Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Cộng đồng Kỹ sư Sử dụng gạch AAC: Yêu cầu có phương án thiết kế, thi công riêng

Sử dụng gạch AAC: Yêu cầu có phương án thiết kế, thi công riêng

Viết email In

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Trần Bá Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) cho rằng, để việc sử dụng gạch khí chưng áp (AAC) mang lại hiệu quả kinh tế. Chủ đầu tư cần trực tiếp so sánh, tổng hợp tác động của nhiều yếu tố cấu thành lên giá thành của một công trình, từ đó có phương án thiết kế, thi công riêng cho việc sử dụng gạch AAC.  

Có ý kiến cho rằng, sử dụng gạch AAC làm tăng chi phí công trình, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Trần Bá Việt: - Thứ nhất, gạch AAC nhẹ, nên người thiết kế, chủ đầu tư phải sử dụng lợi thế này để giảm tải trọng cho công trình, nền móng và nền cọc, từ đó giảm được chi phí cho công trình. Nếu sử dụng gạch AAC đối với nhà cao từ 25 tầng trở lên thì tiền móng và tiền cọc giảm được 15%. Nếu khi làm chúng ta không có thiết kế cho sử dụng gạch AAC mà thiết kế cho sử dụng gạch đỏ thì vẫn bị tốn tiền vào móng và cọc. Vì vậy, khi thay đổi từ gạch đỏ sang gạch AAC thì hiệu quả của việc giảm tải trọng dẫn đến giảm chi phí cho việc sử dụng gạch AAC không phát huy tác dụng. 

Việc sử dụng gạch AAC giúp giảm 15% tiền cọc và móng. Trong khi đó tiền cọc và móng chiếm 20% giá trị công trình, có nghĩa là nó sẽ giúp giảm được 4% giá trị công trình. Nếu như dự án đó có giá 15 triệu/m2 thì sẽ giảm được 600.000 đồng/m2. Đây là việc giảm gián tiếp chứ không phải giảm tiền gạch.

Thứ hai, nếu như chúng ta dùng gạch đỏ, mỗi khối gạch đỏ tốn 0,25 khối vữa. Mỗi khối vữa xây phải tốn từ 280 - 300 kg xi măng. Tức là tốn xi măng bằng một khối bê tông mác 200. Hay nói cách khác, một khối tường tốn 0,25 khối vữa và 4 khối tường tốn xi măng bằng một khối bê tông. Với vữa tường, 2 mặt tường xây sẽ phải mất 3cm vữa. Tức là 1 m2 tường sẽ mất 30 lít vữa.

Thứ ba, hiện nhân công xây tường gạch đỏ 50.000 đồng/m2, thì xây tường gạch AAC chỉ có 35.000 - 40.000 đồng/m2 bởi vì xây gạch AAC ít nhân công hơn nên tiền nhân công sẽ giảm đi.

Thứ tư, việc trát gạch AAC bằng vữa mạch mỏng sẽ nhanh hơn trát bằng vữa dùng cho gạch đỏ. Vữa gạch đỏ phải đi một lớp hồ lót sau đó mới trát, còn vữa mạch mỏng chỉ cần đi một lớp là xong. Cho nên hai lớp trát hai mặt tường của gạch đỏ, mỗi lớp trát mất 35.000 đồng/m2, tức là mất 75.000 đồng/m2. Còn với gạch AAC cũng có hai mặt trát, nhưng chỉ trát một lớp mạch mỏng thì chỉ mất 40.000.000 đồng/m2. 

Đối với gạch đỏ, khi chặt viên gạch thì coi như nó bị vỡ, người ta xây vữa 0,25 khối vữa, nếu không dùng hết, sẽ hao hụt khoảng 7 - 10%. Vữa trát cũng hao hụt khoảng 7% , hay nói cách khác, tường gạch đỏ và xây bằng vữa sẽ hao hụt từ 5 - 7%. Có nghĩa là cứ 10m2 tường gạch đỏ thì sẽ phải tốn vữa thành gần 11m2. Trong khi đó, gạch AAC ít bị vỡ hơn (chỉ hao hụt 4 - 5%), hao hụt vữa ít. 

Cuối cùng là tốc độ thi công, nếu xây bằng gạch đỏ cho toà nhà 24 tầng thì phải mất 12 tháng thi công nhưng với gạch AAC thì chỉ mất 8 tháng. Nếu như toà nhà 24 tầng phải đầu tư 200 tỷ đồng mà hoàn thành xong trước 4 tháng, với lãi suất ngân hàng 1% thì dự án sẽ tiết kiệm được 800 triệu đồng tiền lãi vay, chưa nói đến thời gian phát huy tác dụng của công trình do hoàn thành thi công sớm. 

Tóm lại, không thể so sánh giá của một khối gạch đỏ so với giá của một khối gạch AAC. Chủ đầu tư cần có một cách so sánh, tổng hợp tác động của nhiều yếu tố cấu thành lên giá thành của một công trình. Chủ đầu tư thường mắc sai lầm khi khoán việc này cho một bên thứ hai. Đơn vị này lại chỉ tính chi phí cho một khối gạch đỏ với một khối gạch AAC. Vì sao, vì khi thi công đơn vị này không được hưởng lợi từ việc phải tính tổng hợp tác động của nhiều yếu tố cấu thành chi phí xây dựng của một công trình, đây chính là những hạn chế hiện nay của chúng ta. 

Rõ ràng, hiệu quả kinh tế mà gạch AAC đem lại là rất lớn. Vậy, vì sao nhiều chủ đầu tư vẫn e ngại sử dụng gạch AAC, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta đang thiếu chương trình huấn luyện cho thợ xây, chủ đầu tư, thiết kế, thi công gạch AAC. Chúng tôi chỉ có những buổi tập huấn cho cán bộ quản lý là chính, cán bộ của Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, chưa hề có lớp nào đào tạo cho công nhân hay đội trưởng kỹ thuật. Chúng tôi hi vọng được tham gia đào tạo cho các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, học viện về xây dựng.

Mới đây, chúng tôi tham gia những buổi hội thảo, toạ đàm nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh do sử dụng gạch AAC ở Ninh Thuận, Đồng Nai và sắp tới đây là Quảng Ngãi, tức là có vấn đề phát sinh thì họ mới mời chúng tôi. Theo tôi, những buổi hội thảo, toạ đàm và việc hướng dẫn thi công gạch AAC phải đi trước, trước khi phát sinh vấn đề không mong muốn trong quá trình thi công và sau khi thi công công trình sử dụng gạch AAC. 

Bộ Xây dựng đã ban hành và hướng dẫn thực thi thiết kế thi công, quy trình thi công và định mức kỹ thuật dành riêng cho gạch AAC cũng như sản phẩm vữa xây, vữa trát cho gạch AAC. Do đó, từ người sản xuất gạch AAC, người sản xuất vữa dùng cho gạch AAC cũng như kỹ sư thiết kế, thi công, giám sát và chủ đầu tư đều phải tuân thủ hướng dẫn thi công gạch AAC mà Bộ Xây dựng đã ban hành. 

Thanh Nga thực hiện
(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo