Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Khu dự trữ sinh quyển thế giới kêu cứu

Khu dự trữ sinh quyển thế giới kêu cứu

Viết email In

Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG) với diện tích trên 71.000ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang tiến hành các thủ tục đăng ký trở thành khu di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng những ngày này, các nhà khoa học, quản lý VQG đang "ngồi trên lửa" khi hàng loạt các dự án thuỷ điện "đổ bộ" bao vây...

Dự án thuỷ điện ồ ạt "đổ bộ"

Năm 2002, theo phê duyệt quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai của Chính phủ thì ngoài 8 công trình thuỷ điện đã và đang xây dựng, thì sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 9 công trình thuỷ điện gồm: Đồng Nai (ĐN) 2, 3, 4, 5, 6, 8 và Dakr Tih, Bảo Lộc, La Ngâu.

Tuy nhiên hiện nay, theo VQG, sẽ khó biết được sẽ còn bao nhiêu công trình thuỷ điện trên sông Đồng Nai và vây lấy VQG, khi công trình được phê duyệt đã "tách ra". Đơn cử ĐN 6 quy hoạch công suất ban đầu chỉ 180MW, nay đã được Bộ Công Thương hiệu chỉnh, cho phép Cty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư, tách ra làm 2 và nâng công suất lên, gồm: ĐN 6 (135MW) và ĐN 6A (106MW), sẽ bao chiếm gần 140ha vùng lõi của VQG. 

Hoặc hàng loạt các công trình khác không có tên trong quy hoạch, mới được địa phương giới thiệu và bô, ngành liên quan bổ sung như: Dự án thuỷ điện Đức Thành (được bổ sung năm 2009 Cty CP Đức Hoà là chủ đầu tư, dự kiến công trình sẽ nằm dọc theo sông Đồng Nai, trên địa bàn xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên (Lâm Đồng); Dự án thuỷ điện Đạ Kho (còn gọi là ĐN 7) công suất 18 MW, được bổ sung năm 2008, dự án do Cty CP tư vấn đầu tư & xây dựng Việt Nga lập, dự kiến hạng mục chính nằm tại xã Đạ Kho, sát mép rừng VQG.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật VQG - sông Đồng Nai bao quanh VQG chỉ khoảng 90km, với mật độ thuỷ điện như vậy quá dày đặc.

Tê giác, bò tót, linh trưởng hoang dã lâm nguy

Ông Nguyễn Văn Thanh bức xúc: "Các dự án thuỷ điện như ĐN 6, ĐN 6A, Đức Thành... có nguy cơ "đánh đổi" loài tê giác một sừng còn sót lại trên thế giới hiện đang sống ở VQG!".

Còn nhớ trước đây, trên thế giới mọi người đều nghĩ rằng loài tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng. Khoảng năm 1980, việc phát hiện còn một quần thể tê giác một sừng ở VQG đã làm cho các nhà nghiên cứu khoa học về bảo tồn phải sửng sốt. Hiện VQG chỉ còn 3-5 cá thể tê giác và được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.

Tuy nhiên theo VQG, khi triển khai, Dự án ĐN 6 và 6A sẽ bao chiếm hơn 130ha vùng lõi của VQG, chỉ cách khu vực hoạt động của tê giác lần lượt từ 0,7km và 11km.

Tương tự, trong văn bản gửi chủ dự án, ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG - cũng nhận định, Dự án thuỷ điện Đức Thành có vị trí chỉ cách ranh giới VQG 600m, khu vực lòng hồ lại nằm dọc sông Đồng Nai tiếp giáp với vùng sinh cảnh tê giác.

Còn Dự án thuỷ điện ĐN 7 thì chỉ cách TT cứu hộ linh trưởng nguy cấp VQG khoảng 500m.

  • Ảnh bên : Đàn bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên. 

Khi các dự án đi vào triển khai, việc mở đường khai thác tận thu gỗ, nổ mìn khai thác đá và vận hành công trình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh tê giác. "Tê giác là loài rất khó khăn trong sinh sản. Nếu dự án triển khai, bị tác động sinh cảnh, tiếng ồn, con người, tê giác triệt đường sinh thì nguy cơ tuyệt chủng là hiển hiện!" - ông Thành nói và cho hay, với Dự án ĐN 7 cũng vậy, sẽ tác động lớn đến công tác bảo tồn các loài linh trưởng. Bởi TT là nơi tập cho linh trưởng vốn đã sống trường môi trường con người, tập thói quen thích nghi dần với thế giới hoang dã, nay lại để con người, máy móc tác động, coi như bảo tồn bằng không.

Thạc sĩ Phạm Hữu Khánh - người có hàng chục năm gắn bó với VQG, hiện là điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái của WWF tại Cát Tiên - nhận định, nếu xây dựng những công trình này còn làm thay đổi hệ thống thuỷ văn vùng sinh cảnh tối ưu của quần thể bò tót Cát Tiên hiện lớn nhất ở Việt Nam với khoảng 110 con nơi đây.

Ảnh hưởng khu đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới

Tại VQG có khu Bàu Sấu khoảng 200ha nằm giữa rừng nguyên sinh, được Ban Thư ký Công ước RamSar công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. 

Theo ông Trần Văn Thành, việc ngăn đập thuỷ điện sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên sông Đồng Nai, ảnh hưởng lớn đến các loài động vật thuỷ sinh trong hệ ngập nước Bàu Sấu. Các nhà khoa học, nhà quản lý VQG khẩn thiết rằng, bộ, ngành, cơ quan chức năng phải cẩn trọng khi cho xây dựng các dự án thuỷ điện sông Đồng Nai ở những khu vực "nhạy cảm" của VQG. Và nếu buộc phải triển khai, cần có một cơ quan tư vấn độc lập đánh giá tác động môi trường của các dự án thuỷ điện để đảm bảo khách quan, khoa học. 

 

Giáo sư Võ Quý (Chủ tịch Hội Sinh thái VN, là người thứ hai của Châu Á được trao Giải thưởng Hành tinh xanh của Tổ chức Asahi Nhật Bản, được Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là người hùng về môi trường năm 2008):

VQG Cát Tiên được Việt Nam và thế giới công nhận là khu bảo tồn lớn, dự trữ sinh quyển lớn, không hẳn vì diện tích lớn (hơn 71.000ha không tính vùng đệm - PV) mà có nhiều động vật hoang dã quý hiếm còn sót lại, mà tê giác là điển hình nhất. Dù chỉ còn 3-5 cá thể, nhưng đây chính là tài sản đa dạng sinh học của cả nước, của thế giới.

Vì vậy, các dự án thuỷ điện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cần lưu ý rằng, chúng ta không thể làm ĐTM cho phải phép như đã từng xảy ra, mà phải có hội đồng khoa học nghiêm túc xem xét.

Việc xem xét ở đây phải trên tiêu chí: Không thể quy đổi so sánh giá trị 1 con tê giác với tiền bạc với 1 hay hàng trăm MW thuỷ điện! Trước đây ở VQG Tam Đảo, có 1 dự án du lịch sinh thái giá trị khoảng 300 triệu USD đã duyệt, đã có ĐTM rồi. Chúng tôi - những nhà khoa học - phải lên tiếng, tổ chức cả hội nghị đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư về mọi góc độ. Nhờ vậy dự án mới ngừng lại. 

Tuy nhiên, dù ĐTM nghiêm túc như thế nào, thì tôi cũng lưu ý rằng, theo quy định luật pháp, với vùng lõi, vùng bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm ở cấp VQG là không được tác động.

Ông Phạm Trọng Thịnh (Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - Bộ NNPTNT):


Vị trí của VQG, của những loài động vật quý hiếm như tê giác, bò tót v.v... đã được Chính phủ, bộ, ngành liên quan xác định bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Việc bảo vệ tài sản đó, cũng là thực hiện một (đảm bảo sự bền vững của môi trường) trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà Việt Nam - một trong 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc - phấn đấu đạt được vào năm 2015. Chúng ta có tài sản quý như vậy, có nên để tác động vào, ảnh hưởng để mất đi tài sản đó không?

Tôi cho rằng, làm gì thì làm, phải hạn chế thấp nhất việc gây ảnh hưởng đến bảo tồn VQG. Phải lập ĐTM một cách chi tiết, cẩn thận và xét nhiều góc độ, lấy ý kiến nhiều nhà khoa học mới phê duyệt cho dự án thuỷ điện triển khai, thì mới đảm bảo, nếu không rất nguy hại...

Ông Trần Văn Mùi - GĐ Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, nguyên GĐ VQG Cát Tiên:

Bây giờ, đọc báo chí lại thấy nhiều thuỷ điện cận kề, thậm chí "ăn" vào cả vùng lõi cần bảo vệ nghiêm ngặt nữa thì VQG lâm nguy mất rồi! Hiện nay, chỉ có những nước chưa phát triển mới làm thuỷ điện, chứ nước phát triển họ tìm nguồn năng lượng khác ví như phong điện v.v..., bởi thuỷ điện không chỉ ảnh hưởng môi trường lớn, mà ngược lại "tuổi thọ" thuỷ điện hạn chế nhưng sẽ xoá đi tính "thiên thu" của môi trường, đặc biệt môi trường sinh học đa dạng hiếm hoi như VQG Cát Tiên. 

Ngô Sơn thực hiện

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo