Trong đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP.HCM hiện nay, nhiều nút giao thông lớn chỉ xác định vị trí nút giao mà chưa định hướng dạng thức giao thông, gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao...
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi lên Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị xem xét chấp thuận không tiếp tục lập quy hoạch chi tiết đối với các nút giao thông, cụ thể là 137 nút trên toàn địa bàn Thành phố.
Vòng xoay Công trường Dân Chủ (quận 3 và quận 10, TP.HCM), - một "điểm đen" về kẹt xe giờ cao điểm từng được nghiên cứu xây dựng cầu vượt.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố, trong đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết trên địa bàn Thành phố hiện nay, nhiều nút giao lớn (giữa các trục đường chính cấp đô thị, cấp khu vực) chỉ xác định vị trí nút giao, chưa định hướng dạng thức giao thông.
Cụ thể, một số nút giao thể hiện dưới dạng vòng tròn, không thể hiện đủ thông tin về dạng thức, phạm vi ranh giới nút giao nhằm phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng tại khu vực và đầu tư xây dựng nút giao. Trong các đồ án quy hoạch phân khu hiện nay có khoảng 137 nút giao thông như thế này.
“Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tại các vị trí nút giao nêu trên không đủ cơ sở xác định về phạm vi và dạng thức nút giao, ranh giới cụ thể giữa chức năng đất giao thông và các loại đất chức năng đô thị khác trong khu vực lân cận nút giao. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao”, văn bản nêu rõ.
Điều này đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có công trình và quyền sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch nút giao.
Về quyền lợi của người dân trong phạm vi quy hoạch các nút giao thông, trước đó năm 2016, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có chỉ đạo về việc tổ chức rà soát, đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các nút giao thông chính trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã phối hợp với các quận, huyện và các sở, ngành chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn. Việc này vừa nhằm trả lại quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch, đồng thời loại bỏ những quy hoạch thiếu khả thi, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển bền vững hơn.
Trong quá trình phối hợp làm việc giữa các bên, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã đưa ra một số nhận xét.
Một là, trường hợp lập quy hoạch (quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết) riêng cho nút giao, đối với các nút giao chỉ cần xác định rõ phạm vi ranh giới của đất chức năng giao thông (chiếm đa số) thì sẽ có nhiều nội dung không thực sự cần thiết hoặc không thể hiện được (như thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược.
Hai là, nếu thực hiện theo dạng tổng mặt bằng như hồ sơ quy hoạch mặt bằng, tỷ lệ 1/500 thì hiện một số nút giao thông trên địa bàn quận 5 đã được phê duyệt, cũng không còn phù hợp theo quy định hiện hành.
Ba là, việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các nút giao còn vướng mắc, hạn chế. Trường hợp nút giao được thể hiện dạng vòng tròn dự phòng quỹ đất trong đồ án quy hoạch phân khu thì phải cần bổ sung, hoàn chỉnh pháp lý quy hoạch phân khu trước. Việc lập quy hoạch chi tiết các nút giao khi chưa gắn với quá trình nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cụ thể có thể dẫn đến phương án quy hoạch không sát với thực tế và phương án đầu tư, gây lãng phí.
Trên các lập luận này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét chấp thuận không tiếp tục lập quy hoạch chi tiết đối với 137 nút giao thông nói trên.
Vào tháng 10/2020, Uỷ ban nhân dân TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025 cho hai dự án: Xây dựng hạ tầng - cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, và xây dựng nút giao thông An Phú (quận 2, nay là TP. Thủ Đức). Trong đó, dự án xây dựng nút giao thông An Phú, có điểm đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối đường Mai Chí Thọ (hướng về đường hầm sông Sài Gòn), với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.104 tỷ đồng. Nút giao thông An Phú là một “điểm đen” về giao thông của TP.HCM. Vào các giờ cao điểm, khu vực này dường như bị tê liệt, người tham gia giao thông luôn cảm thấy lo ngại khi lưu thông qua nút giao này.Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) mới đây đã có thông báo mời thi thuyển “Phương án thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức”. |
(VnEconomy)
- TP.HCM đã phân loại gần 350 biệt thự cũ, tập trung chủ yếu ở quận 3
- Chùa Cầu (Hội An) được tu bổ trong 2 năm
- Giải pháp kiến trúc và quy hoạch cho các đô thị sinh thái hướng tới tương lai bền vững
- Cần Thơ: Bãi bỏ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Trung tâm phường Thạnh Hòa
- Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050
- Đà Nẵng: Công viên APEC mở rộng gần 9.000 m2
- WB cung cấp hơn 126 triệu USD hỗ trợ Vĩnh Long phát triển hạ tầng
- Hưng Yên quy hoạch đô thị Văn Giang đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- Hà Nội: Dự kiến duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống trong quý I-2022
- Hà Nội: Nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn