Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tin tức Sự kiện Hội thảo quốc tế Hà Nội học: "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình"

Hội thảo quốc tế Hà Nội học: "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình"

Viết email In

Hội thảo quốc tế Hà Nội học với chủ đề “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” sẽ diễn ra từ 7-9/10/2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức.

Tham dự Hội thảo sẽ có gần 600 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số bộ/ngành, thành phố Hà Nội, các nhà khoa học trong và ngoài nước... Hội thảo cũng đã nhận được 151 bài tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Lịch sử - chính trị; những vấn đề văn hóa; kinh tế - xã hội; điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị.

Hội thảo sẽ góp phần đánh giá, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung; trao đổi, tổng kết những kết quả nghiên cứu từ nhiều năm nay của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài về Thủ đô trên nhiều lĩnh vực khoa học. Đây là một hội thảo khoa học quốc tế có quy mô lớn nhất trong các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trân trọng giới thiệu báo cáo đề dẫn Hội thảo của giáo sư-tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với tiêu đề: "Thăng Long-Hà Nội: Trường tồn, phát triển bền vững."

Toàn văn như sau:

"Trên thế giới hiếm có thủ đô nước nào kết hợp được nhiều giá trị như Hà Nội. Trên một không gian trải rộng theo chiều Đông-Tây từ tả ngạn sông Hồng tới dãy Ba Vì với huyền tích Đức thánh Tản Viên, theo chiều Bắc - Nam từ núi Sóc với di tích Thánh Gióng bay về trời đến danh thắng chùa Hương, Hà Nội chứa đựng trong mình vô vàn cảnh đẹp thiên phú.

Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản-sông Hồng” trở thành kinh đô, một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long-Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị vô song mà biết bao thế hệ đã vất vả đắp xây bằng trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu.

Khi chuẩn bị lễ kỷ niệm 990 năm, thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình.” Năm nay, trong không khí hân hoan tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta lại xiết đỗi hân hoan và tự hào đón nhận tin vui di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức được ghi vào danh mục các di sản văn hóa thế giới với những giá trị nổi bật toàn cầu.

Hà Nội của chúng ta là như thế

Đúng một nghìn năm trước, khi quyết định dời đô về vùng đất hiện nay, Đức Lý Thái Tổ đã nói rõ mục đích là để “mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ trung tâm , làm kế cho con cháu muôn đời." Với tinh thần ấy, chúng ta tổ chức Đại lễ không phải chỉ để kỷ niệm một sự kiện trọng đại mà còn là nối chí người xưa, tiếp tục sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô sao cho xứng với truyền thống vẻ vang, thỏa được ước nguyện của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và đáp ứng được kỳ vọng của bạn bè quốc tế.

Đó là sự nghiệp hết sức vẻ vang nhưng cũng vô cùng lớn lao khó khăn.

Trong bối cảnh ấy, Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” được tổ chức vào dịp Đại lễ là một nghĩa cử của hậu thế thành kính dâng lên các bậc Tiền nhân những kết quả lao động trí tuệ như một lễ vật tinh thần biểu thị quyết tâm của con cháu đem hết trí tuệ và nhiệt huyết góp phần xây dựng Thủ đô xứng với tầm vóc của Thăng Long-Hà Nội.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất từ những đề tài tâm huyết của mình với mong muốn góp phần làm sáng tỏ những giá trị, truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong suốt 1.000 năm qua để có thể phát huy những giá trị, truyền thống ấy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Được sự tham gia đóng góp của hàng trăm chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, đề cập đến nhiều mặt với những chiều cạnh khác nhau, từ lịch sử-chính trị, văn hóa-kinh tế-xã hội đến các vấn đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và xây dựng, quản lý đô thị, hy vọng Hội thảo sẽ có những kiến giải và đề xuất các giải pháp làm cơ sở khoa học cho các quyết sách đáp ứng công cuộc phát triển bền vững thủ đô trong những thập kỷ tới.

Thăng Long-Hà Nội - Những giá trị trường tồn

Khi chọn đất dựng đô hầu như tất cả các bậc đế vương, những người đứng đầu đất nước đều có một nguyện ước giống nhau là mong cho vùng đất ấy muôn đời giữ được vị thế trung tâm chính trị của cả nước, nhưng thực tế lịch sử thế giới cho thấy thủ đô tuổi nghìn năm không có nhiều. Chỉ với giá trị 10 thế kỷ tồn tại với tư cách kinh đô, Thăng Long-Hà Nội đã thuộc vào hạng kinh thành xưa nay hiếm của nhân loại.

Phóng tầm nhìn xa, rộng hơn những ngăn cách về địa dư hành chính, thủ đô của nước Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm một vùng đất có địa thế sông tụ, núi chầu mà nói theo ngôn từ phong thủy là "Thiên sơn, vạn thủy triều lai" (vạn sông, nghìn núi quây chầu lại) - một không gian thiêng hội đủ các nhân tố của một vùng dồi dào linh khí.

Hầu như quốc gia, dân tộc nào cũng có một ngọn núi thiêng tượng trưng cho sự trường tồn, làm điểm tựa tinh thần như Thái Sơn của người Trung Hoa, Phú Sĩ của người Nhật, Olympus của người Hy Lạp ... và một con sông gắn với nền văn minh như sông Nile ở Ai Cập, Hoàng Hà với văn minh Trung Hoa, sông Hằng với văn minh Ấn Độ...

Ngọn núi có vị thế ấy ở Việt Nam chính là Tản Viên, ngọn núi được xem là "Hạo khí anh linh của trời đất sinh ra," dòng sông sản sinh ra nền văn minh Việt cổ và sau này phát triển thành văn minh Thăng Long-Đại Việt chính sông Cái (sông Mẹ) - tên gọi từ xa xưa của sông Hồng.

Những đặc điểm phù hợp với vị thế kinh đô của vùng đất này thực ra đã được người đứng đầu nhà nước Âu Lạc nhận ra từ trước công nguyên. Cổ Loa-Kẻ Chủ (huyện Đông Anh) hiện còn lưu giữ một tòa thành quy mô khá hoành tráng với rất nhiều di tích trong lòng đất và huyền tích trong lòng dân về một thời kỳ lịch sử bi hùng.

Lịch sử trải qua những bước thăng trầm. Năm 197 TCN nước Âu Lạc mất chủ quyền, vị thế trung tâm chính trị của vùng đất này tạm bị ngắt quãng trong một thời gian, nhưng không lâu sau vùng đất bên bờ sông Tô Lịch lại trở thành kinh đô nước Vạn Xuân đứng đầu là Lý Bí - vị hoàng đế đầu tiên của người Việt.

Trong hơn một nghìn năm cai trị, các triều đại phong kiến phương Bắc cũng đã sớm nhận ra vị trí đắc địa của vùng đất này, đặc biệt là từ thời nhà Đường. Một mặt họ cho dời lị sở trấn trị phủ An Nam đô hộ đến Tống Bình (miền đất thuộc Hà Nội ngày nay), nhưng mặt khác lại tìm tất cả những nơi cho là có long mạch, linh khí để trấn yểm, triệt hạ. Nhưng dù cao tay như Tiết độ sứ Cao Biền (821-887), mọi biện pháp nhằm trấn triệt thần long Đỗ, thần sông Tô Lịch, thánh Tản Viên đều thất bại.

Chính vì vậy mà vào đầu thiên niên kỷ mới, lúc triều Lý hưng phát, vùng đất này vẫn là một nơi "muôn vật hết sức phồn thịnh tốt tươi. Xem khắp nướcViệt đó là nơi thắng địa, là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời" (Chiếu dời đô).

Yếu tố phong thủy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhưng lịch sử xây dựng và bảo vệ thủ đô Thăng Long-Hà Nội chỉ ra rằng giá trị nghìn năm tuổi lại do con người quyết định. Nếu không có nhãn quan xuyên thế kỷ của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn thì Thăng Long chẳng có sự khởi đầu. Nếu không có những vị hoàng đế anh minh của các triều Lý-Trần-Lê thì cũng không thể có được một nền văn hiến Đại Việt rực rỡ như vậy. Nói đến vai trò của vĩ nhân trong sự nghiệp gìn giữ vị thế trung tâm của Thăng Long-Hà Nội, chúng ta phải thành kính nhắc tới công lao của hai người.

Thứ nhất là Đức vua Thái Tổ triều Lê.

Trước đó, xuất phát từ nhiều toan tính, nhân vật nổi tiếng vì các cuộc cải cách táo bạo Hồ Quý Ly đã có quyết định sai lầm cho dời đô vào Thanh Hóa để rồi phải chuốc lấy kết cục thảm hại khi ông cùng với cả triều đình, sau chưa đầy 6 năm trị vì, đã bị giặc Minh bắt sống ngay trong tòa thành đá được coi là kiên cố nhất trong lịch sử thành quách Việt Nam. Đất nước lâm vào cảnh lầm than trong vòng 20 năm. Khắc phục những sai lầm của triều Hồ, Lê Lợi đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Minh và trả lại vị trí kinh đô cho Thăng Long.

Người thứ hai là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1802 họ Nguyễn đánh bại Tây Sơn đã quyết định chọn Phú Xuân (Huế) là nơi phát nghiệp chúa của mình làm kinh sư cho cả nước. Vị trí thủ đô của Thăng Long một lần nữa lại bị phế truất. Sau khi lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, vào đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch đã đề nghị và được Quốc hội thông qua, lấy Hà Nội làm thủ đô chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự đúng đắn trong quyết định của các bậc vĩ nhân được khẳng định bằng sự ủng hộ của toàn dân. Không biết từ bao giờ lòng dân cả nước luôn hướng về Thăng Long, Hà Nội đã trở thành một hằng số, một giá trị trường tồn.

Thăng Long-Hà Nội trở thành nơi hồn thiêng sông núi hun đúc nên những tài năng kiệt xuất và là nơi tụ họp nhân tài cả nước. Hầu như trong mỗi mốc son, những thời khắc trọng đại trong lịch sử phát triển của dân tộc đều xuất hiện những gương mặt những con người, hoặc sinh ra lớn lên hoặc được truôi rèn học tập nhiều năm tháng trên vùng đất kinh kỳ//thủ đô.

Mở đầu thiên anh hùng ca chống giặc ngoại xâm của dân tộc là hai nữ anh hùng quê ở Mê Linh. Năm 938 sau khi đánh tan quân Nam Hán, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, Ngô Quyền xưng vương, nối lại quốc thống. Vị Tổ trung hưng ấy của dân tộc Việt là người Đường Lâm.

Trong kỷ nguyên độc lập, cùng với sự nghiệp xây dựng đất nước, chống ngoại xâm luôn là nhiệm vụ thường trực. Trong những trang sử hào hùng của sự nghiệp giữ nước, cuộc kháng chiến chống Tống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là lần đầu tiên nền độc lập còn rất non trẻ phải đương đầu với quân đội của một đế chế hùng mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, chiến công của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy tài tình của Lý Thường Kiệt, là sự khẳng định đanh thép quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước và bài thơ Nam quốc sơn hà của ông chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Người anh hùng dân tộc ấy chính là Ngô Tuấn - người con kiệt xuất của đất kinh kỳ.

Được chăm sóc dạy dỗ hết sức cẩn thận và chu đáo, được dung dưỡng trong hào khí Thăng Long, vua Trần Nhân Tông không chỉ nổi tiếng là ông vua đã tham gia lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến quân xâm lược Nguyên-Mông oanh liệt, mà còn được muôn đời các thế hệ chiêm bái nhờ có công sáng lập Thiền phái Trúc lâm.

Vào cuối thời Trần, thầy giáo gốc Thăng Long Chu Văn An, nhờ tài cao đức rộng đã từng được giao trọng trách Tế tửu Quốc tử giám, nhưng việc mà ông làm được sử sách ghi lại và truyền tụng rộng rãi trong nhân dân lại là bản sớ đòi chém 7 gian thần (thất trảm sớ). Ông được tôn là Vạn thế sư biểu (Thầy của muôn đời).

Nguyễn Trãi quê gốc Chí Linh, nhưng là cháu ngoại Tư đồ Trần Nguyên Đán nên trong suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành được thấm đẫm văn hóa Thăng Long. Ông trở thành linh hồn của sự nghiệp kháng chiến chống Minh, đồng thời là một ngọn tháp trí tuệ của văn minh Đại Việt, sau này được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Sẽ là thiếu sót nếu không đưa tên hai con người trẻ tuổi trong thời đại Hồ Chí Minh vào danh sách những người con thủ đô làm nên lịch sử. Đó là anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều và giáo sư toán học Ngô Bảo Châu.

Người thứ nhất đã dũng cảm hy sinh thân mình để quật ngã pháo đài bay B52 - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, khiến cả thế giới cảm phục ý chí kiên cường và tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam. Người thứ hai bằng lao động sáng tạo quên mình, được vinh dự nhận giải thưởng Field cho những đóng góp đỉnh cao của thế giới năm 2009 trong lĩnh vực toán học, đã làm thay đổi nhận thức của thế giới về năng lực trí tuệ Việt Nam, đem lại vinh quang cho dân tộc.

Không chỉ hun đúc truôi rèn, Thăng Long-Hà Nội là còn là nơi tụ hội nhân tài. Không phải ngẫu nhiên mà trên tấm bia đầu tiên dựng tại Văn Miếu, được đặt vào vị trí trang trọng nhất đã khắc ghi tuyên ngôn bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Nhân tài đến kinh đô không chỉ vào những dịp ứng thí mà còn vì đây chính là nơi cần đến họ, là nơi có khả năng quy tụ tài năng. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và là nơi làm việc của phần lớn các trí thức đầu ngành.

1.000 năm qua đi đã kết tinh lại cho Thăng Long-Hà Nội những giá trị vật thể và phi vật thể trở thành biểu tượng quốc gia, dân tộc, được quốc tế công nhận. Hai biểu tượng linh thiêng trên đất Hà Nội là Thánh Tản viên, Phù Đổng Thiên Vương từ xa xưa đã được dân gian liệt vào hàng đầu Tứ bất tử (Cùng với Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh hợp thành Bốn vị Thánh bất tử).

Dù ở bất cứ nơi đâu đâu trên trái đất này, người Việt Nam đều không khỏi cảm thấy bồi hồi xúc động mỗi khi nhìn thấy hình ảnh Chùa một cột, Hồ gươm với tháp Rùa, Văn Miếu, Cột cờ… Đó cũng là những dấu hiệu bạn bè quốc tế nhận ra Việt Nam. Và gần đây khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh vinh danh nhờ những giá trị tiêu biểu toàn cầu.

Khí thiêng sông núi, cốt cách con người đã hun đúc nên truyền thống quật cường, hào khí Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Cùng với phong cách hào hoa, thanh lịch, người thủ đô còn được biết đến với truyền thống "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh."

Về những tham luận tại Hội thảo

Từ những giá trị được kết tinh, chắt lọc hàng nghìn năm, truyền qua hàng trăm thế hệ làm thế nào để biến thành những nguồn lực phát triển thủ đô, đòi hỏi còn phải có nhiều công trình nghiên cứu công phu. Với gần 150 bài tham luận, trong đó có 25 bài của các học giả quốc tế đến từ 10 nước (Australia, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đức và Trung Quốc) đã đề cập khá toàn diện các vấn đề liên quan đến Thăng Long-Hà Nội.

Trong số các tham luận, trước hết phải kể đến bài viết “Phát triển Thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên văn minh trí tuệ trên tảng nền các giá trị văn minh - văn hiến truyền thống và sự phát huy các nguồn lực vật chất và tinh thần hiện đại" của giáo sư-tiến sỹ Phùng Hữu Phú.

Đây thực chất là những nội dung được chắt lọc từ kết quả nghiên cứu của cả một chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước đồ sộ về Thăng Long-Hà Nội KX.09 với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội và các địa phương nhằm tìm ra các chân giá trị về mọi mặt để phát huy trong sự nghiệp phát triển thủ đô hiện nay.

Cùng với báo cáo có tính chất tổng kết ấy Hội thảo còn nhận được những tham luận đầy tâm huyết của các học giả hàng đầu như giáo sư Phan Huy Lê, giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lê Đức An, giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, giáo sư-viện sỹ Đào Thế Tuấn, giáo sư Trần Ngọc Hiên...

Có thể nhận thấy các báo tập trung chủ yếu vào các chủ đề sau đây:

Các giá trị lịch sử và văn hóa của Thăng Long-Hà Nội.

Với hơn 60 báo cáo, các tác giả đã đi sâu phân tích nhiều chiều cạnh của di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội, trong đó có những tham luận phân tích sâu sắc các giá trị nổi bât toàn cầu của khu di tích trung tâm hoàng thành Thăng Long vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới (bài của giáo sư William Logan, phó giáo sư Tống Trung Tín, tiến sỹ Bùi Minh Trí, giáo sư Yumio Sakurai, giáo sư Momoki Shiro...).

Cũng xuất phát từ những giá trị văn hóa vô giá này mà nhiều tác giả đã trình bày quan điểm của mình về phương hướng và giải pháp bảo tồn, quy hoạch và tôn tạo các di tích ở Hà Nội (giáo sư Hoàng Đạo Kính, phó giáo sư Đặng Văn Bài. tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, tiến sỹ Tạ Hoàng Vân...). Công việc này, nói như giáo sư William Logan, vừa là niềm tự hào nhưng đồng cũng là trách nhiệm của quốc gia.

Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, nhiều tham luận đã làm nổi bật những giá trị tinh thần, tính biểu tượng của văn hóa thủ đô thông qua việc phân tích sâu sắc nhiều khía cạnh khác nhau của tính cách, ngôn ngữ, cách ứng xử... và đời sống tinh thần của người Hà Nội.

Trong số các tham luận đi theo hướng này có những ý kiến khá độc đáo như phó giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ phân tích về chất lượng thị dân Thăng Long-Hà Nội, của giáo sư Ngô Đức Thịnh chứng minh Thăng Long-Hà Nội là trung tâm kết nối và thống nhất văn hóa quốc gia dân tộc Việt Nam, của giáo sư Đinh Văn Đức chỉ ra sự biến đổi và phát triển của “Tiếng Hà Nội” trong bối cảnh dân cư hơn nửa thế kỷ qua...

Về các vấn đề lịch sử, các báo cáo chủ yếu tập trung vào các vấn đề lớn hoặc những nhân vật có vai trò đặc biệt với Thăng Long-Hà Nội như vấn đề nhà nước trung ương tập quyền thời Lý của tiến sỹ A. Polyakov, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12 năm năm 1972 (phó giáo sư Trịnh Vương Hồng), vai trò của vua Lý Thái Tổ (giáo sư Nguyễn Quang Ngọc)...

Các vấn đề kinh tế-xã hội

Với hơn 30 tham luận, các tác giả đi theo chủ đề về kinh tế-xã hội tập trung phân tích thực trạng kinh tế-xã hội thủ đô và đưa ra các đề xuất phát triển bền vững theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Có chuyên gia nhìn từ bình diện vĩ mô như Phân tích định hướng và giải pháp tổ chức quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (giáo sư Tô Xuân Dân), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự phát triển của thành phố Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (phó giáo sư Phùng Xuân Nhạ)...

Có những tham luận lại trình bày sâu sắc những vấn đề cụ thể như vấn đề phát triển làng nghề, thậm chí về một làng cụ thể (phó giáo sư Ngô Thắng Lợi, phó giáo sư Nguyễn Quang Hưng)... Nhìn chung các tham luận đã đưa ra được một bức tranh đa sắc mầu về tình hình kinh tế-xã hội thủ đô và điều quan trọng là hầu các tham luận đều đề xuất các giải pháp.

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường

Một trong những nét đặc sắc của Hội thảo khoa học lần này là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khoa học cùng nghiên cứu các vấn đề phục vụ công cuộc phát triển bền vững thủ đô. Con người không tách rời điều kiện tự nhiên và văn hóa, suy cho cùng chính là kết quả của quá trình ứng xử của con người với tự nhiên.

Bên cạnh những tham luận phân tích vị trí địa lý và vị thế của Thăng Long-Hà Nội, phần lớn các tác giả tập trung vào vấn đề liên quan đến nước, như quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Hà Nội (tiến sỹ Hoàng Văn Thắng), các dòng sông cổ (giáo sư Đào Đình Bắc, phó giáo sư Đặng Văn Bào), về chất lượng nước các hồ Hà Nội và biện pháp cải thiện (phó giáo sưTrịnh Thị Thanh), tài nguyên nước ngầm của Hà Nội (tiến sỹ Nguyễn Văn Đản)...

Đây quả thực là vấn đề rất đáng được quan tâm của các cấp lãnh đạo. Điều quan trọng là các tham luận nói về nguồn tài nguyên (đất, nước và sinh vật) đều có chung quan điểm là hướng tới sự phát triển bền vững và bảo tồn sự đa dạng. Trong số các báo cáo theo hướng này, phải kể đến một chuyên gia được nhiều người thủ đô biết đến như một chuyên gia hàng đầu về rùa hồ Gươm, phó giáo sư Hà Đình Đức.

Những tham luận về môi trường tập trung vào việc phân tích biến đổi môi trường do quá trình đô thị hóa, đánh giá tai biến địa môi trường, tai biến ngập lụt ở Hà Nội và các giải pháp giảm thiểu (giáo sư Phạm Ngọc Đăng, tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng, phó giáo sư Trần Mạnh Liểu) qua đó nêu ra tầm nhìn tương lai về phát triển Hà Nội (giáo sư Kunihiro Narumi).

Đặc biệt có báo cáo đề cập đến Biến đổi khí hậu toàn cầu như một thách thức cho phát triển bền vững Hà Nội (giáo sư Nguyễn Đức Ngữ) và có tham luận thử đưa ra Lượng giá tổn thất do biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Hà Nội (tiến sỹ Bùi Đại Dũng).

Quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội

Trên cơ sở phân tích thực trạng, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế và kết quả nghiên cứu khoa học, các tác giả đã đưa ra những đề xuất quy hoạch Thăng Long-Hà Nội theo hướng phát triển bền vững thân thiện với môi trường và đảm bảo chất lượng cuộc sống (phó giáo sư Phạm Trọng Mạnh, giáo sư Masanori Sawaki, tiến sỹ-kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm...).

Vấn đề quản lý đô thị - thủ đô cũng đặt ra nhiều vấn đề, từ hiện tượng chuyển cư đến phân cấp quản lý, từ kinh nghiệm lịch sử đến thực tiễn bức xúc đang đặt ra... tất cả đều được các tác giả phân tích theo một quan điểm khá thống nhất là lấy phát triển bền vững làm một nguyên tắc quan trọng trong các quyết sách.

Quan hệ giữa Thăng Long-Hà Nội với các vùng miền

Đây là chủ đề được các học giả phần lớn đến từ các địa phương trình bày. Trong sách Hội thảo có sự góp mặt của các tác giả đến từ Thành phố Hồ Chí Minh,Thừa Thiên- Huế, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Nghệ An. Đóng góp của các tác giả này làm phong phú thêm nhận thức khoa học về sự kết tinh và lan tỏa của văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt và ngày nay là thủ đô Hà Nội với cả nước.

Phương pháp tiếp cận

Thông thường, mỗi một hội thảo khoa học quốc tế lớn thường có những bước tiến về lý luận khoa học và phương pháp tiếp cận. Trong hội thảo này, Ban tổ chức rất trân trọng những tham luận về vấn đề này. Có thể kể ra đó là báo cáo Phát triển của Thăng Long-Hà Nội từ cách tiếp cận sinh thái-nhân văn (giáo sư Trương Quang Học và phó giáo sư Phan Phương Thảo), Nghiên cứu di tích cổ khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long bằng tổ hợp các phương pháp Địa vật lý (phó giáo sư Vũ Đức Minh), Thông tin khu vực học nghiên cứu đô thị hóa Thăng Long-Hà Nội (giáo sư Mamoru Shibayama và phó giáo sư Trương Xuân Luận) 24. Nghiên cứu sự thay đổi địa hình và đô thị hóa của Hà Nội bằng mô hình 3 chiều (tiến sỹ Yonezawa, giáo sư Mamoru Shibayama, phó giáo sư Venkatesh Raghvan).

Không phải tất cả các vấn đề đã được giải quyết và những vấn đề đặt ra cũng chưa phải đã được giải quyết triệt để, nhưng như tất cả những gì mà gần 150 tham luận đã đặt ra và giải quyết ở mức độ khác nhau đã là một thang bậc mới trong nhận thức về thủ đô yêu dấu và cơ sở khoa học cho các quyết sách của lãnh đạo Trung ương và Hà Nội cũng đã dày dặn thêm. Tuy nhiên, từ những tham luận gửi tới Hội thảo, cũng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.

Những vấn đề khoa học đặt ra tiếp tục nghiên cứu

Nhận thức khoa học sâu sắc hơn về Thăng Long-Hà Nội đang là một đòi hỏi lớn lao và cấp bách đối với sự nghiệp phát triển thủ đô. Trong đòi hỏi chung ấy, nổi lên một số vấn đề cần sớm được tập trung nghiên cứu làm rõ sau đây:

Bài toán quy hoạch tổng thể

Quy hoạch thủ đô là việc hệ trọng, là lĩnh vực đòi hỏi vừa trí tuệ vừa phải có ý thức trách nhiệm cao với tiền nhân và với hậu thế. Mặc dù trách nhiệm của các cấp quản lý rất lớn, nhưng đây không phải và không thể chỉ là việc của các cấp quản lý. Cũng không phải chỉ là lĩnh vực của các chuyên gia quy hoạch, xây dựng, kiến trúc. Nó phải được đối xử như một lĩnh vực cần được nghiên cứu thấu đáo và sâu sắc, có tính liên ngành cao với sự góp sức của chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Làm sao để có thể hài hòa được cảnh quan, không gian sống với hệ thống giao thông, cây xanh, nơi vui chơi giải trí, hồ điều hòa... Nếu hạn hẹp về tầm nhìn thì hậu quả sẽ khôn lường, sai lầm không thể sửa chữa được nữa. Hơn thế với truyền thống nghìn năm văn hiến, yêu cầu quy hoạch Hà Nội càng cần có tầm văn hóa cao, phải tôn trọng bản sắc và tạo phong cách riêng cho Hà Nội.

Giải quyết triệt để các hạn chế

Mặc dù có thể nói thủ đô ta ngày càng to ra, đẹp lên, nhưng rõ ràng những hạn chế sau đây vẫn chưa có những giải pháp giải quyết triệt để. Đó là các vấn nạn ùn tắc giao thông, nước ngập úng khi trời mưa, rác và xử lý rác (trên đường phố, trên tường và trên trời), nhà mặt đường siêu mỏng, siêu vẹo, chắp vá...

Phải chăng đó là do chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc mà mới chỉ xử lý ở mức "nước đến đâu bắc cầu đến đấy." Để giải quyết triệt để những vấn đề này, trước khi đưa ra các quyết định cần phải có sự nghiên cứu khoa học đầy đủ và hệ thống.

Phát triển kinh tế hài hòa

Thủ đô phải đi đầu trong phát triển kinh tế, nhưng phát triển thế nào cho hài hòa lại không đơn giản. Tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo tính ổn định bền vững, bảo vệ được môi trường và giữ được cốt cách của thủ đô nghìn năm tuổi, đồng thời khai thác được các nguồn lực vô cùng phong phú của thủ đô.

Xây dựng lối sống đô thị mang phong cách Việt Nam và truyền thống thanh lịch của người Hà Nội

Đây là vấn đề không đơn giản vì sự phát triển tự nhiên của thành phố lớn luôn có sự pha trộn văn hóa nhiều vùng miền. Ngay cả chất thị dân cũng sẽ phải chủ động xây dựng vì Hà Nội luôn rộng mở cho mọi đối tượng mà do cấu trúc dân số nước ta, phần đông người nhập cư hàng năm vào thủ đô lại đến từ các vùng thôn quê.

Quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn lực

Hiểu theo nghĩa rộng, nguồn lực của Hà Nội bao gồm cả hữu hình và vô hình là vô cùng lớn. Đó là vị thế thủ đô, là truyền thống văn hóa ngàn năm, là các nguồn tài nguyên đất đai (quý hơn vàng) và đặc biệt là tài nguyên chất xám. Có thể nói cho đến nay nguồn tài nguyên này vẫn còn đang nằm dưới dạng tiềm năng.

Để phát triển bền vững thủ đô phải có những quyết sách mạnh mẽ. Và một điều hết sức đơn giản là để những quyết sách mạnh mẽ ấy đúng hướng và có hiệu quả cao hơn bao giờ hết phải cần tới sự trợ thủ đắc lực của khoa học công nghệ, của đội ngũ trí thức.

Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình sang một thiên niên kỷ phát triển mới với sức sống trường tồn 10 thế kỷ và khát vọng hướng tới một tương lai muôn ngàn lần tươi sáng hơn. Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn như đang khích lệ chúng ta vươn tới. Hào khí Thăng Long đang chắp cánh cho chúng ta bay lên. Những lớp cháu con trong thời đại Hồ Chí Minh nguyện bước tiếp cha ông, viết lên những trang sử hào hùng mới./.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

(TTXVN/Vietnam+) 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo