Liên quan các ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Bộ Xây dựng cho phép làm căn hộ 25m2 trong các dự án thương mại chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề bức xúc về nhà ở của thị trường, nhưng về lâu dài lại không phù hợp, nguy cơ hình thành "khu nhà ổ chuột” trên cao, quá tải hạ tầng, Bộ Xây dựng chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Bộ Xây dựng khẳng định, lý do để ban hành quy định nêu trên bao gồm cả cơ sở pháp luật và thực tiễn.
Cho phép xây dựng căn hộ dưới 25m2 sẽ là giải pháp có chốn an cư cho người thu nhập thấp trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: Lao Động)
Theo Bộ Xây dựng - chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 ban hành theo Quyết định 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2015 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người; đến năm 2020 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người.
"Như vậy, quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư thương mại là 25m2 là phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở", công văn của Bộ Xây dựng nêu.
Ngoài ra Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 26,87 triệu hộ gia đình, trong đó số lượng hộ có 1 người là 2,93 triệu hộ (chiếm tỷ lệ 10,91%); số hộ có 2 người là 5 triệu hộ (tỉ lệ 18,6%).
“Việc cho phép xây dựng căn hộ tối thiểu 25m2 để đáp ứng nhu cầu có nhóm hộ gia đình có từ 1-2 người là phù hợp với thực tiễn hiện nay và giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, khi ban hành quy định này cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó thấy nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích nhỏ như Hàn Quốc: 14m2; Pháp: 15m2; Thái Lan: 15-20m2.
Từ những cơ sở nêu trên, tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 25m2 đối với căn hộ chung cư được đưa ra nhằm đảm bảo không gian sinh hoạt, tiện nghi tối thiểu cho người sử dụng, vừa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, đặc biệt là các đối tượng có nhu cầu mua căn hộ để sử dụng cho hộ độc thân hoặc các gia đình trẻ, mới lập nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, khi xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chính quyền địa phương cần bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, được cấp có thẩm quyền phê duyệt về dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, cơ sở hạ tầng để bảo đảm không làm quá tải dân số, bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực dự án và kết nối với các khu vực khác.
Mặt khác, để tránh tình trạng chủ đầu tư tập trung xây dựng quá nhiều căn hộ nhỏ trong một dự án, Thông tư 21/2019/TT-BXD đã có quy định tổng số căn hộ dưới 45m2 không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.
“Việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 theo Thông tư số 21/2019/TT-BXD là có cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh thì Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ Xây dựng cho biết.
Cường Ngô
(Lao Động)
- Giải quyết bài toán kẹt xe sau Covid-19: Khuyến khích làm việc tại nhà, tăng phương tiện công cộng
- Khi phố nóng, nhà nóng
- Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: cầu ngói chợ Thượng
- Giải bài toán nước ngọt trong mùa hạn mặn: Ít hồ lớn hay nhiều hồ nhỏ?
- Có tạo sân chơi bình đẳng trong đầu tư PPP?
- Nhà thờ Bùi Chu: Tháo dỡ để xây mới giống cũ, liệu có đúng nguyên tắc trùng tu di tích?
- Bảo tồn không gian văn hóa làng biển Quảng Nam trước sức ép đô thị hóa
- Condotel chưa thể "khai sinh"
- HoREA chỉ ra lỗ hổng trong hướng dẫn cấp "sổ đỏ" cho condotel
- Nghịch lý di sản kiến trúc đô thị