HoREA thống nhất quan điểm không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết…
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết tại Kết luận cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao, để giải quyết một số vấn đề cấp bách trước mắt trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Do đó, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường bất động sản, vì theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng.
Nhiều biệt thự bỏ hoang tại khu đô thị mới An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; giá nhà tăng liên tục, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở…
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng), nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội thâu tóm các dự án tốt, các thương hiệu mạnh, có thể làm giảm lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
Theo HoREA, tình hình khó khăn trên đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Có nguyên nhân từ phía Nhà nước như một số quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khiến cho 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở là vướng mắc pháp lý.
Đồng thời, có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, có xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đại diện cho lợi ích cộng đồng. Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
HoREA cũng cho rằng cũng có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có lực lượng đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, kích động hành vi tranh mua, tranh bán hoặc bán tháo theo tâm lý đám đông.
Vì vậy, HoREA thống nhất quan điểm không "giải cứu" thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết.
Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án bất động sản, nhà ở bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42 (ngày 21/06/2017) của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” (theo Nghị quyết số 973 (ngày 08/07/2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14) để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn. Bởi lẽ, trong các năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật…
Ban Mai
(VnEconomy)
- Nhìn lại những "điểm trũng" của thị trường bất động sản 2022
- Kích thanh khoản và gỡ vướng pháp lý để vực dậy thị trường bất động sản
- Hệ lụy từ phân lô bán nền trái phép
- Cuộc đào thải của bất động sản: "Liều thuốc đắng" để lành mạnh hóa thị trường?
- Bất động sản 2023: Triển vọng trong khó khăn
- Tại sao là thị trường bất động sản và tại sao là bây giờ?
- “Thanh lọc” thị trường bất động sản
- Chu kỳ 10 năm khủng hoảng bất động sản và những điều khác biệt
- Bài học từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc
- Nhà ở vừa túi tiền có là phong trào "sớm nở tối tàn"?