Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Khoảng tối New York trong mắt nhiếp ảnh gia kỳ dị Weegee

Khoảng tối New York trong mắt nhiếp ảnh gia kỳ dị Weegee

Viết email In

Án mạng, hoả hoạn, tai nạn giao thông, các cuộc chạm trán của mafia: đó là thế giới của nhiếp ảnh gia kỳ dị Arthur "Weegee" Fellig về New York và giờ nó được đưa ra giới thiệu trở lại với công chúng thông qua một cuộc triển lãm mới.

"Với tư cách một nhiễm ảnh gia, Weegee có lẽ là người miêu tả chính xác nhất, sâu sắc nhất, giễu cợt cao nhất và ghi chép lại với nhiều cảm xúc nhất về cuộc sống đô thị của New York trong thế kỷ 20" - Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế (ICP) thông báo trong lễ khai mạc buổi triển lãm mang tên "Murder is my Business" (Giết người là công việc của tôi).



Buổi triển lãm sẽ mở cửa hôm thứ Sáu và kéo dài cho tới tháng 9/2012. Triển lãm gồm 100 bức ảnh của Weegee, lấy ra từ 20.000 bức do ICP lưu giữ, cũng như trên các tờ báo và tạp chí ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của ông trong giai đoạn 1930-1940. Triển lãm cũng có một khu vực mô phỏng lại studio và nơi ở của ông.

Weegee sinh năm 1899, mất năm 1968, đã trở thành một huyền thoại ở New York vì luôn miêu tả mặt trái cuộc sống tại đây. Thói quen lao động của ông đã được xem là cách mạng trong thời kỳ đó. Weegee sống ngay trước trụ sở cơ quan cảnh sát ở Nam Manhattan và dành cả đêm lang thang trên các con phố để tìm tin.

Năm 1938, ông là phóng viên ảnh báo chí duy nhất được phép nghe tần số liên lạc vô tuyến nội bộ của cảnh sát. Chiếc xe của ông có một phòng tối nhỏ, cho phép ông cung cấp ảnh tin tức một cách nhanh nhất.

Weegee nói rằng ông đã chụp lại 5.000 vụ giết người và thường rất tự hào trưng ra một hoá đơn từ Life, trong đó tạp chí này xác nhận đã trả ông 35 USD để mua ảnh chụp 2 vụ giết người.

Các tác phẩm của ông đều là ảnh đen trắng, chụp các xác người đã cứng đờ, các nghi phạm đang cố gắng che giấu gương mặt khỏi máy ảnh và người thân của các nạn nhân. "Ông ấy không phải là nhiếp ảnh gia hướng tới sự đẹp đẽ. Ông ấy không chụp ảnh cho một phòng trưng bày ở Chelsea hay các viện bảo tàng... Ông ấy nhắm tới tầng lớp lao động, các nhóm thiểu số đọc báo khi đang đi trên đường tới nơi làm" - Brian Wallis, curator phụ trách buổi triển lãm, cho biết.

Weegee thường chú tâm chụp các viên cảnh sát, cũng như những người bu quanh hiện trường một vụ phạm tội. Đôi khi ông đã ghi lại được những khoảnh khắc gây xúc động, như bức ảnh chụp một viên cảnh sát ôm hai chú mèo mới sinh vừa được cứu khỏi một đám cháy, hay một người phụ nữ ôm ghì lấy đầu người chồng vừa bị giết.

"Murder is My Business" đặt tên theo một show trưng bày ảnh do Weegee tổ chức hồi năm 1941. Ông còn nổi tiếng hơn với "Naked City", một cuốn sách in năm 1945, có 240 bức ảnh chụp "người tốt, kẻ xấu, gã ngu đần", dành tặng cho "các bạn, những người dân New York." 



Kể từ tháng 11 năm ngoái, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Los Angeles cũng đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên "Naked Hollywood: Weegee in Los Angeles" (Hollywood trần trụi: Weegee ở Los Angeles). Wallis nói rằng tác phẩm của Weegee đang được xem xét nghiêm túc hơn trong thời điểm hiện nay, bởi "có những khía cạnh giá trị nhất định trong công việc của ông đã không được nhận thấy trước kia".

Gia Bảo

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo