Ashui.com

Sunday
Sep 08th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư xây dựng cơ bản: Cuộc "đại phẫu" về luật

Đầu tư xây dựng cơ bản: Cuộc "đại phẫu" về luật

Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành dự thảo đề án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để trình Quốc hội ngay tháng 5 tới.

Đây là thông tin tại báo cáo trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, người đứng đầu bộ này, đã nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách.

Vì sao cấp bách?

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, sự chậm trễ, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí... trong đầu tư xây dựng cơ bản đã trở thành “bệnh nặng”, mà “thuốc” thì chưa đủ mạnh. Điều này có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật còn sơ hở, chồng chéo, thậm chí có mâu thuẫn với nhau.

Còn theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay có nhiều vấn đề cần phải xem xét từ chuẩn bị dự án, lập báo cáo đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế cơ sở, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Một trong những nguyên nhân cũng là do các văn bản pháp quy “có vấn đề”. Và hướng khắc phục chính là ban hành luật để sửa luật.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (ảnh) cho biết, được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự luật cấp bách này, Bộ đã phối hợp với các bộ, các ngành liên quan triển khai thực hiện để có thể thông qua trong một kỳ họp của Quốc hội.

"Điểm lại thì rất nhiều luật liên quan, nhưng trước mắt chỉ cho sửa một số điều của Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy, chữa cháy", ông Phúc nói rõ.

Mở rộng quyền quyết định đầu tư

Đối với Luật Xây dựng, sẽ sửa đổi tiêu chí dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng: các dự án quan trọng quốc gia, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng quyết định đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn khác do chủ đầu tư tự quyết định đầu tư (mở rộng quyền quyết định dự án quan trọng quốc gia không sử dụng vốn nhà nước).

Quy định về điều chỉnh dự án đầu tư khi có biến động bất thường về giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái hoặc thay đổi các chế độ, chính sách (để đảm bảo xử lý linh động, kịp thời khi có các biến động lớn các yếu tố về giá xây dựng, tạo chủ động cho chủ đầu tư).
 
Bổ sung các quy định về thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư. Nội dung và phương pháp giám sát, đánh giá quy định phù hợp với tính chất nguồn vốn dự án.

Sửa đổi quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường và phải đảm bảo mục tiêu đầu tư và hiệu quả dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng và giai đoạn đầu tư xây dựng công trình.

Sửa đổi quy định về nội dung các bước thiết kế và thủ tục thẩm định thiết kế, đảm bảo tính linh hoạt hơn, phù hợp với các giai đoạn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; cụ thể quy định nội dung thiết kế cơ sở, phải quy định rõ các giải pháp thiết kế cần tuân thủ trong các bước thiết kế tiếp theo và các giải pháp thiết kế cho phép thay đổi phù hợp số liệu khảo sát chi tiết, đảm bảo hiệu quả dự án.

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế cơ sở khi thẩm định dự án để quyết định đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan về thiết kế cơ sở. Điều này làm đơn giản về thủ tục và tiết kiệm thời gian so với các quy định trong Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn hiện nay.

Về thi tuyển thiết kế kiến trúc, bỏ quy định "cứng" là các công trình trụ sở các cơ quan cấp huyện phải thi tuyển thiết kế kiến trúc; giao người quyết định đầu tư quyết định việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc đối với công trình xây dựng có yêu cầu về kiến trúc (đơn giản hơn so với quy định tại Điều 55, Luật Xây dựng 2003).

Thủ tục đầu tư rõ hơn, gọn hơn

Luật Đầu tư cũng sẽ được sửa đổi một số nội dung không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý về đầu tư, như:

Quy định rõ hơn về thủ tục đầu tư theo hình thức sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.

Bỏ các quy định về lĩnh vực đầu tư có điều kiện trong Luật Đầu tư 2005 (Điều 29), thực hiện theo các điều kiện đầu tư quy định tại pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế.

Đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột giữa Luật đầu tư và luật liên quan về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư, hướng quy định lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, mức ưu đãi đầu tư cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cải cách về thủ tục đối với dự án đầu tư trong nước, theo hướng quy định dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với những dự án từ 15 tỷ trở lên thì phải đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thực hiện đăng ký đầu tư các dự án đầu tư trong nước sẽ đơn giản hơn so với quy định hiện hành (phải thẩm tra cấp chứng nhận đầu tư).

Bỏ ngưỡng chỉ định thầu

Dự thảo luật mới sẽ sửa Luật Đấu thầu theo hướng phân cấp triệt để cho chủ đầu tư trong một số khâu của quá trình đấu thầu như chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, xử lý tình huống trong đấu thầu nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư chủ động và linh hoạt trong quá trình ra quyết định và xử lý tình huống khi tổ chức thực hiện đấu thầu các gói thầu thuộc dự án, để rút ngắn thời gian đấu thầu.

Dự thảo không quy định ngưỡng được áp dụng hình thức chỉ định thầu (theo quy định của Luật Đấu thầu là dưới 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, dưới 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn) mà giao cho Chính phủ hướng dẫn nhằm tạo sự linh hoạt đối với từng giai đoạn áp dụng.

Về quy định sơ tuyển dự thảo luật sửa đổi theo hướng không bắt buộc phải thực hiện sơ tuyển đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, EPC có giá gói thầu từ 300 tỷ đồng trở lên, gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 200 tỷ đồng trở lên như quy định tại Điều 32 của Luật Đấu thầu. Căn cứ tính chất, quy mô của gói thầu, người có thẩm quyền quyết định áp dụng sơ tuyển đối với gói thầu trong kế hoạch đấu thầu.

Ưu đãi thuế: Không phân biệt doanh nghiệp cũ, mới

Đối với Luật Doanh nghiệp, dự thảo luật  đề xuất bỏ các quy định khi đăng ký kinh doanh, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề đối với công ty kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Bỏ quy định về thời hạn 2 năm, các doanh nghiệp đã thành lập phải đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và pháp luật có liên quan.

Theo dự luật, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa một số điều theo hướng đối tượng ưu đãi thuế là dự án đầu tư mới theo địa bàn và lĩnh vực đầu tư, không nhất thiết dự án đầu tư mới đó là của doanh nghiệp thành lập mới hay doanh nghiệp đang hoạt động.

Với Luật Bảo vệ môi trường sẽ đề xuất sửa về thời điểm thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hơn với thực tế đầu tư.

Luật Phòng cháy, chữa cháy được sửa  theo hướng hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm về phòng cháy, chữa cháy, tăng cường hậu kiểm (kiểm tra công trình đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy mới cho phép đưa vào khai thác sử dụng), giảm tiền kiểm (như phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy), của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục

Song song với việc đề xuất sửa cùng lúc 7 luật, trong năm 2009 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã và sẽ thực hiện một số việc khác nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư.

Cụ thể, ngày 27/2/2009, Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập danh mục dự án cấp bách cần áp dụng chỉ định thầu. Theo đó, các tiêu chí để áp dụng chỉ định thầu, thủ tục trình duyệt và thẩm định đối với văn bản đề nghị chỉ định thầu đã được công khai và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi xem xét đề nghị áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu, dự án cụ thể.

Tới đây, bộ này cũng sẽ ban hành tiếp một số mẫu tài liệu đấu thầu như mẫu hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh, mẫu báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu dịch vụ tư vấn… nhằm chuẩn hóa công tác lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, đồng thời giúp chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu tiết kiệm thời gian trong quá trình lập hồ so mời thầu, hồ sơ yêu cầu và xét thầu.

Minh Thúy 

>> Làm sao tính được thất thoát trong xây dựng cơ bản? 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo