Ashui.com

Friday
Oct 04th
Home Tin tức Sự kiện Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng

Viết email In

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, nhưng ngành Xây dựng vẫn có tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,3% - 7,5%, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm nay. Hướng đến năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% - 7% và hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng như xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết.

Ngành Xây dựng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ

Trong năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của ngành Xây dựng ước đạt 7,3% - 7,5%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 96%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26m2 sàn/người. Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Về công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong năm qua Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023 với nhiều nội dung đổi mới.

Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Bộ cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hang, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo và Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra tại Chương trình hành động, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Các chỉ tiêu còn lại có 3 chỉ tiêu vượt, 0 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu chưa đạt.


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị.

Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề tồn tại, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ năm 2024.

Theo Phụ trách HĐTV Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) Nguyễn Quốc Việt, trong năm 2023, ngành Xi măng nói chung và Tổng Công ty Vicem nói riêng đã gặp khó khăn chưa từng có khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao, rất nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động.

Năm 2024, dự báo tình hình vẫn còn khó khăn, nhưng Vicem sẽ quyết tâm tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đạt tăng sản lượng tiêu thụ khoảng 7,7%. Vicem kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng như giảm thuế xuất khẩu, “phá băng” thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khại các dự án nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng lên…

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes Phạm Thiếu Hoa kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tương tự, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn chia sẻ: Lilama cũng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đang chuyển hướng tham gia vào chuỗi sản xuất năng lượng xanh toàn cầu, hợp tác với Tập đoàn ThyssenKrupp sản xuất module thiết bị điện phân cho nhà máy sản xuất hydrogen xanh.


Tổng giám đốc Tổng công ty Lilama Lê Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tăng cường phát triển nhân lực ngành Xây dựng và chuyển đổi số

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết, các Hội và Hiệp hội đều với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong năm 2024. Tuy nhiên, các đơn vị cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét bổ sung thêm một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng kiến nghị Bộ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, phù hợp các mục tiêu của Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 – 2030. Ngoài ra, ngành Xây dựng cũng cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM)…

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý Bộ Xây dựng về việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2024.

Trong khi đó, Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng làm việc cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Dự thảo Luật Đất đai, đồng bộ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản từ các khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến giao, cho thuê đất và phương pháp xác định giá đất…

Và để phát triển nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng Bộ Xây dựng nên làm việc cùng UBND cấp tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thực tế địa phương và bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.


Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2024.

Tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch và nhà ở xã hội

Đại diện các Sở Xây dựng địa phương cũng đề xuất một số kiến nghị tại hội nghị. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh đề xuất Bộ cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội để giảm giá thành, giảm giá bán và giảm tiền thuê cho các đối tượng mua nhà.

Đối với việc phát triển nhà ở tái định cư, Sở đề nghị Bộ sớm có ý kiến hướng dẫn Thành phố xây dựng “Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, Sở kiến nghị Bộ hướng dẫn căn cứ, các tiêu chí kiểm định, đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật của nhà/khu chung cư; tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy định hệ số K bồi thường phục vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh suất vốn đầu tư xây dựng của công trình theo hướng bám sát tình hình, diễn biến của vật liệu xây dựng…

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Võ Thế Hà kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có góp ý, phản hồi về Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê trên địa bàn thành phố, từ đó tạo điều kiện cho địa phương hoàn thiện Đề án và tổ chức triển khai.

Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (điện chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, cấp nước, nghĩa trang…); đưa ra ý kiến về việc ban hành quy định bàn giao, tiếp nhận công trình tại các dự án khu đô thị khai thác quỹ đất thương mại.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đề xuất sớm luật hóa các quy định lĩnh vực quản lý phát triển đô thị để các địa phương triển khai đồng bộ; Bộ Xây dựng có hướng dẫn, định nghĩa cụ thể về mô hình phát triển đô thị theo hệ thống giao thông công cộng (TOD); Hỗ trợ địa phương về định hướng phát triển xanh…


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội.

3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Hướng đến năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% - 7%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 43,7%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt trên 26,5m2 sàn/người.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá năm 2023 là một năm khó khăn với ngành Xây dựng. Nhưng với sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương và Ban cán sự Đảng bộ Xây dựng, ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Đề cập đến phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, Bộ trưởng dự báo: Ngành Xây dựng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình này, để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và kế hoạch nhiệm kỳ 5 năm, Bộ trưởng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ phát huy các thành tích, kết quả đạt được, cùng nhau đoàn kết, khắc phục các khó khăn, kịp thời tham mưu các giải pháp phù hợp, hiệu quả để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận và Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là công tác xây dựng thể chế pháp luật. Thứ hai là công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Thứ ba là phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp; Quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phát triển lành mạnh, ổn định.

Trong nhiệm vụ xây dựng thể chế pháp luật, Bộ trưởng đã nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiền Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2024.

Về công tác quy hoạch kiến trúc, Bộ trưởng đề nghị tập trung đổi mới phương pháp luận về quy hoạch; Tăng cường hướng dẫn, có ý kiến với địa phương về quy hoạch; Tăng cường kiểm tra và quản lý công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch ở các địa phương.


Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng.

Đối với công tác quản lý phát triển đô thị, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện Luật Quản lý phát triển đô thị; Cụ thể hóa hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Nghiên cứu xây dựng chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026 – 2030…

Đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị, các đơn vị cần sớm hoàn thiện hồ sơ Luật cấp thoát nước; Bổ sung nội dung về quản lý không gian ngầm đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật trong đô thị…

Về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ trưởng đề nghị tập trung cho công tác phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; Triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở Xã hội; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 /NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các địa phương cũng phải chủ động rà soát, lập danh mục các dự án còn vướng mắc để có kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành Xây dựng trong năm 2024 như thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030 và Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng đến năm 2030; Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025…

Dịch Phong

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo