Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Nội - ngoại thất Màu sắc trong kiến trúc chữa lành

Màu sắc trong kiến trúc chữa lành

Viết email In

Màu sắc, một thế giới huyền ảo, diệu kỳ, hấp dẫn và thú vị. Nó tôn lên vẻ đẹp cho từng vật thể. Nó làm giàu trí tưởng tượng cho chúng ta. Màu sắc không chỉ là một phần thiết yếu của thế giới quan mà nó còn gắn liền với năng lượng. Mỗi màu sắc sở hữu một bước sóng và năng lượng khác nhau và nó ảnh hưởng đến người sử dùng trong không gian đó.  

Từ ngàn xưa, trong y học cổ đại đã phát hiện ra rằng: cơ thể của con người có 7 Luân Xa (Chakra, tiếng Phạn). Đây là những trung tâm năng lượng có vai trò điều hòa sức khỏe của chúng ta từ tinh thần, cảm xúc cho đến thể chất. Mỗi Luân Xa gắn liền với một màu. Khi có bất kỳ một sự mất cân bằng nào trong các Luân Xa, nó đều có ảnh hưởng đối với cơ thể hay tinh thần của chúng ta. Nếu các dòng năng lượng chảy qua các Luân Xa đều thông suốt thì con người sẽ có một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện và nó sẽ dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc.

Màu sắc là một trong 4 yếu tố căn bản trong thiết kế (màu sắc, chất liệu, hình khối và ánh sáng). Trong kiến trúc chữa lành, vai trò của màu sắc là cực kỳ quan trọng. Điều đáng nói là khi chúng ta tăng cường cảm giác về màu sắc nhiều hơn thì nó sẽ giúp cho chúng ta kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình. Từ đó, cơ thể và tâm trí sẽ nhất thể hòa hợp và giúp hỗ trợ phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Khi màu sắc được sử dụng khéo léo, tinh tế trong không gian kiến trúc của bệnh viện hay tại những cơ sở khám chữa bệnh, nó làm cho người sử dụng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và bình an so với môi trường thực tế ô hợp vốn chất chứa rất nhiều lo âu và căng thẳng. 

Thế giới màu sắc dưới góc nhìn kiến trúc chữa lành

Đời sống và sinh hoạt ở bệnh viện được xem như là một cộng đồng xã hội thu nhỏ với nhiều loại khu vực: phòng bệnh có thân nhân chăm sóc, khu chăm sóc đặc biệt, các chuyên khoa, các phòng xét nghiệm, phòng chức năng, nhà hàng, công viên, nhà nguyện… Với những không gian đặc biệt và đa dạng đó, bài toán được đặt ra là làm sao có thể mang đến một sự trải nghiệm tích cực cho tất cả các nhóm người sử dụng khác nhau: bệnh nhân, thân nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên, khách thăm... Kiến trúc chữa lành là xu hướng kiến trúc đương đại, rất nhân văn và hướng đến việc nâng cao các tác động của môi trường đối với bệnh nhân, nhằm tạo sự an toàn, thoải mái giúp giảm thời gian điều trị và giúp hỗ trợ hồi phục nhanh cho người bệnh.

Trong thiết kế bệnh viện, màu sắc liên quan đến tường, cửa, trần nhà, sàn nhà, đồ nội thất, hình khối, tranh ảnh, hệ thống chỉ dẫn, tiểu cảnh trang trí… Mỗi màu sắc có một ý nghĩa và nó cần ứng dụng sao cho thật hiệu quả. Bởi ngoài yếu tố thẩm mỹ, tùy theo đặc điểm của không gian, đối tượng, nhu cầu… mà kiến trúc sư hay nhà thiết kế có thể tạo ra môi trường làm thay đổi đáng kể tâm trạng của bệnh nhân cũng như  mang lại nhiều lợi ích chữa lành cho cơ thể người bệnh thông qua sự kết hợp hài hòa màu sắc. Qua bánh xe màu sắc được phát hiện từ Newton, chúng được chia thành hai nhóm chính: 

Tông lạnh

Đó là nửa vòng tròn từ các màu xanh lam, xanh ngọc, xanh lục, tím... Tông màu lạnh mang lại cảm giác nhẹ nhàng, ít kích thích thị giác, thời gian dường như trôi nhanh hơn, vật nặng trở nên nhẹ hơn và căn phòng trông thoáng rộng hơn. Do đó, các màu tông lạnh thường được sử dụng trong không gian với tính chất của công việc điển hình, truyền thống, quy trình chuẩn.

Nhưng khi sử dụng tông màu lạnh quá nhiều có thể tạo ra một không gian đơn điệu, nhàm chán.

Tông nóng

Đó là nửa vòng tròn chứa các màu của quang phổ đỏ, vàng, cam... Tông màu nóng có tác dụng kích thích thị giác mạnh hơn nên nó được sử dụng để tạo thêm năng lượng cho không gian. Do đó, trong không gian có nhiều màu tông nóng, nó làm cho thời gian có vẻ trôi chậm hơn, các vật thể dường như to hơn và nặng hơn, không gian phòng có vẻ nhỏ hơn. Khi kết hợp sử dụng các màu nóng, tràn đầy năng lượng trong các môi trường có những điểm trầm và tĩnh lặng sẽ giúp tạo ra cảm giác ấm áp và có sức sống hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng các gam màu nóng, cần chú ý mức độ phù hợp nếu không sẽ dẫn đến cảm giác lo lắng, căng thẳng. 

Phòng bệnh nhân

Điều quan trọng đối với bệnh nhân là có được cảm giác thoải mái, riêng tư, sự hòa nhập, sự thích nghi của thân nhân chăm bệnh. Mặc khác, bệnh nhân cũng cần có cảm giác kết nối với thế giới bên ngoài, không tách biệt hoàn toàn, vẫn cảm nhận được nhịp điệu cuộc sống của xã hội. Và đây là một số gợi ý: ánh sáng hắt trần dịu nhẹ, có tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ thiên nhiên, khung cửa sổ nhìn ra thiên nhiên, có không gian, chỗ ngủ cho thân nhân, có bàn và hộc tủ chứa đồ đạt có khóa cho mỗi bệnh nhân, có khu vực thao tác thuận tiện cho nhân viên, người sử dụng có thể tự điều chỉnh máy lạnh, ti vi… Màu tường thì thường là màu có tông nóng nhẹ, sáng, hạn chế tông màu lạnh vì có thể ảnh hưởng đến nhiễu sắc trên màu da của bệnh nhân, nhất là ở các khoa cần thăm khám chặt chẽ tình trạng người bệnh.

Một nghiên cứu năm 1984 của Roger Ulrich tiết lộ: phòng bệnh nhân có cửa sổ hướng ra thiên nhiên sẽ cần ít thuốc giảm đau hơn. Các nghiên cứu sau đó cũng cho thấy rằng phòng bệnh có cửa sổ nhìn ra thiên nhiên hoặc hình ảnh thiên nhiên sẽ giúp bệnh nhân có phản ứng cảm giác đau thấp hơn, dùng thuốc ít hơn và thời gian lưu lại bệnh viện cũng ngắn hơn.

Viện dưỡng lão Paimio - Alvar Aalto – Với thời gian lưu trú dài và chủ yếu là nghỉ dưỡng nên trần của các phòng bệnh được sơn màu xanh lá cây nhẹ để giảm ánh sáng chói từ bên ngoài. Bệnh nhân dành phần lớn thời gian để nằm nghỉ nên trần nhà màu xanh lá cây nhẹ cũng giúp giảm mỏi mắt. Các không gian công cộng trong tòa nhà được ưu tiên ánh sáng tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên.

Bệnh viện phục hồi chức năng Sheltering Arms, US – Màu xám làm chủ đạo và kết hợp điểm nhấn tường màu xanh biển nhạt làm giúp dịu mắt. Cùng với đó, đồ nội thất có gam màu xanh và màu gỗ là rất hài hòa, tất cả tạo nên một không gian nội thất thoải mải, nhẹ nhàng và thư giãn.

Bệnh viện The Royal Children’s Hospital, Melbourne, Úc – Màu trắng kem chủ đạo thống nhất từ tường cho đến trần, sàn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi ấm cúng, với điểm nhấn là vật dụng nội thất màu vàng nổi bật làm tăng lên tính vui tươi, tinh nghịch cho căn phòng nội trú khoa nhi.

Khu phẫu thuật

Môi trường phẫu thuật sẽ tốt nhất khi mang lại cảm giác êm dịu và nhẹ nhàng cho bệnh nhân cũng như tạo ra bầu không khí làm việc chuyên nghiệp và đầy cảm hứng cho đội ngũ y bác sĩ. Tùy thuộc vào các loại phẫu thuật (nội khoa, ngoại, tim, xương, cấp cứu…) mà việc lựa chọn về màu sắc có thể khác nhau. Nhìn chung thì sự lựa chọn thường nghiêng về các màu trung tính hoặc các màu nhạt của xanh ngọc, xanh lam, xanh lá cây…  Do các màu chủ đạo này thuộc tông lạnh nên cũng cần điểm xuyến, nhấn nhá thêm các màu tông nóng để tạo thêm năng lượng cho nhân viên.

Trong một vài trường hợp đặc biệt, phòng phẫu thuật được trang bị hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED với các bộ lọc có thể thay đổi màu của ánh sáng. Cùng với đó, người ta dùng các tấm kính để che các thiết bị và một đôi khi người ta lại khắc hình ảnh thiên nhiên lên đó. Song song với đó thì các màu sắc êm dịu thường được sử dụng trong các khu vực chăm sóc hậu phẫu nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhàng khi nghỉ ngơi.

Bệnh viện The Royal Children’s Hospital, Melbourne, Úc – Ở đây người ta chọn màu trắng xám làm chủ đạo là mong đem lại cảm giác yên bình, nhẹ nhàng. Cùng với đó, kết hợp điểm nhấn là mảng tường xanh dịu mát làm cho không gian phẫu thuật tăng thêm tính hài hòa, êm dịu.

Phòng cấp cứu

Môi trường khẩn cấp mà chúng ta quan tâm là những khu vực cần có màu nghiêng về thiên nhiên, dịu nhẹ với những gam màu sậm (những màu được pha trộn nhiều màu xám để giảm nhẹ sắc độ) nhằm giúp người bệnh cảm thấy an toàn, thoải mái nhưng đồng thời vẫn đảm bảo cho y bác sĩ thực hiện công việc một cách có hiệu quả. Một đặc điểm nữa cần lưu ý cho phòng cấp cứu là nên sử dụng các vật liệu làm cho âm thanh giảm xuống và hạn chế khả năng lây lan của vi khuẩn.

Bệnh viện Dandenong, Melbourne, Úc – Tông trắng xám - xanh lá cho khu cấp cứu như thể hiện sắc màu tự nhiên dịu nhẹ mang lại cảm giác an toàn, thoải mái.

Bệnh viện Vall d’Hebron University, Barcelona, Tây Ban Nha – Tông màu trung tính cho ta cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng, kết hợp với vài điểm nhấn có các màu nóng đã được giảm nhẹ sắc độ như thể tiếp thêm năng lượng tích cực cho khu vực cấp cứu.

Ngoài ra, việc lựa chọn màu sắc khi thiết kế còn dựa trên các yếu tố khác mà kiến trúc sư phải cân nhắc. Mô hình hoạt động của bệnh viện, ví dụ như bệnh viện sản phụ, nhi khoa, viện tim thì nội thất và màu sắc được sử dụng sẽ khác với bệnh viện đa khoa. Vị trí và bản sắc văn hóa nơi bệnh viện tọa lạc. Ví dụ: ở trung tâm đô thị thì bệnh viện có thể mang màu sắc khác so với khu vực địa phương, nơi gắn liền với thiên nhiên. Nguyên tắc chính trong thiết kế chữa lành khi chọn màu sắc là không sử dụng những màu gây căng thẳng cho bệnh nhân hoặc nhân viên bởi vì sau tất cả, màu sắc sẽ gợi lên cảm xúc. Thường thì kiến trúc sư sẽ không sử dụng quá nhiều màu mà chỉ khoảng ba đến bốn màu trong một không gian nội thất vì thông thường nhiều màu quá sẽ dễ gây nhầm lẫn trong tâm trí và có thể tạo ra căng thẳng cho người sử dụng trong không gian đó. Nói cách khác, màu sắc cần được sử dụng sao cho có cái nhìn hài hòa và thêm các màu tương phản hoặc điểm nhấn với mức độ nhỏ để tạo nên phần khác biệt, ấn tượng và năng lượng.

KTS Trần Quang Hưng - CEO công ty HA+
 
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 198)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo