Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Giải quyết bài toán kẹt xe sau Covid-19: Khuyến khích làm việc tại nhà, tăng phương tiện công cộng

Giải quyết bài toán kẹt xe sau Covid-19: Khuyến khích làm việc tại nhà, tăng phương tiện công cộng

Viết email In

Những ngày qua khi thực hiện cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch COVID-19, người dân hạn chế ra đường giúp cho giao thông tại TPHCM trở nên thông thoáng, không còn cảnh kẹt xe. Và qua đây cũng gợi mở cho các cơ quan quản lý  trong việc thay đổi tư duy để giải quyết bài toán giao thông  lâu nay.

Nội thành, cửa ngõ đều thông thoáng


Đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong những ngày chống dịch COVID-19.
(Ảnh: Minh Quân)

Mặc dù ngành GTVT TPHCM đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm làm giảm ùn tắc, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn, thậm chí tình hình có chiều hướng ngày càng phức tạp, tồi tệ hơn. Nguyên nhân là do lượng người đổ ra đường trong cùng một thời điểm quá lớn, trong khi hạ tầng về giao thông thành phố còn yếu kém, đường sá chật chội, phương tiện giao thông công cộng còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, đường sá TPHCM vẫn chưa trở lại hình ảnh đông đúc, nhộn nhịp thường khi. Đặc biệt, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, người dân hạn chế tối đa ra đường nên đường phố TPHCM càng trở nên vắng vẻ, thông thoáng. Nội thành thông thoáng, các cửa ngõ của TPHCM trong suốt nhiều năm qua cũng thoát khỏi cảnh xe nối đuôi nhau chen chúc.

Thay đổi tư duy để giải bài toán giao thông

Từ thực tế đó, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, hiện nay có khoảng 2/3 số lượng cán bộ, công chức đang làm việc tại nhà trong thời gian cách ly xã hội. Nhân cơ hội này, ông Cương cho rằng, sau khi hết thời gian cách ly xã hội, TPHCM nên cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước được làm việc tại nhà một số ngày trong tuần, có thể 1 đến 2 ngày/tuần, nhất là những vị trí, công việc không liên quan đến tiếp công dân, giải quyết công việc trực tiếp với công dân, tổ chức. Theo TS Võ Kim Cương, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, làm việc tại nhà hoặc ngoài trụ sở cơ quan là rất dễ dàng, thuận tiện, không có vấn đề gì. Thực tế trên thế giới, nhiều nước đã cho phép nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước có thể làm việc ở nhà và chỉ quản lý, kiểm tra dựa vào kết quả công việc. “Điều này sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm khí thải, áp lực hạ tầng giao thông cho thành phố” - ông Cương đề xuất.

Bên cạnh đó, hiện nay số lượng thủ tục hành chính tại TPHCM được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng được mở rộng và được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Hiện nay, đối với nhiều thủ tục hành chính, người dân chỉ cần ngồi nhà thao tác, giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện.

Trong năm 2019, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở TPHCM là hơn 6 triệu hồ sơ (tăng 76% so với năm 2018). TPHCM có 3,8 triệu hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Như vậy, dịch vụ công trực tuyến ngày càng được mở rộng tại TPHCM cũng góp phần giảm lượng lớn người dân ra đường đến các cơ quan hành chính nhà nước.

Trong khi đó, thời gian qua khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm ở TPHCM đã triển khai các chương trình bán hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà. Nhiều siêu thị có số lượng đơn hàng qua điện thoại tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Như vậy, dịch COVID-19 đang làm nhiều người thay đổi thói quen mua sắm, nhiều người chuyển sang mua hàng online và hạn chế ra đường, góp phần giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.

Kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân

- Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, về lâu dài, giải pháp bao quát và căn cơ giải quyết ùn tắc giao thông ở TPHCM là phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời hạn chế xe cá nhân. Năm 2019, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng tại TPHCM tăng, nhưng với riêng hệ thống xe buýt - loại hình chủ lực - lại tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Ông Trần Quang Lâm cho biết, Sở GTVT đã xây dựng Đề  án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM. UBND TPHCM cũng đã cơ bản thống nhất dự thảo của đề án này và Sở GTVT đang phối hợp nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh trước khi trình HĐND TPHCM tại kỳ họp thường niên giữa năm 2020.

- Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó ôtô chỉ chiếm hơn 755.000 xe, còn lại xe máy lên tới gần 7,3 triệu chiếc. Hiện nay, tổng chiều dài cầu đường thành phố là 4.391km và diện tích đất dành cho giao thông là 91,52 triệu m2, mật độ đường giao thông đạt 2,1 km/km2 và tỉ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 9,23% (theo Quy hoạch là 22,3%).

Minh Quân

(Lao Động)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo