Ashui.com

Friday
Oct 11th
Home Tương tác Đối thoại Cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch

Cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch

Viết email In

Muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đúng và đây là cơ hội xác lập con đường đúng để đi nhanh và bền vững. Điều này chính là ý nghĩa của Luật Quy hoạch và công tác quy hoạch thời kỳ mới”; cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021-2030. Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm trong cuộc trò chuyện trước thềm Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch diễn ra ngày 19/8.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ.
(Ảnh: VGP)

Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai Luật Quy hoạch và xây dựng hệ thống Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: - Đầu tiên, tôi phải khẳng định đây là luật rất quan trọng cho sự phát phát triển đất nước. Thứ hai, luật này hết sức khó vì phạm vi rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt là việc thay đổi tư duy trong quản lý Nhà nước. Kéo dài trong 3 kỳ họp Quốc hội với rất nhiều ý kiến phản biện khác nhau, Luật Quy hoạch mới được thống nhất thông qua. Để thực hiện Luật Quy hoạch, Quốc hội đã ban hành 2 bộ luật khác để điều chỉnh 73 luật, pháp lệnh liên quan, thể hiện sự quyết tâm cao của Quốc hội và Chính phủ trong việc lập lại tất cả những quy hoạch không còn phù hợp theo cách tiếp cận mới là tích hợp và đa ngành.

Khi quản lý Nhà nước là một thể thống nhất, đất nước mới tranh thủ được tất cả các nguồn lực. Từ đó, tiềm năng, thế mạnh sẽ được khai thác một cách hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả nước, từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, đây không những là nền tảng để tái cơ cấu lại các ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, mà còn là cơ hội quý để sắp xếp lại không gian phát triển, thời cơ cũng như nguồn lực phát triển, tránh sự cát cứ.

Hiện nay, chúng ta đang bị chia cắt bởi quá nhiều quy hoạch và sự khác nhau, thiếu gắn kết giữa các ngành, dẫn đến mục tiêu, không gian phát triển, các nguồn lực bị chia cắt, cát cứ. Thực hiện Luật Quy hoạch là dịp để tích hợp cùng một mục tiêu, cùng một không gian, cùng một nguồn lực, chúng ta sẽ có bước phát triển nhanh nhất. Chúng ta thường nói nếu muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đúng và đây là cơ hội xác lập lại con đường đúng để đi nhanh và bền vững. Điều này cũng chính là ý nghĩa của Luật Quy hoạch và công tác quy hoạch thời kỳ mới. Chúng ta phải đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch, không còn cát cứ mà phải lồng ghép các quy hoạch lại với nhau. Công tác quy hoạch cần tầm nhìn mang tính chiến lược để bảo đảm có sức sống dài hạn và hiệu quả cho việc phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mới của cả Việt Nam và quốc tế.  

Cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Đây là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới. Sau khi được phê duyệt, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2019), những kết quả nổi bật và khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Luật Quy hoạch thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?

- Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Luật Quy hoạch và đạt được 5 kết quả chính.

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới.

Thứ hai, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể; thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng.

Thứ tư, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến; khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.

Thứ năm, công tác giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch ngày càng được chú trọng, trong đó Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đang được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo công khai minh bạch thông tin, dữ liệu về quy hoạch cho mọi người dân; hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai Luật Quy hoạch gặp một số khó khăn sau đây. Trước hết, tôi phải nhắc đến việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; vẫn còn sự chưa thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các quy định mới của Luật Quy hoạch, nhất là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành. Một thách thức nữa là tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ hạn chế của phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới. Cuối cùng, không thể không nhắc đến tác động của đại dịch COVID-19 tới công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, đặc biệt đối với các tổ chức tư vấn quốc tế.

Thưa Bộ trưởng, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch ngày 19/8 sẽ tập trung vào những nội dung gì, giải quyết vấn đề cốt lõi nào?

- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ tổ chức vào ngày 19/8 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong việc triển khai Luật Quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập quy hoạch.

Hội nghị tập trung thảo luận về nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, xác định các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch cũng sẽ được xem xét thành lập, để chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trong việc triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Đáng chú ý là nội dung liên quan đến hoàn thiện thể chế để đảm bảo việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Quy hoạch, bao gồm: Xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành một số quy định tại văn bản hướng dẫn chi tiết luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch có quy định không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; xem xét sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thống nhất nguồn vốn lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Trên cơ sở các nội dung trao đổi, thống nhất tại Hội nghị, Nghị quyết để chỉ đạo thống nhất việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch dự kiến được kiến nghị trình Chính phủ ban hành./.

Minh Ngọc thực hiện

(Báo Điện tử Chính phủ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1987 khách Trực tuyến

Quảng cáo