Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Phát triển bền vững - Nhận diện từ giới chuyên môn

Phát triển bền vững - Nhận diện từ giới chuyên môn

Viết email In

Phát triển bền vững là một quan điểm và một cách tiếp cận quan trọng trong thời đại ngày nay. Trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, phát triển bền vững cũng là một chủ đề đang được nhiều người trong giới chuyên môn (GCM) quan tâm.

Vào giữa năm 2011, một cuộc khảo sát tìm hiểu nhận thức của GCM về Phát triển bền vững và Phát triển đô thị bền vững đã được triển khai tại Hà Nội. Nội dung khảo sát bao gồm: nhận thức chung về phát triển bền vững (PTBV), về phát triển đô thị bền vững, những yếu tố của phát triển đô thị bền vững về môi trường và về xã hội, những khó khăn, thách thức và các đề xuất nhằm thực hiện phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội trong tương lai.

Đối tượng khảo sát gồm 100 nhà chuyên môn hiện đang làm việc tại nhiều cơ quan, tổ chức tại Hà Nội. Đó là các chuyên gia về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch tại các Viện nghiên cứu; các nhà khoa học xã hội, kinh tế, báo chí; giảng viên các trường Đại học Kiến trúc và Xây dựng; lãnh đạo một số cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố; Lãnh đạo các Công ty xây dựng, tư vấn thiết kế, đầu tư; các doanh nghiệp về vật liệu xây dựng.

  • Ảnh bên: Tòa nhà "xanh" Unilever, TPHCM

Đây là khảo sát đầu tiên trên chủ đề nhận thức về PTBV và phát triển đô thị bền vững trong GCM ở Việt Nam với kết quả đem lại nhiều hiểu biết mới và lý thú. Dưới đây sẽ điểm lại một số phát hiện chính từ cuộc khảo sát này.

Trước hết, GCM đã có những nhận thức chung khá tốt về PTBV. Theo khảo sát 99% GCM được hỏi ý kiến đều khẳng định đã từng nghe đến cụm từ PTBV. Họ cũng đã biết tới 3 lĩnh vực chủ yếu của PTBV là kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, 92,8% GCM nhắc đến lĩnh vực môi trường, 88,7% nhắc đến lĩnh vực xã hội và 83,5% là 3 lĩnh vực chủ yếu của PTBV. Các lựa chọn ưu tiên cho mỗi lĩnh vực hoặc phát triển hài hòa, đồng thời cả 3 lĩnh vực đã được các nhà chuyên môn đề xuất, trong đó có chú ý  nhiều hơn về lĩnh vực môi trường.

Tuy nhiên, hiểu biết cụ thể hơn về PTBV của GCM, qua các văn bản pháp lý chính thức còn hạn chế. Chẳng hạn như chỉ có hơn một nửa (53,6%) GCM được hỏi ý kiến đã từng nghe nói đến “Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (còn gọi là “Chương trình Nghị sự 21”) của Chính phủ. 

Nói đến phát triển đô thị bền vững, GCM chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực môi trường. Các chuyên gia biết hầu hết các yếu tố tạo nên sự PTBV là về môi trường, khẳng định sự cần thiết phải sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng đô thị. Song việc biết cụ thể đến các dự án hoặc giải pháp có sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng thì còn hạn chế. Điều này không hẳn do hạn chế trong nhận thức của các chuyên gia, mà chủ yếu phản ánh việc áp dụng các giải pháp và công nghệ mới theo hướng PTBV, xây dựng xanh còn tương đối hạn chế ở Việt Nam.

Những ý kiến đánh giá và lựa chọn ưu tiên của GCM về các loại phương tiện giao thông đô thị của Hà Nội là đáng lưu ý. Đại đa số 97% GCM được phỏng vấn hiện đang sử dụng xe máy và ô tô cá nhân để đi lại, nhưng hầu như không một ai ủng hộ 2 loại phương tiện giao thông cá nhân này trong 10 năm tới. Thay vào đó, họ ưu tiên đề xuất và kỳ vọng vào các phương tiện giao thông công cộng mới, là loại hình có nhiều hứa hẹn như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe bus. Điều này khẳng định những chuyển biến trong nhận thức (và có thể trong quyết tâm) của GCM về các giải pháp lâu dài cho lĩnh vực giao thông đô thị ở Hà Nội. Đương nhiên, các các giải pháp này cần phải nằm trong hệ thống các giải pháp tổng thể, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và không gian của Hà Nội. Đó chính là phương diện thể chế và cơ chế quản lý của vấn đề.

GCM cũng đã có sự lựa chọn ưu tiên đối với các nội dung và hoạt động nhằm bảo đảm phát triển đô thị bền vững về xã hội. Mặc dù đây là một chiều cạnh phát triển đô thị bền vững chưa thật phổ biến trong nhận thức, GCM cũng rất ủng hộ các giải pháp trực tiếp góp phần ổn định đời sống xã hội ở đô thị như tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Còn nhận thức về các nhân tố gián tiếp tạo nên sự ổn định xã hội ở đô thị (như giảm phân hóa xã hội giàu nghèo, quan tâm tới các nhóm xã hội yếu thế, hay sự tham gia của người dân /cộng đồng), thì họ ít quan tâm hơn. Tuy nhiên GCM đã đưa ra những trật tự ưu tiên có nhiều nét hợp lý, đồng thời chỉ ra nhiều bất cập trong việc bảo đảm sự hài hòa và tính nhân văn trong phát triển đô thị bền vững về xã hội ở Hà Nội.

  • Ảnh bên: Khu đô thị sinh thái Malmo, Thụy Điển 

Sự tham gia của cộng đồng trong lập quy hoạch phát triển đô thị được GCM nhìn nhận như một yếu tố giúp thực hiện phát triển đô thị bền vững. Biểu hiện qua sự đồng thuận cao của các nhóm chuyên gia trong việc phải lấy ý kiến người dân trước hoặc trong khi lập quy hoạch. 71,0% các chuyên gia cho rằng phải lấy ý kiến người dân/cộng đồng “trước khi lập quy hoạch”. 27,0% cho rằng nên thực hiện việc này “trong quá trình lập quy hoạch”. Còn việc nên lấy ý kiến ở cấp quy hoạch này thì GCM có sự phân tán ý kiến. Điều này phản ánh những “phân vân” nào đó trong GCM về những cái được và những khó khăn thách thức khi thực hiện yêu cầu này.

Đặc biệt GCM có đánh giá khá tích cực về tác động của dư luận xã hội hay các phản biện xã hội đối với công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị ở Hà Nội thời gian vừa qua (như đã xảy ra với một số dự án, công trình xây dựng tại các địa điểm “nhạy cảm” ở trung tâm thành phố). Điều này tạo điều kiện cho sự gia tăng vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, đáp ứng những yêu cầu về công khai, minh bạch và dân chủ trong quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay.

Theo GCM, những khó khăn/thách thức trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội theo hướng bền vững nằm ở các vấn đề về định hướng chiến lược phát triển đô thị, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, và những yếu kém trong thể chế quản lý đô thị. “Xu hướng chạy theo tăng trưởng kinh tế trước mắt”; “Thiếu cơ chế và công cụ giám sát, đánh giá”; “Thiếu cán bộ chuyên môn” là 3 khó khăn/thách thức được nhiều chuyên gia đề cập đến.

Từ thực trạng nhận thức và thực tiễn nói trên, nhu cầu được đào tạo, nâng cao hiểu biết về phát triển đô thị bền vững là khá cao, với 70% ý kiến các chuyên gia được phỏng vấn đề cập tới. Nội dung các chủ đề, lĩnh vực cần được nâng cao kiến thức rất đa đạng. Kết quả này đặt ra nhiều vấn đề cho hoạt động đào tạo, truyền thông, nâng cao hiểu biết về PTBV, phát triển đô thị bền vững không chỉ cho người dân, mà cả cho GCM theo những yêu cầu riêng của họ.

Kết quả khảo sát cũng đã tập hợp nhiều đề xuất kiến nghị để Hà Nội PTBV trong tương lai. Theo đó GCM dường như muốn định hướng và kỳ vọng nhiều hơn vào các giải pháp chính sách, cơ chế tổ chức quản lý và điều hành của chính quyền, cùng các cơ quan chức năng của thành phố. GCM đang tích cực hỗ trợ cho việc tăng cường áp dụng quan điểm PTBV một cách toàn diện, bao gồm cả các chiều cạnh thể chế, chính sách, xã hội và môi trường cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội và các đô thị khác ở nước ta.

GS.TS. Trịnh Duy Luân - Viện Xã hội học


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo