Ashui.com

Friday
Mar 29th

Ăn của rừng...

Viết email In

Đi máy bay từ Hà Nội vào TPHCM, vào những ngày đẹp trời, nhìn từ cửa sổ, tôi có thể thấy gần như bao quát toàn bộ Tây Nguyên. Nhưng niềm vui sướng được ngắm Tây Nguyên hùng vĩ ngày càng ít đi. Thay vào đó là nỗi lo ngại những mảng rừng xanh thưa đi từng ngày. Những khoảng rừng trọc, nhiều nơi còn loang lổ màu đất đỏ của những công trường xây dựng.  


Từ 2010-2016, Tây Nguyên mất thêm 180.000 héc ta rừng.
(Ảnh: Kinh Luân) 

Trong hơn năm năm gần đây, từ 2010-2016, Tây Nguyên mất thêm 180.000 héc ta rừng. Trong hơn 3,3 triệu đất rừng và đất lâm nghiệp, diện tích rừng còn lại chỉ khoảng 2,5 triệu héc ta. Trong khi đó, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), kế hoạch trồng rừng thay thế trong ba năm, từ 2014-2016 chỉ là xấp xỉ 21.500 héc ta. Nghĩa là, nếu hoàn thành đúng kế hoạch, chỉ trồng được hơn 10% diện tích rừng thay thế cho diện tích rừng đã mất. 

Chưa có báo cáo chính thức từ Bộ NN&PTNN, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý rừng, về tổng số diện tích rừng đã mất, cũng như kết quả trồng rừng thay thế, nhưng ảnh chụp vệ tinh, được công bố rải rác trong các hội thảo và ấn phẩm khoa học, cho thấy ở các vùng khác, xu hướng mất rừng cũng tương tự như Tây Nguyên. Qua ảnh vệ tinh, có thể thấy từng mảng rừng lớn đã mất đi theo thời gian. 

Thủy điện, sau những đợt xả lũ khiến người dân điêu đứng, thường được nhận diện như tác nhân phá rừng số 1.

Thực tế, chuyển đổi rừng cho mục đích kinh tế cũng là nguyên nhân khiến mất rừng nhiều nhất. Trở lại với Tây Nguyên, số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ở Việt Nam, chỉ tính trong vòng có năm năm, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp, với tổng diện tích gần 216.000 héc ta. Trong khi đó, diện tích chuyển đổi rừng cho thủy điện ở Tây Nguyên chỉ khoảng 5.000 héc ta.

Nhưng dù là tác nhân nào đi nữa, thủy điện hay kinh tế, rừng cũng đều đã bị phá. Và tác động cộng hưởng của thủy điện (xả lũ), lẫn mất rừng (mất nơi trữ nước) là những trận lũ nghiêm trọng với thiệt hại nhân mạng, thiệt hại kinh tế ngày càng lớn trong những năm vừa qua.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2012, có tới 1.097 dự án thủy điện được cấp phép. Nếu so sánh với giai đoạn những năm 2000 trở về trước, thủy điện là những công trình lớn và số lượng đếm trên đầu ngón tay, thì con số 1.097 nói trên thực sự là khổng lồ (sau này Bộ Công Thương có rà soát, thu hồi giấy phép một số dự án).

Đánh giá tác động môi trường (DTM) với các dự án thủy điện đã được luật hóa và bắt buộc thực hiện từ năm 1993. Với hơn 1.000 dự án, đồng nghĩa hơn 1.000 bản DTM, không rõ chất lượng những bản DTM thế nào. Nhưng hậu quả thực tế, thể hiện qua những thiệt hại sau từng trận lũ thì đã rõ. Đó là còn chưa kể, các dự án chuyển đổi rừng sang các mục đích kinh tế khác - mà tác hại với môi trường, với đa dạng sinh học và hệ sinh thái không thua kém gì thủy điện - không nằm trong diện phải đánh giá DTM. Rừng phòng hộ Phú Yên bị phá chuyển sang nuôi bò. Rừng Cát Bà, rừng Sơn Trà, Bạch Mã, Cù Lao Chàm... bị xẻ thịt để làm du lịch sinh thái. Lâm tặc phá rừng đã đành. Đáng nói hơn, cho dù có đầy đủ hệ thống luật lệ (Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai) và đầy đủ bộ máy, từ kiểm lâm, đến nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, rừng vẫn bị phá, một cách đúng “quy trình”. 

Trước bức tranh tồi tệ về nạn phá rừng và sự yếu kém trong việc bảo vệ và phát triển rừng, động thái gần đây của Chính phủ - đóng cửa rừng, tạm dừng cấp phép, triển khai các dự án thủy điện nhỏ - là đúng đắn. Nhưng Chính phủ cần một nỗ lực tổng thể, chứ không đơn thuần dựa vào các bộ, ngành với quyền lực hành chính đang phân mảnh giữa các bộ NN&PTTN, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Du lịch như hiện nay. Trước hết, cần bắt đầu việc rà soát để có dữ liệu chính xác và minh bạch các loại rừng còn, mất bao nhiêu. Hệ thống hóa toàn bộ luật lệ liên quan đến đất và rừng để phát hiện những điểm chồng chéo và cả những lỗ hổng. Tiếp đến, phức tạp và khó khăn hơn, rà soát việc chồng lấn chức năng nhưng lại giúp đùn đẩy trách nhiệm giữa một loạt đầu mối quản lý ngành. Quy về một đầu mối, có quyền lực hành chính mạnh, có thể truy trách nhiệm rõ ràng, minh bạch thông tin và số liệu; từ đó, mới có thể mong có một bộ máy hiệu quả để thực thi luật.

Và cuối cùng, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc. Một cuộc điều trần toàn diện về rừng, về thủy điện là điều người dân đang mong mỏi ở cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. 

Sa Nam 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo