Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040

Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040

Viết email In

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản...


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội thảo.

Thực hiện quy định của Luật Nhà ở 2014 và nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Xây dựng thực hiện xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, nhằm tạo lập cơ sở, định hướng hoạt động phát triển nhà ở toàn quốc và các Chương trình phát triển nhà tại địa phương.

Một số định hướng và trọng tâm ưu tiên của Chiến lược nhà ở quốc gia cũng là một trong những căn cứ để đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, từ đó xác định các tồn tại, vướng mắc, dự báo nhu cầu nhà ở nói chung và của các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ về nhà ở, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo lần thứ 5 Chiến lược nhà ở quốc gia 2021-2030.

Hiện, Bộ tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ ngành và địa phương cho dự thảo nhằm xác định những định hướng về phát triển nhà ở phục vụ nhu cầu nhà ở toàn dân và các nhóm đối tượng trong chính sách hỗ trợ nhà ở.

Tại Hội thảo, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, ông Bùi Xuân Dũng nhận định: Trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết, cải thiện nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề an sinh xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn 2011 – 2021, Chiến lược nhà ở quốc gia chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, đến nay việc phát triển nhà ở đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững...

Giới thiệu về dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040, ông Bùi Xuân Dũng cho biết: Dự thảo Chiến lược đặt ra một số mục tiêu cơ bản như phấn đấu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà ở trong giai đoạn 2021-2030 đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà; Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người; Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân; Đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; Xây dựng và kết cấu lại các chính sách cụ thể riêng cho từng loại hình nhà ở, nhóm đối tượng mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội bao gồm công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân…

Chiến lược hướng đến hoàn thiện, sửa đổi quy định về việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà; Đặt ra hệ thống mục tiêu cụ thể có kèm theo các chỉ tiêu về phát triển nhà trong giai đoạn 2021-2030 trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nhà ở cho công nhân…

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các hiệp hội và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Chiến lược.

Các đại biểu cơ bản đánh giá cao sự công phu, khoa học trong việc xây dựng dự thảo Chiến lược, trên cơ sở phân tích tồn tại khó khăn, bối cảnh và dự báo xu hướng phát triển nhà ở để xác định mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, từ đó đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Các đại biểu đồng tình với quan điểm phát triển nhà ở trong giai đoạn tới là tạo điều kiện cho mọi người dân có chỗ ở, chú trọng nâng cao chất lượng nhà ở, cập nhật xu hướng phát triển nhà ở xanh, thông minh; phát triển nhà ở phải gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị, xây dựng lại nhà chung cư cũ; phát triển nhà ở trong bối cảnh hậu Covid-19; phát triển nhà ở gắn với phát triển thị trường bất động sản bền vững...

Đồng thời, Chiến lược phát triển nhà ở phải có chính sách trọng tâm, hướng tới nhóm đối tượng nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị...

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng là căn cứ quan trọng đề xuất sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản trong thời gian tới...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định: Xây dựng “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao cho ngành Xây dựng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội và chính sách đảm bảo an sinh về nhà ở trong giai đoạn mới.

“Việc xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là định hướng quan trọng để nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời căn cứ để các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 và định hướng đến năm 2040” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong giai đoạn sắp tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm vẫn là phải thực hiện các chính sách an sinh về nhà ở, quan tâm, chăm lo hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế, hộ gia đình, cá nhân là người có công với cách mạng, hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai,… để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Sau khi tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV năm 2021.

Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao

10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, đến nay việc phát triển nhà ở đã đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2. Tại khu vực đô thị đạt 25,1 m2 sàn/người (tăng thêm 3,8 m2 sàn/người so với năm 2011). Tại khu vực nông thôn năm 2020 đạt 24,0 m2 sàn/người (tăng 6,2 m2 sàn/người so với năm 2011).

Chất lượng nhà ở nâng cao. Đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Tỷ lệ hộ sống trong nhà kiên cố hoặc bán kiên cố tăng lên tới 93,1% tổng số hộ có nhà ở.

Chính sách phát triển nhà ở thương mại trong giai đoạn 2011-2020 đã khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển xây dựng nhà ở, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, góp phần phát triển thị trường nhà ở và đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.

Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội cho thấy: Đến nay trên cả nước đã hoàn thành khoảng 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng khoảng 110.000 căn, tương đương 5,5 triệu m2 nhà ở. Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai hơn 270 dự án, tương đương khoảng 256.000 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2 nhà ở.

Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, người nghèo khu vực thiên tai, bão lụt ước tính đạt khoảng 500.000 hộ dân, tương đương với khoảng 2 triệu người dân có chỗ ở an toàn.

Kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định việc triển khai có hiệu quả các chính sách về nhà ở đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo