Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương

Hội thảo không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương

Viết email In

Lần đầu tiên, một hội thảo về xây dựng hồ sơ di sản văn hoá thế giới mang tiêu đề Không gian văn hoá vùng đất Tổ được Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học và di sản văn hoá, các nhà sử học đã háo hức đến đây với hy vọng làm nổi bật những giá trị của di sản văn hoá vùng đất Tổ, vinh danh cái nôi của người Việt cổ... Mấy chục tham luận khoa học, bao nhiêu ý kiến tâm huyết, nhưng cuối cùng, loại hình văn hoá được đưa ra để thảo luận bị gác lại, thay vào đó là kế hoạch hướng tới lập hồ sơ những di sản văn hoá phi vật thể, đó là Lễ hội Đền Hùng, là xoan - ghẹo, hay tục trò trám trong lễ hội Giỗ Tổ hàng năm - những di sản được bảo tồn bởi lòng dân nước Việt. Vì sao có sự đảo chiều ấy?
 
Di sản dưới đất thì mất
 
Ngày 20/6/2007 UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản báo cáo Chính phủ về việc công nhận di tích lịch sử Đền Hùng và di tích khảo cổ học đồng thau sắt sớm ở Phú Thọ là di sản văn hoá thế giới.

Ngày 12/7/2007 Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu rõ ý kiến của Thủ tướng: Bộ VHTT chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan nghiên cứu và lập hồ sơ Di tích lịch sử Đền Hùng và di tích khảo cổ học đồng thau sắt sớm ở Phú Thọ "trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới”. Sau đó, Bộ VHTT có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ (ngày 20/7/2008) đề nghị UBND tỉnh giao Sở VHTT tổ chức Hội thảo khoa học xác định giá trị di sản. Như vậy, ý tưởng ban đầu về lập hồ sơ di sản văn hoá thế giới, Phú Thọ khẳng định là “Di tích Đền Hùng và các Di tích khảo cổ học đồng thau sắt sớm”.

Nhưng ngay từ đề dẫn của người chủ trì hội thảo GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản Việt Nam đã khiến cuộc họp chuyển hướng khi ông cho rằng: “Những di chỉ khảo cổ phần lớn được khai quật trong thời kỳ đất nước còn khó khăn về kinh tế, trình độ và phương tiện kỹ thuật hạn chế nên hồ sơ khoa học các cuộc khai quật là vấn đề không dễ khắc phục trong khi các địa điểm khai quật chưa được quan tâm bảo vệ, nhiều di tích kể cả di tích quan trọng như Làng Cả đều bị vi phạm nghiêm trọng. Hiện vật khảo cổ học được di chuyển đến bảo quản tại bảo tàng sẽ không được xem xét. Với tư cách là nhà nghiên cứu về di sản văn hoá, tôi không đặt nhiều hy vọng vào khả năng chắc thắng của hồ sơ khoa học “Di tích lịch sử Đền Hùng và di tích khảo cổ đồng thau sắt sớm” ở Phú Thọ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tôi thiết nghĩ tỉnh Phú Thọ nên theo hướng xây dựng hồ sơ văn hoá phi vật thể về xoan - ghẹo hoặc kết hợp xoan - ghẹo và hát trống quân trong đó có thể liên hệ nguồn gốc của các loại hình văn hoá dân gian này có truyền thống từ thời Hùng Vương. Có lẽ khai thác sự phong phú độc đáo của văn hoá phi vật thể có thể có cơ hội thành công hơn là xây dựng hồ sơ di tích”.
 
Nói như TS Trương Quốc Bình, nếu làm hồ sơ di sản thế giới, Phú Thọ không thể ngoài di tích khảo cổ. Từ khảo cổ học, chúng ta đã liên hệ đến thời kỳ dựng nước của cha ông, để từ đó có Đền Hùng là nơi thờ phương Tổ tiên của dân tộc... Nhưng di tích khảo cổ đào xong rồi để mất. Làng Cả còn đó cổng di tích hoành tráng nhưng bên trong một chút là quán bún thịt chó. Làng Cả chưa được bảo vệ. Rồi Gò Mun cũng thế...
 
GS Lê Văn Lan cho rằng: Bây giờ nói đến vùng đất Tổ là nói đến cội nguồn dân tộc. Nhưng tình hình này rất khó để xây dựng hồ sơ di tích khi công việc bảo vệ giữ gìn di tích đang đặt ra những khó khăn...

GS Nguyễn Khắc Sử bày tỏ sự thất vọng: Di sản đất Tổ gồm cả vật thể, đó là dấu vết của nền văn minh Việt cổ, dấu vết của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc được chứng minh bằng tài liệu khảo cổ học là chính, đưa thời kỳ Hùng Vương từ truyền thuyết thành chính sử.
 
Tại sao lại chuyển hướng thảo luận và loại hình di sản đề nghị xây dựng hồ sơ lại là văn hoá phi vật thể? Bởi tại tiêu chí do UNESCO đặt ra, đó là tách rời giữa vật thể và di sản phi vật thể, do hai hội đồng khác nhau của UNESCO thẩm định và quyết định công nhận. TS Nguyễn Thế Hùng ở Cục Di sản văn hoá thẳng thắn nêu ý kiến: Không phủ nhận giá trị di sản khảo cổ học đồng thau sắt sớm, nhưng những nỗ lực trong khai quật bảo tồn ở Phú Thọ là chưa thể lập hồ sơ.
 
Di sản trong lòng dân cần được bảo tồn
 
Hội thảo không gian văn hoá vùng đất Tổ Hùng Vương vì thế đã chuyển “đề bài” sang di sản phi vật thể. Không thể khác, bởi nơi này xưa từng là cái nôi của người Việt cổ. Bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng người đất Tổ và cả dân tộc Việt Nam hướng về đất Tổ mà thờ phượng, tôn vinh tổ tiên của mình. Lễ hội cùng với những nghi thức thờ cúng, dân gian, những nghệ thuật đâm đuống, xoan- ghẹo, trống quân gắn với lễ hội đã và đang tồn tại như một thực thể văn hoá truyền đời. Nhiều chuyên gia về di sản tin tưởng rằng xoan - ghẹo,  trống quân là loại hình nghệ thuật dân gian xưa cũ nhất còn đến hôm nay. Nó là đặc sản vùng đất Tổ Phú Thọ mà không đâu có được.
 
Phải cảm ơn những người dân quê. Nhờ họ lam lũ quê mùa thậm chí bảo thủ mới giữ được chút gì của ngàn xưa cha ông để lại. Bao nhiêu biến cố lịch sử đã đi qua, bao nhiêu vàng son đã hoang phế, vậy mà những điệu dân ca gắn với lễ hội ngàn đời vẫn được nâng niu gìn giữ trong lòng dân từ thời Việt cổ đến tận hôm nay. Cái để kỳ vọng nhất thành di sản thế giới ở Phú Thọ lúc đầu đâu phải là phi vật thể. Nhưng mất hết di tích rồi thì đành lấy xoan - ghẹo mà an ủi. Nhưng nếu đem so sánh xoan - ghẹo với chèo hay các loại hình nghệ thuật khác, “đặc sản” này của đất Tổ lại cần có không gian thể hiện đó là lễ hội Đền Hùng. Thật buồn khi đi tìm hồn cốt dân tộc lại thấy cảnh mai một của di sản.
 
Khi ngồi viết lại những dòng này thì báo chí và dư luận đang ồn ào về vấn đề ô nhiễm môi trường của Cty Miwon mà nguyên nhân của sự cố này là do hai năm trước chính quyền tỉnh Phú Thọ đã cắt đất di tích Làng Cả cho dự án mở rộng nhà máy. Có người còn cho rằng vì xây bể nước thải vào mộ Tổ người Việt nên chuyện “trục trặc kỹ thuật” đã xảy ra (?). Làng Cả là một phần của di sản khảo cổ vùng đất Tổ, nếu bảo tồn được di tích này công việc lập hồ sơ di sản thế giới chắc sẽ thành công.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo