Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tương tác Phản biện Đô thị Việt Nam liệu đã sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu?

Đô thị Việt Nam liệu đã sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu?

Viết email In

LTS: Ngày 22/12/1989 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất lựa chọn thứ tư của tuần thứ hai, tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai. Đúng 20 năm sau, vào ngày 21/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất sửa đổi lại, lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai. Trước những kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của thế kỷ XXI liệu các đô thị Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai?  

Tình hình phát triển đô thị trên thế giới và ở Việt Nam

Quá trình đô thị hóa trên thế giới đã chỉ ra rằng một bộ phận lớn dân số của các quốc gia đang sống ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa toàn cầu về “đô thị”, Chính phủ ở các quốc gia đang sử dụng các phương pháp để đánh giá về đô thị như các tiêu chí về hành chính, quy mô dân số hoặc mật độ dân cư, các đặc trưng về kinh tế và hạ tầng cơ sở đô thị. 

Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong suốt thế kỷ trước, thế kỷ XX. Vào năm 1900, 15% của 1,5 tỷ dân số thế giới sống ở khu vực đô thị, khoảng 225 triệu người. Năm 1950, nửa đầu của thế kỷ XX tổng dân số thế giới là 2.503 triệu người trong đó dân số đô thị là 735 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa là 29,36%. Cuối thế kỷ XX, vào năm 2000 tổng dân số thế giới là 6.129 triệu người, dân số đô thị là 2.953 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa là 48,18%. Năm 2008 dân số đô thị của thế giới vượt qua ngưỡng 50% và năm 2011 dân số thế giới đã đạt mốc 7 tỷ người. Năm 1950 thế giới có 50 đô thị trên 1 triệu dân, đến năm 2006 đã tăng lên trên 400 đô thị. Như vậy số đô thị có dân số trên 1 triệu người trên thế giới trung bình tăng thêm 6 đô thị/năm trong giai đoạn 1950-2006, tức là cứ 2 tháng lại xuất hiện thêm 1 đô thị dân số trên 1 triệu người.

Ở Việt Nam, hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhất là từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây. Đầu thời kỳ đổi mới, vào năm 1986 số lượng đô thị trên cả nước là 480 đô thị, với dân số đô thị là 11,87 triệu người, chiếm 19,3% so với dân số cả nước, đến tháng 6/2012 đã tăng lên đến 758 đô thị, với dân số đô thị là 27,2 triệu người, chiếm 31% so với dân số cả nước. Như vậy trung bình số đô thị tăng thêm ở giai đoạn 1986-6/2012 là 11 đô thị/năm (tức là tăng gần 1 đô thị/tháng), tỷ lệ đô thị hóa tăng thêm 0,46 %/năm và dân số nội thị tăng thêm 0,6 triệu người/năm.

Thế giới thành lập tổ chức đánh giá biến đổi khí hậu

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế, thành lập năm 1873). Từ thế kỉ XIX, hội nghị Khí tượng Thế giới đã thường xuyên được tổ chức; đến năm 1947, chuyển thành tổ chức và có quy chế chính thức thành Tổ chức Khí tượng thế giới (23/3/1950); trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc (20/12/1951), đến năm 2012 có 189 thành viên (quốc gia và vùng lãnh thổ). Tổ chức Khí tượng Thế giới có trụ sở tại Giơnevơ, Thụy Sĩ, với sáu Hội khu vực gồm: 1) Châu Phi; 2) Châu Á; 3) Nam Mĩ; 4) Bắc, Trung Mĩ và Caribê; 5) Tây Nam Thái Bình Dương; 6) Châu Âu.

Việt Nam là thành viên từ năm 1975 và thuộc khu vực 5. Trong những năm qua, Tổ chức Khí tượng thế giới đã giúp Việt Nam đào tạo một số cán bộ chuyên ngành và một số dự án qua chương trình giúp đỡ tự nguyện, chương trình hợp tác kỹ thuật.

Năm 1988, Tổ chức Khí tượng thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp thành lập Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Ngày nay IPCC là tổ chức quốc tế hàng đầu về đánh giá BĐKH trên thế giới.

Biến đổi khí hậu toàn cầu

Số liệu quan trắc trong 100 năm qua (1906-2005) đã chỉ ra rằng nhiệt độ tăng trên toàn cầu và tăng nhiều hơn ở các vĩ độ cực Bắc, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,74oC, tốc độ tăng của nhiệt độ trong 50 năm gần đây gần gấp đôi so với 50 năm trước đó.

Năm 2010, theo báo cáo của WMO là năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ tương tự như các năm 1998 và 2005. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn nửa độ so với giai đoạn 1961-1990, trung bình toàn cầu (IPCC, 2007) mức cao nhất từng được ghi nhận đối với bất kì một giai đoạn 10 năm nào kể từ khi bắt đầu quan trắc khí hậu bằng thiết bị đo đạc (Michel Jarraud, 2011).

Lượng mưa trên phạm vi toàn cầu tăng lên ở các đới phía Bắc vĩ độ 30oB thời kỳ 1901-2005 và giảm đi ở các vĩ độ nhiệt đới, kể từ giữa những năm 1970. Ở khu vực nhiệt đới, mưa giảm đi ở Nam Á và Tây Phi với trị số xu thế là 7,5% cho cả thời kỳ 1901-2005. Ở đới vĩ độ trung bình và vĩ độ cao, lượng mưa tăng lên rõ rệt ở miền Trung Bắc Mỹ, Đông Bắc Mỹ, Bắc Âu, Bắc Á và Trung Á. Tần số mưa lớn tăng lên trên nhiều khu vực, kể cả những nơi lượng mưa có xu thế giảm đi (IPCC, 2007).

Tính từ 1,6 triệu năm đến nay đã có 5-6 chu kỳ biến động lớn. Đó là các thời kỳ băng hà kéo theo mực nước biển hạ thấp (biển lùi) và các thời kỳ gian băng (băng tan) kéo theo mực nước biển dâng cao (biển tiến). Vào các thời kỳ băng hà, nhiệt độ bề mặt Trái đất khô lạnh. Vào thời kỳ gian băng nhiệt độ bề mặt Trái đất đan xen giữa nóng ẩm và khô hạn. Vào các thời kỳ đó, biên độ dao động của nước biển (dâng, hạ) lên đến hàng chục, hàng trăm mét. Mỗi chu kỳ kéo dài hàng vạn, chục vạn năm. Mỗi chu kỳ như vậy còn được chia ra các chu kỳ ngắn hơn với thời gian kéo dài nhiều trăm năm đến nghìn năm với biên độ dao động mực nước biển 2-3 m hoặc hơn.

Hệ quả đồng hành với việc bề mặt Trái đất nóng lên luôn luôn là sự tan những khối băng vĩnh cửu ở hai đầu địa cực và trên đỉnh những dãy núi cao. Trong thế kỷ XX cùng với sự tăng lên của nhiệt độ mặt đất có sự suy giảm khối lượng băng trên phạm vi toàn cầu. Từ năm 1978 đến nay, lượng băng trung bình hàng năm ở Bắc Băng Dương giảm khoảng 2,1-3,3% mỗi thập kỷ (IPCC, 2007). Nhưng chưa bao giờ tốc độ tan băng lại diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô lớn như ngày nay. Chẳng hạn như ở Nam Cực, tháng 3/2002 các nhà khoa học tận mắt chứng kiến khối băng 500 tỷ tấn tan rã thành hàng nghìn mảnh; ở Bắc Cực, mùa hè 2002 lượng băng tan ở Greenland cao gấp đôi so với 1992, diện tích băng tan đã lên tới 655.000 m2. Hơn 110 sông băng và những cánh đồng băng vĩnh cửu ở bang Montana đã biến mất trong vòng 100 năm qua. Các sông băng sẽ biến mất khỏi dãy Alpes vào năm 2050 (nếu độ tan chảy duy trì như hiện nay)… 

Các cam kết về biến đổi khí hậu 


Hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu tổ chức tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), 7-18/12/2009. 

Vào năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh trái đất đã được tổ chức tại Thủ đô Rio de Janeiro (Brazil) bao gồm 150 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc để bàn về “Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC)”, thường gọi tắt là Công ước Khí hậu. Công ước Khí hậu đã được ký kết với mục tiêu cuối cùng của là “ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người vào hệ thống khí hậu”. Năm 1999 tại thành phố Kyoto (Nhật Bản) các bên Công ước Khí hậu đã cùng nhau bàn bạc và tiến đến ký kết Nghị định thư Kyoto về BĐKH. 

Tháng 12/2009 tại Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 15 các bên Công ước Khí hậu, tuy nhiên Hội nghị đã không đạt được những mục tiêu đề ra như cam kết ban đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh trái đất năm 1992. 

Việt Nam là một trong những nước sớm tham gia ký kết (11/6/1992) và phê chuẩn (16/11/1994) Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH. Việt Nam cũng đã sớm tham gia ký kết (11/3/1999) và phê chuẩn (18/11/1999) Nghị định thư Kyoto về BĐKH. 

Đô thị Việt Nam liệu đã sẵn sàng ứng phó ?

Nhận thức rõ những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, ngày 02/12/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tại Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg. Đây là một trong những thành công ban đầu quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững. Ba trong chín nhiệm vụ quan trọng của Chương trình là: (1) Đánh giá mức độ và tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; (2) Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH; (3) Xây dựng các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với BĐKH.

Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2015 yêu cầu hoàn thành việc xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương, từ đó triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị và các dự án phát triển đô thị theo các kịch bản biến đổi khí hậu.

Tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra kịch bản đầu tiên về BĐKH tại Việt Nam (kịch bản BĐKH Việt Nam 2009). Năm 2012, sau 3 năm nghiên cứu, bổ xung, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Kịch bản BĐKH, nước biển dâng 2012 liên quan đến xu thế BĐKH ở Việt Nam bao gồm các nội dung chính sau đây: 1) Sự gia tăng nhiệt độ; 2) Sự thay đổi lượng mưa; 3) Về xoáy thuận nhiệt đới; và 4) Sự dâng lên của nước biển.

Cả nước hiện có gần 760 đô thị, trong số đó có 335 đô thị thuộc 28 tỉnh, thành có đường biên sát biển, 70 đô thị thuộc 6 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động gián tiếp từ biển, các đô thị còn lại đều có thể bị ngập lụt do ảnh hưởng bởi mưa, bão, thiên tai, BĐKH. Liệu các đô thị Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai ? Xem ra câu trả lời vẫn đang còn ở phía trước./. 

PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo