Ashui.com

Tuesday
Oct 08th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Chuyển đổi công trình công nghiệp thành địa chỉ văn hoá

Chuyển đổi công trình công nghiệp thành địa chỉ văn hoá

Viết email In

Việc di dời các nhà máy, công trình xây dựng công nghiệp ra khỏi nội đô một mặt giúp tái cấu trúc đô thị, giảm mật độ giao thông nội đô, mặt khác bỏ lại những khoảng rỗng không gian và luôn là những bài toán khó cho bộ mặt đô thị. 

Tại Việt Nam, những công trình dạng này thường bị xoá bỏ tuyệt đối và "được" thay thế bởi những trung tâm thương mại và chung cư, điều này khiến nội đô thêm phần ngột ngạt, góp phần dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng. Nhìn ra thế giới, những công trình công nghiệp trong nội đô đều mang những ý nghĩa nhất định với lịch sử phát triển của thành phố. Chúng được bảo tồn, chuyển đổi công năng giúp công trình luôn "sống" và đáp ứng yêu cầu mới của không gian đô thị, cùng với đó giữ vững và phát huy giá trị kiến trúc của mình.  

Ruhrgebiet là tập hợp một chuỗi các thành phố lớn san sát nhau như Dortmund, Essen, Duisburg…, cùng nhau tạo ra một khu vực dân cư đông đúc và vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất CHLB Đức. Ruhrgebiet được biết đến là trung tâm của công nghiệp khai khoáng và công nghiệp nặng với những cái tên như Thyssenkrupp, RWE… Việc ngừng các hoạt động khai thác khoáng sản và quá trình chuyển đổi cơ cấu công nghiệp – dịch vụ đã có tác động rất lớn lên bộ mặt đô thị của vùng. Những nhà máy ngừng hoạt động và bị di dời khiến nhiều công trình xây dựng công nghiệp bị bỏ hoang tạo ra những vết loang trong bộ mặt đô thị. Bảo tàng Reddot Design tại Essentoà nhà tổ hợp văn hoá – giải trí Dortmunder U là hai ví dụ điển hình của những công trình công nghiệp cải tạo tại Ruhrgebiet. Không chỉ nhằm mục đích bảo tồn kiến trúc, những công trình như vậy còn tạo ra sức hút mới cho những thành phố này. 

  • Ảnh bên: Hình thức kiến trúc Bauhaus của toà nhà bảo tàng Reddot Design. 
     

Bảo tàng Reddot design

Toà nhà bảo tàng Reddot Design trước kia là nhà chứa lò hơi cung cấp năng lượng cho khu công nghiệp khai khoáng cũ Zoll Verein – một di sản văn hoá thế giới và nay chuyển đổi sang công năng bảo tàng. Cũng như những công trình khác thuộc Zoll Verein, toà nhà bảo tàng Reddot Design có hình thức kiến trúc Bauhaus. Năm 1996, toà nhà được cải tạo theo thiết kế của Norman Foster (Anh) và Böll (Essen – Đức). Hệ mái và mặt đứng với gạch trần cùng hệ kết cấu thép được giữ nguyên, sự thay đổi chủ yếu diễn ra ở lõi trong của công trình. 

Như vậy một mặt hình thức kiến trức tổng thể toàn khu được giữ nguyên, mặt khác lõi bảo tàng phía trong sẽ được bao bọc và bảo vệ bởi một lớp vỏ ngoài vững chắc. Phía trong toà nhà, một trong số năm lò hơi được giữ lại như một dấu ấn của lịch sử kỹ thuật. Số còn lại mở một mặt và rút bỏ phần lớn lõi tạo thành không gian trưng bày. Các không gian trưng bày phía trong lõi này được tiếp cận thông qua hệ hành lang bao quanh. Để phát triển không gian theo chiều thẳng đứng, những bức tường bêtông trần được dựng lên, tạo ra nhiều tầng trưng bày. Kết hợp với vật liệu kính, bêtông trần và vách thạch cao sơn trắng, tổng thể nội thất bảo tàng cho thấy sự tương phản rõ nét giữa cũ và mới, nơi người ta có thể đọc rõ những dấu vết thay đổi, phát triển của công trình. Cũng theo hướng tương phản, nội thất sảnh đón của bảo tàng cùng phòng trưng bày nơi lối vào được hoàn thiện bởi thạch cao trắng tạo ấn tượng đối lập với ngoại thất gạch trần nâu tối. 


Nội thất sảnh đón của bảo tàng và phòng trưng bày nơi lối vào hình thức hiện đại trắng sáng, tạo ấn tượng đối lập với ngoại thất gạch trần 

 
Nhà máy công nghiệp trở thành không gian trưng bày đặc biệt bất ngờ của bảo tàng Reddot Design. 

"Reddot Design award" là giải thưởng có ý nghĩa nhất dành cho những sản phẩm thiết kế công nghịêp xuất sắc trên thế giới. Vì thế tại bảo tàng Reddot Design, chúng ta không thấy concept trưng bày theo khuôn mẫu hay bị gò bó nhiều như ở các bảo tàng nghệ thuật. Trên nền trắng sáng của thạch cao hay bề mặt thô ráp của gạch nung sắt thép công nghiệp, mỗi tác phẩm ở đây đều có thể tìm thấy cho mình không gian trình diễn thích hợp. Không chỉ là đơn thuần là không gian trưng bày, bản thân kiến trúc công nghiệp đồ sộ của toà nhà bảo tàng Reddot Design cũng là một tác phẩm lớn phản ánh lịch sử kỹ thuật và công nghệ.  

 

 


Mỗi tác phẩm ở đây đều có thể tìm thấy cho mình không gian trình diễn thích hợp.


Nội thất phòng trưng bày tầng 1 dành cho những sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao.


Tổng thể nội thất bảo tàng cho thấy sự tương phản rõ nét giữa cũ và mới. 

 

Toà nhà tổ hợp văn hoá – giải trí Dortmunder U

Thông tin công trình: 
- Thiết kế nguyên bản: kỹ sư Emil Moog 
- Thiết kế cải tạo: VPKT Gerber, Dortmund 
- Thời gian hoàn thành (cải tạo): 2010
- Chi phí cải tạo: 46 triệu euro 

Trong khi thành phố Essen giờ đây được coi là trung tâm văn hoá của Ruhrgebiet, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ ở thành phố Dortmund diễn ra muộn hơn. Chính vì vậy giữa lòng thành phố vẫn tồn tại một số công trình công nghiệp đã ngừng hoạt động bị bỏ hoang. Một trong những dự án quan trọng nhất của Dortmund là công trình cải tạo Dortmunder U (hay còn gọi là tháp U) – vốn là nhà máy lên men và kho của hãng đồ uống Dortmunder Union-Brauerei AG. Với vị trí ngay giữa trung tâm Dormund, cạnh nhà ga chính và khu phố mua sắm đi bộ, công trình này có giá trị rất lớn trong quy hoạch kiến trúc và ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hoá xã hội của thành phố. 


Dortmunder U trước khi được cải tạo (ảnh: –ani- Wikipedia). 

Dortmunder U bản thân là một công trình công nghiệp rất đồ sộ, kết cấu chính từ bêtông cốt thép, mặt đứng là gạch đất nung. Trong quá trình tồn tại, nó thường xuyên được mở rộng bởi những công trình cơi nới bao quanh. Sau khi Dortmunder Union-Brauerei AG dời địa điểm chính ra khỏi nội đô vào năm 1994, toàn bộ những phần cơi nới xung quanh toà nhà này được dỡ bỏ năm 2003 để lại "một vết sẹo" giữa lòng thành phố. Phải tới năm 2008, Dortmunder U mới được quyết định chuyển đổi trở thành một trung tâm văn hoá – giải trí. Nằm trong danh sách các công trình được bảo tồn, hình thức kiến trúc của toà nhà cần được giữ nguyên vẹn. Thiết kế của văn phòng kiến trúc Gerber với một vài ô mở lớn nổi bật trên các mặt đứng một mặt đảm bảo giữ nguyên đặc điểm kiến trúc của Dortmunder U, mặt khác tạo ra những điểm nhấn mới hấp dẫn cho công trình. Ý tưởng về một tháp U vừa truyền thống vừa mới mẻ được hiện thực qua màn hình LED cỡ lớn trên bốn mặt của đỉnh tháp: hình ảnh nghệ thuật động theo lập trình trình diễn liên tục ngày và đêm. 


Lối vào được mở rộng với mặt kính trải theo chiều ngang và ô mở lớn đưa ra trên các mặt tạo ra những điểm nhấn mới hấp dẫn cho công trình. 

  • Ảnh bên: Màn hình LED cỡ lớn trên bốn mặt của đỉnh tháp. 

Để cởi mở với bên ngoài và xứng tầm quy mô, lối vào chính của toà nhà được đánh dấu bởi mặt đứng bằng kính trải theo chiều ngang. Là một tổ hợp văn hoá giải trí, Dortmunder U chứa đựng trong mình nhiều công năng bao gồm: bảo tàng Ostwall, trung tâm đào tạo văn hoá, trung tâm nghiên cứu hình ảnh động, phòng hội nghị và rạp phim với sức chứa 200 chỗ, nhà hàng – club. Yêu cầu đa dạng về công năng đó đưa ra kết quả là hệ thống giao thông thang – hành lang mang tính tập trung và đóng vai trò quan trọng nhất trong tổng thể nội thất. Tuy nhiên, nguyên bản hệ kết cấu 40 cột bêtông cốt thép cỡ lớn của một nhà kho công nghiệp đã tạo ra nhiều hạn chế cho không gian thang – hành lang này: hẹp và thiếu sáng. Ở đây các kiến trúc sư đã sử dụng đến những thủ pháp chiếu sáng nhân tạo theo bề mặt rộng và hiệu ứng hình ảnh từ máy chiếu projector để tạo ra những ô "cửa sổ ảo" hấp dẫn cho trục giao thông quan trọng này. Ý tưởng một tháp U hiện đại, sáng tạo được xuyên suốt từ ngoại thất tới nội thất bằng nghệ thuật trình diễn hình ảnh Media: màn hình LED trên đỉnh tháp, "cửa sổ ảo" trong lõi giao thông, phòng trình diễn hình ảnh panorama về Ruhrgebiet. 

Khác với bảo tàng Reddot Design, xu hướng cải tạo Dortmunder U là tạo ra không gian hoàn toàn hiện đại, toàn bộ tường trần đều mang trên mình vỏ bọc hoàn thiện mới. Dấu vết của toà nhà cũ chỉ còn thấy rõ nhất ở mái vòm tầng 7. Mỗi tầng có một chức năng riêng biệt và chủ sở hữu riêng. Điều đó tạo ra những không gian khép kín độc lập và hình thức nội thất đa dạng. 


Dortmunder U hiện đại, sáng tạo: phòng trình diễn hình ảnh panorama về Ruhrgebiet, "cửa sổ ảo" từ máy chiếu projector và giải pháp sử dụng nguồn sáng LED theo bề mặt rộng. 

 

 
Hình thức nội thất đa dạng và không gian khép kín độc lập cho mỗi chức năng riêng biệt trong toà nhà. 


Bản vẽ Các mặt đứng và mặt cắt sau công trình sau cải tạo. 

Với công trình cải tạo tháp U, Dortmund đã tạo ra cho mình một không gian văn hoá – giải trí đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hồi sinh một trong những công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc lớn nhất của thành phố, biến "vết sẹo trong bộ mặt đô thị" trở thành điểm sáng. 

KTS Lê Anh Đức 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo