Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Tư vấn quy hoạch: Câu hỏi bên trong sáng kiến ngoại nhập

Tư vấn quy hoạch: Câu hỏi bên trong sáng kiến ngoại nhập

Viết email In

Kể từ khi mở cửa, không ít các dự án phát triển đô thị tại Hà Nội do tư vấn nước ngoài thực hiện. Bên cạnh những bài học thành công có thể cảm nhận được, vẫn có những băn khoăn trước nhiều ý tưởng quá mới mẻ trong các dự án ngoại nhập.

Chuyện con ruồi và tiêu chuẩn thiết kế khách sạn

Hà Nội những ngày đầy hứng khởi với không khí mở cửa, ở đâu cũng bàn chuyện liên doanh nước ngoài, cơ quan nào cũng xôn xao tây ta hội họp.

Đơn vị tôi có cái xưởng cưa ven hồ Tây, lổng chổng gỗ ván với gốc cây còn dính nguyên bùn đất, vài ngày lại có đoàn nước ngoài đến trình bầy phương án liên doanh khách sạn, văn phòng quốc tế... Có một phương án do KTS người Pháp trình bầy. Trong hội đồng tham vấn Việt Nam, có một giáo sư già, cựu sinh viên Mỹ thuật Đông Dương. Vốn nhiều lần làm việc với đồng nghiệp nước ngoài khi đi đây đi đó, là bậc trưởng lão trong giới, ông làm cho cuộc họp trở nên sinh động và hết sức thán phục bới những lời phát biểu bằng tiếng Pháp trôi chảy. Trả lời câu hỏi của ông: “Tại sao mặt chính tòa nhà không mở về hướng Nam, tại sao không mở cửa sổ nhìn ra mặt hồ nhằm tận dụng cảnh quan, đón gió Hồ Tây thổi vào?”.

Tác giả rất nhã nhặn bầy tỏ “Ông nói tiếng Pháp hay quá, chúng tôi thèm nói được tiếng Việt như ông. Còn công trình có rất nhiều cửa kính phải đóng kín về các hướng, vì với tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe, chỉ cần một con ruồi bay vào thì sẽ là một hình ảnh xấu, tác động đến toàn bộ hệ thống khách sạn của chúng tôi, vốn đã có mặt nhiều nơi trên thế giới. Giải quyết thông gió, chiếu sáng, chúng tôi vận hành bằng hệ thống tự động hóa ".

Thế mới biết, khi mở cửa có khối thứ giá trị mới khác hẳn những quan niệm mà ta vẫn tâm đắc lâu nay. Có không ít lý thuyết dầy công chắt lọc sẽ là vô dụng, chuẩn mực nền tảng sẽ phải lung lay khi phải đối mặt với hệ quy chiếu mới mẻ.

Tư vấn nước ngoài và các dự án hạ tầng đô thị VN

Có mặt từ 1990, tại Việt Nam có 93 văn phòng nghiên cứu (tư vấn) thuộc các quốc tịch: Nhật Bản, Pháp, Bắc Âu, Australia và New Diland, Tây Âu (ngoài Pháp và Anh), Anh, Mỹ và Canada, các quốc tịch khác...(xếp theo thứ tự từ nhiều đến ít hơn). Sự phân bố này cũng thể hiện tương ứng mức viện trợ song phương cho Việt Nam của Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Australia và dĩ nhiên là Nhật Bản, nước luôn dẫn đầu cung cấp ODA .

Tư vấn nước ngoài thường do các tổ chức lớn (tập đoàn trên 1000 nhân viên) chi phối hoặc trực tiếp (Systra, Jaakko Poyry, Luis Berger, GHD, Maunsell..vv) hoặc gián tiếp thông qua chi nhánh của họ, cũng thường có quy mô khá lớn (MVA, Soil and Water, Elektrowtt...). Tham gia còn có nhiều văn phòng nhỏ (dưới 50 nhân viên) thực hiện các dự án đơn lẻ.

Nổi bật hơn cả với chỗ đứng vững chắc là tư vấn Nhật Bản, dù có quy mô nhỏ hơn (có từ 500 -1500 nhân viên) nhưng được hưởng một thị trường “khép kín" nhờ hệ thống hợp tác của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hay của ngân hàng quốc tế Nhật Bản (JIBIC), tên tuổi của Nippon Koei, Pacific Consultants, NJSC Consultants CoLtd, Alme khá quen thuộc trong các dự án có nguồn tài trợ từ Nhật Bản.

Phân bổ các dự án theo lĩnh vực ở Hà Nội, tư vấn quốc tế tham gia dự án quy hoạch (4,7%); cảng (5%); sân bay (4,2%); giao thông (22,6%); môi trường (6%); rác thải (9,5%); thoát nước (11,3%); cấp nước (23,8%), còn lại là dự án kết hợp.

Nếu như các cơ quan hợp tác và tư vấn Phần Lan, Đan Mạch và Australia hoạt động khá năng động thì hầu hết tư vấn châu Á (không kể Nhật Bản) vắng mặt, chủ yếu là do ít viên trợ song phương cho Việt Nam, cũng như năng lực của họ chưa đủ để các tổ chức đa phương lựa chọn.

Quy hoạch Hà Nội trông đợi gì từ các tư vấn ngoại?

Trước đây, nhiều dự án phát triển đô thị được tư vấn nước ngoài soạn thảo nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài. Thực tế cũng cho thấy tính bấp bênh của nguồn vốn tư nhân nước ngoài: ưu tiên trong lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhiều nhất trong lĩnh vực BĐS do đó không đạt được mục tiêu đô thị hóa trên cơ sở xây dựng nhiều nhà ở và công trình công cộng và phương thức phù hợp cụng cấp nhà ở cho số đông thu nhập thấp.
 
Có thể kể ra không ít những dự án thuộc loại này trải dài từ Bắc sông Hồng đến dọc tuyến đường Láng - Hòa Lạc, phía Tây Hà Nội mở rộng. Những bài mẫu của tư vấn nước ngoài được tư vấn trong nước hay kết hợp tư vấn nước ngoài nhân rộng lên rất nhanh những sản phẩm tương tự.

Các dự án có nhiều bản vẽ bắt mắt, thuyết minh nhấn mạnh yếu tố quảng cáo, song rất khó tìm những tính toán tin cậy trong giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải, nước thải, công trình hạ tầng xã hội hay kỹ thuật công cộng kết nối...

Cái cần nhất là một tài liệu nghiên cứu, dự báo nhu cầu BĐS, lấy cơ sở từ khả năng thu nhập, tăng trưởng kinh tế, những hiệu ứng tương tác của thị trường vốn trong đầu tư BĐS hay phát triển sản xuất, các chính sách của Việt Nam sử dụng tài nguyên đất đai tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với điều kiện an sinh xã hội... Những bài toán hóc búa như thế này, tư vấn nước ngoài chắc có nhiều kinh nghiệm. Chỉ tiếc là cho đến nay chưa thấy (cũng có thể đã có nhưng khó tiếp cận).

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới - mà thế giới gần đây thì lại biến động phức tạp. Nên chăng, thay vì lệ thuộc vào một phương án duy nhất, ta có vài mô hình quy hoạch tương ứng với kịch bản tăng trưởng:

Phát triển nóng như Thâm Quyến, Thượng Hải thì ta cứ chung cư văn phòng cao cấp, biệt thự nhà vườn mà làm. Phát triển gặp nhiều khó khăn thì ta không vội làm đô thị sinh thái mà trồng rau sạch hay nuôi ba ba xuất khẩu; Hoặc giả dừng sân golf, khu vui chơi tổng hợp lại vài năm mà làm cái xưởng may, hay sản xuất hàng tiêu dùng... Bà con ta kiếm được, khả giả sẽ đi chơi golf hay nghỉ ngơi sinh thái sau, lúc ấy chưa muộn... Có nhiều gợi ý, ví dụ đại loại như vậy.

...Trong các dự án hạ tầng đô thị, một số dự án triển khai thành công, nên tư vấn nước ngoài được đánh giá cao. Tuy vậy vai trò của tư vấn nước ngoài còn hạn chế, một phần do nhà tài trợ áp đặt, mặt khác do khó khăn thu thập số liệu và hệ thống quyết sách công...

Tại Việt Nam ,vai trò tư vấn quốc tế là người chuẩn bị mặt bằng cho xuất khẩu thiết bị (hay vốn đầu tư).

Ngoài ra, tư vấn là đòn bẩy phát triển tại nước được hưởng viện trợ quốc tế tiếp nhận những mô hình: Thí dụ như khuyến khích việc đốt rác hơn là chôn rác, ưu tiên giao thông đô thị trên cao hặc ngầm dưới đất hơn giao thôn công chính trên mặt đất ; Lựa chọn hệ thống lọc nước thải tập trung hơn là các đơn vị nhỏ xử lý nước được phân cấp
”(2)

Trước thực trạng vấn nạn ô nhiễm rác thải, nước thải đô thị, giao thông ùn tắc tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã đặt ra những câu hỏi để các đối tác Việt Nam cần phối hợp với tư vấn nước ngoài đưa ra lời giải thỏa đáng.

Tuy vậy, những thảo luận với tư vấn nước ngoài lại cần những nhà chuyên môn không những biết tiếng nước ngoài mà còn phải có kiến thức cần thiết (cập nhật thông tin từ internet nhanh/rẻ nhất). Có lẽ chúng ta đang rất thiếu, bằng chứng là ở lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật đô thị nào, không dễ tìm trên mạng các thảo luận, so sánh phân tích để chọn ra phương án tối ưu bằng tiếng Việt, kể gì đến tiếng nước ngoài.

Bằng phương tiện truyền thông hiện nay, có thể huy động được nhiều ý kiến giá trị từ các nhà khoa học thực sự. Báo chí Việt Nam đã đưa tin các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã đưa ra những ý kiến phản biện rất sâu sắc và thuyết phục đối với các nhà tư vấn nước ngoài trong các công trình nghiên cứu kinh tế Việt Nam.

Trong lĩnh vực quy hoạch hay phát triển hạ tầng đô thị, các dự án do tư vấn nước ngoài công bố rộng rãi, chắc chắn sẽ nhận được những thảo luận xây dựng và thiện chí. Cũng có thể mời tư vấn nước ngoài này đánh giá một cách khách quan các dự án do tư vấn nước ngoài khác thực hiện. Chính bài viết này cũng dựa trên một tài liệu như vậy.


Tài liệu tham khảo:

(1) Nghiên cứu của ÉricBaye (Kinh tế và nhân văn) thực hiện với sự phối hợp của Jean-Michel (phòng nghiên cứu Kinh tế giao thông vận tải), Tôn Nữ Quỳnh Trân (CEFURD-TpHCM), Nguyễn Thiện Phú (NCS-TS-Đại học Lyon II), Ts. Lauren Pandolfi & Nguyễn Ngọc Hiếu (Viện đào tạo chuyên ngành đô thị - HN) - Bài viết “Các cơ quan tư vấn quốc tế và mối quan hệ với chuyên ngành tư vấn thiết kế trong lĩnh vực đô thị" - trong cuốn sách “Đô thị Việt Nam trong thời kỳ quá độ” NXB KHKT - Hà Nội 2004

Bài viết sử dụng tài liệu của TS Lauren Pandolfi - ĐH tổng hợp Paris VIII, Viện đô thị Pháp -“Dự án quy hoạch Hà Nội: những bất ổn trong việc chuyển sang quy hoạch theo kinh tế thị trường” trong “Hà Nội - chu kỳ của những đổi thay" -  NXB KHKT.


(2) Trích lược nghiên cứu của ÉricBaye“ Các cơ quan tư vấn quốc tế ... “ đã dẫn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo