Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm

COP15: Chúng ta đã phung phí suốt 20 năm

Viết email In

Từ khi các chính trị gia hứa hẹn giảm thiểu CO2 lần đầu tiên vào năm 1992 ở Rio de Janeiro, chúng ta đã phung phí 20 năm mà không có tiến triển. Bây giờ chúng ta không còn thời gian nữa.

Copenhagen: Thất bại là mẹ của thành công?!

Những mối quan ngại của nhiều đại diện trong cuộc thương lượng khí hậu tại Copenhagen đã trở nên rõ ràng: nỗ lực thay thế Nghị định thư Kyoto khó tránh khỏi thất bại. Sau khi những cuộc thương lượng kết thúc, sẽ chẳng thể có được một kế hoạch để giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính.

Ngay từ bây giờ, các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường đã nản lòng và lại chuẩn bị chăng biểu ngữ, và các chính khách đang tìm cách tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh đã thành công. Thế nhưng, cả những cuộc biểu tình lẫn một thỏa thuận chính trị vô nghĩa đều không phải là một thành công trong việc chống sự nóng dần lên của trái đất. Nhưng, thất bại lại có thể là một thành công, nhất là khi những người có quyền quyết định nhận thức rõ được nguyên nhân của nó. Vì một thỏa thuận về cắt giảm khí CO2 một cách quyết liệt và trong một thời gian ngắn trước sau gì cũng chỉ là gian dối, đó là lý do tại sao họ nên cân nhắc những lựa chọn khôn ngoan hơn.

Những người phủ nhận sự biến đổi khí hậu đã tranh cãi với những người đang lo ngại sâu sắc về việc này từ nhiều thập niên nay. Lý lẽ của cả đôi bên đều cường điệu. Vì về một mặt, khí hậu nóng lên là hiện thực. Và nó là do con người gây ra. Điều đó đã rõ ràng từ lâu rồi. Nhưng về mặt khác, Copenhagen sẽ cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang dựa vào những biện pháp sai lầm.



Người ta cứ ra rả khẳng định rằng chúng ta có thể ngăn chặn sự nóng lên của trái đất nếu như các chính trị gia có ý muốn. Nhưng ý chí chỉ là nỗi lo âu nhỏ bé nhất của chúng ta mà thôi. Rất đáng tiếc là từ 20 năm nay chúng ta đã theo đuổi một phương cách tiếp cận mang khiếm khuyết cơ bản: Nó mang khiếm khuyết về kinh tế, vì giảm thiểu khí CO2 trong thời gian ngắn sẽ làm cho chúng ta tiêu phí mất cả một gia tài và chỉ có tác động rất ít. Nó mang khiếm khuyết về chính trị, vì những cuộc tranh luận nẩy lửa về giảm thải CO2 chỉ gây chia rẽ trong châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Và nó mang khiếm khuyết về kỹ thuật, vì năng lượng lựa chọn khác vẫn còn chưa đủ khả năng để chấm dứt sự lệ thuộc của chúng ta vào carbon.

Đầu tiên, hãy hiểu rõ hơn về thách thức kinh tế và xem xét kế hoạch của các quốc gia công nghiệp, ngăn chặn không cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm quá 2 độ Celsius so với mức tiền công nghiệp. Ẩn ở phía sau đó là nhiệm vụ điều chỉnh to lớn nhất và đắt tiền nhất từ trước đến nay. Để đạt được mục đích này, chúng ta phải áp mức thuế 45 euro lên mỗi một tấn CO2. Nhà khí hậu kinh tế học Richard Tol, cũng là tác giả chính cho bản báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu IPCC, đã tính toán trong một công bố cho Copenhagen Consensus Center như thế.

Giảm CO2 tốn kém nhiều hơn chính sự biến đổi khí hậu

Có lý do để hy vọng rằng nếu người ta thật sự sẽ đạt đến mục đích mang nhiều tham vọng này thì có thể tránh được phần lớn thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra – được dự tính tròn 2 nghìn tỉ euro hằng năm trong năm 2100. Thế nhưng Tol lại tiếp tục tính toán rằng một thuế khí hậu nặng như thế sẽ làm giảm 12,9% tổng sản phẩm nội địa trên toàn thế giới trong năm 2100. Bằng con số cụ thể: 27 nghìn tỉ euro mỗi năm.

  • Hình minh họa. Nguồn: Corbis 

Và ngay chính những tính toán này đã dựa trên một dự tính cực kỳ lạc quan. Chúng giả định rằng giới chính khách ở mọi nơi trên thế giới, trong mọi lúc, đều đưa ra những quyết định có hiệu quả cao nhất và hiệu suất cao nhất để giảm thiểu phát thải CO2. Họ tuyệt đối không được phép phung phí tiền. Nhưng chúng ta được phép tin rằng điều đấy chỉ là hy vọng hão huyền. Với hiện thực chính trị, phí tổn sẽ cao hơn gấp 10 hay gấp 100 lần.

Nói cách khác: Các phương án giảm CO2 sẽ làm cho chúng ta tiêu tốn gấp nhiều lần hơn là chính sự biến đổi khí hậu gây ra. Thật sự, không có lựa chọn khác cho năng lượng hóa thạch thì cuối cùng chúng ta cũng chỉ gây hại đến tăng trưởng kinh tế.

Và, cách tiếp cận mang khiếm khuyết về mặt chínnh trị. Vì các quốc gia đều theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau tại Copenhagen. Tất cả họ chỉ thống nhất nhau nhiều lắm là ở một điểm, rằng sẽ khó khăn trong việc thuyết phục người dân của họ giảm phát thải, chỉ để giúp phần còn lại của thế giới một ít trong 100 năm tới.

Điều này đặc biệt rất rõ đối với cả hai quốc gia quan trọng: Trung Quốc và Ấn Độ đều lệ thuộc rất nhiều vào những nguồn năng lượng hóa thạch. Chỉ nhờ chúng mà người ta mới có thể giải phóng được hằng triệu con người ra khỏi cảnh nghèo.

Hố sâu giữa các quốc gia công nghiệp và những nước đang phát triển trong câu hỏi này sẽ là vật cản mang tính quyết định trong cố gắng thương thảo một hiệp định kế tiếp Nghị định thư Kyoto. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong thế kỷ 21. Biên bản Kyoto còn không bao gồm hai nước này, vì họ đã phát thải quá ít trong cuộc công nghiệp hóa của Phương Tây.

Nhưng tại sao Trung Quốc và Ấn Độ bây giờ lại phải cùng cắt giảm CO2? Đứng vững trước áp lực đối với họ hợp lý hơn nhiều.

Vì các mô hình khí hậu cho thấy rằng Trung Quốc nhìn chung còn hưởng lợi cả từ sự ấm nóng toàn cầu. Tuy có mặt xấu của biến đổi khí hậu, nhưng mặt tốt lại nhiều hơn. Nhiệt độ ấm nóng hơn sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Sức khỏe của người dân cũng được cải thiện. Con số người chết vào các đợt nóng bức sẽ tăng. Nhưng đồng thời trong mùa đông sẽ có ít người chết hơn vì những bệnh phụ thuộc vào thời tiết như cúm. Vì sự nóng ấm toàn cầu sẽ có ảnh hưởng đến nhiệt độ thấp nhất trong mùa đông nhiều hơn là đến nhiệt độ cao nhất trong mùa hè.

Đặc biệt là người châu Âu đã đề nghị các quốc gia giàu phải trả cho những nước đang phát triển một số tiền nào đó để thông qua một hiệp định ở Copenhagen. Nhưng những người đóng thuế trong các quốc gia công nghiệp có thật sự muốn chuyển hằng trăm tỉ euro sang những nước đang phát triển chỉ để hỗ trợ cho những dự án có tác động giới hạn hay không?

Và cuối cùng là cách tiếp cận ngày nay cũng khiếm khuyết về mặt công nghệ. Vì vẫn còn thiếu cái thay thế tương xứng cho năng lượng hóa thạch. Tuy là nó mang tiếng xấu trong thời gian gần đây, nhưng hiện giờ không thể thiếu nó cho sự phát triển của chúng ta, cho thịnh vượng của chúng ta và cho sự sống còn của chúng ta. Đánh thuế CO2 mà không phát triển các lựa chọn khác sẽ làm cho tình trạng của hành tinh xấu đi thêm.

Chính khách đua nhau đưa ra những hứa hẹn hão huyền

Nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng lên gấp đôi cho đến năm 2050. Nhưng những nguồn năng lượng tái sinh vẫn còn chưa thật sự sẵn sàng để sử dụng trên diện rộng khắp. Trong một đóng góp cho Copenhagen Consensus Center vào tháng 7 của năm nay, Isabel Galiana và Chris Green của Đại học McGill thuộc Canada đã chỉ ra tầm vóc của những thách thức về kỹ thuật.

  • Ảnh minh họa. Nguồn: AP/Anja Niedringhaus

Để giảm được 3/4 lượng CO2 cho đến năm 2100 và đồng thời giữa vững một tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, các nguồn năng lượng phi hóa thạch phải đáp ứng được một nhu cầu năng lượng bằng 2,5 lần nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2000. Và nếu như chúng ta cứ đi theo con đường này thì phát triển kỹ thuật sẽ không đủ để tạo sức cạnh tranh cho những nguồn năng lượng không phát thải CO2 so với các nguồn năng lượng hóa thạch, cả về giá cả lẫn về hiệu quả.

Green và Galiana khảo sát mức độ của các nguồn năng lượng không gây hại cho khí hậu trong thời điểm hiện nay, bao gồm năng lượng hạt nhân, gió, mặt trời và địa nhiệt. Kết quả: Kỹ thuật chưa chín muồi, cả về quy mô lẫn về độ tin cậy. Phần nhiều vẫn còn cần đến nghiên cứu cơ bản. Chúng ta vẫn còn chưa thể khởi động được cuộc cách mạng kỹ thuật thật sự. Và chúng ta không được phép quên một điều: Các thế hệ tương lai sẽ không đánh giá chúng ta qua những hoài bão của chúng ta mà qua những gì chúng ta đạt được.

Hiện giờ, các chính trị gia đua nhau đưa ra những hứa hẹn hão huyền có rất ít hay hoàn toàn không khả thi. Hãy xem nước Nhật. Trong tháng 6, người ta hứa hẹn sẽ giảm 8% lượng phát thải khí CO2 so với năm 1990. Roger Pielke của Center for Science and Technology Policy Research đã tính toán điều đó có nghĩa là gì: Phải xây thêm 8 nhà máy điện nguyên tử mới có công suất lớn hơn nữa; phải lắp đặt 1 triệu cánh quạt gió và gắn tấm quang điện lên gần 3 triệu mái nhà, tăng gấp đôi tỷ lệ nhà ở được cách nhiệt chặt chẽ và tăng tỷ lệ bán ô tô thân thiện với môi trường từ 4% lên 50%.

Đó là một nhiệm vụ vô cùng to lớn, nhất là đối với một quốc gia hiện giờ đã dẫn đầu trong việc sử dụng năng lượng có hiệu quả. Và mặc dù vậy, lời hứa của thủ tướng đã bị chỉ trích nặng nề. Mãi cho đến khi vị tân thủ tướng hứa hẹn giảm thiểu nhiều đến 25%, người ta mới vỗ tay hoan hô ông. Chẳng ai tức giận vì kế hoạch này hoàn toàn không có triển vọng được thực hiện. Lời hay ý đẹp được đánh giá cao hơn là mục đích thực tế.

53 tỉ euro cho quang năng để ngăn biến đổi khí hậu trong 1 giờ

Phương cách tiếp cận để ngăn hành tinh nóng lên hiện nay của chúng ta tập trung vào việc chúng ta có thể giảm CO2 qua chi trả tiền như thế nào chứ không phải tập trung vào việc làm thế nào để đạt đến đấy nhờ kỹ thuật. Điều đấy có nghĩa là chúng ta thắng cỗ xe trước con ngựa.

  • Ảnh minh họa. Nguồn: cop15.dk 

Có hiệu quả nhất là nên tăng mạnh tài trợ chính phủ cho công cuộc nghiên cứu và phát triển khai thác năng lượng phi CO2. Chúng ta không phải làm cho năng lượng hóa thạch đắt tiền hơn mà phải làm cho năng lượng tái sinh rẻ tiền hơn.

Phải cần khoản tiền 66 tỉ euro dành cho nghiên cứu và phát triển. Tức gấp 55 lần số tiền mà các chính phủ hiện đang tài trợ. Con số này tuy có vẻ lớn, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của chi phí để giảm phát thải CO2. Theo nhiều tính toán, mỗi 1 euro chi cho nghiên cứu và kỹ thuật sẽ tránh được 11 euro thiệt hại do biến đồi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên chúng ta không thể dựa vào doanh nghiệp tư nhân. Cũng như trong nghiên cứu y học, các cải tiến mang tính đột phá đầu tiên trong lĩnh vực này không mang lại lợi nhuận thật sự. Vì thế mà hiện giờ không thu hút được đầu tư tư nhân.

Có nhiều tiền nghiên cứu từ chính phủ hơn đồng thời cũng giải quyết được nhiều vấn đề về chính trị của cách tiếp cận theo lối Kyoto. Các quốc gia đang vươn lên như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chọn con đường cải tiến rẻ tiền hơn, khôn ngoan hơn và mang lại nhiều kết quả hơn.

Thuế CO2 có thể đóng một vai trò quan trọng nhưng thứ yếu trong việc hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển. Các nhà khí hậu kinh tế học Green và Galiana đề nghị đầu tiên nên đánh thuế ở mức 5 USD cho 1 tấn CO2 để bảo đảm tài trợ cho những chương trình nghiên cứu như thế. Sau đó, theo đề nghị của họ, cần nâng mức thuế này lên để dùng số tiền đó thúc đẩy việc sử dụng những lựa chọn công nghệ khác có hiệu quả hơn và có khả năng chi trả được.

Điều quan trọng là không được phung phí số tiền đó để tăng cường thêm một ít cho các kỹ thuật lựa chọn khác không mang lại hiệu quả cao hiện nay. Một trường hợp điển hình ở đây là nước Đức: Một số tiền khổng lồ được dùng để giảm thiểu một lượng CO2 nhỏ bé qua năng lượng mặt trời. Bằng cách sử dụng những tấm quang điện, người Đức chi 716 euro để tránh thải 1 tấn CO2 – và qua đó tránh gây cho Trái đất một thiệt hại được dự tính là vào khoảng 4 euro. Hiệu ứng tối đa của toàn bộ chương trình hỗ trợ quang điện tiêu tốn 53 tỉ euro của Đức là chỉ để trì hoãn sự nóng ấm toàn cầu được 1 giờ đồng hồ cho đến cuối thế kỷ. Một thí dụ đầy ấn tượng cho một chính sách mang lại cảm giác tốt đẹp nhưng chẳng giúp ích được gì.

Giới chính khách nên chấm dứt những cuộc thương lượng để giảm thiểu CO2 và thay vào đó hãy tạo một liên minh để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm nâng năng lượng lựa chọn khác lên mức cần thiết.

Tác giả: Bjørn Lomborg (Tạp chí Tấm gương - Đức) / Phan Ba (dịch)

Bjørn Lomborg là giám đốc của  Copenhagen Consensus Center, viện nghiên cứu về các vấn đề môi trường và khí hậu, tổ chức hội nghị với các nhà kinh tế học và từng nhận giải Nobel. Ông là giáo sư giảng dạy tại Copenhagen Business School và đã viết nhiều tác phẩm bán chạy như "Apocalypse No!" hay "Cool it!". 

>> Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen: Hy vọng và chờ đợi 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo