Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Đối thoại Đô thị hóa và phát triển đô thị cần hài hòa với đặc trưng văn hóa truyền thống

Đô thị hóa và phát triển đô thị cần hài hòa với đặc trưng văn hóa truyền thống

Viết email In

Đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng xuất hiện những đô thị lớn tại các trung tâm kinh tế trọng điểm. Trong quá trình phát triển đô thị, Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức. Để giải quyết bài toán phát triển đô thị bền vững cần nguồn lực lớn, trong đó có vấn đề quy hoạch phát triển.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng - Đồng sáng lập, Tổng giám đốc Công ty enCity (Singapore) cho rằng, trong việc quy hoạch phát triển đô thị cần có tầm nhìn dài hạn nhưng cũng phải sát với thực tế. Bên cạnh đó, đô thị hóa không có nghĩa là nhằm triệt tiêu những giá trị cũ mà phải phát triển hài hòa với những nét văn hóa truyền thống.

Nhiều thách thức cho các đô thị

Là chuyên gia về đô thị, theo ông, quy hoạch đô thị ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, đang gặp những thách thức gì?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng (ảnh bên): - Đô thị tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển trong tương lai như: dân số tăng nhanh, mật độ đô thị cao, giá nhà tăng thiếu kiểm soát, giao thông tắc nghẽn, ngập lụt... Việc quy hoạch phát triển đô thị chưa theo kịp nhịp sống của thời đại, hoặc quy hoạch chưa sát với thực tế dẫn đến nguồn lực bị lãng phí. Bên cạnh đó, khi quy hoạch bị phá vỡ, dân số gia tăng vượt quá sức tải của hạ tầng sẽ lại gây ra các hệ quả khác cho xã hội mà thế hệ sau phải gánh vác. Việc sửa chữa, khắc phục những tồn đọng ấy là vấn đề rất khó khăn, cần thời gian và nguồn lực lớn.

Theo ông, đâu là điểm yếu trong công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay?

- Vấn đề lớn nhất của quy hoạch ở Việt Nam là quy hoạch thì “chạy theo” thị trường thay vì đón hoặc định hướng thị trường. Quy hoạch cần nhạy cảm với thị trường là điều quan trọng, nhưng quan trọng là quy hoạch không nên “chạy theo” bởi thị trường thay đổi liên tục.

Khi làm công tác quy hoạch, nếu cứ tiếp tục “chạy theo” thị trường, gắn với những dòng tiền ngắn hạn như vậy sẽ rất khó có sự đồng bộ. Bởi lẽ, sự phát triển kinh tế cần những tầm nhìn dài hạn. Tôi nghĩ điều đó các nhà làm chiến lược, quy hoạch thành phố cần coi lại cách nhìn: muốn đầu tư vào đâu, muốn thu hút chỗ nào?

Việc dự báo chính xác xu hướng phát triển, tìm ra vấn đề của mình và đi từng bước giải quyết nó là giải pháp căn cơ nhất.

Hiện nay, đô thị Việt Nam hầu như phát triển ven sông. Theo ông, trong quy hoạch đô thị, cần ứng xử như thế nào để có được sự phát triển nhưng vẫn hòa hợp, bền vững, tận dụng được lợi thế từ các dòng sông?

- Tại Việt Nam, các con sông có vai trò lớn trong phát triển đô thị. Từ thời xa xưa, những thương cảng lớn đều tập trung ven sông, là tiền đề cho sự phát triển đô thị ngày nay. Đối với khu vực miền Nam, đô thị mang dấu ấn của đô thị sông nước bởi hệ thống kênh rạch hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của vùng đất này. Vì vậy, quy hoạch gắn với sông nước và chống biến đổi khí hậu sẽ là một trong những yếu tố nền tảng trong chiến lược phát triển để các đô thị tính toán đến.

Có một thực tế là sinh sống hài hòa với nước là bản sắc gắn với lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam. Về tương lai, không gian mặt nước là không gian mà con người đều muốn hướng đến. Vì vậy, kết hợp yếu tố mặt nước tự nhiên trong không gian các đô thị cũng là hướng đi thông minh nhằm xây dựng các đô thị xanh.

Các dòng sông chảy giữa lòng đô thị cần được bảo vệ để phục vụ mục tiêu phát triển. Theo tôi, trong quy hoạch sắp cần giữ lại khung sinh thái và hành lang xanh dọc các hành lang sông để đảm thoát nước. Ngoài ra, cần khai thác mặt tiền sông và mặt tiền cảnh quan lớn làm mặt tiền đô thị, vừa tạo không gian vừa góp phần thu hút các nhà đầu tư vào quỹ đất đã chuẩn bị.


Cũng như hầu hết các đô thị lớn khác, đô thị Biên Hòa đang gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Phát triển hiện đại cần “hòa đồng” với đặc trưng truyền thống

Nhiều đô thị của nước ta, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang tính toán để xây dựng các thành phố vệ tinh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đô thị vệ tinh chắc chắn là điều cần làm để giảm tải cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên tùy vào mỗi đô thị cần có cái nhìn cụ thể hơn và đưa ra được giải pháp thiết thực. Đơn cử như TP.HCM từ lâu nay đã nói đến vấn đề đô thị vệ tinh nhưng cho tới nay, vẫn chưa thực hiện được. Nếu làm đô thị vệ tinh quá xa sẽ có nhiều bài toán phải giải quyết, trước hết là vấn đề kết nối giao thông rồi đến tạo ra việc làm để thu hút người dân đến sinh sống.

Xây dựng đô thị vệ tinh là công việc cần nguồn lực lớn và ở góc độ đầu tư hạ tầng và cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, xây dựng đô thị, vì không có nhà đầu tư tư nhân nào có thể thu hồi quỹ đất lớn, có năng lực tài chính cho hạ tầng hay sự kiên nhẫn để triển khai một dự án kéo dài hàng chục năm.

Tại Việt Nam, việc lập quy hoạch các đô thị vệ tinh đang có khoảng cách quá xa giữa mong muốn trên bản vẽ và thực tiễn triển khai. Chúng ta cần có những quy hoạch tốt để có thể triển khai trên thực tế, là “quy hoạch sống” chứ nếu không sẽ không mang lại giá trị.

“Kinh tế vỉa hè” ở các đô thị Việt Nam có sức sống mãnh liệt. Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm trong quy hoạch đô thị. Liệu rằng phát triển một đô thị hiện đại thì kinh tế vỉa hè có mất đi?

- Hàng rong trên đôi vai, trên xe đạp, trên vỉa hè đã là một nét văn hóa, là thói quen, là nhu cầu của người Việt Nam từ xưa đến nay, nó sẽ không mất đi nhưng có thể thay đổi để phù hợp. Vỉa hè tồn tại bao đời nay, nó xóa bỏ đi khoảng cách giàu nghèo khi cả những người lao động, dân văn phòng đều thích các quán hàng rong vì tính tiện lợi mà giá lại rẻ. Ta thường lãng quên đi chất lượng mà ta đang có, hay phàn nàn về những khó khăn mà nơi ta đang sống, trong khi chỉ thấy mặt tệ của nó, những vấn đề đó về vỉa hè đang hiện hữu hằng ngày - thay vì xóa bỏ nó thì nên thay đổi, để nó trở nên tốt hơn.

Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt gắn với văn hóa, bối cảnh xã hội và môi trường sống của người dân địa phương. Khi thiết kế các giải pháp phát triển và bảo tồn đô thị phải dựa trên những đặc trưng này. Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật. Đối với quy hoạch giao thông đô thị cần tính đến đa chức năng (giao thông, thương mại và không gian cộng đồng) thay vì đơn năng (chỉ dành cho giao thông).

Đô thị hóa không có nghĩa là bê tông hóa và phương Tây hóa mà có sự kế thừa, kết nối giữa các giá trị lịch sử trên cơ sở giải quyết các vấn đề của chính mình.

Ông NGUYỄN ĐỖ DŨNG là chuyên gia về quy hoạch và thiết kế đô thị với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch phát triển các vùng lãnh thổ rộng lớn, các thành phố và khu đô thị mới tại châu Á.

Ông hiện là sáng lập viên, Giám đốc điều hành enCity. Đây là công ty tư vấn quốc tế, chuyên cung cấp các giải pháp quy hoạch đô thị và kiến tạo không gian. enCity hoạt động tại những khu vực khác nhau như: Dubai, Ấn Độ, Trung Quốc, Maldives, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Oman.

Với nhiều ý tưởng quy hoạch đô thị có tính đột phá, năm 2020, enCity cùng đối tác Sasaki đã nhận giải nhất cuộc thi quốc tế Quy hoạch khu đô thị sáng tạo HIID TP.HCM. Năm 2021, Đồ án Khu đô thị sinh thái Bắc Đà Lạt của enCity nhận Giải thưởng Ashui Awards cho hạng mục Dự án Tương lai của năm. Năm 2022, tại cuộc thi Ý tưởng quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn 2060, enCity cũng giành giải nhất.

Vương Thế thực hiện

(Báo Đồng Nai)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1504 khách Trực tuyến

Quảng cáo