Cùng với sự nhảy vọt của giá chứng khoán, giá bất động sản ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng tăng một cách đáng kinh ngạc bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp…
Với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều lo ngại thị trường bất động sản sẽ khó khăn do tình trạng thất nghiệp gia tăng, kéo theo thu nhập không còn để chi trả. Tuy nhiên, kết quả lại gây nhiều bất ngờ khi trái ngược hoàn toàn, đặc biệt là tại các thị trường như New Zealand đến Mỹ, Đức, Trung Quốc và Peru.
Chính phủ New Zealand vừa qua đã phải công bố hàng loạt biện pháp để "hạ nhiệt" bất động sản nước này.
Tăng mạnh nhờ gói hỗ trợ
Theo một cuộc thăm dò mới nhất của Reuters, thị trường bất động sản nhà ở tại các nền kinh tế lớn sẽ tăng vọt trong năm nay nhờ các gói hỗ trợ tiền tệ lớn trong bối cảnh kinh tế phục hồi từ đại dịch.
Giá bán nhà trung bình ở một số quốc gia đã đạt mức kinh ngạc trong năm nay. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn nhờ mức lãi suất cho vay thấp, việc triển khai vắc xin nhanh cùng với việc nới lỏng các hạn chế sau cuộc suy thoái nặng nề do đại dịch gây ra vào năm ngoái.
Giá bất động sản leo thang trên toàn cầu diễn ra cùng lúc với thị trường chứng khoán tăng vọt nhờ các gói kích thích chưa từng có và sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Kết quả thăm dò của Reuters thực hiện với hơn 100 chuyên gia bất động sản từ ngày 11/5 đến ngày 24/5 cho thấy các dự báo về giá nhà tại Mỹ, Anh, Canada, Australia và Dubai đều tăng so với 3 tháng trước đó. Thậm chí, giá nhà tại các nước này vượt xa so với mức tăng trưởng GDP dự kiến và lạm phát giá tiêu dùng.
Theo đó, gần 60% các nhà phân tích cho biết, thị trường bất động sản sẽ tăng trong năm tới. Trong khi đó 37% người được hỏi lại dự đoán xu hướng ngược lại.
Như vậy, xu hướng chính trong cuộc thăm dò của Reuters là thị trường bất động sản toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay, sau đó tăng chậm dần trong vài năm tiếp theo do nguồn cung tăng, dân nhập cư ít hơn và khả năng chi trả hạn chế.
Theo cuộc thăm dò, giá nhà ở Australia và Canada được dự báo sẽ tăng ở mức hai con số trong năm nay, trong khi Dubai được dự báo tăng lần đầu tiên trong 6 năm.
Theo Văn phòng thống kê quốc gia, giá nhà ở Anh đã tăng 8,5% trong năm 2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất tại nước này kể từ năm 2014. Giá nhà ở Anh cũng được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ cùng với nhu cầu tăng thêm không gian sống.
Không chỉ Anh, Mỹ cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Giá nhà tại Mỹ được cho là sẽ dẫn đầu cuộc đua này, tăng gấp đôi so với mức dự đoán hồi tháng 2. Thị trường bất động sản Mỹ tiếp tục được thúc đẩy nhờ nguồn cung thấp và các gói kích thích kinh tế khổng lồ từ Nhà Trắng cũng như mức lãi suất gần bằng 0%.
Tương tự, kênh CNN (Mỹ) cho biết, các nước này ghi nhận hiện tượng giá bất động sản tăng vọt. Trong 37 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá nhà thực tế đã đi lên 7% trong giai đoạn quý 4 năm 2019 đến quý 4 năm 2020.
Hiệp hội Chuyên gia bất động sản Mỹ cũng cho biết, số nhà bán được trong năm 2020 tại thị trường này tăng 9%, ở mức cao nhất kể từ 2006.
Công ty bất động sản Bồ Đào Nha Fine & Country Portugal cho biết trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại Brazil, Anh, Pháp và Bỉ đều đã lập kỷ lục.
Ông Gregory Daco - Chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, cho biết: "Nhu cầu cao bất ngờ trong thời kỳ đại dịch cùng với hàng tồn kho khan hiếm đã đẩy giá nhà tăng cao trên cả các yếu tố cơ bản như việc làm và thu nhập".
Năm 2020, FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam với con số gần 29 tỷ USD; riêng ngành bất động sản chiếm khoảng 3,8 tỷ USD tương đương 14,8%. |
Chính phủ một số quốc gia đang tìm biện pháp để ngăn chặn giá bất động sản quá nóng. Vừa qua, chính phủ New Zealand đã công bố hàng loạt biện pháp để “hạ nhiệt nhu cầu từ các nhà đầu tư” khi giá nhà ở tại nước này tăng 24% trong năm, tính đến tháng 3/2021.
Việt Nam không ngoại lệ
Tương tự các thị trường trên toàn cầu, thị trường chứng khoán cũng như bất động sản tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng nóng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Nguyên nhân tăng giá bất động sản được nhìn nhận là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì nền kinh tế ổn định với mức tăng trưởng dương và xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các nước lân cận đổ vào Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, sự tăng trưởng này ngoài được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn đầu tư công và hoạt động xuất nhập khẩu được duy trì, còn được góp phần quan trọng từ nguồn vốn FDI. Năm 2020, FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam với con số gần 29 tỷ USD; riêng ngành bất động sản chiếm khoảng 3,8 tỷ USD tương đương 14,8%.
Trong những tháng đầu năm 2021, bất động sản Việt Nam ghi nhận sự tăng nóng ở nhiều địa phương. Đây là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, do đó việc phê duyệt hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy vô cùng lớn đối với bất động sản.
Với hàng loạt thông tin tích cực về quy hoạch hạ tầng vào đầu năm 2021 như thành lập thành phố Thủ Đức, sân bay quốc tế Long Thành chính thức khởi công; sân bay Phan Thiết khởi công đầu tháng 4… đẩy nhà đất các khu vực này lên mặt bằng giá kỷ lục.
"Cò đất" theo đó cũng tung hoành, thổi giá, góp phần đẩy giá đất tại nhiều địa phương tăng nóng.
Sự tăng nóng của giá bất động sản khiến chính quyền nhiều địa phương đã phải vào cuộc “hạ sốt” giá. Đơn cử là kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp đặc trị "sốt" đất, "sốt" giá nhà.
Tương tự, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng nóng trong những tháng đầu năm 2021, bất chấp làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong tháng 5 này. Đây cũng là tháng thị trường có sự tăng trưởng nóng mà giới phân tích không lý giải nổi.
Mặc dù mới đang ở thời điểm nửa đầu năm 2021, nhưng nhiều dự báo thị trường bất động sản toàn cần nói chung và Việt Nam nói riêng trong nửa cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Đức Minh
(VnEconomy)
- Nguồn thu từ đất của TPHCM giảm mạnh
- Định hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất
- "Sóng ngầm" đầu tư hạ tầng logistics
- Khắc phục tình trạng địa phương tự ý điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở
- Người nghèo thì cần nhà, nhà tái định cư lại bỏ hoang lãng phí
- Ba xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp 2021
- Cơ hội cho nhà ở xã hội được "nhen nhóm" trở lại
- TPHCM: Cuộc đua săn quỹ đất vùng ven lộ các “tay chơi” lớn
- Bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
- Thuế bất động sản - cần đổi mới để hiệu quả và công bằng hơn