Ngôi nhà ống Jalan Elok ở Singapore (giải thưởng President’s Design Award 2008) được thiết kế bởi KTS Chang Yong Ter một lần nữa cho chúng ta thấy được sự chiến thắng của con người đối với thiên nhiên.
Đây là một trong những lời giải của bài toán làm sao đưa được thiên nhiên vào trong thành phố ngay ở trong những không gian tư hữu nhỏ. Thiên nhiên ở đây được “dàn cảnh” để trở thành phần tử quan trọng của ngôi nhà.
Những bức tường “xanh” được sử dụng ở đây đến từ kỹ thuật trồng vườn mới. Chúng có thể được đặt ở trong nhà hay ngoài trời. Ngoài tính trang trí như một bức tranh “sống” thay đổi cùng thời gian chúng còn có hai tác dụng quan trọng khác nữa là chống nóng và chống tiếng ồn. Tính cho đến nay đã có nhiều phương pháp sản xuất kiểu tường này. Ở đây chúng được tổ hợp bởi những tấm panel bằng sợi thuỷ tinh theo dạng túi nhỏ. Mỗi túi dành cho một cây chứa đựng một loại chất hữu cơ có khả năng giữ được nhiều nước. Những tấm panel này được chuẩn bị trước ba tháng tại xưởng sản xuất và có thể thay đổi kích thước tuỳ theo từng công trình. Chỉ cần một lớp chống thấm là chúng có thể được gắn lên tất cả các loại tường. Một hệ thống đường ống nước được đặt ngầm trong những tấm panel sẽ tưới cây theo thời gian đặt trước. Toàn bộ nước mưa thu từ mái nhà được đưa vào cùng hệ thống này.
- Ảnh bên: Sự sắp đặt của cây cối đã gửi đi một thông điệp rõ ràng ở bên ngoài mặt tiền ngôi nhà. Sự trung chuyển không gian từ ngoài vào trong được xử lý theo từng cấp, tường rào là những cánh cửa trượt bằng dây cáp được đặt lùi vào trong 2,5m để lại một khoảng sân kề vỉa hè. Cách bố trí này theo yêu cầu của chủ nhà luôn muốn ngôi nhà rộng mở để đón tiếp hàng xóm.
Ngôi nhà nằm trong một thửa đất rộng và dài khoảng 6 x 22m. Gia đình bao gồm một đôi vợ chồng cùng với ba người con ở tuổi thiếu niên và một người giúp việc. Mong muốn của họ là có được các không gian riêng tư cho các thành phần trong gia đình nhưng cũng không vì thế mà hoàn toàn biệt lập. Điều quan trọng là họ phải ở gần gũi với thiên nhiên, để được sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu của ông bà chủ nhà.
Công trình được thiết kế như một sự sắp đặt ba chiều của phong cảnh, nơi những không gian sống được đưa vào bên trong. Ngôi nhà có ba tầng với tầng 1 dài nhất bao gồm những không gian sinh hoạt chung, tầng 2 và tầng 3 xây thụt vào dành cho buồng ngủ và buồng tắm. Bản sàn tầng 2 và tầng 3 được xây cách hai tường bên 1m để ánh sáng tự nhiên xuống được tầng 1 và cũng là nơi thông gió cho nhà, cũng như tạo ra các tầm nhìn theo phương đứng. Để tạo thêm sự liên kết theo chiều đứng, một giếng trời được lấy thông suốt ba tầng. Từ đó những tầm nhìn đan chéo trong không gian làm cho ngôi nhà thoáng đãng hơn và tạo ra nhiều cơ hội liên kết giữa mọi người trong nhà với nhau hơn.
Ngôi nhà hoàn toàn hướng ngoại với toàn bộ mặt tiền mở rộng ra ngoài đường. Sự xuyên suốt trong không gian ấn tượng nhất ở tầng 1, bao gồm những chức năng như không gian đón khách, phòng ăn và không gian sinh hoạt chung, tất cả được phân chia bởi những bức tường “ảo” là những phần tử của thiên nhiên. Để tăng thêm sự xuyên suốt này, không gian giữa trong nhà và ngoài sân chỉ được ngăn bởi những tấm cửa trượt mảnh tổ hợp bởi khung thép và những sợi cáp căng. Vì thế ta mất hoàn toàn cảm giác giới hạn giữa trong nhà và ngoài đường.
Sự thay đổi chiều cao của trần nhà và sự mở thông của phòng ngủ tầng 2 đã cho phép ánh sáng ban mai đi vào được không gian sinh hoạt chung. “Với tất cả cây xanh, không khí và khí hậu mát mẻ với nước chảy xung quanh, chúng tôi thực sự cảm thấy như sống trên một ốc đảo với tất cả các điều kiện thuận lợi ở trung tâm thành phố. Buổi sáng thức dậy đi tắm, thư giãn, làm việc, nấu nướng và chợp đi một giấc, đó là tất cả những điều thú vị trong ngôi nhà của chúng tôi” Richard Wong (chủ nhà).
Ý tưởng sống cùng thiên nhiên mạnh nhất được tìm thấy ở không gian sinh hoạt chung. Hai bức tường “xanh” hai bên chạy hết chiều cao và bức tường sỏi vuông góc với chúng thông thẳng lên trên mái hứng những hạt nước mưa chảy xuống tận sàn nhà.
Sự cấu trúc của không gian kết hợp với sự sum suê của cây cối và nước đã tạo ra một vùng vi khí hậu mát trong nhà, nơi luôn có ánh sáng và gió tự nhiên. Ngôi nhà giống như khu rừng nhiệt đới không chỉ đã loại bỏ đi máy điều hoà, giảm rất nhiều ánh sáng nhân tạo mà còn toát lên một âm hưởng rất gần gũi và thân thiện.
Chưa bao giờ người ta nói đến kiến trúc sinh thái nhiều như những năm gần đây, sự huỷ diệt của con người đối với thiên nhiên đã làm cho trái đất có những vết thương không thể chữa nổi. Nhiều giải pháp kỹ thuật mới vẫn luôn được tìm ra để cải thiện cuộc sống. Nhưng khi nói nhiều đến kỹ thuật thì nghệ thuật như bị bỏ rơi, mà kiến trúc được cấu thành bởi hai nhân tố đó. Trong ngôi nhà Jalan Elok, kiến trúc sư Chang Yong Ter đã thành công trong việc sử dụng kỹ thuật để đáp ứng nghệ thuật. Hơn nữa việc tái tạo thiên nhiên để hoà cùng nhịp sống với con người là một giá trị cần phải hướng tới.
Từ phòng ăn nhìn vào không gian sinh hoạt chung. Độ cao của trần nhà thay đổi giữa hai không gian này.
Ánh nắng buổi chiều chiếu lên bức tường xanh (ảnh trái) / Nhìn từ không gian sinh hoạt chung (ảnh phải)
Giếng trời và các phòng ngủ ở tầng 2, 3. Sự liên hệ giữa khối và không gian, cùng với sự dàn cảnh của thiên nhiên (ảnh trái) / Cảnh trong nhà. Cầu thang được làm bằng những nan gỗ cho phép gió và ánh sáng xuyên qua (ảnh phải)
Cầu thang được làm bằng những nan gỗ cho phép gió và ánh sáng xuyên qua
Sự tổ hợp của những phần tử kiến trúc cho phép những tầm nhìn đan chéo trong không gian làm cho ngôi nhà thoáng đãng hơn và tạo ra nhiều cơ hội liên kết giữa mọi người trong nhà với nhau hơn.
Phòng của Tommy ở tầng 2 (ảnh trái) / Sự liên hệ của không gian (ảnh phải)
Phòng tắm được thông gió tự nhiên và cũng gần cây xanh.
Sân thượng ngôi nhà hoàn toàn có thể mang đến chất lượng thực sự của cuộc sống. Những chiếc nan thép có thể xoay để tránh những tia nắng chiếu trực tiếp.
Bức tường sỏi ở sau nhà cũng trở thành một phần tử thiên nhiên quan trọng. “Tất cả các phòng đều có hướng nhìn về cây xanh, sự yên tĩnh của tinh thần được thấy rõ khi những khoảng xanh nắm bắt được sự thay đổi của ánh sáng trong ngày” Richard Wong, chủ nhà phát biểu.
Đây là một trong những không gian thành công của ngôi nhà, vừa là bếp, vừa là không gian đón khách, nửa trong nhà, nửa ngoài đường. Cùng với sự sắp đặt của cây cối đã càng làm tăng thêm tính cách đặc biệt của không gian này.
Sự tác động của con người vào thiên nhiên luôn là một đề tài rất nhạy cảm, chúng ta sống không thể thiếu thiên nhiên nhưng với một xã hội tiêu thụ như hiện nay đã làm cho nhu cầu của con người ngày một gia tăng ảnh hưởng rất lớn tới chúng. Thiên nhiên không phải là nguồn tài nguyên vô tận, chúng ta đang huỷ hoại chúng hay chúng ta biết cách sử dụng chúng đúng nghĩa để phục vụ cho con người. Đó là câu hỏi không chỉ còn đặt ra cho những nhà khoa học mà là trách nhiệm của mỗi cá thể sống trên trái đất này. Nghĩ tới thiên nhiên cũng như nghĩ tới thế hệ tương lai của con em chúng ta.
KTS Chang Yong Ter - Ảnh: Albert Lim K.S, CHANG Architects
- Thuỷ trong nhà chú Hoả
- Chủ nghĩa Nhân đạo, Kiến trúc & Thiên tai
- Nhà ống: Mối liên hệ không gian theo mặt bằng tự do
- Công trình Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hà Nội)
- Mới trên nền cũ
- Công trình Caixa Forum ở Madrid
- Những sân bay đẹp nhất thế giới
- Kiến trúc bền vững – Sự kết hợp các yếu tố toàn cầu và địa phương
- Ngôi nhà siêu mỏng "River Side House" ở TP Tokyo
- Biệt thự "trăng lưỡi liềm" Mahina ở New Zealand