Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Phản biện Đô thị đại học ở Việt Nam - chậm còn hơn không!

Đô thị đại học ở Việt Nam - chậm còn hơn không!

Viết email In

Lần đầu tiên, một hội thảo quốc gia đã được tổ chức tại TPHCM vào ngày 20.2 vừa qua, để bàn về vấn đề hình thành - phát triển đô thị đại học ở VN, với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục và kiến trúc hàng đầu trong nước.

Chậm còn hơn không, để đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, đã tới lúc VN cần phải có những đô thị đại học (ĐTĐH), thành phố đại học (ĐH) hay đô thị trí thức...

Những trường Đại học khép kín manh mún!

Ở VN, đến thời điểm hiện nay chưa có ĐTĐH mà chỉ có những trường ĐH đơn lập truyền thống. Các trường ĐH này, y khuôn mẫu gồm: khu hiệu bộ, một vài giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng làm việc chức năng và... một sân trường.

Mô hình truyền thống này chủ yếu phục vụ cho việc giáo dục, đào tạo theo kiểu cổ điển, hàn lâm và dạy kiến thức. Nó là sản phẩm của một xã hội nông nghiệp truyền thống và tiền công nghiệp.

  • Ảnh bên : Đại học Xây dựng Hà Nội (ảnh : Kiến Lâm / Ashui.com)

Hiện nay, có một số trường ĐH có khuôn viên lớn như: ĐH Đà Lạt, ĐH Ban Mê Thuột, ĐH Bách Khoa Hà Nội...; song, cũng chỉ là những sân trường rộng chứ chưa có cấu trúc và đảm nhiệm được các chức năng của một khuôn viên ĐH hiện đại đúng nghĩa.

Hầu như tất cả các trường ĐH ở VN hiện nay, mỗi trường đều khép kín trong mỗi không gian chật hẹp riêng biệt, ngăn cách nhau bởi những hàng rào, mà không hề có sự giao hoà lẫn nhau. Chưa kể, môi trường xung quanh lại là một không gian hết sức hỗn tạp, bát nháo và thậm chí không có lợi cho công tác giáo dục đào tạo.

Chẳng hạn như ĐH Quốc gia TPHCM ở quận Thủ Đức, môi trường bao quanh là vô số dịch vụ tư nhân nhỏ lẻ tạo nên khung cảnh rất kém mỹ quan, các đoạn đường phía trước ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (KHXHNV), ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Thể dục-Thể thao..., cũng rất nhếch nhác, với hàng chục quán cơm, quán nhậu, quán thịt dê, bán tạp hoá v.v... SV bước ra khỏi giảng đường là... "đụng" ngay cảnh nhậu nhẹt, chè chén, bán mua lộn xộn v.v...

  • Ảnh bên : Sinh viên ĐH KHXHNV TPHCM ra khỏi giảng đường là gặp... quán lẩu! 

PGS - TS Nguyễn Minh Hoà - Trưởng Bộ môn Đô thị học ĐH KHXHNV TPHCM, một người rất tâm huyết với dự án ĐTĐH ở VN - nói: "Mô hình trường ĐH đơn lập tại VN thực sự lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu của một xã hội phát triển cao. Đặc biệt, khi mà thị trường lao động quốc tế hoá đòi hỏi SV phải hình thành nhiều kỹ năng sống và năng động ngay khi còn đi học...".

Ông Hoà cũng cho biết, mô hình ĐH truyền thống ở VN hiện nay còn thể hiện một lãng phí không đáng có. Thay vì ở mô hình ĐTĐH, SV nhiều trường ĐH có thể sử dụng chung giảng đường, phòng thí nghiệm, hay thư viện, cùng những tiện ích của nhau; thì hiện nay ở VN, mỗi trường ĐH, với hàng rào ngăn cách, có phòng thí nghiệm, có giảng đường, có thư viện riêng... na ná như nhau. Tuy nhiên, các cơ sở vật chất trên chỉ dành cho SV mỗi trường, không khai thác hết hiệu quả, công suất; thời gian bỏ trống nhiều...

Phải xây dựng thành phố Đại học

Một số dự án phát triển ĐTĐH chuẩn bị triển khai

* TP khoa học và công nghệ Hoà Lạc (Hà Nội): Diện tích 1.000ha, nay là khu công nghệ cao. Dự kiến sẽ trở thành đô thị khoa học vào năm 2012.

* Dự án ĐTĐH Quốc tế (VIUT) của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) được cấp phép ngày 1.7.2007. Tổng vốn đầu tư 3,5 tỉ USD, diện tích 925ha, thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM.

* Đề án khu ĐTĐH Quốc tế tại xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích 676ha, quy mô 50.000SV, xây dựng theo mô hình sinh thái. Có bệnh viện 500 giường, khu nghỉ dưỡng, công viên tổ hợp thể thao, trung tâm văn hoá...

* Thành phố ĐH của trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM ở Nam Sài Gòn, diện tích 55ha.

* ĐTĐH ở tỉnh Long An, có diện tích 180ha.

* ĐH Tân Tạo, có diện tích 40ha, thiết kế cho 20.000-25.000SV, thuộc huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư, với tổng kinh phí 468 tỉ đồng. 

Hầu hết các nhà giáo dục tham gia Hội thảo đều tâm đắc với các khái niệm "ĐTĐH", "thành phố ĐH", "đô thị trí thức" hay "đô thị thông minh" v.v... Song, dù là ĐTĐH hay "thành phố ĐH"... thì với VN hiện nay, vẫn là cái gì đó lạ lẫm.

PGS-TS Nguyễn Minh Hoà cho rằng: Trong thế kỷ 21, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ bó hẹp trong lớp học, giảng đường. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, VN phải tiến hành xây dựng ĐTĐH, cho dù sẽ có nhiều khó khăn.

Ông Hoà quan niệm, việc tạo ra không gian khoa học, với những tổ hợp sống hoàn thiện và một môi trường làm việc văn minh sẽ hỗ trợ đắc lực cho SV và giáo viên trong học tập và làm việc. Đó là một không gian "mở" hoàn toàn, không có tường rào, không có dân cư sống xen lẫn, các dịch vụ sinh hoạt đời sống vận hành một cách khoa học, văn minh 24/24 giờ như các thành phố bình thường khác. Đồng thời, nó là một thành phố bán đóng, bán mở; người dân bình thường từ các nơi có thể đến thụ hưởng các tiện ích trong ĐTĐH.

Bên cạnh đó, ĐTĐH còn có không gian xanh, sạch, đẹp; môi trường an toàn, thân thiện với con người; là thành phố điện tử thông minh; hài hoà giữa hiện đại và truyền thống; là nơi tràn đầy không khí học tập, nghiên cứu và các giá trị văn hoá nhân văn v.v...

Tại 2 trung tâm kinh tế-văn hoá lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội, bước đầu đã có những cơ sở thuận lợi cho việc hình thành và phát triển ĐTĐH. Nếu đầu tư phát triển ĐTĐH trên cơ sở sẵn có này, trong tương lai, TPHCM chắc chắn sẽ có một ĐTĐH tầm cỡ. Ước mơ đó, hoàn toàn có cơ sở bởi số lượng SV ĐH Quốc gia TPHCM dự tính sẽ đạt 70.000 sinh viên vào năm 2015. Và đến năm 2025, sẽ là 105.500 sinh viên - tương đương dân số của một quận thuộc TPHCM.

Tương tự ở Hà Nội, theo PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (ĐH Xây dựng): "Khu vực phía Tây Nam TP Hà Nội đã được lựa chọn như là một ĐTĐH trong tương lai của Hà Nội".

Có thể nói, mô hình ĐTĐH là một xu thế tất yếu của xã hội phát triển. Với những ưu thế nổi trội của nó so với trường ĐH đơn lập truyền thống, VN cần sớm nghiên cứu mô hình này để áp dụng vào bối cảnh cụ thể của đất nước.

Ý kiến các chuyên  gia về ĐTĐH:

* TS.KTS Nguyễn Đình Toàn (Viện Quy hoạch - Kiến trúc - Bộ Xây dựng)

Cần chú trọng thể hiện bản sắc văn hoá, tính thương hiệu của mỗi ĐTĐH. Những nơi này không chỉ là nơi đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn cho SV, mà còn là môi trường giao lưu học hỏi về văn hoá, tập quán giữa những người khác nhau về ngôn ngữ, trình độ, giới tính, thế hệ... ĐTĐH không phải là thành phố vui chơi, giải trí, không phải là khu thương mại tổng hợp, càng không phải là một thành phố chỉ có trên danh nghĩa. ĐTĐH phải vừa phục vụ xã hội, vừa dẫn dắt sự phát triển xã hội; khai thác tốt hơn chức năng truyền thống của mình là giáo dục và đào tạo nguồn lực cho xã hội.

* TS.KTS Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Thiết kế trường học.

Đây là một mô hình liên kết sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho các mô hình liên thông trong đào tạo và sử dụng chuyên gia. Xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ. Khai thác hiệu qủa các tài nguyên đất đai và công trình, nhằm phát huy hiệu qủa cơ sở đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực khu vực. Đặc biệt, việc sử dụng liên thông giữa các trường trong ĐTĐH cho phép tiết kiệm đáng kể diện tích đất.

* PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi (Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Bộ Xây dựng).

ĐTĐH không đơn giản là không gian vật lý duy trì sự tiện ích cho đời sống SV và giáo sư. Nó còn là không gian mang lại cho lớp trẻ đời sống văn hoá mới, dựa trên nền văn hoá truyền thống.

* KTS Lưu Trọng Hải (TP Hồ Chí Minh).

Một ĐTĐH mở, chính là sự hoà nhập giữa cái không gian, cái cộng đồng bên ngoài với cái nội tại bên trong của ĐTĐH... Đã là đô thị phải có rất nhiều công trình dịch vụ, nguồn đầu tư sẽ đến từ những người muốn kinh doanh các mảng dịch vụ đó. Ký túc xá, sao không có thể kêu gọi những nhà đầu tư xây dựng để SV thuê, với những ưu đãi cần thiết cho nhà đầu tư và cả SV? Rất nhiều hạng mục khác trong ĐTĐH có thể làm như thế.

* KTS Nguyễn Hữu Thái (TP Hồ Chí Minh).

Cho đến nay, ở nước ta, các trường ĐH vẫn phân tán. Phần lớn do chắp vá từ cơ sở cũ thời Pháp, cùng thói quen xây dựng ĐH kiểu kinh viện, theo lối mòn cũ, còn phân tán kiểu "sứ quân", mạnh ai nấy khép kín khoa, khép kín  trường mình với nào tường rào, cổng vào bề thế... Về mô hình ĐH kiểu mới, có lẽ TPHCM là nơi đang có đủ điều kiện hình thành một Campus (khuôn viên ĐH) hoặc "thành phố ĐH" kiểu mới.

C.H ghi

>> Đô thị đại học: Thế giới đã có từ lâu


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo