon, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST), Công ty Spark Projects Australia và M-Modular.

Tháng 8/2023, Quỹ Nghiên cứu đổi mới sáng tạo về công nghệ sạch của chính phủ Liên bang Australia đã tài trợ cho Mạng lưới nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng (RNDBI), là mạng lưới tập hợp các tổ chức, nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu trên thế giới, dẫn đầu là Trường Đại học Melbourne do GS Ngô Tuấn - Giám đốc Trung tâm Aptech của Trường Melbourne chủ trì. Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã trở thành thành viên trong mạng lưới nghiên cứu này.

GS Mark Cassidy - Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Melbourne) cho biết: “Mạng lưới nghiên cứu giảm carbon trong công trình xây dựng (RNDBI) sẽ tập trung vào các nội dung nghiên cứu như: Ứng dụng năng lượng tái tạo trong trình xây dựng, nghiên cứu vật liệu có carbon hàm chứa thấp và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình xây dựng hướng tới tương lai bền vững”.

Mạng lưới nghiên cứu giảm carbon trong ngành xây dựng (RNDBI) cũng nhận được sự hỗ trợ về tài chính với mức kinh phí là 2 triệu AUD từ quỹ “Mạng lưới nghiên cứu quốc tế về công nghệ sạch tiên tiến” của Chính phủ liên bang Australia.

“Chúng tôi rất vui mừng đã có thể xây dựng và phát triển mạng lưới nghiên cứu này. Chúng tôi hy vọng có thể kết nối được cộng đồng rộng lớn các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như các cơ quan chính phủ để có thể cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cơ sở vật chất và cùng nhau kiến tạo những tri thức mới về giảm carbon trong ngành Xây dựng nhằm đạt được mục tiêu không phát thải vào năm 2050”, GS Ngô Tuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Phương Thanh

(Tạp chí Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo