Hiện nay, 1.912 doanh nghiệp đang triển khai việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính (KNK) năm 2023. Đa phần doanh nghiệp lần đầu thực hiện công việc này nên khó tránh khỏi vướng mắc như chưa rõ quy mô thông tin cần báo cáo, phương pháp tính toán kiểm kê; trong khi cơ quan thẩm định tại địa phương băn khoăn việc thiếu nhân lực có trình độ phù hợp.
Hệ thống tận dụng nhiệt dư của nhà máy xi măng giúp giảm phát thải KNK.
Từng bước gỡ vướng kiểm kê khí nhà kính
Kể từ năm 2023, doanh nghiệp phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK của cơ sở cho năm trước kỳ báo cáo trước ngày 31/3 hàng năm. Phạm vi báo cáo bao gồm phát thải KNK từ nguồn trực tiếp và gián tiếp do doanh nghiệp sở hữu, kiểm soát. Thực tế, đã qua thời hạn báo cáo năm nay nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể gửi báo cáo. Dù chưa có đánh giá chính thức về vấn đề này nhưng nhìn chung, khó khăn trước mắt là nguồn lực cho các hoạt động và năng lực về chuyên môn của doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước chưa quen với việc thu thập, xử lý số liệu, tính toán kiểm kê KNK tại cơ sở.
Theo ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT), cả nước hiện có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, trong đó, có dưới 5% doanh nghiệp lớn và đủ năng lực kỹ thuật, tài chính để tự thực hiện kiểm kê KNK. Còn lại, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể bố trí nhân lực có kinh nghiệm, năng lực thực hiện công tác kiểm kê.
Do đó, ưu tiên hiện nay là doanh nghiệp có thể thực hiện báo cáo số liệu giảm phát thải với các yêu cầu đơn giản nhất. Đây là nội dung rất mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện ở Việt Nam nên cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều có những khó khăn nhất định. Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hội thảo tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các văn bản quy định chi tiết cho doanh nghiệp và cán bộ Sở TN&MT các địa phương. Cục BĐKH cũng phối hợp với các bộ, ngành tập huấn các phương pháp tính toán kiểm kê phát thải phổ biến hiện nay trong lĩnh vực xi măng, thực phẩm và đồ uống, quản lý chất thải; tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
Bộ cũng đã gửi công văn hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp về các bước cung cấp thông tin cho Bộ TN&MT. Các cán bộ, chuyên gia của Cục BĐKH vẫn giữ liên lạc với doanh nghiệp và sẵn sàng hướng dẫn họ thực hiện tính toán, đo đạc phát thải KNK.
Tương tự, Bộ Công Thương khi ban hành công văn hướng dẫn cũng cử cán bộ, chuyên gia phụ trách giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình khai báo thông tin cho từng lĩnh vực; phối hợp với các Sở Công Thương, doanh nghiệp cùng tính toán kiểm kê KNK cho mỗi cơ sở. Ngành Công thương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất (chiếm 87%) và phân bổ trải rộng ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Điều này đặt ra thách thức trong việc đưa ra biểu mẫu thu thập số liệu chung cho toàn ngành đảm bảo khách quan, minh bạch và đạt độ chính xác cao theo thực trạng của doanh nghiệp.
Sẽ cập nhật danh sách đơn vị phát thải lớn
Thời điểm này, Bộ TN&MT đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát danh mục cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, trình Thủ tướng Chính quyết định cập nhật danh mục vào năm 2024 (theo quy định phải cập nhật 2 năm 1 lần). Các cơ sở có tên trong danh mục phải cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ TN&MT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo quy định, từ năm 2026, các cơ sở phải giảm phát thải KNK theo hạn ngạch phát thải do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Bộ TN&MT phân bổ cho từng doanh nghiệp. Bộ đang trong quá trình nghiên cứu để phân bổ công bằng, minh bạch, trên cơ sở báo cáo kiểm kê năm 2025 của doanh nghiệp và kết quả thẩm định của địa phương, bộ quản lý.
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục BĐKH chia sẻ, doanh nghiệp là đối tượng chính đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong giai đoạn khuyến khích 2023 - 2025, doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch giảm phát thải, triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của mình. Lượng phát thải KNK bắt buộc phải giảm từ năm 2026, bởi vậy, khi triển khai kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ đồng thời có sự chuẩn bị đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện.
Từ góc độ cơ quan thẩm định báo cáo kiểm kê của doanh nghiệp, nhiều ý kiến từ Sở TN&MT các địa phương cho rằng, khối lượng công việc khá lớn trong khi đội ngũ cán bộ thực thi còn ít ỏi, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê.
Các chuyên gia nhận định, việc có tên trong danh mục phải kiểm kê KNK không hẳn là gánh nặng, mà còn đem đến cơ hội cho doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước. Bên cạnh nguồn tài chính bổ sung cho tái đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tham gia thị trường còn có thể giảm chi phí cho cơ chế thuế các-bon đánh vào các mặt hàng nhập khẩu vào châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ cuối tháng 10/2023... Bộ TN&MT hiện đang nghiên cứu cơ chế này để tiến tới đề xuất xây dựng thuế các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trung Nguyên
(Báo Tài nguyên & Môi trường)
- Điều phối đồng bộ giữa các phân ngành năng lượng với quy hoạch khác
- Bốn vấn đề nan giải của ngành điện
- Trước ngưỡng nguy hiểm trái đất nóng lên: Mục tiêu hãy còn xa!
- Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo
- Chỉ số xanh cho địa phương: giải bài toán phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường
- Quy hoạch điện 8 cần có cách tiếp cận mới
- Cần những bước tiến trong chính sách để duy trì đà phát triển năng lượng tái tạo
- Lượng khí thải CO2 tăng mạnh do cháy rừng ở Bắc bán cầu
- Úc có thể đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than 20 năm tới
- 9 dự án carbon thấp được chọn tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu