Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tin tức Thế giới Ngành xây dựng nhà ở suy sụp, gây thêm tổn thương cho nền kinh tế Đức

Ngành xây dựng nhà ở suy sụp, gây thêm tổn thương cho nền kinh tế Đức

Viết email In

Ngành công nghiệp xây dựng nhà ở, từng động lực tăng trưởng của Đức, đang suy sụp do chi phí vật liệu tăng vọt, lãi suất cao. Các khó khăn của ngành này có thể gây trì trệ thêm cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.  


Ngành xây dựng nhà ở của Đức đang suy sụp do chi phí tăng vọtm lãi suất cao, với số lượng công ty xây dựng phá sản trong nửa đầu năm nay tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: GMK Center)

Nhu cầu sụp đổ

Wolfgang Schubert-Raab, CEO của Công ty xây dựng Raab, đồng thời là Chủ tịch của ZDB, một hiệp hội đại diện cho 35.000 nhà xây dựng ở Đức, từng chứng kiến thời kỳ bùng nổ nhu cầu đến mức công ty ông không thể xây nhà kịp cho khách hàng.

“Hồi năm 2021, trước khi đổ mét khối bê tông đầu tiên, chúng tôi đã nhận được lời đề nghị mua hơn một nửa khu phức hợp”, ông nhớ lại.

Hai năm sau, thị trường nhà đơn lập dành cho một gia đình rơi ở Đức vào trạng thái mà Schubert-Raab mô tả “sụp đổ hoàn toàn”. Trên khắp nước Đức, các công ty xây dựng nhà đang đối mặt với sự đảo ngược mạnh mẽ về vận may đến mức cơn suy nhu cầu có nguy cơ gây ra những hậu quả rộng lớn hơn trên toàn bộ nền kinh tế Đức.

Nhiều công ty trong ngành đã tuyên bố vỡ nợ, đe dọa mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm của Thủ tướng Olaf Scholz nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở tại một số thành phố lớn nhất đất nước.

Sau thời kỳ tăng trưởng bùng nổ kéo dài một thập niên nhờ nhu cầu mạnh mẽ, tín dụng rẻ và chi phí vật liệu thô thấp, các nhà xây dựng Đức hiện đứng trước điều mà Gereon Frauenrath, giám đốc của Công ty xây dựng Frauenrath Group, mô tả là “cơn bão hoàn hảo”.

Giá vật liệu trong ngành xây dựng ở Đức hiện đắt hơn 40% so với trước đại dịch Covid-19, mức tăng lớn nhất ở châu Âu. Ngành công nghiệp xây dựng, vốn dựa nhiều tín dụng, cũng phải vật lộn với 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Trong khi Đức vẫn còn thiếu những ngôi nhà giá cả phải chăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, chi phí vay cao hơn đang cản trở nhiều người mua tiềm năng.

Kết quả là sự mất niềm tin nghiêm trọng khiến thị trường bất động sản nhà ở của Đức trở thành một trong những thị trường có hiệu suất tồi tệ nhất ở châu Âu. Giá nhà ở Đức trong quí 2 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng giấy phép xây dựng được cấp giảm nhanh hơn nhiều so với toàn khu vực châu Âu. Trong tháng 10, 22,2% công ty xây dựng ở Đức xác nhận họ đã hủy bỏ các dự án. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1991. Cũng tháng 10, 48,7% công ty xây dựng báo cáo thiếu đơn hàng, tăng từ mức 46,6% trong tháng 9. 10% công ty xây dựng xác nhận họ đang gặp khó khăn tài chính.

“Mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong lĩnh vực xây dựng khu dân cư, hoạt động xây dựng mới vẫn rất thấp và lượng đơn hàng tồn đọng của các công ty đang giảm dần”, Klaus Wohlrabe, người đứng đầu bộ phận khảo sát của Ifo, nói.

Điềm báo xấu cho nền kinh tế

Theo Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), sản lượng xây dựng ở Đức tăng hơn 16% từ quý 1-2015 đến đầu năm 2022. Khi nhu cầu tăng vọt nhờ lãi suất thấp và tiêu chuẩn cho vay tương đối lỏng lẻo, giá nhà ở Đức tăng 66% trong giai đoạn này.

Giờ đây, những khó khăn của ngành xây dựng nhà ở, vốn chiếm hơn 5% GDP của đất nước vào năm 2021, đang góp phần khiến Đức tụt xuống cuối bảng xếp hạng về triển vọng tăng trưởng ở nhóm các nền kinh tế lớn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

“Vì lĩnh vực bất động sản từng là động lực tăng trưởng ở Đức nên các vấn đề của ngành xây dựng là điềm báo xấu cho nền kinh tế”, Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao của Công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, giải thích.

Các công ty có hoạt động kinh doanh gắn liền với lĩnh vực xây dựng nhà ở cũng đang cảm thấy căng thẳng. Sabine Brockschnieder, giám đốc cấp cấp của Baumann Group, công ty chuyên xây dựng phòng tắm và nhà bếp cho người dân Đức trong hơn một thế kỷ, cho biết, hiếm có khi nào trong lịch sử, tình hình kinh doanh khó khăn đến như vậy.

“Các công ty nhỏ hơn sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do doanh số bán hàng sụt giảm và chi phí tăng cao”, Brockschnieder nói đồng thời cho biết thêm, đơn hàng của công ty giảm 15% so với một năm trước.

Chi phí gia tăng và nhu cầu suy yếu dự kiến buộc Baumann phải sa thải một phần trong số 1.200 công nhân của công ty, và đưa những công nhân khác vào kế hoạch cho nghỉ việc tạm thời.

Tim-Oliver Müller, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Xây dựng Đức (HDB), cho biết, nhiều công ty đang chấp nhận đơn hàng giá thấp để tránh sa thải công nhân. Ông cảnh báo, nếu giá cho các đơn hàng xây dựng mới tiếp tục không bù đắp nổi chi phí, một làn sóng phá sản có thể diễn ra.

Trong nửa đầu năm 2023, số lượng công ty xây dựng phá sản ở Đức tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình cứ 4 công ty đang triển khai các dự án xây dựng nhà ở mới, có 1 công ty ghi nhận không đạt mức hòa vốn. Trong 8 tháng đầu năm, số lượng giấy phép xây dựng nhà ở được cấp ở Đức giảm 2*% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kêu gọi chính phủ can thiệp mạnh mẽ hơn

Trong tuần này, chính quyền liên bang kết hợp với các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang để can thiệp hỗ trợ ngành xây dựng. Họ công bố một gói biện pháp cải thiện hoạt động xây dựng nhà bằng cách cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà. Các đại diện của ngành xem phản ứng này là một bước đi đúng hướng nhưng vẫn chưa đủ mạnh và quá trình triển khai sẽ chậm.

“Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi không tin rằng các biện pháp đó sẽ được triển khai nhanh chóng vì cấu trúc liên bang quá phức tạp” Tim-Oliver Müller bình luận.

Ngành xây dựng của Đức đang kêu gọi chính phủ can thiệp mạnh mẽ hơn để khắc phục vấn đề mà nhiều công ty trong ngành coi là sự thất bại của thị trường. Họ lập luận rằng, không giống như những cuộc suy thoái trước đây vào thập niên 1990 hoặc đầu thập niên 2000, cư dân ở các thành phố lớn như Berlin, Munich, Hamburg, Cologne và Frankfurt hiện nay vẫn chịu cảnh thiếu nhà giá phải chăng.

“Các điều kiện hiện tại, như chi phí xây dựng cao hơn nhiều và lãi suất tăng, đang khiến các nhà đầu tư và nhà xây dựng lo sợ”, Jörg Hegestweiler, CEO của BKL Baukran Logistik, công ty bán và cho thuê cần cẩu xây dựng, nói.

Hồi tháng 9, ngành xây dựng nhất trí kế hoạch hành động 14 điểm với chính quyền liên bang, bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp, hạ thấp các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cho nhà mới và đơn giản hóa thủ tục quy hoạch và cấp phép.

Bộ trưởng Xây dựng, Phát triển đô thị và nhà ở Đức Klara Geywitz cho rằng, gói biện pháp được công bố hôm 6/11 sẽ đẩy nhanh quá trình hồi sinh của ngành bằng cách giảm bớt các rào cản hành chính và pháp lý đối với các nhà xây dựng.

Felix Pakleppa, giám đốc của ZDB, cho rằng, gói biện pháp này mang lại “một tia hy vọng” nhưng cần nhiều hơn thế.

“Để có thể chuyển sang chế độ tăng tốc, trước tiên, bạn cần có đơn hàng mới, nhưng thực tế, lượng đơn hàng đang ngày càng ít đi”,  Pakleppa nói và kêu gọi chính phủ phê duyệt thêm các biện pháp đã được thống nhất với ngành hồi tháng 9.

Chánh Tài

(KTSG Online /Theo Financial Times, eurometal)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo