Ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu, sử dụng robot vừa giúp chính quyền quản lý hiệu quả không gian xanh tại các đô thị, đồng thời mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dân cũng như khách du lịch.
Robot giúp Đan Mạch làm sạch sông
Tại Đan Mạch, chính quyền TP Aarhus đang sử dụng một robot độc đáo có tên gọi SeaProtectorOne để thu gom rác thải trên các dòng sông, ngăn rác thải nhựa chảy ra biển.
Robot SeaProtectorOne có thể hút rác thải nhựa trôi nổi và các chất thải khác nhằm làm sạch dòng sông tại TP Aarhus, Đan Mạch. (Ảnh: pollutionsolutions-online.com)
Việc triển khai robot thông minh SeaProtectorOne làm sạch môi trường các dòng sông là một dự án trong Chiến lược giảm rác thải nhựa của thành phố Aarhus giai đoạn 2020-2025. Theo tạp chí Khoa học Môi trường quốc gia, khoảng 90% rác thải nhựa đổ ra các đại dương đều bắt nguồn từ các dòng sông.
“Sau khi chảy ra biển, rác thải phân tán rất nhanh và khó thu gom. Trong khi đó, dòng chảy của sông giúp robot thu gom rác thải hoạt động hiệu quả trong một khu vực hạn chế mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của cá và chim,” Peter Grønkjær - giáo sư sinh vật biển tại Đại học Aarhus, cho biết.
Robot với tên gọi SeaProtectorOne được thiết kế bởi công ty All in On Green, có thể hút rác thải nhựa trôi nổi và các chất thải khác nhằm làm sạch dòng sông.
Hệ thống robot này gồm một trụ tháp được đặt trên bờ, rào chắn thu gom được trang bị băng chuyền và bộ phận lọc rác. Rào chắn được tự động điều chỉnh theo mực nước để bộ lọc liên tục hoạt động thu gom rác trên mặt nước.
Bộ phận lọc rác của SeaProtectorOne có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 30cm, bề mặt được xem tập trung nhiều chất thải nhất tại các dòng sông.
Ngoài ra, robot còn được lắp cảm biến tích hợp để phát hiện rác thải. Bất kỳ loại rác nào được thu gom trong bụng robot sau đó sẽ được đưa trở lại bờ qua hệ thống băng chuyền, được phân loại và tái chế hoặc xử lý một cách có trách nhiệm.
Nhằm đảm bảo an toàn, hệ thống robot được trang bị camera nhiệt để điều chỉnh rào chắn khi có người di chuyển qua khu vực đang được thu gom rác. Robot SeaProtectorOne chạy bằng điện hoặc bằng pin.
Riêng trong năm 2022, SeaProtectorOn đã thu gom được 63.000 mảnh vụn rác thải trên các dòng sông của TP Aarhus.
Trải nghiệm robot thông minh “Robotanic” tại Vườn bách thảo Seoul
Tại Hàn Quốc, Seoul được đánh giá là thành phố thông minh nhất xét về mặt quản trị kỹ thuật số và dữ liệu công cộng. Việc ứng dụng công nghệ thông minh tại Seoul ngày càng phát triển mạnh mẽ kể từ khi thủ đô của Hàn Quốc triển khai chiến dịch công nghệ thông minh vào đầu năm 2014.
Từ tháng 3 năm nay, chính quyền Seoul đã đưa vào sử dụng hệ thống robot thông minh tại Vườn Bách thảo Seoul để du khách được trải nghiệm các ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (ICT), trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT).
Robotanic thực hiện công việc tuần tra đảm bảo an ninh 24/7 tại Vườn Bách thảo Seoul. (Ảnh: Smartcitiesworld.net)
Bên cạnh vai trò cung cấp thông tin chi tiết về Vườn Bách thảo Seoul, robot thông minh có tên gọi Robotanic còn đảm nhận công việc tuần tra đảm bảo an toàn cũng như mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Trong giai đoạn đầu, giới chức Seoul mới triển khai 3 hệ thống robot Robotanic tại những địa điểm có đông du khách tham quan, gồm khu nhà kính của Vườn Bách thảo Seoul và 2 khu vực ngoài trời khác.
Tại khu vực nhà kính, du khách có thể tương tác với Robotanic bằng hình thức trực tiếp (trực tuyến) hoặc hữu hình (ngoại tuyến).
Chương trình trải nghiệm Robotanic được áp dụng hai lần trong một ngày duy nhất là thứ Sáu hàng tuần và chỉ dành cho nhóm du khách từ 10 trở lên. Khách du lịch muốn sử dụng dịch vụ này tại Vườn bách thảo Seoul phải đăng ký trước qua mạng.
Trong 2 khu vườn ngoài trời, Robotanic cũng đảm nhận vai trò đảm bảo an toàn cho du khách, thực hiện giám sát tất cả các hoạt động trong công viên.
Hình ảnh do Robotanic ghi lại được gửi đến đơn vị quản lý của Vườn Bách thảo Seoul để cảnh báo cho bộ phận an ninh những tình huống bất thường, ví dụ như nguy cơ hỏa hoạn. Bên cạnh đó, Robotanic sẽ thực hiện công việc tuần tra trong công viên 24/7.
Theo kế hoạch, giới chức thủ đô Hàn Quốc sẽ bổ sung hệ thống robot Robotanic tại Vườn Bách thảo Seoul để người dân có nhiều cơ hội trải nghiệm các dịch vụ thông minh chất lượng cao.
Chuyển đổi số tại công viên quốc gia Singapore
Từ tháng 4 năm nay, Hội đồng Công viên quốc gia (NParks) Singapore bắt đầu triển khai mô hình quản lý cây xanh mới cho các công viên. Mô hình quản lý mới của NParks dựa vào hệ thống quản lý bằng kỹ thuật số của ngành cảnh quan Singapore, sau khi đơn vị này đã hoàn thành chương trình số hóa trong năm 2021.
Mô hình quản lý cây xanh mới này sẽ được triển khai đầu tiên tại công viên Bishan-Ang Mo Kio thông qua việc đấu thầu quản lý và bảo trì cảnh quan mới.
Công viên Bishan-Ang Mo Kio. (Ảnh: Nparks.gov.sg)
Chính phủ Singapore sẽ dành khoản tài trợ 7,5 triệu USD để ngành cảnh quan thúc đẩy chương trình chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ và số hóa của ngành trong tương lai.
Nguồn hỗ trợ tài chính này sẽ giúp các công ty cảnh quan và vườn ươm cây giống đầu tư cho việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật số mới. Khoản tài trợ trị giá 7,5 triệu USD sẽ được giải ngân thông qua hai chương trình – Chương trình Tiêu chuẩn với tổng vốn khoảng 3 triệu USD và Chương trình Đổi mới với 4,5 triệu USD.
Theo mô hình quản lý mới, NParks sẽ chọn lựa một nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi quản lý cây xanh tại công viên Bishan-Ang Mo Kio. Đơn vị trúng thầu sẽ hợp tác với NParks để áp dụng mô hình quản lý cây xanh bằng các công nghệ thông minh mới như nền tảng ứng dụng Maven 2.
Maven 2 là một nền tảng chung để quản lý cây xanh và quản lý thông tin từ nhiều công cụ kỹ thuật số khác nhau, gồm hệ thống quản lý cây từ xa (RTMS) được áp dụng ở Công viên Bishan-Ang Mo Kio và ứng dụng cảm biến Internet-of-Things (IoT) được triển khai tại Vườn quốc gia Jurong Lake Gardens.
Với chương trình chuyển đổi số, NParks sẽ nâng cao chất lượng quản lý hệ thống cây xanh tại các công viên. Các chuyên gia có thể kiểm tra chất lượng của cây mới trồng cũng như các cây trưởng thành nhanh hơn nhờ công nghệ chẩn đoán nâng cao.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý mới cũng giúp cơ quan quản lý thực hiện việc giám sát từ xa các dịch vụ trong công viên, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Giới chức Singapore kỳ vọng, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chương trình chuyển đổi số sẽ giúp Nparks cải thiện chất lượng quản lý hệ thống các công viên, nâng cao hiệu quả trong quản lý rủi ro với hệ thống cây xanh.
Theo ông Desmond Lee, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, mô hình quản lý mới của Nparks sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành cảnh quan tăng tốc “xanh hóa” thành phố, tiếp tục xây dựng danh tiếng theo định hướng là “Thành phố Thiên nhiên” trong Kế hoạch Singapore xanh năm 2030.
Nguyễn Phương
(Kinh tế & Đô thị)
- Cơ quan quản lý nhà nước sẽ sử dụng mô hình BIM hỗ trợ công tác thẩm định
- Xu hướng công nghệ xây dựng thông minh 2024
- Công nghệ UAV LiDAR mới từ YellowScan giúp thu thập dữ liệu địa hình chuyên sâu cho ngành Xây dựng
- Chuyển đổi số trong ngành Xây dựng - Nhìn từ Nhật Bản
- Công nghệ số thúc đẩy hoàn thiện dữ liệu kiến trúc quốc gia
- Áp dụng BIM trong công trình hạ tầng giao thông: Thách thức và giải pháp
- Tại những ngôi nhà thông minh: Công nghệ chăm sóc sức khỏe xuất hiện ở bất cứ đâu trong không gian sống
- Thành phố đầu tiên trên thế giới ra mắt dịch vụ Vũ trụ ảo
- Số hóa cố đô Huế