Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Chuyên mục Nội - ngoại thất Lối rẽ bất ngờ với nghề thiết kế của Alexander Doherty

Lối rẽ bất ngờ với nghề thiết kế của Alexander Doherty

Viết email In

Trước khi trở thành nhà thiết kế nội thất nổi tiếng, Alexander Doherty là cố vấn nghệ thuật tại Paris, sau đó tới New York theo đuổi nghề diễn xuất. Ông còn là gia sư tiếng Pháp và đảm nhận vị trí giám đốc kinh doanh của một công ty vải hàng đầu nước Mỹ. Phải chăng những trải nghiệm thú vị được tích cóp qua nhiều công việc, vị trí đã làm nên những dự án có chiều sâu và mang đậm dấu ấn cá nhân mà các tạp chí uy tín thường xuyên đăng tải và khen ngợi?

Những sắp đặt tình cờ

Suốt 10 năm làm việc như một cố vấn nghệ thuật tại Paris, Alexander Doherty thường xuyên lui tới các khu chợ trời tìm kiếm đồ nội thất, trang trí cổ, cũ. Nhưng chừng ấy sự nhạy cảm với thẩm mỹ vẫn chưa đủ sức ảnh hưởng đến quyết định thay đổi nghề nghiệp của ông.

Mãi đến năm 1997, ông rời Pháp đến New York theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Để trang trải cuộc sống, ông nhận kèm riêng tiếng Pháp và bất ngờ được một khách hàng đề nghị vào làm tại Travers Fabric House - công ty vải hàng đầu nước Mỹ. Vào thời điểm đó, ông nhận ra diễn xuất không phải là con đường phù hợp dành cho mình nên đã đồng ý gia nhập Travers ở vị trí giám đốc kinh doanh quốc gia. Chính công việc này tạo cơ hội cho ông tiếp xúc, gặp gỡ nhiều nhà thiết kế, trang trí nội thất khắp châu Âu; đam mê thiết kế từ thuở nhỏ trong ông “bắt lửa” bùng lên mạnh mẽ.

Ông quyết định học thiết kế ngắn hạn và nhận trang trí miễn phí căn hộ cho hai người bạn vào năm 2006. Ông không hề biết những người bạn này đã chia sẻ hình ảnh căn hộ và thông tin của ông trong giới thượng lưu với nhiều lời ngợi khen về năng lực. Càng bất ngờ hơn, ông có khách hàng sau đó và sự nghiệp của ông “lên như diều gặp gió”.

Tên tuổi ông thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu như: Architectural Digest, The Wall Street Journal, House & Garden, New York Spaces, The Huffington Post, Cottages & Gardens, Introspective Magazine… 


Sự sang trọng, trường tồn với thời gian là đặc trưng rõ nét trong phong cách thiết kế của Doherty


Không gian Chiết Trung thanh lịch vượt thời gian

Lối thiết kế thanh lịch, bảo tồn dấu vết thời gian

Những dự án do Alexander Doherty thực hiện đều có sự chuyển tiếp đầy ý nhị giữa yếu tố cũ - mới, truyền thống - hiện đại bằng cách kết hợp nội thất của thế kỷ 18, 19, 20 với đồ nội thất đương đại. Ông cũng khá cầu toàn trong tư duy thiết kế và thẩm mỹ, bởi vậy từng chi tiết, đường nét liên tục được chăm chút, tinh chỉnh; vật liệu, màu sắc, khối dáng từng món đồ phải đắn đo, cân nhắc cẩn trọng trước khi phối kết hợp với nhau. Có như vậy, khách hàng mới sở hữu một không gian hoàn hảo, trọn vẹn. Điển hình như:

150 Charles Street II

Đây là căn hộ duplex rộng 3800 ft2 tại West Village của đôi vợ chồng làm trong ngành thời trang. Vì khách hàng muốn trải nghiệm không gian đa sắc màu ấn tượng, Doherty đã lựa chọn cho mỗi căn phòng một sắc thái riêng biệt.

Nếu sảnh chờ và cầu thang được ốp gỗ sồi và sơn màu cafe để tạo hiệu ứng chiếc kén thì phòng khách được bao bọc bởi sắc cam đất và xanh cỏ cây, xanh ngọc bích tự nhiên. Phòng bếp sạch sẽ với sắc trắng cổ điển còn phòng ngủ trầm lắng với sắc xanh biển và nâu xám.

Ngoài màu sắc, những món đồ nội thất của Jacques and Dani Ruellands, Rogers and Goffigon, Luigi Massoni, Aero, Gerald Bland…; những chiếc bình, ghế đẩu, phụ kiện trang trí vintage được Doherty tìm mua ở chợ trời Paris và những tác phẩm nghệ thuật của Francis Bott cũng được lựa chọn kỹ lưỡng rồi kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một công trình duplex xa hoa, gợi nhắc tới lối sống thượng lưu đẳng cấp. 


Cầu thang uốn lượn ốp gỗ sồi và sơn màu cafe tạo hiệu ứng như một chiếc kén. Tường phòng khách sơn hiệu ứng giả da là phông nền hoàn hảo để sắp đặt nội thất nhiều màu


Đồ nội thất, trang trí xen cài tinh tế

212 Fifth Avenue

Alexander Doherty tình cờ nhìn thấy căn hộ có trần cao 15 foot này khi đi ngang qua một tòa nhà trên đường Manhattan và đã thuyết phục khách hàng của mình đầu tư. Sau đó, với ngân sách $318.000, Alexander Doherty đã cải tạo căn hộ 2 phòng ngủ thành căn hộ cao cấp với phòng khách nối liền bếp, thư viện rộng rãi và một phòng ngủ ấm cúng.

Đương nhiên vẫn là góc nhìn có chiều sâu về thiết kế và sự chăm chút đến từng chi tiết của Doherty đã làm nên vẻ đẹp thanh lịch cho căn hộ: họa tiết khảm rơm thủ công trên cửa mở vào thư viện tại gia, chiếc bàn đúc so le màu vàng chanh do chính Doherty chế tạo, ghế đặt riêng đến từ nhà Jonas, bàn ăn đến từ nhà thiết kế người Ý Angelo Mangiarotti, đèn điêu khắc của nghệ nhân John Procario, thảm custom làm từ lông cừu và lụa của Beauvais Carpet…


Căn phòng 7 sắc cầu vồng


Những cánh cửa khảm rơm thủ công đầy nghệ thuật và tinh xảo


Khung cảnh ban đêm đầy sức hút

Private Residence

Doherty đã mất 3 năm để hoàn thành căn hộ đắt đỏ và đẳng cấp bậc nhất Manhattan. Tường, sàn và trần được bao phủ bởi các tấm ốp tùy chỉnh làm từ vật liệu cao cấp như: gỗ sồi Cerused, thạch cao Venice, sơn mài có độ bóng cao, vàng lá 24 carat, paladi, đá cẩm thạch Ý, nhung và gạch khảm. Tất cả đều làm thủ công bởi Jallu Ébéniste ở Pháp, sau đó vận chuyển đến Mỹ và được nghệ nhân lắp ráp tại chỗ.

Bên trong căn hộ còn có sự góp mặt của nhiều tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Art Deco và chủ nghĩa Hiện đại những năm 1920 - 1950 và những món đồ của các thương hiệu nội thất cao cấp thế giới như: André Arbus, Jules Leleu and Jacques Adnet, Gio Ponti, Maison Jansen, André Arbus…


Alexander Doherty đã lựa chọn vật liệu đắt đỏ bậc nhất thế giới để tô điểm vẻ đẹp có một không hai này cho căn hộ


Những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Art Deco tạo điểm nhấn ấn tượng cho căn hộ


Những góc phòng mang hơi thở cổ điển sang trọng

Theo dõi Alexander Doherty tại: alexanderdohertydesign.com
Tư liệu & hình ảnh: Alexander Doherty

EMMA PT

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 204)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo