Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc và... nữ tính

Kiến trúc và... nữ tính

Viết email In

Nhìn lại lịch sử

Thực ra, sự phân định các yếu tố, sắc thái liên quan đến nữ, hay còn gọi là nữ tính trong kiến trúc đã có từ rất xưa, bắt nguồn từ những nhu cầu thẩm mỹ tự nhiên, từ các hệ tư tưởng hay các thói quen, tập tục trong sinh hoạt có sự khác biệt nam – nữ.


Đường cong – dù trong kiến trúc hiện đại với những mảng khối chắc khoẻ, kiệm chi tiết – vẫn luôn gợi sự mềm mại, nữ tính cho công trình. 

Từ đó yếu tố “nữ tính” được chuyển hoá và trong kiến trúc từ nhỏ đến lớn, đơn giản tới phức tạp, từ chi tiết tới tổng thể… Những yếu tố này có thể tồn tại như một nguyên tắc song hành nam – nữ, nhưng cũng có thể không, tuỳ vào công trình và hoàn cảnh cụ thể. Ta có thể thấy trong kiến trúc Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỷ 7 – 5 trước CN), những kiến trúc sư đã hoàn thiện những thức kiến trúc mẫu mực; trong đó, nếu coi thức cột Doric là biểu hiện của nam tính với sự mạnh mẽ khoẻ khoắn (về cả hình thức và kết cấu), thì cũng có thức cột Ionic là biểu hiện của nữ tính với sự duyên dáng, mềm mại. Ở Việt Nam, rất nhiều các công trình kiến trúc truyền thống đều chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo, liên quan đến vấn đề nam – nữ. Trong ngôi nhà dân gian theo kiểu ba giai hai chái, vẫn thường được bố trí sinh hoạt theo nguyên tắc “tả nam – hữu nữ” (nam bên trái, nữ bên phải). Hay tại Hoàng thành – Kinh thành Huế, hai cửa hai bên ở hai hướng được phân định rõ ràng: cửa Hiển Nhơn (bên trái, hướng đông) được dành cho nam giới, và cửa Chương Đức (bên phải, hướng tây) được dành cho các bà, các cô. Trong xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo, nữ giới không được coi trọng; rất nhiều nơi, nhiều công trình nữ giới không được lui tới. Tuy vậy có thể vì thế họ lại có được đặc ân riêng. Ví dụ như cũng tại Hoàng thành – Kinh thành Huế, theo quy định của triều đình nhà Nguyễn, nữ giới (dù là người trong hoàng tộc) không được phép vào Thế tổ miếu – là nơi thờ tự các vua theo nghi lễ quốc gia. Nhưng bù lại, có một “biệt miếu” riêng là điện Phụng Tiên, cũng là nơi thờ các vua nhà Nguyễn – dành riêng cho nữ giới lui tới.

Hai thức cột Doric và Ionic của kiến trúc Hy Lạp cổ đại ở phương Tây là những ví dụ điển hình về giới tính trong hình thức kiến trúc, nhưng nội dung lại không hoàn toàn như vậy. Kiến trúc đền thờ Hy Lạp cổ đại, các thức cột này không phản ánh nội dung công trình là thờ nam thần hay nữ thần. Tuy nhiên, do hình thức đặc thù, nên thức cột Doric về sau được sử dụng nhiều trong những công trình hành chính có dáng vẻ uy nghiêm, và thức cột Ionic được sử dụng nhiều ở các công trình văn hoá, nhà hát. Còn ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, chi tiết kiến trúc, đồ án trang trí có hình chim phượng (phượng hoàng) lại là một hoán dụ rất rõ ràng về nữ tính trong các công trình cổ. Trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), rồng là biểu hiện của sức mạnh nam tính, là biểu tượng của đấng quân vương; còn chim phượng là biểu tượng của nữ giới, của vẻ đẹp cao sang, quyền quý. Hình chim phượng được thể hiện ở rất nhiều đền thờ Mẫu, đền thờ nữ thần. Tại một số công trình cung điện dành cho hoàng thái hậu (mẹ vua) ở Hoàng thành – Kinh thành Huế, đồ án chim phượng là nội dung trang trí chủ đạo và thống nhất trên nhiều hạng mục kiến trúc.


Các đồ án trang trí với hình chim phượng – loài vật tượng trưng cho phái nữ ở cung Trường Sanh – Đại nội – Kinh thành Huế. Cung Trường Sanh là biệt cung dành cho hoàng thái hậu (mẹ vua) để nghỉ ngơi và giải trí.

Thử tìm biểu hiện nữ tính trong kiến trúc hiện đại?

Trong xu hướng bình đẳng giới trên toàn cầu, thì nữ được coi trọng và không bị phân biệt như một đối tượng thấp kém hơn. Tuy nhiên với kiến trúc, vẫn có sự phân biệt; bởi chính giới tính, liên quan đến sức khoẻ, thể chất, nhân trắc và sinh hoạt. Các yếu tố này thường được thể hiện nhiều ở mặt công năng. Có thể thấy điều đó rất rõ ở các không gian liên quan như phòng thay quần áo, nhà vệ sinh, các trang thiết bị công trình đặc thù phù hợp với sức khoẻ và thể hình của phái nữ. Đó là một sự phân biệt – bình đẳng và văn minh. Trong quá trình vận hành, sử dụng công trình kiến trúc liên quan đến hoạt động làm việc, sinh hoạt của con người, phái nữ thường được ưu tiên trước, ở những vị trí thuận lợi hơn. Và phái nữ cũng vẫn có những ưu ái riêng mà nam giới có thể không có. Một ví dụ khá thú vị có thể thấy, đó là ở công trình dinh Độc Lập (nay là hội trường Thống Nhất, TP.HCM), trong rất nhiều các phòng chức năng công vụ, có một phòng là “Phòng tiếp khách, chiêu đãi của phu nhân tổng thống”. Đây là một sự ưu ái đặc biệt dành cho đối tượng sử dụng, và thể hiện sự bình quyền của phái nữ trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội; song lại phản ánh một khía cạnh khác, là người thiết kế mặc nhiên… coi tổng thống là nam giới.

Ở mặt quan trọng khác của kiến trúc, là hình thức; thì sự phân định giới tính nói chung và biểu hiện nữ tính nói riêng trong kiến trúc hiện đại chỉ là tương đối. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy rằng, về mặt hình học, các đường tròn, đường cong, cấu trúc thanh mảnh, sự cầu kỳ, mềm mại trong chi tiết… luôn gợi nhắc, liên tưởng tới nữ tính; và ngược lại, các đường nét thẳng, mảng khối vuông phẳng khoẻ khoắn là biểu hiện của nam tính. Những bố cục phi đối xứng, linh hoạt có thể mang nữ tính và những bố cục đối xứng, cân bằng, vững chãi là biểu hiện của nam tính… Các yếu tố này trong kiến trúc hiện đại thường không mang chủ đích về thể hiện giới, mà thường xuất phát từ ý tưởng thiết kế và các giải pháp về công năng, không gian, kết cấu, vật liệu. Nữ tính cũng biểu hiện ở sự cân bằng (tương đối) trong thủ pháp tạo hình với khối dương – âm, lồi – lõm; là các khoảng lùi như hiên, sảnh, lô-gia…; là sự hợp lý trong hình thức về mặt mỹ học, thị giác; là sự hài hoà với thiên nhiên, cây xanh.

  • Ảnh bên: Đường cong và màu trắng, những yếu tố duyên dáng nhẹ nhàng làm nên nữ tính.

Trong ngôi nhà ở hiện đại, ranh giới nam tính – nữ tính của kiến trúc có thể rất mờ nhạt. Song nhu cầu về một hình thức cụ thể, thậm chí có thể có tính biểu tượng cụ thể vẫn là nhu cầu thực tế mang cảm tính, xuất phát từ tính cách và giới tính chủ nhân. Một chủ nhà là nữ có thể sẽ không nói với kiến trúc sư rằng: vì tôi là nữ nên hãy thiết kế cho tôi một ngôi nhà thật điệu, thật… nữ tính; nhưng có thể họ sẽ nhận xét: phương án này trông “cứng”, thô quá, màu sắc đơn điệu quá; có thể làm cho mềm mại, duyên dáng, tươi tắn hơn được hay không? Những quan điểm và nhận định đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như dân trí, mức độ phát triển của xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng cảm thụ thẩm mỹ – nghệ thuật, cơ hội tiếp cận thông tin và các trào lưu khác trong xã hội… Hẳn rất ít người phụ nữ ở Việt Nam thích các công trình nhà ở của kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando thiết kế, với những khối hộp vuông vức, bêtông trần và… chẳng có chi tiết gì cả. Đó là những công trình ở nước đậm văn hoá phương Đông, do người phương Đông thiết kế, cho người phương Đông sử dụng. Vậy Tadao Ando có chủ tâm về vấn đề giới tính hay nữ tính trong thiết kế của mình hay không? Có, nhưng ông tiếp cận ở góc độ khác, triết lý khác và điều đó không thể hiện ở hình thức và đường nét kiến trúc thuần tuý! Và ở Nhật Bản, điều đó được đón nhận.

Mọi sự so sánh đều là tương đối, và khi so sánh phải đặt tương quan trong bối cảnh cụ thể. Nữ tính trong kiến trúc cũng vậy. Nếu như đặt những kiến trúc hiện đại (như thường thấy) với vật liệu kính – thép, với những hình khối, đường nét đơn giản, thẳng, vuông, phẳng bên những kiến trúc cổ điển nhiều chi tiết trang trí, hoa văn, kết hợp cả điêu khắc… thì không lẽ kiến trúc cổ điển toàn nữ tính? Tất nhiên không phải vậy! Trong mỗi thời kỳ lịch sử, bối cảnh xã hội, thể chế chính trị, tiếp biến văn hoá, trào lưu nghệ thuật… sẽ có những quy ước và nhận định riêng, và kiến trúc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó.


Hình thức kiến trúc cổ điển dễ gợi nữ tính bởi yếu tố trang trí cầu kỳ, nhiều đường cong duyên dáng.

Ở một góc độ khác, là khoa học công nghệ và kỹ thuật xây dựng, liên quan tới hình thức kiến trúc, thì không hẳn kiến trúc hiện đại là “khô”, “cứng”, thiếu nữ tính. Ở các kiến trúc cổ đại, kiến trúc cổ điển, đuờng cong – biểu hiện của nữ tính chỉ được thể hiện ở những chi tiết trang trí, điêu khắc nhỏ, vòm cửa… (ở vật liệu đá, gạch xây đắp vữa), hoặc giới hạn trong phạm vi khiêm tốn của vật liệu gỗ (như đường cong của mái); thì trong kiến trúc hiện đại với vật liệu thép, bêtông cốt thép…, cùng các hệ kết cấu mới; đường cong – nữ tính được thể hiện dường như là không có giới hạn, và rất tự do.

Trở lại với ngôi nhà ở hiện đại, và nữ tính của ngôi nhà – đó là một khía cạnh xã hội, một thực tế không phủ nhận. Trong một xã hội công nghiệp hiện đại, một thế giới phẳng, toàn cầu hoá thì tính bình đẳng nam nữ cũng thể hiện trong kiến trúc. Nhưng một ngôi nhà, đó là một không gian sống, không chỉ là vấn đề đường thẳng hay đường cong của kiến trúc. Có nữ tính hay không – điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như sự hài hòa với thiên nhiên, môi trường; cách tổ chức không gian; bố trí và trang trí nội thất… và điều quan trọng nhất là có bóng dáng và bàn tay chăm sóc của người phụ nữ!

KTS Nguyễn Trần Đức Anh (KT&ĐS)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo