Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Quản lý "mềm" - Chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ

Quản lý "mềm" - Chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ

Viết email In

Ngày 26/10, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã phối hợp với Tổ chức HeathBridge Canada tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Quản lý và phát triển không gian công cộng trong đô thị” nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý đô thị, các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế cùng thảo luận, và đề xuất các chính sách phát triển và quản lý không gian công cộng trong đô thị Việt Nam. Giáo sư Ola Söderström - Viện nghiên cứu địa lý, Đại học Neuchâtel - đã chia sẻ với hội thảo những kinh nghiệm của Thụy Sỹ. Ashui.com giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận của ông với tiêu đề "Quản lý "mềm" - Chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ".   


Giáo sư Ola Söderström trình bày tại hội thảo (ảnh: Việt Khang)

Giáo sư Ola Söderström là giáo sư địa văn hóa xã hội của Viện Địa lý, đại học Neuchâtel, Thụy Sỹ từ năm 2003. Ông đã làm việc hơn 20 năm nghiên cứu về sự thay đổi đô thị về mặt vật chất và văn hóa, trong đó có những dự án sang kiến quy hoạch và kiến trúc tại Châu Âu, sử dụng nghiên cứu vào thực tiễn đô thị, và những dự án về vai trò của các hình ảnh do quy hoạch đô thị tạo dựng ảnh hưởng tới nhận thức về các đô thị. 

Gần đây, Giáo sư Ola Söderström đặc biệt quan tâm tới vấn đề đô thị hóa sau thuộc địa, tính linh động trong chính sách đô thị và so sánh các đô thị ở các thành phố của Châu Âu, Châu Phi và châu Á. Hiện ông đang tham dự Hội viên nghiên cứu cao cấp ở Viện nghiên cứu châu Á, trường Đại học quốc gia Singapore. Những tác phẩm xuất bản mới đây gồm cuốn Urban Cosmographies (Rome, Meltemi, 2009) và đồng biên tập cuốn Re-shaping Cities. How Global Mobility Transforms Architecture and Urban Form (London, Routledge, 2010).  Ông đang soạn cuốn sách với tiêu đề Islands of Globality. The Cultures of Globalising Cities (Oxford, Wiley-Blackwell, 2012). 

Mục tiêu của bài viết này là trình bày về chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ. Do vậy, trong phần đầu của bài viết tôi sẽ trình bày về sự xuất hiện của vấn đề liên quan đến không gian công cộng tại Thụy Sỹ trong bối cảnh có sự tranh cãi về tầm quan trọng của khu vực công cộng tại Tây Âu kể từ những năm 1960. Trong phần nội dung thứ hai, tôi sẽ trình bày rõ các đặc điểm của chính sách không gian công cộng của Thụy Sỹ thông qua một loạt các ví dụ gần đây như quản lý mềm, nghĩa là chính sách dựa trên việc thuyết phục và đàm phán giữa các bên có liên quan thay vì việc ban hành một đạo luật có tính bắt buộc. Trong phần kết luận, tôi sẽ trình bày luận điểm ủng hộ việc áp dụng các chính sách không gian công cộng tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể của quốc gia.

Vấn đề nhận thức về các chính sách không gian công cộng được phát triển tại Thụy Sỹ cũng tương tự như ở các nước Tây Âu khác. Chính sách này được định hình bằng một loạt các ý tưởng và các nhà tư tưởng từ những năm 1960 trở về sau. Các tác giả này đã thảo luận về tầm quan trọng của phạm vi hay khu vực công cộng, nghĩa là những khu vực khác với khu vực tư nhân, nhưng không trực tiếp đề cập đến không gian công cộng. Tuy nhiên, quan điểm của các tác giả này về giá trị và tác động của khu vực công cộng có ảnh hưởng rất quan trọng tới việc thiết kế và quản lý không gian công cộng trong những thập kỷ sau này.

Tầm quan trọng của phạm vi công cộng 

Ba nhà tư tưởng có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thảo luận này:

• Đầu tiên là nhà tư tưởng người Đức Hannah Arendt (1906 – 1975). Trong cuốn sách Điều kiện của con người (1958), Arendt nhìn nhận khu vực công cộng là một không gian mà tại đó, kể từ thời Hy Lạp cổ đại trở đi, cuộc sống tự do và không bị chi phối bởi sự những ràng buộc, đối lập với cuộc sống của cá nhân. Giữ gìn được khu vực công cộng, theo Arendt là việc duy trì được một không gian mà chúng ta có thể gặp gỡ và trao đổi những quan điểm khác nhau. Theo tác giả, điều này là rất quan trọng đối với một xã hội dân chủ thực sự.

• Một nhà tư tưởng khác có sức ảnh hưởng lớn là Juergen Habermas, một nhân vật trung tâm của triết học đương đại của Đức (1929-). Trong cuốn sách Sự chuyển đổi về mặt cấu trúc trong khu vực công cộng viết năm 1962, ông cũng liên hệ giữa khu vực công cộng với đời sống chính trị. Tác giả nhận định khu vực công cộng là không gian mà các ý kiến của cộng đồng có thể được đưa ra và trao đổi, một không gian và xã hội dân sự có thể nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.

• Nhà tư tưởng thứ ba – Henri Lefebvre (1901 – 1991), có thể được coi là nhà tư tưởng quan trọng nhất về đô thị trong thế kỷ 20, đề cập một cách trực tiếp hơn tới các vấn đề không gian công cộng và đặc biệt là không gian công cộng trong đô thị. Trong cuốn sách Điều đúng đắn với đô thị (1968), Lefebvre liên hệ không gian công cộng với quyền của các cư dân đô thị trong việc tạo ra thành phố của họ. Không gian công cộng có thể được gìn giữ và phát triển nếu sự phát triển của đô thị không chỉ nằm trong giới hạn quản lý của nền kinh tế tư nhân và của Nhà nước.

Như vậy, trong những năm 1960, các nhà tư tưởng lớn của Châu Âu đã nhấn mạnh, thứ nhất là tầm quan trọng của khu vực công cộng và không gian công cộng đối với sự tồn tại của một xã hội tự do và dân chủ, và thứ hai là sự tham gia của các công dân vào công tác quy hoạch và quản lý không gian công cộng. Các ý tưởng này là những nhân tố quan trọng trong việc hoạch định các chính sách về không gian công cộng tại Châu Âu trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 cho đến nay.

Ngoài các ý tưởng về không gian công cộng nêu trên, tôi muốn bổ sung thêm một lý do quan trọng khác, liên quan đến mối liên hệ giữa không gian công cộng và sức khỏe tinh thần, đối với việc hoạch định một chính sách về không gian công cộng. Trong những năm gần đây, nghiên cứu trong lĩnh vực thần kinh và tâm thần học đã chỉ ra tầm quan trọng của các yếu tố môi trường đối với sức khỏe tinh thần. Ví dụ như chuyên gia thần kinh và tâm thần học người Mỹ - ông Brian Koehler đã chỉ ra tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội đối với các rối loạn thần kinh (Koehler 2011). Theo ông, chứng tâm thần phân liệt có một phần nguyên nhân là do nguồn gốc gien, phần còn lại liên quan đến sự cô lập, thiếu tiếp xúc và trao đổi với xã hội. Hiện nay, đối với tổ chức Y tế thế giới, các vấn đề về y tế quan trọng nhất trong thế kỷ 21 sẽ là các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Do vậy, việc giữ gìn và phát triển các không gian công cộng tại đô thị cũng là một vấn đề thuộc về y tế công cộng và chi phí y tế. Các không gian công cộng kém phát triển trong hiện tại cũng đồng nghĩa với các chi phí y tế công cộng cao trong tương lai.

Sự phát triển của chính sách không gian công cộng tại Châu Âu

Chúng ta đã thấy rằng các tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn về tầm quan trọng của khu vực công cộng bắt nguồn từ những năm 1960, nghĩa là từ 50 năm trước. Tác động của các tư tưởng này không mang tính tức thì đối với chính sách về không gian công cộng và cần phải có thời gian để phát triển các ý tưởng này thành các nguyên tắc quy hoạch và hành động. Các ý tưởng này phát triển trong bối cảnh các mô hình quy hoạch theo chức năng và hiện đại, được Le Corbusier gọi tắt là ‘Plan Voisin’ cho Paris, đang bị chỉ trích mạnh mẽ. Đã có những sáng kiến mang tính tiên phong trước những năm 1980 như việc tạo ra các phố đi bộ và các quảng trường tại Copenhagen (Đan Mạch) kể từ năm 1962, hay tại Bologna (Ý) kể từ đầu những năm 1970. Tuy nhiên một phong trào rộng lớn hơn đối với việc hoạch định chính sách và thiết kế không gian công cộng chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 1980. 

Trong thập kỷ đó, Barcelona trở thành một hình mẫu của Châu Âu về chính sách không gian đô thị. Hàng loạt các dự án được triển khai tại Barcelona trong những năm 1980 đã mang lại vai trò trung tâm cho các không gian công cộng và đặc biệt là các quảng trường công cộng. Trong những năm 1990, thành phố Lyon của Pháp trở thành một hình mẫu khác về chính sách không gian đô thị, tương tự như Barcelona, đã thu hút rất nhiều các nhà quy hoạch và các nhà quản lý hành chính công nước ngoài. Barcelona và Lyon, trong suốt giai đoạn kể trên, đã trở thành nơi hành hương của các nhà quy hoạch và kiến trúc sư Châu Âu. Các thành phố này đã hoạch định các chính sách phát triển khác nhau nhưng lại có rất nhiều các đặc điểm tương đồng:

1. Các chính sách không gian công cộng này là các sáng kiến của thành phố, không phải là các sáng kiến mang tầm quốc gia;
2. Các chính sách này không có tính pháp lý cao (các chính sách được triển khai thông qua các kế hoạch hoặc các hiến chương của địa phương thay vì một đạo luật mang tính cưỡng chế);
3. Các chính sách này có sự tham gia của cộng đồng;
4. Các chính sách này liên quan đến việc tổ chức lại các dịch vụ kỹ thuật của thành phố;
5. Các chính sách này có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng di chuyển và các chính sách về giao thông;

Để làm rõ hơn những điều này, tôi sẽ lấy thành phố Lyon làm ví dụ. Cuối những năm 1980, Lyon đã hoạch định một chính sách về không gian công cộng cho khu vực trung tâm thành phố. Chính quyền địa phương đã tổ chức lại công tác quản lý để tạo ra một tầm nhìn mang tính toàn cầu trong quy hoạch không gian công cộng. Trước đó, việc quản lý không gian công cộng được phân chia giữa các ngành dịch vụ kỹ thuật (cấp nước, đường phố, không gian xanh, vv) và do vậy bị coi là một yếu tố gây ra nhiều cản trở hơn. Kết quả là không thể có được một tầm nhìn toàn cục và không thể có một dự án chung về các không gian công cộng. Do vậy Văn phòng không gian công cộng với khoảng 20 nhân viên từ các ngành dịch vụ khác nhau được thành lập để điều phối và tạo ra một tầm nhìn và chiến lược chung.

Quy hoạch chi tiết là một công cụ được sử dụng trong giai đoạn một của chính sách không gian công cộng của Lyon từ năm 1989 đến 1995. Giai đoạn này tập trung vào trung tâm của thành phố - khu vực Presqu’ile. Cốt lõi của quy hoạch này là việc tạo ra bốn quảng trường đi bộ lớn thông qua việc tạo ra các khu đỗ xe ngầm dưới các quảng trường này. Việc quy hoạch các quảng trường công cộng này được thực hiện với sự tham gia của người dân trong khu vực dự án.

Giai đoạn hai của chính sách không gian công cộng của thành phố Lyon được triển khai bắt đầu từ năm 1998. Trong giai đoạn này, chính sách không gian công cộng vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng di chuyển, nhưng không liên quan đến xe hơi và các khu đỗ xe. Trong giai đoạn này, trọng tâm là việc tái sử dụng các khu vực ven sông (Lyon là nơi giao nhau của hai con sông lớn Rhone và Saone). Khu vực dành cho xe hơi được giải tỏa nhằm tạo ra một không gian cho loại hình mà chúng ta gọi là di chuyển mềm: đi bộ, đi xe đạp và trượt băng. Chính sách này cũng quan tâm tới các khu vực ngoại vi của thành phố nhằm tránh sự phân biệt giữa một khu vực trung tâm hấp dẫn và các khu ngoại vi nghèo nàn.

Trong nội dung thứ hai của bài viết này, chúng ta sẽ nghiên cứu cách chính sách về không gian công cộng được thiết lập tại từng cấp chính quyền của Thụy Sỹ.


Basel city center in Switzerland by OKRA, Maxwan A+U, and Basler&Hofmann  (nguồn: aeccafe.com)

Chính sách về không gian công cộng của Thụy Sỹ và thực tiễn triển khai

Liên bang Thụy Sỹ được chia thành ba cấp quản lý: Nhà nước liên bang hay còn gọi là cấp nhà nước, cấp tiểu bang (có 26 tiểu bang tại Thụy Sỹ) và cấp thành phố. Nếu chúng ta xem xét chính sách không gian công cộng ở cấp Nhà nước sẽ thấy rằng trên thực tế chính sách này đề cập rất ít. Luật quy hoạch đất đai 1979 hiện đang được sửa đổi chỉ có một điều khoản liên quan đến không gian công cộng (điều 3). Theo điều này việc tiếp cận của cộng đồng với các đài phun nước được đảm bảo, các khu vực đường dành cho xe đạp và người đi bộ sẽ được duy trì và xây dựng mới và nên có các khu không gian xanh giữa các khu vực xây dựng. Như vậy, các quy định này rất chung chung.

Ở cấp tiểu bang, dù có sự khác biệt tại mỗi bang, nhưng nhìn chung cũng có rất ít các quy định pháp lý. Ví dụ, tại tiểu bang nói tiếng Pháp Vaud, luật quy hoạch đất đai (điều 36) của tiểu bang này quy định các cộng đồng dân cư phải áp dụng các nguyên tắc hướng dẫn về không gian công cộng trong quy hoạch tổng thể của mình. Theo một điều khác (điều 38), các quy hoạch của địa phương phải đưa ra được các mục tiêu cụ thể cho các quy hoạch và thiết kế không gian công cộng. Như vậy một lần nữa có thể thấy các chỉ dẫn cũng tương đối mập mờ. Tuy nhiên, để thúc đẩy việc cải thiện không gian công cộng tại các khu làng và thành phố, tiểu bang này đã ban hành một Hiến chương về không gian công cộng năm 1996. Một hiến chương không có giá trị pháp lý, tuy nhiên nó đề ra các quy tắc và các chỉ dẫn nhằm cải thiện chất lượng của không gian công cộng. Hiến chương này không nêu rõ phải làm gì mà chỉ ra cách làm như thế nào. Hiến chương này được gửi tới tất cả các cộng đồng dân cư và đề ra các quy tắc liên quan đến việc chia sẻ không gian công cộng giữa những người sử dụng xe hơi và các đối tượng khác như người đi bộ, đi xe đạp. Tương tự như thành phố Lyon, không gian công cộng được xem xét trên phương diện về khả năng di chuyển và giao thông. 

Ở cấp thành phố, chính sách về không gian công cộng được kết hợp vào việc lập quy hoạch tổng thể. Do vậy, vấn đề của các chính trị gia của thành phố hoặc của địa phương là biến nội dung này thành một phần quan trọng của quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các ý tưởng nêu trong phần dẫn nhập của bài viết này, chính sách và thiết kế không gian công cộng đã trở thành một mục tiêu quan trọng của rất nhiều các thành phố của Thụy Sỹ kể từ những năm 1990. Tại thành phố Neuchâtel, tăng cường sự hấp dẫn của các khu không gian công cộng là một trong sáu mục tiêu của quy hoạch tổng thể thành phố.

Các nội dung trên chỉ là các quy tắc chung, không phải là các điều luật bắt buộc phải tuân thủ. Do vậy, trên thực tế có nghĩa là chính sách về không gian công cộng được xây dựng thông qua các giấy phép xây dựng. Các thành phố hoạch định các dự án về không gian công cộng và sau đó đề xuất phê duyệt. Lý do tại sao các cấp chính quyền phải thông qua một quy trình về giấy phép xây dựng là vì quy trình này cho phép người dân và các tổ chức có ý kiến nhận xét hoặc phản đối dự án trong vòng 30 ngày.

Chúng ta sẽ lấy ví dụ một thành phố cụ thể để làm rõ hơn vấn đề này: thành phố Lausanne của tiểu bang Vaud đã phát triển thành công chính sách về không gian công cộng trong những năm gần đây. Tương tự Lyon, thành phố Lausanne đã thành lập Văn phòng về không gian công cộng năm 2000. Văn phòng này là cơ quan điều phối có thành phần là đại diện của các ngành dịch vụ kỹ thuật được nhóm họp hàng tuần. Văn phòng này có chức năng trả lời các yêu cầu của thành phố cũng như các yêu cầu của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoặc người dân sống gần các khu không gian công cộng. Nhóm các đại diện này tiến hành một nghiên cứu về các dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến không gian công cộng. Nghiên cứu này sau đó sẽ được đệ trình lên một cơ quan cấp cao hơn là Ủy ban về không gian công cộng được nhóm họp hàng tháng. Ủy ban này sẽ tiến hành lập một dự án. Sau khi được thành phố phê duyệt và dự án này sẽ được trình xin giấy phép xây dựng.


Không gian công cộng tại TP Lausanne (ảnh: lake-geneva-region.ch) 

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về tác động của chính sách về không gian công cộng tại thành phố Lausanne:

• Vào những năm 1990, thành phố Lausanne mở rộng mạng lưới các tuyến phố đi bộ. Hiện tại tổng chiều dài của các tuyến phố này là 5 km. Đến năm 2020, một loạt các không gian mới dành cho người đi bộ sẽ được tạo ra trên các trục quan trọng của trung tâm thành phố, trong đó trên một trong số những cây cầu chính của thành phố sẽ cấm các phương tiện giao thông cá nhân. Việc mở rộng mạng lưới các tuyến phố đi bộ này sẽ được tiến hành song song với việc mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.

• Năm 1997, thành phố tổ chức một lễ hội dành cho các công viên đô thị - lễ hội Lausanne Jardins. Kể từ đó, lễ hội này được tổ chức 4 năm một lần. Trong mỗi lần lễ hội, các kiến trúc sư về phong cảnh được mời đến để thiết kế một loạt các công viên tạm, cùng với công viên của thành phố, tại các địa điểm khác nhau trong thành phố ngoài khu công viên sẵn có của thành phố. Một số khu công viên tạm này đã trở thành các công viên chính thức. Lễ hội này được coi là một thành công quan trọng: ngoài việc thu hút một lượng lớn khách tham quan, lễ hội này còn tái hiện lại các khu không gian xanh trong lòng thành phố và giúp các cư dân của thành phố có thể khám phá những khu vực mà có thể họ chưa biết. Lễ hội này cũng tăng cường hiểu biết của người dân về dịch vụ công viên của thành phố.

• Năm 1999, thành phố đã triển khai một sáng kiến có tên là Pedibus (Xe buýt bộ hành). Nguyên tắc của sáng kiến này là tập hợp trẻ em sống ở các khu vực gần nhau và đưa chúng đi bộ đến trường vào buổi sáng và về nhà vào buổi chiều. Ban đầu, đây chỉ là sáng kiến của một nhóm dân cư. Sáng kiến này vẫn được thực hiện trên cơ sở các bậc phụ huynh tình nguyện thay phiên nhau đưa đón lũ trẻ đến trường và về nhà. Cho đến nay, sau 12 năm, đã có 39 tuyến xe buýt bộ hành tại Lausanne với chiều dài trung bình khoảng 500m. Sáng kiến này đã giúp giảm lương phương tiện tham gia giao thông trong thành phố.

• Trong những năm 2000, một khu vực lớn từng là nhà kho tọa lạc ở khu trung tâm đã được chuyển đổi thành một khu dành cho người đi bộ với các hoạt động kinh doanh và văn hóa. Các quy tắc của việc chuyển đổi này dựa trên hiến chương của tiểu bang năm 1996, nghĩa là xoay quanh vấn đề liên quan đến khả năng di chuyển và hướng đến sự hòa hợp giữa các mục đích sử dụng không gian công cộng khác nhau.

• Năm 2009 thành phố khánh thành tuyến tàu điện ngầm Bắc Nam. Việc khánh thành tuyến tàu điện ngầm này được tổ chức trùng với lễ hội Lausanne Jardins. Một loạt các khu vực không gian công cộng và công viên đã được tạo ra dọc theo tuyến tàu điện ngầm này. Trong số này có cả một lối đi dạo trên “nóc” của tuyến tàu điện ngầm cho phép người đi bộ có thể đi ngược từ phía hồ lên tới nhà ga.

• Năm 2010, thành phố thông qua quy hoạch phát triển một khu vực mới của thành phố. Đây là khu dân-cư-sinh-thái xây dựng trên một khu đất rộng 40 hecta phía Bắc thành phố.  Đây sẽ là khu dân cư sinh thái lớn nhất Châu Âu với 6500 dân và 3500 ngành nghề. Dự án được triển khai xung quanh 4 khu vực không gian công cộng là điểm nhấn của khu dân cư. Các khu vực không gian công cộng này sẽ là nơi tổ chức nhiều loại hoạt động. Với một quy mô khác, không gian công cộng giữa các tòa nhà cũng sẽ được chú ý đặc biệt với một loạt các dịch vụ công viên và giải trí quy mô nhỏ.


Thành phố Lausanne từ trên cao (ảnh: top10places.com) 

 

Kết luận 

Bài viết này đã chỉ rõ rằng chính sách về không gian công cộng tại Châu Âu liên quan đến hai yếu tố: một là, sự thất bại và các chỉ trích đối với các quy tắc quy hoạch theo chức năng-hiện đại từ những năm 1960, hai là, sự thay đổi về văn hóa dưới ảnh hưởng của hàng loạt các nhà tư tưởng lớn, những người đề cao tầm quan trọng của một xã hội tự do, dân chủ. Trong bài viết này, tôi cũng đã bổ sung, trên cơ sở các tài liệu mới trong lĩnh vực thần kinh và tâm thần học, mối liên hệ có thể khẳng định được giữa sức khỏe tinh thần và các cơ hội giao tiếp do không gian công cộng trong đô thị mang lại. Tôi cũng đã trình bày hàng loạt ví dụ về chính sách của các thành phố đối với vấn đề không gian công cộng ở Châu Âu. Chúng ta đã thấy rằng chính sách về không gian đô thị là một quy trình ngược, trong đó các thành phố và hội nghề nghiệp đóng một vai trò chủ chốt. Cụ thể tại Thụy Sỹ, chúng tôi thực hiện quản lý chính sách công mềm trong đó các chính sách này được khuyến khích thay vì cưỡng chế thực hiện.

Tất nhiên, vào thời điểm này Việt Nam không nên rập khuôn các chính sách của Châu Âu. Việt Nam có truyền thống và văn hóa riêng về không gian công cộng. Tại các khu phố cổ của Hà Nội, việc sử dụng không gian công cộng tương đối khác biệt so với mô hình của Thụy Sỹ. Ví dụ như không gian công cộng ở đây mang tính đa chức năng nhiều hơn và ít liên quan đến khả năng di chuyển. Do vậy, chính sách về không gian công cộng tại Việt Nam nên có sự liên hệ với các hoàn cảnh văn hóa và lịch sử cụ thể. Tương tự như vậy đối với khung chính sách, không thể chắc chắn rằng mô hình “quản lý mềm kiểu Thụy Sỹ” sẽ hiệu quả ở Việt Nam.

Như nội dung đã trình bày, tôi cho rằng tầm quan trọng của một không gian công cộng đa dạng và sinh động mang tính phổ quát và không chỉ riêng cho một xã hội nào. Không gian công cộng, ở cả Châu Á lẫn Châu Âu hay Châu Phi, đều khuyến khích những tranh luận về chính trị, tương tác xã hội và làm tăng thêm hạnh phúc của con người. Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng không gian công cộng cũng là một tài sản quan trọng xét trên phương diện kinh tế. Chất lượng cuộc sống, điều mà một không gian công cộng tốt đem lại, không chỉ quan trọng với con người mà còn quan trọng đối với cả hoạt động kinh doanh. Các hãng, các nhà đầu tư, các nhân tài đều bị thu hút bởi những thành phố sống tốt. Và rõ ràng các thành phố của Việt Nam có thể và nên phát triển theo hướng này, nếu chúng ta xem xét trường hợp của hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trên cơ sở các chỉ số sống tốt trong báo cáo của Liên hợp quốc năm 2010 về các thành phố Châu Á. Những cải tiến trong chính sách không gian công cộng chắc chắn là một trong những cách thức tốt hơn nhằm tiến cao hơn nữa trên nấc thang tiêu chí sống tốt và sức hấp dẫn.

Giáo sư Ola Söderström - Viện nghiên cứu địa lý, Đại học Neuchâtel / Chuyên gia cộng tác nghiên cứu cao cấp, Viện nghiên cứu Châu Á, Đại học quốc gia Singapore  

Tài liệu tham khảo: 
- Arendt, H. 1958. The Human Condition. Chicago: The University of Chicago Press.
- Habermas, J. 1962. Strukturwandel der Öffentlichkeit. Berlin: Neuwied
- Koehler, B. 2011. Relational Psychosis Psychotherapy: A Neuropsychoanalytic Model. Paper given at the Conference of the International Society for the Psychological treatments of the Schizophrenias (ISPS), Geneva, 1.9.2011.
- Lefèbvre, H. 1968. Le droit à la ville. Paris : Anthropos.

[ Chuyên đề: Không gian công cộng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo