Ashui.com

Thursday
Oct 03rd
Home Chuyên mục Bất động sản Chuyển đổi khu công nghiệp: hành trình xanh cho kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi khu công nghiệp: hành trình xanh cho kinh tế tuần hoàn

Viết email In

Khi các yếu tố “đầu vào” truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào hiện không còn là thế mạnh, TPHCM đang đẩy nhanh điều chỉnh, quy hoạch lại các khu công nghiệp (KCN) theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao,… nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.


Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) là KCN đầu tiên trên địa bàn TPHCM đang tham gia dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu. (Ảnh: Website KCN Hiệp Phước)

Câu chuyện mô hình sinh thái của KCN Hiệp Phước

Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện là KCN duy nhất trên địa bàn TPHCM tham gia Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (Dự án) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng thực hiện. Đây là hướng tiếp cận từ một mô hình KCN truyền thống đến mô hình KCN sinh thái nhằm hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn.

Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước (HIPC) khẳng định, hiện tại KCN Hiệp Phước chưa thực hiện thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái mà chỉ tham gia dự án nhằm mục đích tiếp thu, học tập những giá trị tốt cho hoạt động của KCN nhằm gia tăng giá trị hình ảnh KCN đồng thời nghiên cứu những giải pháp phù hợp với thực tiễn tại KCN Hiệp Phước.

Theo đánh giá của đại diện Ban quản lý Khu chế xuất và KCN TPHCM (HEPZA), một số hoạt động kinh tế tuần hoàn trong KCN Hiệp Phước bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đó là chất thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác trong khu. Đây cũng là khái niệm “cộng sinh công nghiệp” được vận dụng ngày càng nhiều trong KCN Hiệp Phước.

Đơn cử như việc sử dụng khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân để tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan. Hay Công ty cổ phần Thịnh Toàn và Công ty Đại Dũng (sản xuất gạch không nung) có thể thu gom chất thải từ các nhà máy làm khuôn đúc như của Công ty Kondo và Công ty Đúc Vim,… để làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của họ.

Theo đại diện Ban quản lý HEPZA, hiện nay trong KCN Hiệp Phước có nhiều doanh nghiệp hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau, trong quá trình sản xuất phát sinh nhiều loại chất thải có khả năng tái sinh, tái sử dụng,…với khối lượng chất thải ít nên việc thu gom sẽ rất khó khăn. Để thực hiện được khả năng cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp trong khu bước đầu thực hiện và cho thấy có thể nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp trong khu.

Ngoài các doanh nghiệp nói trên còn có thể kể đến trường hợp Công ty Thép Á Châu đang thực hiện thu gom, tái chế chất thải như sắt thép phế liệu từ các nhà máy đang hoạt động trong KCN Hiệp Phước có phát sinh chất thải loại này, mang về nhà máy để tái chế.

Hay tại Công ty Giấy Xuân Mai thu gom chất thải giấy vụn từ các nhà máy trong KCN có phát sinh loại này, để tái chế thành phẩm giấy cuộn, giấy vệ sinh,…

Cũng theo người đại diện HEPZA, các biện pháp và công trình xử lý khí thải, nước thải tại hai công ty này đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong quá trình tái chế chất thải, nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường.

Còn tại Công ty Nhôm Tân Quang thì thu gom phế thải như nhôm thải từ các nhà máy khác trong KCN để tạo thành nhôm thỏi; đơn vị có lắp đặt công trình bảo vệ môi trường tại nhà máy là hệ thống xử lý khí thải để xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài.

“Sử dụng thành phẩm của nhau ngay trong KCN như bao bì, nhiên liệu, nguyên liệu thành phẩm của nhà máy này được sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm khác. Một số mô hình đang tiếp tục bổ sung, đăng ký triển khai như phụ phẩm của nhà máy thạch cao trở thành nguyên liệu của nhà máy sản xuất xi măng; sử dụng khí nóng của nhà máy thép cho nhà máy phân bón bên cạnh…”, người đại diện HEPZA chia sẻ thêm.

Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường.

Còn nhiều khó khăn và vướng mắc trên hành trình xanh

Với dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” được phê duyệt cách đây khoảng 5 năm, ngoài TPHCM (đơn vị tham gia là KCN Hiệp Phước) còn có các thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nhóm nghiên cứu của Dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để xây dựng Bộ tiêu chí, các điều kiện để làm cơ sở đánh giá, cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái và nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục về chứng nhận KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái theo quy định tại NĐ 35/2022/NĐ-CP.

Tại TPHCM, dự án thực hiện nghiên cứu thí điểm tại KCN Hiệp Phước và các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong KCN này để thực hiện các bước khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, nghiên cứu hỗ trợ tư vấn kỹ thuật liên quan đến sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, khả năng cộng sinh công nghiệp, tuần hoàn nước, tái sử dụng chất thải tại các doanh nghiệp,…

Những kết quả từ nghiên cứu này sẽ là cơ sở thực tiễn để góp ý, sửa đổi, xây dựng, ban hành các văn bản quy định pháp luật, chính sách có liên quan đến KCN Sinh thái (theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Quản lý KCN và Khu kinh tế).

Cũng liên quan đến chính sách và giải pháp để phát triển KCN sinh thái diễn ra hồi tháng 9/2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho rằng kết quả tham gia dự án của KCN Hiệp Phước sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TPHCM.

Trên thực tế, thời gian qua, việc phát triển khu chế xuất, KCN trên địa bàn TPHCM cũng bộc lộ một số hạn chế. Hiệu quả đầu tư của các khu chế xuất, KCN thành phố chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả sử dụng tài nguyên, thâm dụng lao động phổ thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện…

Do đó việc thành phố chuyển đổi công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0… là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố. Đây được xem là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo TPHCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO triển khai dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tại TPHCM.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái theo đại diện các địa phương là gặp nhiều khó khăn và thách thức vì sẽ tốn kém chi phí tái cấu trúc cơ sở hạ tầng, chi phí doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và cần sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp nội khu. Trong khi việc thu hút dự án đầu tư mới theo tiêu chí mô hình KCN sinh thái cũng sẽ khó khăn hơn, chọn lọc kỹ hơn.


Ảnh một góc KCN Hiệp Phước. (Ảnh minh họa: Website DN)

Nói về phát triển KCN theo mô hình sinh thái tại các cuộc họp, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, chia sẻ nếu định hướng phát triển KCN sinh thái ngay từ đầu thì sẽ không bị manh mún. Nhưng khi chuyển đổi từ một KCN hiện hữu sang thì gặp nhiều vướng mắc và thách thức.

Bản thân KCN Hiệp Phước cũng vướng nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang KCN sinh thái. Chẳng hạn, hệ thống khí lò hơi của nhiều nhà máy sẽ tốn kém khi chuyển đổi. Ngoài ra, việc cộng sinh trong KCN giữa các doanh nghiệp rất khó khăn. Bởi lẽ khi doanh nghiệp này sử dụng chất thải của doanh nghiệp kia thì 2 doanh nghiệp không thể “trao đổi” trực tiếp với nhau được, mà phải qua đơn vị có chức năng xử lý chất thải, rồi mới quay lại doanh nghiệp cần sử dụng. Với quy định như vậy dẫn đến mất nhiều thời gian.

Cũng như TPHCM, việc phát triển KCN sinh thái tại các địa phương khác cũng đang gặp nhiều vướng mắc, như: vấn đề xử lý rác thải, môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách ưu đãi thuế; vấn đề sử dụng đất đai…

Một số chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN tại các địa phương cho rằng khó khăn lớn nhất là cộng sinh trong KCN sinh thái, vì mỗi nơi có cách áp dụng khác nhau. Hay như một doanh nghiệp có nhu cầu về một loại chất thải nhưng doanh nghiệp trong khu lại không đáp ứng được về khối lượng…

Bên cạnh đó, việc tái chế nước thải thành nước cất, hiện chưa có khung giá cho nước tái sử dụng, điều này cũng hạn chế cho các doanh nghiệp đầu tư và nghiên cứu khả thi.

Trong khi nếu các KCN đáp ứng về xử lý chất thải, nước thải được tái chế có thể bán cho việc tưới cây. Đại diện một chủ đầu tư hạ tầng KCN ở thành phố Hải Phòng cũng có kiến nghị về sự cần thiết cho việc sử dụng những sáng kiến để tiết kiệm nước. Theo nhà đầu tư này, hiện doanh nghiệp chưa có giấy phép sử dụng lại nước thải đã qua xử lý, dù rằng nó rất sạch.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện của HIPC cũng cho rằng trong quá trình tham gia dự án, HIPC nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc đối doanh nghiệp cũng như công ty kinh doanh hạ tầng. Đó là ngoài một số tiêu chí được đề cập về KCN sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế ngày 28-5-2022, hiện tại chưa văn bản pháp luật quy định cụ thể về bộ tiêu chí áp dụng đối với KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Đại diện các cơ quan quản lý cũng thừa nhận thực tế rằng hiện các quy định rất chồng chéo, trong các chính sách ưu đãi cho KCN vẫn là ưu đãi chung, chưa có ưu đãi riêng cho KCN sinh thái.

Là cơ quan đầu mối trong chiến lược phát triển khu công nghiệp sinh thái, trước đó Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhìn nhận, việc phát triển các KCN, khu kinh tế theo chiều rộng đang gặp khó khăn về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, năng suất lao động, phát triển chưa hài hòa, ưu đãi về chính sách đất đai giảm dần… Bên cạnh đó, liên kết trong KCN, khu kinh tế thời gian qua còn hạn chế.

Vì vậy, bà Ngọc cho rằng việc phát triển mô hình KCN, khu kinh tế cần phải có sự đổi mới với các cơ chế, chính sách phù hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Yêu cầu mới từ dòng thời sự đầu tư, kinh doanh

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến TPHCM đầu tư hiện nay rất chú ý đến yếu tố TPHCM có nguyên liệu xanh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo,… để  phục vụ sản xuất thân thiện môi trường và bền vững không?


Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Diễn đàn Thương mại xanh 2023.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã nhấn mạnh như trên tại Diễn đàn Thương mại xanh 2023 – Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển của doanh nghiệp do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức ngày 14/6/2023 tại TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng để có sản xuất xanh thì phải có nguyên liệu xanh, năng lượng xanh, lao động xanh, tín dụng xanh… Đặc biệt, phải có nguồn lực để doanh nghiệp chuyển đổi máy móc, thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất để giảm thải carbon, bảo vệ môi trường; phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

Xu hướng thương mại xanh toàn cầu đang chi phối sâu rộng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chuyển đổi sang sản xuất xanh là hướng đi tất yếu, sống còn không chỉ với doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia cũng như đời sống xã hội.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thăm dò xem Việt Nam có năng lượng xanh, có năng lượng tái tạo cũng như có nguyên liệu xanh phục vụ cho nhu cầu sản xuất không?

Theo ông Võ Văn Hoan, những doanh nghiệp đã đầu tư ở thành phố bày tỏ mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo nhưng không có. Như vậy, đầu tư cũ không thể mở rộng hơn, đầu tư mới không đến thành phố.

“Đây là vấn đề rất cấp bách, chúng ta phải hành động nhanh, không phải chờ tới năm 2050; nếu không nhanh chóng chuyển đổi chúng ta sẽ tụt hậu, không thể thu hút đầu tư nước ngoài; sản xuất hàng hóa không đưa ra thị trường thế giới được, không thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới”, Phó chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Do đó, việc đầu tư, chuyển đổi và phát triển các KCX, KCN theo mô hình sản xuất công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động, kinh tế tuần hoàn, hình thành môi trường sản xuất “sinh thái”… đang được TPHCM nỗ lực thực hiện. 

Với tư cách là một chủ thể tham gia Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu đến giai đoạn hiện nay, HIPC cho biết tham gia Dự án với mục tiêu nâng cao nhận thức về KCN sinh thái; kết nối dự án với doanh nghiệp thứ cấp trong KCN Hiệp Phước. Nhà phát triển hạ tầng này còn tiếp thu, học tập những giá trị tốt cho hoạt động của KCN nhằm gia tăng giá trị hình ảnh KCN đồng thời nghiên cứu những giải pháp phù hợp với thực tiễn tại KCN Hiệp Phước.

Sau khi có đầy đủ pháp lý, văn bản hướng dẫn chi tiết và bộ tiêu chí từ cơ quan chức năng về chuyển đổi KCN sinh thái, KCN Hiệp Phước sẽ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp trước khi đưa ra quyết định việc tham gia chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái…

Một góc KCX Tân Thuận, TPHCM. (Ảnh minh họa: L.H)

Đến nay, TPHCM có 17 KCX – KCN trong tổng số 19 khu được thành lập đã đi vào hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.948 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%.

Lũy kế đến hết quí 1/2023, các KCX – KCN ở TPHCM còn gần 1.700 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,43 tỉ đô la, gồm 554 dự án FDI, và 1.145 dự án trong nước. Trong đó, có 1.482 dự án đang hoạt động; 73 dự án đang xây dựng cơ bản; 98 dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục triển khai theo quy định…

Về lộ trình chuyển đổi các KCN, giai đoạn 2023-2024, HEPZA sẽ lập đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCN, KCX gồm KCX Tân Thuận; KCN Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi.

Nói về định hướng chuyển đổi, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng HEPZA cho rằng các KCX, KCN sẽ chuyển dịch nhanh những dự án sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Riêng những KCN có diện tích nhỏ, bị bao bọc bởi khu dân cư, sau khi kết thúc thời gian hoạt động KCN, cần tính toán chuyển đổi công năng phù hợp theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp (ưu tiên logistics, thương mại,…).

Trong quá trình triển khai thực hiện định hướng chuyển đổi các KCX, KCN, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh định hướng cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Lê Hoàng

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo