Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Luật về đầu tư, xây dựng cần tránh lãng phí thời gian và tiền

Luật về đầu tư, xây dựng cần tránh lãng phí thời gian và tiền

Hiện nay do còn có nhiều điểm không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường… nên khi vận hành đã gây ra sự lãng phí lớn về thời gian cũng như tiền bạc.
 
Nhằm khắc phục những nhược điểm, vướng mắc trong hoạt động ĐTXDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung một số điều luật liên quan đến ĐTXDCB được dựa trên 2 tiêu chí cơ bản là “Đảm bảo tính thống nhất của các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ĐTXDCB và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh”.
 
Với mục tiêu giải quyết yêu cầu cấp bách, Ban soạn thảo Luật đặt quyết tâm xây dựng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, khẩn trương tiến hành việc trưng cầu ý kiến đóng góp hoàn thiện dự Luật này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2009 và có hiệu lực thi hành ngay từ 1/7/2009.

Doanh nghiệp là đối tượng chủ yếu liên quan đến  dự luật này, vì vậy những ý kiến đóng góp của họ rất cần thiết. Theo Luật gia Cao Bá Khoát- Giám đốc Công ty Tư vấn K và Cộng sự, vướng mắc cơ bản của quy trình đầu tư là Luật Đầu tư. Thực tế hiện nay, Luật Đầu tư điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư bao gồm điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư và ưu đãi đầu tư... quy định "chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng, số lượng thực tế trên cơ sở đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá được chấp nhận điều chỉnh theo quy định tại điều 57 của Luật này". Tuy nhiên, các luật chuyên ngành có liên quan cũng điều chỉnh điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư... nên tạo sự chồng chéo. Chính vì vậy, thay vì “ép” các luật khác phải điều chỉnh theo Luật Đầu tư, các cơ quan làm luật nên sửa Luật Đầu tư theo hướng chỉ điều chỉnh ưu đãi đầu tư và các điều kiện được hưởng ưu đãi đầu tư.

Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt". Tuy nhiên, Luật Đầu tư lại quy định “Dự án Đầu tư phải đăng ký hoặc thẩm tra trước khi thực hiện. Đối với dự án Đầu tư xây dựng công trình thì việc lập và phê duyệt sẽ được tiến hành trước khi xin phép xây dựng và sau khi Thủ tướng cho phép Đầu tư hoặc có thỏa thuận bổ sung về quy hoạch (đối với một số dự án)". Như vậy, liệu có thể hiểu Báo cáo đánh giá tác động môi trường có phải là một công đoạn của quá trình thực hiện đầu tư ?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam- nhận xét về sự chồng chéo của hệ thống pháp luật liên quan đến ĐTXDCB nói riêng các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, cho rằng: cần chuyên môn hóa cơ quan lập pháp. Các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần có người có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên ngành. Đây là những cơ quan tổ chức, thực hiện chính trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan hành pháp chỉ nên là những đơn vị có trách nhiệm đóng góp, xây dựng dự thảo. Có như vậy, các luật hiện hành mới hạn chế được sự chồng chéo và áp đặt của cơ quan hành pháp tới đối tượng tác động và như vậy mới nâng cao tính thống nhất của luật.

Về đơn giản hóa thủ tục, các đại biểu cho rằng thực tế hiện nay, trong xây dựng cơ bản, các nhà đầu tư phải mất một khoảng thời gian lớn cho việc thực hiện tất cả các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật và các tiêu chí giải quyết thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan có nhiều tiêu chí trùng nhau, điều này gây ra sự lãng phí lớn về thời gian cũng như tiền của. Ví dụ, căn cứ cấp giấy chứng nhận đầu tư (theo trình tự thẩm tra dự án – quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư) và căn cứ giao đất, cho thuê đất (Điều 31 Luật Đất đai) đều có tiêu chí là “Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; Phù hợp với quy hoạch xây dựng; Nhu cầu sử dụng đất”.

Việc thẩm tra các tiêu chí nói trên trong trường hợp cấp Giấy chứng nhận đầu tư do Sở KH-ĐT làm cơ quan đầu mối thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, còn trong trường hợp xin giao đất, cho thuê đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai... dẫn đến hiện tượng, cùng một tiêu chí nhưng thẩm định nhiều lần, theo trình tự, thủ tục và thẩm quyền khác nhau. Do đó, có thể mâu thuẫn về kết quả giải quyết, lúc đầu thì đồng ý, sau đó không đồng ý, cơ quan này chấp thuận, cơ quan khác có thể không chấp thuận, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Ông Phan Vũ Anh – Giám đốc Ban Đối ngoại, Pháp chế Tổng công ty Vinaconex- nhận xét, việc đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các thủ tục nếu có thể được sẽ giảm chi phí không cần thiết cho DN vì thủ tục đầu tiên cần thống nhất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó, dự thảo luật đang xây dựng cũng nên bỏ quy định “phê duyệt kế hoạch đấu thầu” để giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp đang là một chủ trương được Chính phủ đẩy mạnh. Ông Nguyễn Xuân Đào – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giải thích: Chính phủ đã đưa ra giải pháp cấp bách cho phép chỉ định thầu các dự án tới 5 tỷ đồng với mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tất nhiên vì là giải pháp cấp bách phục vụ kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên trước mắt được thực hiện trong năm 2009. Mặc dù một số chuyên gia WB cho rằng, quy định về chỉ định thầu các dự án tới 1 tỷ đồng đã là cao nhưng Chính phủ đã rất mạnh dạn phân cấp chỉ định thầu tới dự án 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, việc phân cấp cũng đi kèm với phân trách nhiệm người ký quyết định thầu. Nếu dự án nào thấy nhiều nhà thầu quan tâm và đấu thầu hiệu quả cao hơn thì có thể linh hoạt chuyển sang đấu thầu.

>> Đầu tư xây dựng cơ bản: Cuộc "đại phẫu" về luật 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo