Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Văn hóa bảo tồn của Malaysia

Văn hóa bảo tồn của Malaysia

Viết email In

Di sản từ những kiến trúc cổ không chỉ là những không gian kiến trúc với những vật liệu, hình khối... Đi kèm theo chúng là cả một hệ thống những lĩnh vực liên quan từ lịch sử, con người, văn hoá, tôn giáo... Do vậy, việc bảo tồn di sản kiến trúc không đơn giản là gìn giữ hay tôn tạo một công trình cụ thể mà đòi hỏi nhiều hơn thế. Hay nói đúng hơn là phải xây dựng cả một văn hoá bảo tồn.  

Phố cổ George Town 


Một góc phố cổ George Town. Phòng tranh Cheng Hoe Seah với không gian là một ngôi nhà cổ tuyệt đẹp. 


Phần hồn của những thành phố bao giờ cũng là các toà kiến trúc cổ mà nơi đó phản ánh đầy đủ sự phát triển của lịch sử, văn hoá, và con người sở tại. Câu chuyện bảo tồn, gìn giữ những giá trị kiến trúc của nhà cổ, phố cổ ở các nước Đông Nam Á không gì lạ, tiếp theo chuyên đề bảo tồn ở các số báo trước, câu chuyện bảo tồn lần này xin giới thiệu về phố cổ George Town trên đảo Penang của Malaysia, nơi vẻ đẹp của các kiến trúc nhà ở và công trình công cộng đã giúp George Town có tên trong danh sách di sản thế giới từ tháng 7/2008. 

George Town được nhà hàng hải người Anh Francis Light của công ty Đông – Ấn phát hiện vào ngày 11/8/1786, với sự phát triển muộn màng hơn so với những phố cổ khác trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, nhờ nằm trên con đường giao thông thuận tiện, được xem là khởi đầu của “con đường gia vị” nối châu Á với thế giới, cùng với sự đặt nền tảng kinh doanh của công ty Đông – Ấn đã thu hút một lượng lao động và thương buôn đáng kể, biến George Town trở thành một vùng thương cảng sầm uất. 


Ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn của Chung Keng Kwee, còn được gọi là Pinang Peranakan Mansion. 

Di sản kiến trúc 

Từ khi Penang được đề cử vào danh sách Di sản thế giới, các công ty du lịch có tiếng và thâm niên trong nghề của Malaysia có trụ sở tận Kuala Lumpur như Holiday Tour đã bắt tay vào khai thác các dịch vụ tour tuyến về kiến trúc cổ ở George Town. Với nền tảng là kiến trúc nhà ở mang đậm ảnh hưởng của người Hoa di dân đến vùng đất này, kết hợp với những mảng kiến trúc thuộc địa xây dựng từ thế kỷ 18, 19, bao gồm phần lớn ở các công trình công cộng, đã hình thành nên một vùng di sản kiến trúc độc đáo, là mỏ vàng để các hãng lữ hành khai thác.

Việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm cũng là một công sức không nhỏ góp phần cho di sản kiến trúc George Town được nổi tiếng và biết đến nhiều hơn với cộng đồng thế giới khi đến tham quan. Joann Khaw – hướng dẫn viên phố cổ George Town có thể đứng hàng giờ trước một ngôi nhà, một gallery tư nhân, để giới thiệu với du khách từng chi tiết, từ ô cửa, màu sơn, các nét chạm trổ, các chất liệu xây nhà, lối kiến trúc đặc trưng theo thuộc địa hoặc phong thuỷ… “Tôi may mắn được sống và lớn lên ở phố cổ này, nhờ vậy tôi học từ di sản để giới thiệu về di sản nơi tôi sống với bạn bè quốc tế”, Khaw chia sẻ. Đi trong phố cổ George Town, không ít lần tần ngần trước những chi tiết lạ mắt của mặt tiền một ngôi nhà, tôi được ngay chính chủ nhân đầy thân thiện, đến giải thích, giới thiệu về ngôi nhà của mình bằng cả sự đam mê, và lòng tự hào.

Chính phủ sở tại cũng thật khéo khi tận dụng những kiến trúc cổ từng phục vụ cho bộ máy chính quyền ngày xưa, biến chúng thành khách sạn để phục vụ những người hoài cổ. Một trong những khách sạn kiểu ấy là Heritage, xây dựng từ năm 1926, với công năng ban đầu là ngôi nhà cho các viên chức thuộc địa Anh cư ngụ, có phong cách kiến trúc là sự hoà trộn của Anh – Mã – Ấn nằm trên trục đường Jalan Burma gần với khu phố cổ George Town. Từ 24 ngôi nhà biệt lập ban đầu, nay chính phủ đã nối thành một khách sạn mang phong cách cổ điển độc đáo. 


Các chi tiết kiến trúc ở phố cổ George Town hầu hết bị ảnh hưởng bởi lối xây dựng theo thuật phong thuỷ của người Hoa. 

Ý thức bảo tồn 

Tham quan khách sạn Heritage để nhìn lại một không gian sống cổ xưa thời thuộc địa, cảm nhận phòng khách sạn cũng vừa phải, không thể so với khu thiên đường resort Batu Ferringhi, khách sạn hiện do nhà nước quản lý chứ không phải tư nhân làm chủ, vậy mà người trực ca hôm ấy dẫn tôi đi xem các phòng, chỉ từng cái bancông có góc nhìn đẹp, chỉ từng mối nối của các ngôi nhà biệt lập trước kia nay đã thông thành một khối nhà duy nhất. Tôi nhìn thấy ở họ sự đam mê với công việc, và hẳn đó là một kiểu bảo tồn, một ý thức bắt nguồn từ chính những người dân, họ hiểu được giá trị nơi mà họ đang sống, để tôn tạo, gìn giữ và giới thiệu nó ra với những người chưa biết đến. Thực sự, giá trị của bảo tồn có bền bỉ, có dài lâu, có được tôn trọng hẳn phải bắt nguồn từ chính ý thức của cộng đồng cư dân sống trong nó. 

Evelyn Toh – giám đốc cục Du lịch Penang, chia sẻ đầy tự hào: “Chỉ tiêu lượng khách du lịch đến Penang năm nay với chúng tôi là 10 triệu, khách đến thông thường sẽ chọn nghỉ ở khu resort Batu Ferringhi, nhưng điểm tham quan của họ nhất định sẽ là George Town, nơi duy nhất trên thế giới có một phố cổ là sự hoà hợp của các nét văn hoá và tôn giáo của người Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Chúng tôi gọi con phố ấy là con đường hoà hợp, cộng với 5.000 ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn, đây là một giá trị lớn và quý giá nhất của dân đảo Penang”. 

  • Ảnh bên: Bức tượng chiến binh La Mã bằng đồng nhập từ Âu châu. 

Chuyện bảo tồn nhà cổ, phố cổ ở các vùng đô thị Việt Nam đang phải loay hoay để tìm hướng giải quyết, tìm lối đi chung cho những biện pháp cơ bản nhất là tôn tạo, phục chế. Có vẻ như giá trị thực của việc tôn tạo phục chế nhìn chưa sáng tỏ cho bằng xây mới, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ vướng thủ tục rườm rà khi động chạm vào da thịt của di sản. Bởi thế, những viễn cảnh tươi sáng về bảo tồn nhà cổ, đô thị cổ, mới chỉ hấp dẫn (những cư dân sống trong khu đề án được bảo tồn) trên mặt báo, trên giấy tờ, còn việc thực thi thì vẫn ở đâu đó xa lơ xa lắc. 

Nhìn từ phố cổ George Town, các công trình công cộng dành phục vụ cộng đồng như nhà thờ, chùa, đền, và những ngôi nhà cổ thuộc sở hữu riêng đều có điểm chung là được bảo tồn giá trị cổ để tất cả kết hợp lại, tôn nhau lên tạo thành một quần thể kiến trúc đồng bộ, thống nhất, tạo thành một điểm đến tham quan cho du khách. Một khi đã hình thành nên giá trị của kiến trúc cổ, những câu chuyện xoay quanh các giá trị ấy sẽ thu hút khách du lịch. Thực tế là tour hành trình quanh phố cổ George Town ngày nào cũng nườm nượp các đoàn khách. Người Penang thật khéo làm du lịch, hay do người Penang biết giá trị của từng ngôi nhà, từng viên gạch, từng ô cửa sổ, từng chiếc bàn thờ thiên mà họ sở hữu, để khách đi qua, có mỗi viên ngói lưu ly cũng đủ diễn giải về lịch sử, lai lịch, nguồn gốc xuất xứ, công đoạn chế tác, niên đại, phạm vi sử dụng, mức độ quý hiếm. Trong khi ở xứ mình, những giá trị xưa cũ ấy không thiếu, chỉ thiếu sự quan tâm tìm hiểu của cộng đồng, của ngay chính những người đang sống bên cạnh miền di sản cổ. 

Lam Phong 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo