Kế hoạch phát triển 1 triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động tại TPHCM đang được xem là thiết thực và nhân văn, bắt đầu thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng kế hoạch này chỉ xác định được tính khả thi khi giải quyết được hai bài toán cũ là quỹ đất và tốc độ phê duyệt dự án.
Không lâu sau khi TPHCM phát động kế hoạch 1 triệu ngôi nhà giá rẻ, ba doanh nghiệp lớn phía Nam là Hưng Thịnh, Đồng Tâm và Gỗ Trường Thành đã bắt tay thực hiện sáng kiến nhà ở vừa túi tiền. Sự chung tay của các doanh nghiệp mang đến những điều tích cực trong bối cảnh nhu cầu sở hữu nhà lên cao hậu Covid-19. Có thể đây là ngọn lửa đầu tiên được doanh nghiệp thắp lên nhưng việc giữ lửa làm nhà giá rẻ ở các đô thị lớn trong tương lai vẫn còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan.
Không đặt mục tiêu lợi nhuận để thắp lửa
Đại diện một doanh nghiệp trong sáng kiến “nhà ở vừa túi tiền” cho biết, để thực hiện bền vững cần các cơ quan nhà nước, các cấp cùng chung tay thực hiện để giúp cho người nghèo có nhà ở. Tham gia vào sáng kiến, doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng.
Nếu đây thực sự là lý tưởng cốt lõi để làm nhà ở vừa túi tiền của doanh nghiệp thì tương lai của nhà giá rẻ sẽ trở nên sáng sủa hơn. Đặc biệt, sau những tác động của dịch bệnh càng lộ rõ hơn về nhu cầu chỗ ở bức thiết của tầng lớp lao động thu nhập thấp ở thành phố.
Theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn, trong khoảng hai năm trở lại đây, khi nguồn cung nhà ở tại TPHCM gần như chỉ “nhỏ giọt” thì loại hình căn hộ có giá bán trên dưới 1,5 tỉ đồng gần như không còn xuất hiện trên địa bàn thành phố. Tại những quận huyện vốn được xem như vùng ven như quận 9 (nay là Thành phố Thủ Đức), Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè… người dân cũng không có nhiều lựa chọn với mức giá căn hộ trên dưới 2 tỉ đồng. Tại Thành phố Thủ Đức, giá bán những dự án mới trong hai năm qua thấp nhất cũng từ 40 – 45 triệu đồng/m2.
Thậm chí, mặt bằng tăng giá cũng lan rộng sang các khu vực lân cận với TPHCM thuộc Bình Dương hay Đồng Nai. Cụ thể, giá bán căn hộ tại hai thành phố Dĩ An và Thuận An cũng đã cán mốc trên 50 triệu động/m2.
Với thực tế này, ông Lê Hoàng Châu chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM mong muốn nhà dưới 25 triệu đồng/m2 được xuất hiện trên thị trường trong thời gian tới sự chung tay của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp tham gia cần giảm giá vật liệu xây dựng, nội thất, cảnh quan… cũng như đặt mục tiêu lợi nhuận phù hợp hơn. Những đóng góp này sẽ giúp giá nhà ở giảm dần và người thu nhập thấp, người lao động có thể tiếp cận được sản phẩm.
Vẫn cần giải bài toán cũ để lan tỏa
Nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền tại các đô thị như TPHCM là rất lớn và không mới. Đây cũng là một bài toán “khó giải” của thành phố trong nhiều năm qua. Trong đó, việc huy động doanh nghiệp để phát triển phân khúc này không dễ bởi nhiều vướng mắc từ quỹ đất, lợi nhuận kém hấp dẫn, thủ tục kéo dài.
Theo các chuyên gia bất động sản, để giải bài toán nhà thu nhập thấp thì chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất và thủ tục hành chính để hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia. Tinh thần vì cộng đồng có thể được lan tỏa sau sự bắt tay của các doanh nghiệp lớn và tương lai của nhà giá rẻ chuyển biến theo hướng tích cực hơn khi được sự hỗ trợ về chính sách.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, phân tích ở góc độ thực tiễn có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát triển nhà giá rẻ dành cho người lao động, đó là quỹ đất và thời gian thực hiện.
Về quỹ đất nếu để doanh nghiệp “tự bơi” thì sẽ rất khó vì giá đất đã cao và tốn nhiều thời gian cho thủ tục. Thay vào đó, chính quyền thành phố có quỹ đất sẵn giao cho các doanh nghiệp thực hiện sẽ hiệu quả hơn.
Về vị trí, ông Khương cho rằng quỹ đất ở các quận trung tâm hiện nay không còn, do đó một là thành phố dùng quỹ đất đã dự trù trước đó ở khu vực này hoặc tìm những nơi xa hơn ở các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… Tuy nhiên, để phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm thì cần đảm bảo được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông…) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế…).
Khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân.
Yếu tố thứ hai là thời gian thực hiện với trọng tâm là các vấn đề pháp lý cần nhanh gọn để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Về phương diện tài chính đối với các chủ đầu tư nhà ở, theo ông Khương khi dự án được phê duyệt nhanh chóng, có quỹ đất giá rẻ và biên độ lợi nhuận của họ từ 7-10% thì nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng làm. Có nhiều chủ đầu tư dù lợi nhuận thấp hơn họ vẫn làm vì sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội.
Về phía người mua, nên tạo điều kiện để họ có thể mua nhà trả góp trong vòng 30 năm hoặc 50 năm. Tâm lý có một chốn an cư của riêng mình đúng nghĩa sẽ giúp người lao động có động lực hơn gắn bó với thành phố.
(KTSG Online)
- Giá nhà "leo thang" đầu năm
- Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục “hút” dòng tiền
- Gia tăng nhu cầu căn hộ dịch vụ diện tích nhỏ, có thương hiệu
- Khơi thông nguồn lực đất đai - Kỳ 1: Giao đất phải qua đấu giá
- Sửa Luật Đất đai: Tạo đột phá, sử dụng hiệu quả nguồn lực
- Quy định mới về kinh doanh bất động sản
- TPHCM: Giá nhà tăng 15% cuối năm 2021
- Doanh nghiệp bất động sản hòa nhập làn sóng số hóa thị trường
- Dấu hiệu cho thấy ngành địa ốc Trung Quốc sẽ tiếp tục chao đảo
- Sáng kiến nhà ở vừa túi tiền